Sau suốt 2 năm vắng bóng trên cộng đồng bánh trái, Blogger ẩm thực Vũ Ánh Nguyệt đã trở lại với cuốn sách “Mùi của bếp”. Chị, với vóc dáng nhỏ nhắn, có cái tên thân mật là Nguyệt “Vả”, được gọi là “đại ca” “bang chủ” của nhóm “Bakingfun”, đã làm nên nhiều kỳ tích. Chị thực sự truyền lửa cho cộng đồng làm bánh dù đã trải qua biến cố tưởng chừng không vượt qua được… 

Vũ Ánh Nguyệt là cái tên không xa lạ trong cộng đồng làm bánh không chuyên ở Việt Nam. Chị là một food blogger nổi tiếng ngày từ khi số người làm bánh homemade chỉ đếm trên đầu ngón tay. Baking fun là nơi chị chia sẻ những công thức làm bánh, những bí quyết  đặc biệt và mẹo vặt hữu ích cho những ai yêu bánh ngọt và muốn thử sức làm đầu bếp. 

Trở lại lần này, chị ra mắt cuốn sách thứ 2 “Mùi của bếp” vào hôm 25/3 vừa qua. Vượt trên mong đợi của chị, trong buổi ra mắt, cuốn sách được đông đảo người hâm mộ đón nhận. Chị Nguyệt không khỏi xúc động khi vẫn còn nhiều người luôn chân thành theo dõi sau 2 năm chị gần như bỏ quên đam mê của mình.

Vì sao lại là “Mùi của bếp”?

“Các bạn có biết không, cái mùi của bếp của chúng ta nó đặc biệt lắm, không gian bếp nào giống gian bếp nào. Mỗi một căn bếp đều có hương vị riêng của nó, của những bà chúa bếp thổi hồn và hương thơm vào trong đó, cùng với tình yêu thương của họ”. (Lời ngỏ – Mùi của bếp)

Chị đã mất rất nhiều thời gian để thai nghén cuốn sách thứ hai. Ba năm trước, ⅔ cuốn sách đã được hoàn thiện, nhưng biến cố gia đình khiến chị chùn bước. Người chồng thân yêu của chị vật lộn với căn bệnh ung thư và rồi qua đời. Suốt 2 năm đó, đã có lúc chị tưởng rằng không thể tiếp tục viết, bỏ rơi đứa con tinh thần ấp ủ bấy lâu. Nhưng thật may mắn, người thân và bạn bè luôn ở bên, động viên chị. Rốt cuộc, “Mùi của bếp” đã ra lò, trong sự hân hoan của độc giả và niềm hạnh phúc vô bờ của “bang chủ”, vì chị đã chiến thắng chính bản thân mình và chiến thắng nghịch cảnh của số phận.

Nếu cuốn sách thứ nhất “Hành trình bếp bánh” làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng các cuốn sách dạy nấu ăn, là những tác phẩm lung linh sắc màu đầy sức sống như một bức tranh mùa hè sống động với đủ các món bánh tráng miệng thơm ngon, đẹp đẽ và tinh tế, thì cuốn sách thứ hai này mang một phong cách trầm tĩnh, sâu lắng như một bức tranh mùa thu thi vị mà nhiều suy tư.

Với rất nhiều công thức thú vị, đơn giản, dùng nguyên liệu có lợi cho sức khoẻ, cùng những bức ảnh do chính tay chị chăm chút, “Mùi của bếp” là cả tấm lòng và tâm tư chị đặt vào căn bếp tưởng chừng đã nguội lạnh của mình. Trải qua biến cố, mất đi người chồng đồng hành, trải nghiệm cuộc sống khiến chị khác đi, nét thâm trầm và dạn dĩ thể hiện trong xuyên suốt cuốn sách.

Và cũng bởi thế mà cuốn sách khiến nhiều người thấy có vẻ trầm với tông màu tối. Có lẽ “mình đã già rồi, không còn trẻ, mình muốn mang tất cả những điều giản dị xảy ra trong cuộc sống, như chính con người mình, vào trong cuốn sách”.

Với cuốn sách này chị muốn dành tặng người yêu làm bánh 30 công thức về bánh mì mềm – bánh mì ngọt. Bánh mì là thực phẩm phổ thông, rất gần gũi với mọi lứa tuổi, quá quen thuộc với tất cả mọi người nhưng vào tay “đại ca” thì nó sẽ trở nên khác hẳn. Mỗi người sẽ giữ cho riêng một cảm nhận riêng biệt về những công thức bánh của chị Nguyệt.

