Nếu chữ “Đức” phong phú, chứa nhiều nội hàm và kết hợp để tạo ra vô vàn các từ ngữ Hán Việt bao nhiêu thì chữ “Nghiệp” cũng như vậy. Chúng là hai chữ đối lập và tạo nên một quan hệ biện chứng. Muốn nhiều Đức thì phải làm sao cho bớt Nghiệp. Còn ai ưa làm điều xấu, điều ác thì mất Đức và tăng trưởng những Nghiệp lực. Nếu tuân thủ và thực hành Chân, Thiện, Nhẫn thì sẽ có Đức, sẽ tích nhiều Đức. Còn ngược lại, cứ mải mê làm điều ác, lo tranh giành Danh, Lợi, Tình một cách bất chính thì sẽ rước lấy Nghiệp. Nó sẽ trở thành chướng ngại, thành Nghiệp chướng làm ta gặp bao điều xui xẻo, bất hạnh.

Tiếp theo phần 1phần 2.

Nghiệp với nhân quả

Nguyên nhân nào sinh ra kết quả đó. Gieo gió gặt bão. Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Gieo lúa gặt lúa, gieo hạt vả ăn quả vả… Tôi muốn lấy một ví dụ dụ rất trực quan, rất đời thường để trình bày cách hiểu giản lược của cá nhân tôi về luật Nhân Quả.

Trước nhà tôi có một cây lớn bị chết. Tôi nhổ một cái cây vô danh nhỏ xíu còi cọc mọc ở trên nách tường định vứt sọt rác. Người hàng xóm xin trồng vào chỗ cái cây vừa bị đào gốc. Mới đó đã 5 năm. Đây là cây Sung. Nó đã cao bằng nhà 3 lầu, cành lá sum suê, che cả một không gian lớn. Người đến để chọc những chùm Sung xanh về muối chữa tiểu đường rất nhiều. Ngày Tết lại càng đông, bởi có người chưng mâm ngũ quả ngoài mấy trái cây khiêm tốn DỪA, ĐỦ, XOÀI thì có người lại quan tâm tới những chùm SUNG (mãn)…

vi sao Nghiep la luat nhan qua 1

Tôi thấy hạt Sung chỉ bé như hạt cám, bằng đầu bút bi. Rồi nhớ cái cây nhỏ xíu. Và bây giờ… Thật không ai ngờ được.

Vậy đấy, Cái Nhân (hạt) dường như mong manh, và chẳng có chút giá trị gì. Nhưng nó đã gặp duyên lành (đất đai, ánh sáng, chất phân, nước tưới…). Và nó cho ta quá nhiều ngỡ ngàng, quá nhiều những gì mà mình không ngờ tới. So với cái Nhân ban đầu mong manh, dường như không có gì, thì bây giờ các nhà khoa học, các nhà triết học, các nhà thơ đa cảm… nói hết giấy hết mực cũng không hết được. Nó hiện diện, có hình tướng trước mắt mà vẫn làm ta dụi mắt…

Đó chỉ là một ví dụ trực quan mà ai cũng có thể cảm nhận, thế thì con đường đi của định luật NHÂN QUẢ thông qua Duyên Nghiệp sẽ rắc rối, dích dắc đến mức nào. Có ai nghĩ gieo mầm một cái Thiện nhỏ ta có cái cây Đức xanh đến mênh mông, có những mùa trái đếm không hết?

Cũng vậy, một cái Ác nhỏ được gieo có thể thành một cái cây Ác với vô số cành, rồi lá, rồi quả… vô số những cái Ác có hình thù đủ dạng đủ thức.

Cái Quả từ Nhân (hạt) mà có nhưng nó tăng trưởng, nó khuếch tán như là từ Không đến Có vậy. Quả (Cây) của chúng khác hẳn cái hạt Sung (Nhân) bé tí. Đến mức, ai đó vô tình hỏi hạt Sung như thế nào, nó màu gì thì chưa hẳn chúng ta đã trả lời ngay được. Nhân quả mà ta thấy hàng ngày thường là những quy luật tự nhiên nên ta không, hoặc ít thắc mắc bởi chúng diễn ra theo một tiến trình rất tự nhiên.

