Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.

Trong lịch sử khó tìm được một vị quốc sĩ nào như ông, không những nổi danh ở đất Việt mà còn “mang chuông đi đánh xứ người” khiến cho ngoại bang phải nể phục. Cuộc đời ông giống như một hành trình phiêu lưu kỳ thú. Chúng ta đang nói đến lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Xem thêm: Kỳ 1

Bắn rụng Mặt trời ngay giữa sân Thiên triều

Khi đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay), thấy Mạc Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên lại tỏ ý khinh khi. Trong buổi tiếp kiến đầu tiên, người triều Nguyên đã ra câu đối:

“Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố”.

Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng. Hàm ý là đại quốc đủ sức đốt cháy nước nhỏ.

Mạc Đĩnh Chi đã đối lại:

“Nguyệt cung tinh đan, hoàng hôn xạ lạc kim ô”.

Nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, chiều tới bắn rụng Mặt trời.

Lời đối khiến vua Nguyên rất bất ngờ, bàng hoàng nhưng phải thừa nhận là đối rất chuẩn, rất hay, lại có chí khí anh hùng. Từ đó vua quan nhà Nguyên mới nhìn vị sứ giả thấp bé, xấu xí này bằng một con mắt khác, không còn có ý coi thường nữa.

Tranh minh họa.

Văn tế công chúa

“Việt sử tiêu án” của Ngô Thì Sĩ có kể lại một câu chuyện như thế này. Trong thời gian đoàn sứ bộ của Mạc Đĩnh Chi lưu lại ở Yên Kinh, có một công chúa nhà Nguyên chết. Mạc Đĩnh Chi được cử đứng ra đọc văn tế. Để thử tài ông, quan Bộ Lễ trao cho ông trang giấy chỉ có 4 chữ Nhất. Dù khá bất ngờ trước tình thế hiểm nghèo đó ông vẫn rất bình tĩnh ứng khẩu đọc:

Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Dịch nghĩa:

Một đám mây trên trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa đỏ
Một nhành hoa trong vườn thượng uyển
Một vầng trăng Dao Trì
Ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!

Ý rằng, trên trời có một đám mây, trong lò lửa có một bông tuyết, trong vườn hoa có một nhành hoa, trong hồ nước có một mặt trăng! Than ôi! Mây tan hết, tuyết tan rồi, hoa tàn héo, trăng không tròn! Ai nấy nghe thấy đều thương tâm, nhỏ lệ, lại phục tài sứ giả nước Nam.

Câu đố chết người

Đến khi chuẩn bị từ tạ vua nhà Nguyên để về nước, người Trung Hoa vẫn chưa buông tha cho ông. Họ lại muốn thử tài sứ giả lần nữa, bèn ra một câu đố vô cùng hóc hiểm:

Có một chiếc thuyền, trên đó chở vua, thầy học và cha mình (quân, sư, phụ). Đến giữa dòng chẳng may gặp sóng lớn, thuyền đắm. Khi ấy ngươi ở trên bờ ra cứu nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi. Vậy ngươi cứu ai?“.

Vua, thầy và cha đều là những bậc tôn kính, thực sự tình huống rất khó xử. Mà nếu trả lời sai, ông còn có thể phạm tội khi quân phạm thượng. Nhưng rất mau chóng, Mạc Đĩnh Chi cất lời:

Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhảy xuống sông cứu. Hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể đó là vua, thầy học hay cha mình“. Câu trả lời rất hợp tình hợp lý nên Mạc Đĩnh Chi không bị làm khó nữa, được đồng ý cho ra về.

Hậu duệ của Trạng Nguyên đa tài ở xứ Cao Ly

Trong số các sứ thần cùng sang nhà Nguyên thì sứ thần Cao Ly và Việt Nam là có quan hệ với nhau thân thiết hơn cả. Cũng vì một số danh tướng nhà Lý đã tỵ nạn và phục vụ đắc lực cho Cao Ly (như Lý Nghĩa Mẫn và Hoàng tử Lý Long Tường) nên hai nước quan hệ rất hữu hảo.

Chuyện kể rằng một bữa, nhân có người dâng quạt lên, vua Nguyên đã yêu cầu sứ thần Đại Việt và sứ thần Cao Ly đề thơ. Bài thơ của Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc nét. Vua Nguyên xem xong, cứ gật gù khen ngợi. Vua Nguyên cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi, rồi đích thân phong Mạc Đĩnh Chi là Lưỡng quốc Trạng nguyên (Trạng nguyên hai nước).

Bài đối đáp của Mạc Đĩnh Chi đã khiến cho Trạng nguyên nước bạn phải nể phục. Sau buổi thi tài, hai người đã kết giao và trở thành tri kỷ. Trạng nguyên Cao Ly có lời mời Mạc Đĩnh Chi đến thăm nước mình. Mạc Đĩnh Chi vui vẻ nhận lời và đã ở lại Cao Ly 4 tháng.

Mạc Đĩnh Chi. Tranh minh họa.

Cũng trong thời gian này, Trạng nguyên nước Cao Ly đã mai mối cháu gái làm thiếp cho Đĩnh Chi. Sau đó, Mạc Đĩnh Chi dẫn theo người thiếp về đến Trung Quốc, ở sứ mấy năm thì người vợ Cao Ly sinh con. Khoảng chục năm sau đó, Mạc Đĩnh Chi lại đến Cao Ly lần nữa. Ông đã đi chu du khắp nơi, đến đâu cũng được ngưỡng mộ và kính trọng. Lúc đó, người thiếp Cao Ly tiếp tục mang thai, sinh một bé trai.

Khi ông về nước, người thiếp này đã ở lại Cao Ly, tần tảo nuôi nấng các con khôn lớn rồi dựng vợ, gả chồng. Bà thường ở với người con trai út. Cuối đời bà từ biệt con cháu, đi vào chùa ở, hưởng thọ 93 tuổi. Con cháu của Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly cũng rất tài giỏi và đỗ đạt cao.

Theo như lời kể của hậu duệ đời thứ 20 của họ Mạc ở Cao Ly, người con trai của Mạc Đĩnh Chi làm quan võ, sinh được 12 người con gồm 8 trai, 4 gái. Ngành trưởng phần đông đều là thương nhân giàu có. Ngành thứ, sau này sinh ra nhiều nhân tài có những đóng góp nhất định cho lịch sử văn hóa Cao Ly. Sau này, họ phát hiện ra rằng nguồn gốc của họ ở nước Việt. Vậy suốt nhiều thế kỷ sau, con cháu dòng họ Mạc ở Cao Ly vẫn thường xuyên tìm về cội nguồn.

Lời kết

Trung Hoa và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng Nho gia và rất coi trọng chuyện “Chính thống”. Nhà Nguyên chiếm Trung Hoa trên lưng ngựa, tự xưng là Thiên triều. Nhưng bản thân họ lại không hiểu văn hóa truyền thống Trung Hoa vốn dĩ đề cao đạo đức, văn trị hơn là dùng võ lực. Người Nguyên ỷ vào vũ lực và thể hình nên khinh khi Trạng nguyên Việt Nam vốn thấp bé. Thế nhưng Mạc Đĩnh Chi với tài trí, lực học hơn người đã chứng minh cho họ thấy là bề dày văn hóa của người Nguyên so với Đại Việt vẫn còn nông lắm.

Văn hóa Trung Hoa mà triều Nguyên đang sở hữu chỉ là cái vỏ ngoài nông cạn vì phần tinh hoa đã bị họ đốt giết đi hết cả. Sau khi thấy vũ lực không dùng được, họ mới quay sang cổ súy cho Nho học. Nên ở thời điểm đó, chỉ có Đại Việt mới thực là nơi tồn trữ những gì tinh hoa và nguyên bản nhất của Nho học.

Giữa đế Quốc Nguyên Mông hùng mạnh, ngay sân chầu Thiên tử và ở giữa Tướng phủ mà một nhà nho nhỏ bé dám xé trướng và đòi “bắn rụng Mặt trời” há có phải chuyện tầm thường? Cái uy thế, sức mạnh vô địch của Đại Nguyên kia rồi thì cũng sẽ đi xuống và bị bắn hạ, chỉ có đạo đức Thánh hiền và những gì chân chính mới tồn tại và được ca tụng ngàn đời.

Cái dũng của ông nào phải của kẻ thất phu mà chính là của một nhà nho chân chính. Một người đạo đức cao như vậy, chân chính vậy nên cũng không lạ khi con cháu ông nhiều đời sau vẫn vinh hoa phú quý và đóng góp to lớn cho xã hội vậy.

Tĩnh Thủy

Xem thêm: