Công nghệ in 3D đang ngày càng được phát triển mạnh mẽ và dường như nó đang có những tác động không nhỏ làm thay đổi kiến trúc của thế giới.

Trong thập kỷ vừa qua, công nghệ in 3D được các nhà khoa học quan tâm phát triển nhiều nhất và có nhiều bước tiến mang tính đột phá cao. Một số người cho rằng, đây là công nghệ khởi đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp mới làm thay đổi diện mạo thế giới của chúng ta nhưng một số khác lại chỉ ra những hạn chế của công nghệ này và nó dường như đang ảnh hưởng không nhỏ đến kiến trúc và thiết kế chung của toàn xã hội.

                   Trung Quốc tạo mẫu nhà từ công nghệ in 3D. (Ảnh: ArchDaily)

Công nghệ in 3D do một kỹ sư người Mỹ có tên là Chuck Hull sáng tạo ra năm 1986 và ông được cấp bằng sáng chế trong chính năm đó. Ban đầu chúng được sử dụng nhiều trong công nghiệp sản xuất ô tô khi tạo ra những khuôn mẫu một cách nhanh chóng, tiện lợi và chính xác. Không những vậy việc áp dụng công nghệ này đã làm giảm đáng kể chi phí so với những phương pháp tạo mẫu truyền thống khác. Quá trình in 3D chính là việc sắp xếp các vật liệu lên thành từng lớp theo một bản vẽ xác định.

Hà Lan xây dựng cầu dân sinh bắc qua sông bằng công nghệ in 3D. (Ảnh: Le Moniteur)

Tuy nhiên có một điều dễ nhận thấy là vật liệu được sử dụng trong công nghệ in 3D thường khá ít. Chúng chủ yếu được làm từ các loại nhựa tổng hợp chứ không dùng bê tông hay thép thông thường. Nhưng những vật liệu này hiện được cho là có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Một số vật liệu tự nhiên mới đang được nghiên cứu sử dụng như tre, nữa, gỗ song vẫn chưa có kết quả khả quan.

Những ưu điểm của công nghệ in 3D như giảm chi phí, giảm thời gian, tính chính xác….thì không thể bàn cãi. Nhưng ở một số nơi người ta đang lạm dụng công nghệ này để ăn cắp ý tưởng, sao y bản chính những công trình, kiến trúc vốn mang tính nghệ thuật và khoa học của nền văn minh thế giới, điển hình trong số này là Trung Quốc.

Công nghệ in 3D rất dễ thực hiện nên bị sao chép vô cùng đơn giản. (Ảnh: 3dprinterchat.com)

Tuy nhiên để có thể in được một ngôi nhà hoàn chỉnh với những đường cong mềm mại là không dễ. Khi đó phải cần một máy in khổng lồ, quy mô phải thực sự rộng lớn. Ở một số nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Italia, Đức, Nga…cũng đều quan tâm chú ý phát triển công nghệ này ở mức độ và quy mô lớn hơn. Một số cây cầu dân sinh, các bộ phận xây dựng riêng lẻ, nhất là các thiết bị ứng dụng trong ngành y tế, hàng không vũ trụ cũng đã được chế tạo từ công nghệ in 3D. Tuy nhiên kích thước của chúng còn bé, vật liệu nguồn chưa đa dạng, hình dạng kiến trúc còn đơn giản.

Nga sử dụng công nghệ in 3D từ vật liệu bê-tông để xây dựng. (Ảnh: Geektimes)

Nhìn chung để xây dựng được một ngôi nhà hay một kiến trúc thực sự từ công nghệ in 3D là một việc vô cùng khó khăn, thậm chí rất tốn kém. Cho đến nay chúng vẫn phải được tiến hành theo những phương pháp truyền thống. Công nghệ in 3D vẫn chưa gây ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc và thiết kế. Tuy nhiên khi kỹ thuật và công nghệ mới giải quyết được những vấn đề còn tồn tại của in 3D chắc chắn kiến trúc của thế giới sẽ bị phá vỡ.

Sơn Tùng