Trò chuyện với chị, chúng tôi hiểu hơn về chặng đường đến với “Mùi của bếp”.

Phóng viên (PV): Đam mê làm bánh của chị bắt nguồn từ đâu?

Chị Vũ Ánh Nguyệt: Chuyện này thì khá là hài hước. Nó bắt nguồn cách đây gần 16 năm. Con gái mình lúc ấy 2 tuổi, rất còi. Chính vì vậy nên mình muốn tìm hiểu món ăn và bánh có nhiều chất dinh dưỡng như bơ, đường, sữa với hi vọng con gái mình sẽ béo hơn một chút. Khi mình tìm hiểu và học hỏi bạn bè xung quanh thì mình chợt phát hiện ra đam mê của mình, nên ngày nào mình cũng làm, như một con thiêu thân.

Ngày đó có người bạn nói rằng mình không thể kéo dài đam mê này qua 6 tháng, nhưng sau này họ đã phải… chịu mình! Và mình thấy cuộc sống thật kỳ lạ khi đã giúp mình tìm ra đam mê từ một tình huống thật… đơn giản!

Trong bất kỳ người phụ nữ nào cũng có tiềm ẩn một khả năng nấu ăn hay làm bánh. Mình nghĩ trên đời này không gì là không thể làm được, chỉ là mình đã muốn làm nó hay chưa mà thôi.

PV: Sau thành công vang dội của cuốn sách đầu tiên, chị muốn gửi gắm thông điệp khác biệt gì trong cuốn sách thứ 2 “Mùi của bếp”?

Chị Vũ Ánh Nguyệt: Đối với cuốn sách này, thông điệp mình muốn truyền tải tới cộng đồng không phải chỉ là những công thức. Cái tên “Mùi của bếp” rất giản dị, mình chỉ muốn “Mùi của bếp” sẽ là hương thơm của tình yêu, là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Vì khi nói đến mùi của bếp, nó gợi cho các bạn đến một bữa cơm gia đình rất ấm cúng, có đầy đủ các thành viên sau một ngày lao động mệt mỏi. “Mùi của bếp” là sự nổi lửa trong căn bếp đó, là sự làm chủ của người phụ nữ. Chính họ gửi gắm tình yêu của mình thông qua những món ăn để tạo nên hương vị riêng trong căn bếp của họ.

PV: Bí quyết ‘sống còn’ trong những chiếc bánh của chị là gì?

Chị Vũ Ánh Nguyệt: Đó chính là tình yêu. Khi đặt tình cảm vào từng món ăn, mỗi món ăn đều trở thành một tuyệt tác diệu kỳ.

PV: Cuộc sống của chị có phải là nguyên liệu cho những chiếc bánh chị tạo ra?

Chị Vũ Ánh Nguyệt: Cũng có thể nói là như vậy. Hai năm trước đây mình gặp một biến cố rất lớn trong đời, đánh dấu một sự thay đổi, một bước ngoặt. Trước đây mình khá cởi mở, hoà đồng, mình tham gia rất nhiều công tác xã hội. Khi mà việc đó xảy ra thì suy nghĩ về cuộc sống của mình khác đi… Mình không biết được tương lai của mình thế nào, nên mình cứ sống với những gì tốt nhất cho hiện tại, làm tất cả những gì có thể cho người thân của mình. Và bạn biết không, khi tinh thần bạn như thế nào, thì món ăn của bạn làm ra sẽ mang đầy những tâm tư, tình cảm đó đấy. Chính vì thế, những chiếc bánh hay món ăn bạn làm ra, sẽ chính là nguyên liệu được chiết suất từ chính cuộc sống, phản ánh đúng tâm tư của người làm ra nó.

PV: Căn bếp của chị đã từng được tạo ra vì gia đình, sau biến cố, chị có bao giờ nghĩ rằng động lực làm bánh của mình đã biến mất?

Chị Vũ Ánh Nguyệt: Đã có thời gian mình buông xuôi. Mình để kệ mọi thứ trôi đi, đến đâu thì đến. Lúc đó mình quá mệt mỏi sau một thời gian dài cả cơ thể và tâm trí phải gồng lên gánh vác mọi việc trong gia đình. Mình đã nghĩ không thể tiếp tục viết cuốn sách này dù ⅔ cuốn sách đã được hoàn thành từ gần 3 năm trước. Suốt 1 năm mình toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, và 1 năm sau đó mình dành để hàn gắn vết thương. Thế nhưng cuộc sống luôn tiếp diễn, và mình vẫn phải tiếp tục, cho nên mình quyết định phải tiến lên phía trước.