Nói tới định luật Nhân Quả tôi lại nhớ tới những kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du.

Theo tôi, đứng dưới góc nhìn duy vật người ta nói về bao nhiêu giá trị trong tác phẩm của Ông chỉ là bề mặt. Cái làm nên vĩ đại của Ông có lẽ là đã nói được một cách vô cùng sinh động, đầy cảm xúc và trí huệ về những điều sâu xa nhất chi phối sinh mệnh con người. Ông nói với một trái tim Từ Bi chứ không phải bằng cái chủ nghĩa nhân đạo rất duy vật và có những tiêu chí khoa học mà người ta cứ loanh quanh đó mãi.

vi sao Nghiep la luat nhan qua 2

Số phận của Kiều có nguyên nhân sâu xa từ tiền kiếp:

“Đã mang lấy Nghiệp vào Thân“

Và trong đời này lại tạo tác Nghiệp, dấy khởi cái Nghiệp ấy bằng chữ TÌNH :

“Đã mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn ngồi không vững vàng
Ma đưa lối quỷ dẫn đường
Lại chọn những chốn đoạn trường mà đi”

Trong VĂN CHIÊU HỒN, những câu thơ mở đầu:

“Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh…
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người”

Hãy nghe Nguyễn Du nói về các hạng người trên thế gian và ông nhìn nhận họ.

Nào là:

“Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời”

Nào là:

“Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh”

Nào là:

“Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi”

Cuộc đời nhân sinh là sống trong Mê, hầu như ai cũng lỡ bước bởi không thấy Đại Pháp  :

“Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một NGHIỆP khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?”

vi sao Nghiep la luat nhan qua 3

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du tự thương:

“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?”.

Ba trăm năm là chu kỳ luân hồi của kẻ phong lưu. Nguyễn có gặp lại tri âm?

Định luật nhân quả ứng với NGHIỆP LỰC LUÂN BÁO. Trên đời này chắc có bao nhiêu người thì sẽ có bấy nhiêu Nghiệp không giống nhau. Do vậy Nhân Quả cũng không giống nhau!

Khi hai người cùng làm một hành động, họ sẽ không có cùng một nghiệp quả. Đức Phật so sánh việc tạo nghiệp ác của hai người với bỏ một muỗng muối vào ly nước hay bỏ xuống sông Hằng. Ly nước muối sẽ không uống được, nhưng nước sông Hằng có gì thay đổi đâu. Cũng thế, với người có cả một dòng ‘sông Đức’ thì một hành động sai quấy cũng không ảnh hưởng gì mấy. Nhưng nếu ta chỉ có một ‘ly nước Đức’ thì chỉ một hành động sai quấy thì cũng đủ làm cay đắng cả cuộc đời. Đức cần nhiều và Nghiệp ít bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Cũng vậy, khuấy ly nước bằng muối, ta uống vào thì thấy mặn. Nhưng khi cầm ly nước ấy ta nghĩ tới câu tục ngữ của cha ông rằng: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” thì quả là chúng ta hình dung không ra.

Nhưng đó lại chính là quy luật chi phối vũ trụ này một cách phổ biến và sâu sắc nhất. Nếu có một hay nhiều Đấng Tối Cao đang chi phối nhân loại và vạn vật thì nhìn vào những điều thâm sâu của quy luật Nhân Quả ta có thể biết được Đấng ấy Công Chính, Từ Bi, Vô Tình… như thế nào. Quy luật này dường như còn có thể chi phối cả cái Đấng đã sinh ra Nó.

Cứ nhìn câu chuyện về Đại Hồng thủy thì rõ. Chúa định hủy diệt loài người hư đốn. Nhưng Thần nói với Chúa là cho xuống thế gian xem còn người công chính không? Kết quả là cả nhà ông Nô-ê được cứu…

Trong Kinh Phật có kể rằng:

“Có người ngoại đạo đến hỏi Phật:

– Thưa Thế Tôn, cái gì định đặt cho con người, sinh ra kẻ thì nghèo nàn khổ sở, người thì giàu sang sung sướng, kẻ thì sống lâu, người thì chết yểu, kẻ thì yếu đau, người thì khỏe mạnh, kẻ thì ngu tối, người thì thông minh?

vi sao Nghiep la luat nhan qua 5

Đức Phật đáp:

– Tất cả sự sai biệt giữa con người và con người là do Nghiệp mà họ đã tạo định đặt ra, nên có người ưu kẻ liệt.

