Apple đã tự đưa mình vào tình thế trớ trêu bằng việc từ chối yêu cầu của FBI mở khóa chiếc iPhone của một tay súng ở San Bernardino. Trong khi Apple đang ra vẻ bảo vệ quyền riêng tư của người dùng tại Hoa Kỳ, thì hãng lại phối hợp chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc trong các vấn đề tương tự, và việc từ chối hợp tác với FBI có thể là để hướng tới thị trường Trung Quốc.

Một thẩm phán ở New York đã đưa ra một phán quyết có lợi cho Apple vào ngày 29/2 rằng hãng không nhất thiết phải giúp các nhà điều tra mở khóa iPhone 5C của tay súng Syed Rizwan Farook cùng với vợ của y ở San Bernardino. Farook đã giết chết 14 người trong một cuộc tấn công khủng bố vào ngày 2/12/2015.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận không dừng lại ở đó sau khi Apple tiếp tục phản kháng lại một phán quyết của tòa án California về việc tạo ra phần mềm chuyên dụng nhằm giúp FBI giải mã điện thoại.

Đây không phải là một vấn đề đơn giản như chúng ta nhìn thấy ở bề mặt. Bất kể Apple đã làm gì tại Trung Quốc, thì hãng có thể bị ép buộc phải tạo ra một hệ thống làm suy yếu quyền riêng tư của người sử dụng tại Hoa Kỳ.

Steven Mosher, Chủ tịch Viện nghiên cứu Dân số và là một nhà phê bình mạnh mẽ về những vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn điện thoại rằng ông ủng hộ Apple về luận điểm này.

Điều gì sẽ xảy ra khi những người tạo ra cửa hậu (backdoor) này được Trung Quốc tuyển dụng với mức lương một triệu đô la một năm?

– Steven Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số

Mosher không quan tâm đến những tranh cãi trên, mà điều ông lo lắng là những điều người tiêu dùng phải đối mặt nếu Apple thực sự tạo ra phần mềm để giải mã dữ liệu của chính nó.

Ông nói: Nếu Apple tạo ra công nghệ như vậy, thì “chỉ 2 phút sau khi ra đời, nó sẽ bị Trung Quốc đánh cắp và không một chiếc iPhone nào sẽ được an toàn sau đó”.

Đây không chỉ đơn giản là việc Apple tạo ra một cửa hậu cho chiếc điện thoại của mình, và công nghệ này chỉ được sử dụng một lần, mà “điều gì sẽ xảy ra khi những người tạo ra backdoor này được tuyển dụng bởi Trung Quốc với mức lương một triệu đô la mỗi năm?”

Tranh biếm hoạ của tác giả Carson
Tranh biếm hoạ của tác giả Carson

Bảo mật người dùng

Theo trang web chính thức của Apple, hãng nhận được khoảng 750 đến 999 yêu cầu liên quan đến an ninh quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2015. Hãng lưu ý rằng “số lượng khách hàng bị yêu cầu cung cấp thông tin từ chính phủ là ít hơn 0,00673%.”

Tuy nhiên, chính sách này đã thay đổi, khi các thiết bị chạy trên hệ điều hành iOS 8 hoặc các dòng hệ điều hành sau này. Theo Apple, điều này có liên quan đến chính bản thiết kế phần mềm.

“Trên các thiết bị chạy iOS 8 và các phiên bản sau này, dữ liệu cá nhân được bảo vệ bởi mật mã”, hãng thông báo và lưu ý thêm rằng trên các thiết bị chạy iOS 8 và các phiên bản sau đó “Apple sẽ không trích xuất dữ liệu iOS theo những yêu cầu từ chính phủ”.

Hãng đưa ra lý do rằng các file chạy trên các thiết bị đó được bảo vệ bởi mã hóa gắn với mật mã của người sử dụng mà “bản thân Apple không biết.”

Theo hồ sơ tòa án, thì chiếc điện thoại của tay súng ở San Bernardino chạy iOS 9. Tuy nhiên, yêu cầu của chính phủ liên bang được gửi vào ngày 16/2 khẳng định “Apple vẫn có khả năng hỗ trợ chính phủ để truy cập vào THIẾT BỊ [của nghi phạm] theo các lệnh tìm kiếm”.

Một số chuyên gia đồn đoán rằng sự quan tâm thực sự của Apple không phải là bảo mật quyền riêng tư của người sử dụng, thay vào đó là mục đích kinh doanh – và tất cả là để có thể quay trở lại thị trường Trung Quốc.

Apple đang rất háo hức hợp tác với các nhà chức trách Trung Quốc

Động cơ ở đây là Apple mong muốn theo đuổi thị trường toàn cầu, và đặc biệt là thị trường Trung Quốc, rằng FBI không thể cứ kiểm soát và yêu cầu dữ liệu“, James Lewis, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói với tờ Los Angeles Times.