PV: Có phải chị rất tin vào tâm linh và Phật giáo?

Chị Vũ Ánh Nguyệt: Trước đây mình có thể nói là người không mấy để ý tới điều này. Nhưng sau khi biến cố xảy ra, mình có khoảng thời gian suy nghĩ về bản thân. Mình tìm về tâm linh để lấy lại sự an yên trong lòng, và mình đã có những thay đổi khi nghĩ về tâm linh hay Phật giáo. Mình nghĩ rằng chồng mình không phải mất hẳn đi, mà có lẽ anh ấy chỉ chuyển từ vật chất này sang một trạng thái vật chất khác. Và biết đâu ngày hôm nay anh ấy cũng đang có mặt ở đây để cổ vũ động viên mình.

PV: Chị muốn nhắn nhủ điều gì đến những người hâm mộ?

Chị Vũ Ánh Nguyệt: Hãy sống vì hiện tại, hãy trân trọng những phút giây mà mình đang có, đừng nên bỏ lỡ bất kì phút giây hạnh phúc nào. Tương lai thì chưa đến, quá khứ thì đã qua, nên hãy cố gắng sống trọn vẹn từng giây phút cho ngày hôm nay.

“Mùi của bếp” là hương thơm dạn dĩ dành cho những người thân yêu…

Sau những phút trải lòng chân thành, chị thầm cảm ơn những người thân, người bạn “thật và ảo” vì đã kéo chị ra khỏi thời gian bi đát nhất. Và chị đã trở lại thật sự, sau những tháng ngày không mấy dễ dàng…

“Thực sự hôm nay mình cảm thấy rất vui, rất xúc động trước tình cảm của những người đã theo dõi mình đến cả chục năm.”

“Mình không phải là người có quá nhiều bạn, nhưng mình hay nói, mình là người giàu có, giàu có bởi tình bạn và tình cảm của các bạn dành cho mình. Đi tới đâu, mình cũng có những người bạn sẵn sàng đón đi chơi, hay chỉ tạt qua gặp mặt trong giây lát, để dúi cho mình những món quà nho nhỏ. Tại sao mình có người yêu quý như vậy, mình thấy không thể bỏ rơi những tình cảm đáng quý như thế. Chính các bạn đã tiếp lửa để mình tiếp tục đi trên con đường của mình, hành trình của mình…”

Cuối cùng, cuốn sách cũng là một lời chúc, lời động viên tình thần chị gửi tới hai con gái.

“Thương yêu tặng hai con Xê-kô và Sóc Xoăn của mẹ

Dù cuộc sống sau này có như thế nào, cuộc đời có mang lại đau khổ hay hạnh phúc cho chúng ta, thì mẹ mong rằng các con sẽ luôn đứng vững. Hãy biến cái không thể thành điều có thể, biến đau khổ thành niềm vui và hãy luôn lan toả tình yêu thương, sự sẻ chia tới tất cả mọi người từ những việc tưởng chừng như đơn giản nhất.

Mùi của bếp sẽ gợi nhớ tới một gia đình đầm ấm, hạnh phúc và quây quần bên nhau để hít hà cái hương thơm tình yêu đó vào mỗi buổi chiều muộn. Dù cho bố hay mẹ không thể bên cạnh các con, nhưng chắc chắn, ở đâu đó, bố – mẹ vẫn dõi theo, thương yêu, và đồng hành cùng các con. Mẹ mong rằng, các con sẽ lan toả được thử tình yêu đó và trân trọng hương vị tình yêu này với nhưng kỉ niệm đẹp đẽ đã qua, để cùng nhau mỉm cười hạnh phúc.”

Chị Ánh Nguyệt khiến tôi nhớ lại bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Walt Disney “Ratatouille”. Tôi thấy chị cũng giống như chú chuột tài năng đó, đam mê nhưng gặp nhiều thử thách, tuy nhiên, cuối cùng tình yêu chân chính với ẩm thực đã chiến thắng. Đúng là, “Không phải ai cũng có thể trở thành một nghệ sĩ, nhưng một người nghệ sĩ có thể đến từ bất cứ đâu”.

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên

Thiện Phong