Về trang phục, thời Đường chính là đỉnh cao của Trung Hoa cổ đại. Nó vừa là sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, vừa mang dấu ấn Thần truyền lại cho con người. 

Nói không quá, nhìn trang phục có thể đoán ra địa vị, tính cách và trình độ của một người. Bởi nó không đơn giản là một sản phẩm tiêu dùng, mà gắn chặt với lịch sử, văn hóa các thời kỳ, trào lưu. Trang phục của từng thời đại cũng thể hiện rõ bối cảnh xã hội đương thời.

Năm 618, Lý Uyên lên ngôi Hoàng đế lập ra nhà Đường, chấm dứt các cuộc nội loạn chia rẽ Trung Nguyên hàng trăm năm. Thời Đường, văn minh Trung Hoa phát triển vô cùng cường thịnh, bất kể là về chính trị, kinh tế hay quân sự đều đạt đến đỉnh cao. Khi đó nghề tơ tằm có bước tiến dài. Con đường tơ lụa phồn thịnh giúp các dân tộc giao lưu mạnh mẽ hơn. Bởi thế trang phục thời kỳ này thực sự đạt đến mức độ sáng tạo nghệ thuật rất cao. 

Trung Quốc khác biệt với nhiều quốc gia khác ở một điểm là, mỗi khi triều đại thay đổi thì trang phục cũng biến đổi theo. Đây chính là điều mà người ta gọi là “một triều Thiên tử, một triều dân“. Mỗi Hoàng đế, vương triều đều đặt định dấu ấn riêng của mình lên mảnh đất Thần Châu, đều là biểu hiện của văn hóa Thần truyền. 

Đường Cao Tổ là vị hoàng đế khai quốc của triều Đường trong lịch sử Trung Quốc, thời kỳ trang phục đạt đến mức độ sáng tạo nghệ thuật rất cao. (Ảnh: wikipedia.org)

Văn minh thời Đường đạt đến đỉnh cao huy hoàng, trang phục nhà Đường đương nhiên cũng trở thành kiểu mẫu cho các vương triều khác học hỏi, noi theo. Đây chính là Thần Phật đã hữu ý lưu lại cho con người tương lai một khuôn vàng thước ngọc.

Thời hiện đại, những yếu tố không lành mạnh, những kiểu trang phục, thời trang biến dị, phản cảm đã xuất hiện đầy rẫy ngoài xã hội. Hơn lúc nào hết, con người thực sự cần những quy chuẩn phù hợp với đạo đức từ ăn mặc, đi lại, ăn mặc, nói năng… Trở về với truyền thống chính là con đường duy nhất.

Trang phục nam: Áo dài, cổ tròn và khăn vấn đầu

Khăn vấn đầu là loại khăn bông dùng cây ngô đồng, sợi gai, da thuộc chế tạo thành. Nó có tác dụng như một búi tóc giả, bảo đảm tạo hình bên ngoài cố định. Khăn vấn đầu có hai chân, giống như hai cái đai, từ sau đầu tự nhiên thẳng xuống, đến gáy hoặc quá vai, hoặc mềm hoặc cứng, hoặc tròn hoặc rộng, có thể thay đổi linh hoạt. Áo dài cổ tròn, còn có tên gọi “cổ đoàn viên” là trang phục chính của đàn ông thời Tùy – Đường.

Trang phục nam thời nhà Đường mặc áo choàng cổ tròn, khăn vấn phối với giày đen, vừa thoải mái, phóng khoáng, lại không mất đi khí chất uy vũ anh hùng. (Ảnh: shenyunperformingarts.org)

Áo này thông thường là cổ tròn, phía dưới áo choàng, vạt trước bên phải có thiết kế một đường ngang, là trang phục dùng trong các trường hợp long trọng. Thông thường đa số người ta mặc áo choàng cổ tròn, khăn vấn phối với giày đen, vừa thoải mái, phóng khoáng, lại không mất đi khí chất uy vũ anh hùng. 

Trong các bức họa cổ như “Bộ Liên đồ”, “Du kị đồ quyến”, “Hàn Hi tải dạ yên đồ”, “Phu nhân nước Quắc du xuân đồ”, chúng ta có thể thấy nam nữ thời đó đều thịnh hành các mẫu trang phục như vậy. Áo dài của quan viên thời Đường cũng dùng nhiều mẫu này, chủ yếu lấy màu sắc để phân biệt đẳng cấp. 

Áo dài màu vàng đương nhiên được coi là sắc phục dành cho Hoàng đế. Màu vàng của hoàng phục bắt đầu sử dụng từ triều Đường cho đến triều nhà Thanh, trước sau kéo dài hơn 1300 năm. Thông thường màu tím quy định là trang phục của quan viên tam phẩm trở lên. Màu đỏ rực là trang phục của quan ngũ phẩm trở lên. Màu xanh lục là trang phục của quan lục phẩm thất phẩm, còn bát phẩm, cửu phẩm là màu xanh lam. 

Tại sao người xưa lại coi trọng kiểu dáng, màu sắc cấp bậc đến vậy? Trước hết, màu sắc quy định dựa theo chế độ phân chia đẳng cấp từ trên xuống dưới. Thường thì vua chúa sử dụng màu vàng với các họa tiết rồng, phượng, chim muông, thú, cảnh vật, cây cỏ…

Màu sắc của trang phục còn bị chi phối bởi quy luật Âm dương – Ngũ hành, thông thường các màu tối được yêu thích hơn. Theo học thuyết Ngũ hành, màu tím, xanh, đen, đỏ và vàng thể hiện cho Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm. Màu vàng được chỉ định là trung tâm và cũng đại diện cho Trái Đất. Vì vậy, quần áo của Hoàng đế thường có màu vàng.

Áo dài màu vàng đương nhiên được coi là sắc phục dành cho Hoàng đế, màu sắc trang phục thể hiện sự tôn trọng đẳng cấp của “Quân, thần, quý, tiện”. (Ảnh: wikipedia.org)

Ngoài ra, trên bề mặt, màu sắc trang phục thể hiện sự tôn trọng đẳng cấp của “Quân, thần, quý, tiện”. Kỳ thực, ở một góc nhìn khác, không gian khác, màu sắc chính là tạo thành các hình thức sinh mệnh tồn tại khác nhau. Bởi tầng cấp khác nhau, hạt phân tử cũng khác nhau, đương nhiên quang phổ (màu sắc) của chúng cũng khác nhau. 

Ngoài ra, quan lại thời Đường khi ra vào cấm cung phải đeo “ngư phù” để khẳng định địa vị của mình, đồng thời phòng ngừa kẻ gian. Thông thường ngư phù để trong một chiếc túi nhỏ, đeo bên mình. Thời Đường ngư phù tùy thân có hai chiếc, một đeo bên phải, một đeo bên trái. Bên trái xuất trình khi vào, bên phải xuất trình khi ra. Quan từ tam phẩm trở lên mặc áo tím đeo túi trang sức bằng vàng, quan từ ngũ phẩm trở lên mặc áo đỏ, đeo túi trang sức bằng bạc. Đó chính là chế độ “chương phục” dành cho hệ thống quan lại thời Đường.

Trang phục của phụ nữ

Thời Đường, trang phục phụ nữ được coi là đặc sắc bậc nhất trong lịch sử. Người phụ nữ thời Đường trong những bộ trang phục truyền thống trở thành những bông hoa xinh đẹp khoe hương sắc truyền cảm hứng cho biết bao thi nhân, văn nhân.

Trang phục của phụ nữ thời nhà Đường phổ biến là: Tay ngắn, váy ngắn, tay áo rộng, váy dài, áo lụa choàng hoặc là áo ngắn bỏ trong váy, khoác khăn lụa trùm qua vai. Kiểu tóc thường là “búi tóc vọng tiên”, “vấn tóc vân”, “búi tóc rủ hai bên”. Áo ngắn, váy chủ yếu là trên mặc áo ngắn hoặc áo lót, dưới mặc váy dài, phối lụa phi, dài nửa tay, giày sợi hoặc giày cỏ đầu phượng, búi tóc hoa trên đầu, ra ngoài có thể đội nón có màng che.

Thời Đường, trang phục phụ nữ được coi là đặc sắc bậc nhất trong lịch sử. (Ảnh: shenyunperformingarts.org)

Như cung nữ trong “Đảo luyện đồ” của Chương Huyên, áo trên rất ngắn, eo váy cao đến dưới nách, sau đó có thể biến hóa các loại như đai quấn buộc cổ, để hở cổ. Từ thời Thịnh Đường trở về sau này, trang phục rộng rãi hơn, dần dần thịnh hành tay áo rộng. Đây là mốt quần áo thịnh hành, giống như dáng tiên lúc ẩn lúc hiện, lụa quấn quanh người bồng bềnh bay theo gió.

Đầu thời Đường, sự giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Phụ nữ Trung Nguyên cũng có thêm nhiều lựa chọn trang phục đa dạng hơn theo kiểu Tây Vực (phía Tây) hoặc kiểu người Hồ (phía Bắc): Ống tay áo hẹp, cổ bẻ quần hoa, dày vải, đội mũ Hồ vành cong.

Đó chính là dụng ý “Thiên nhân hợp nhất” của người xưa. Trang phục nữ thời Đường rất giống với trang phục các tiên nữ trên trời, vừa thướt tha, kiều diễm, lại vừa kín đáo, nhuần nhị. Con người cổ đại tôn thờ, sùng ngưỡng Thần, luôn lấy trang phục, hành vi, phẩm chất của Thần mà đối chiếu, noi theo. Vậy nên trang phục thời ấy cũng mang được những nét thần thánh như vậy. 

Trang phục quân sự

Binh khí thời đó cũng rất giống pháp khí trên trời, hình tượng uy vũ của kim giáp ngũ sắc phảng phất thể hiện các võ tướng đang ở nhân gian. (Ảnh: pinterest.com)

Cho đến thời nhà Đường, kỹ thuật chế tạo áo giáp đã tương đối hoàn thiện. Tượng võ sĩ mặc áo giáp sáng choang khắc trên đá tại cửa tháp Đại Nhạn Tây An Thiểm Tây có hình tượng cực giống thiên binh thiên tướng. Binh khí thời đó cũng rất giống pháp khí trên trời, hình tượng uy vũ của kim giáp ngũ sắc phảng phất thể hiện các võ tướng đang ở nhân gian thuận theo ý Trời mà binh chinh thiên hạ hoặc duy trì chính nghĩa.

Vì vậy hình tượng hoa văn chim muông trong chiến bào đều được thêu mạ vàng bạc, đều là mãnh thú thiên cầm như thao thiết, quỳ phong, kì lân. Ngoài ra các loại vũ khí, áo giáp, trong một không gian khác không nhìn được bằng mắt người thường thì đều có linh tính, đều là Thần khí, cũng chính là sự thể hiện của Thần. 

Hoàng Lan – Văn Nhược