Tuy nhiên, Lewis nói thêm rằng giả sử mọi thứ đi theo chiều hướng khác, “tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận [Apple] mã hóa end-to-end hoặc từ chối hợp tác với cảnh sát của họ, đặc biệt là trong trường hợp khủng bố.” End-to-end là loại mã hoá mà chỉ người gửi và người nhận thông tin xem được, vì chỉ duy nhất họ sở hữu chìa khoá giải mã.

(Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
(Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Apple ở Trung Quốc

Giống như hầu hết các công ty công nghệ cao của Hoa Kỳ, Apple bị chỉ trích ở Trung Quốc và các nước khác vào cuối năm 2013, sau khi cựu nhân viên tình báo NSA Edward Snowden tiết lộ thông tin về các chương trình gián điệp của Hoa Kỳ.

Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng những tranh cãi về vụ việc của Snowden để từ chối thẳng các hãng công nghệ của Mỹ, và thúc đẩy các chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm do thám dữ liệu người dùng – còn Apple thì đang rất háo hức hợp tác với nhà chức trách Trung Quốc.

Ngay sau đó, vào tháng 8/2014, Apple bắt đầu lưu trữ dữ liệu người dùng Trung Quốc tại trung tâm dữ liệu của China Telecom. Công ty này là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây duy nhất cho Apple tại Trung Quốc.

Apple tuyên bố rằng dữ liệu người dùng vẫn được mã hóa, nhưng các chuyên gia khi đó đã chỉ ra rằng China Telecom có quyền truy cập vào tất cả các dữ liệu đi qua máy chủ, và chúng có thể bị giải mã.

Các chính sách dường như “vô hại” như thế này không phải là hiếm ở những nước đòi hỏi quyền truy cập vào dữ liệu được mã hóa.

Research In Motion (RIM), hãng sản xuất điện thoại BlackBerry, đã phải đối mặt với những tranh cãi tương tự từ năm 2008 đến năm 2012, khi một số quốc gia nước ngoài đã tức giận về việc không thể bẻ được thư điện tử đã được mã hóa.

RIM cuối cùng đã phải đầu hàng vào tháng 2/2012 và cài đặt một máy chủ của BlackBerry tại Mumbai. Crackberry, trang web chuyên bẻ khóa BlackBerry đã thông báo rằng, “Việc thiết lập những máy chủ này cho phép các quan chức Ấn Độ có thể ‘chặn các dịch vụ gửi tin nhắn một cách hợp pháp“.

Một tháng sau khi Apple chuyển dữ liệu người dùng ở Trung Quốc đến các hệ thống máy chủ được kiểm soát bởi Telecom Trung Quốc vào năm 2014, Apple cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự như RIM. Reuters đưa tin vào 18/9/2014 rằng Apple đã đăng tải một danh sách việc làm cho “người đứng đầu cơ quan hành pháp tại Bắc Kinh để đối phó với những yêu cầu về dữ liệu người dùng từ chính phủ Trung Quốc.”

Những gì ông nói sẽ không được tính. Sản phẩm mới của ông phải trải qua kiểm tra an ninh của chúng tôi.

– Lưu Vĩ, giám đốc Văn phòng Thông tin Internet của Trung Quốc cho hay.

Việc Apple hợp tác với chính quyền Trung Quốc vẫn chưa kết thúc ở đó. Vào tháng 1/2015, Giám đốc điều hành của Apple là Tim Cook đã gặp Lưu Vĩ, giám đốc Văn phòng thông tin Internet – tổ chức này chịu trách nhiệm về việc kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc.

Ông Cook đã nói với ông Lưu rằng Apple sẽ không bao giờ cung cấp thông tin cửa sau cho bên thứ ba hoặc cho phép tiếp cận thông tin.

Ông Lưu đáp lời rằng, “Những gì ông nói sẽ không được tính. Sản phẩm mới của ông phải trải qua sự kiểm tra an ninh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa ra kết luận của riêng của chúng tôi, và để người dùng có thể cảm thấy an toàn khi sử dụng các sản phẩm này.

Hiện chưa rõ những gì đã xảy ra kể từ đó, nhưng như tờ LA Times đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc vào tháng 1/2015 cho biết Apple trở thành công ty nước ngoài đầu tiên đồng ý với các quy định của Cục Quản lý không gian ảo của Trung Quốc. Apple cũng đưa ra một số tín hiệu cho biết chính quyền Trung Quốc đã công nhận iPhone 6 tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Tờ LA Times cho biết thêm, Apple một lần nữa cũng đưa ra một số tín hiệu tương tự về việc chấp thuận này của chính quyền Trung Quốc vào ngày 22/3.

Joshua Philipp, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Ánh Sao biên dịch

Xem thêm: