Các tàu chở dầu của Nga đã cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên ít nhất 3 lần trong những tháng gần đây bằng cách giao hàng trên biển, Reuters dẫn nguồn tin từ 2 nguồn an ninh cao cấp của Tây Âu.

Việc bán các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới và là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), đã vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ, các nguồn an ninh khẳng định.

Việc giao hàng diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 cho thấy việc buôn lậu từ Nga sang Triều Tiên đã chuyển sang hình thức giao hàng trên biển. Hồi tháng 9, tin tức Reuters cho hay tàu Triều Tiên trực tiếp đến Nga và mang nhiên liệu về nước.

“Các tàu Nga đã thực hiện việc chuyển hàng hóa dầu sang tàu của Triều Tiên vài lần trong năm nay, vi phạm lệnh trừng phạt”, nguồn tin an ninh đầu tiên nói với Reuters.

Nguồn tin thứ hai cũng xác nhận việc tàu Nga bán dầu cho Triều Tiên trên biển, nhưng cho biết chưa có bằng chứng về sự can thiệp của nhà nước Nga: “Không có bằng chứng nào cho thấy việc này có sự hậu thuẫn của nhà nước Nga, nhưng các tàu Nga này đang ném phao cứu sinh cho Triều Tiên”.

Hai nguồn an ninh trích dẫn tình báo hải quân và hình ảnh vệ tinh của các tàu hoạt động ngoài các cảng Viễn Đông của Nga trên Thái Bình Dương, nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết vì đây là thông tin mật.

Bộ Ngoại giao Nga và Cơ quan Hải quan Nga đã từ chối bình luận khi được hỏi về tin tức này. Chủ tàu của một con tàu bị buộc tội buôn lậu dầu sang Triều Tiên cũng phủ nhận tất cả cáo buộc.

Báo cáo mới nhất được đưa ra khi Trung Quốc vừa phản ứng lại lời chỉ trích của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Sáu 29/12, phủ nhận việc nước này đã vận chuyển trái phép các sản phẩm dầu sang Triều Tiên.

Triều Tiên dựa vào nhiên liệu nhập khẩu để giữ nền kinh tế đang gặp khó khăn. Họ cũng cần dầu lửa cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và chương trình hạt nhân mà Mỹ cảnh báo đang đe dọa hòa bình ở châu Á.

Reuters cho biết họ không thể kiểm tra việc các tàu đã chuyển nhiên liệu cho Triều Tiên, và liệu nhà nước Nga biết về giao dịch thương mại này không, cũng như có bao nhiêu tàu Nga tham gia vào việc buôn lậu và bao nhiêu dầu đã được bán.

Dữ liệu định vị vệ tinh được tư vấn bởi Reuters và có sẵn trên Reuters Eikon cho thấy các hoạt động bất thường của một số tàu Nga bị các nguồn an ninh nêu tên, như bao gồm tắt các thiết bị tiếp sóng (transponder) cung cấp vị trí chính xác của tàu.

Các nguồn tin an ninh cho hay chiếc tàu chở dầu Vityaz của Nga là một trong các tàu chuyển nhiên liệu cho các tàu của Triều Tiên. Nhưng chủ tàu này phủ nhận cáo buộc.

VITYAZ

Theo các tài liệu kiểm soát cảng của Nga, tàu Vityaz đã rời cảng Slavyanka gần Vladivostok ở Nga vào ngày 15/10 với 1.600 tấn dầu.

Các tài liệu gửi bởi đại lý của tàu đến cơ quan Kiểm soát Cảng Quốc gia Nga đã cho thấy điểm đến của họ là một đội tàu đánh cá trên biển Nhật Bản. Số liệu vận chuyển cho thấy tàu đã tắt transponder của nó trong một vài ngày khi đi vào vùng biển quốc tế.

Theo các nguồn an ninh của Châu Âu, Vityaz đã tiến hành một chuyến giao hàng trên biển với tàu chở dầu Sam Ma 2 của Triều Tiên ở biển quốc tế trong tháng 10.

Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy chiếc Sam Ma 2 cũng đã tắt transponder của nó từ đầu tháng 8.

Yaroslav Guk, Phó Giám đốc của công ty Alisa Ltd ở Vladivostok – chủ tàu chở dầu, cho biết tàu không có quan hệ với các tàu của Triều Tiên.

“Hoàn toàn không, điều này rất nguy hiểm”, Guk nói với Reuters qua điện thoại. “Hoàn toàn điên rồ”.

Khi được liên lạc lần thứ hai, Guk nói rằng tàu không có bất kỳ mối liên hệ nào với các tàu của Triều Tiên và ông sẽ không trả lời thêm câu hỏi nào.

Một quan chức của East Coast Ltd, đại lý vận tải của tàu, từ chối bình luận.

Hai tàu chở dầu khác của Nga đã thực hiện các chuyến đi tương tự giữa giữa tháng 10 và tháng 11, rời khỏi cảng Slavyanka và Nakhodka đến những vùng biển mở, nơi họ tắt các transponder.

Tháng 9 vừa qua, Reuters báo cáo rằng ít nhất 8 tàu ​​của Triều Tiên đã đến Nga mua lại nhiên liệu.

Triều Thiên