– Do tạo nghiệp gì khiến cho người sống lâu và do tạo nghiệp gì khiến cho người chết yểu?

– Người không tạo nghiệp sát hại chúng sanh, thì được thọ mạng lâu dài. Người tạo nghiệp sát, đoản mạng sống của chúng sanh, nên thọ mạng yểu.

– Do tạo nghiệp gì mà thân người được khỏe mạnh, và do tạo nghiệp gì mà thân hay đau yếu bệnh tật?

– Do nghiệp ác làm cho người đau khổ, nên thọ thân hay bệnh tật đau yếu. Và do tạo nghiệp lành như an ủi giúp đỡ người qua khỏi những tai nạn khốn khó nên được thọ thân khỏe mạnh vui tươi.

– Do tạo nghiệp gì mà sinh trong gia đình giàu sang sung sướng và do tạo nghiệp gì mà sinh trong gia đình nghèo đói khốn khổ?

– Do đời trước biết tu làm lành, biết bố thí cúng dường, biết giúp đỡ người nghèo đói bịnh tật, nên đời nay được sinh thân trong cảnh giàu sang sung sướng. Người ở đời trước vì không biết bố thí cúng dường, không biết giúp đỡ người nghèo khó, lại còn tham lam rút rỉa của những người khác, nên đời nầy sanh thân trong cảnh nghèo đói thiếu thốn.

– Do nghiệp gì người sanh ra được thông minh sáng suốt và do nghiệp gì người sanh ra lại ngu dốt tối tăm?

– Người đời trước do siêng năng học hỏi tìm hiểu chân lý, ưa thích giúp người học hỏi hiểu biết nên đời nầy được thông minh. Còn người ở đời trước do lười biếng học, không chịu tìm hiểu chân lý, cản ngăn sự học hỏi của người, nên đời nầy bị tối tăm mê mờ.

Ở chỗ khác, Đức Phật giảng rằng:

“Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn. Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết. Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra từ kiếp trước… Đây không phải là mê tín mà là nhân quả luân hồi, là số kiếp. Phật thường nói rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ”.

Nghe rất huyền hoặc. Nhưng có  thể nói, sống ở trên thế gian nầy, nếu không hiểu biết gì về Nghiệp, sẽ có nhiều thắc mắc đến độ nan giải. Bởi lẽ, nhân quả nhiều đời nhiều kiếp, chồng chất lên nhau mang tính trùng trùng duyên khởi, nên có nhiều kết quả hết sức đa dạng và phức tạp. Khi Nhân sai biệt giữa hình thức và nội dung thì sẽ tạo các Quả sai biệt tương đương.

vi sao Nghiep la luat nhan qua 4

Khi đang viết bài này tôi nhận được điện thoại của người chị chia sẻ về hoàn cảnh gia đình đình mình. Chị dâu của chị đi học trường phái nào đó để chữa bệnh cho người ta. Tháng nào cả vợ chồng cũng tốn rất nhiều tiền bạc thời gian cầu cúng và làm việc Thiện.

Thế nhưng, người chồng vừa vào Sài Gòn mổ xẻ gần chết. Còn chị thì bủng beo. Em chồng khuyên ngăn không được đi chữa bệnh thì bà nổi điên cấm em không được đến nhà. Cả vợ chồng từ cô em của mình. Lý lẽ của chị ấy: “Tui đi giải Nghiệp cho người ta, đi làm Phúc cho người ta sao cô lại ngăn cản?”

Nhân quả đâu chỉ giản đơn như vậy?

Tôi cũng nhớ một câu chuyện thời còn nhỏ ở Can Lộc Hà Tĩnh. Thời ấy chiến tranh khốc liệt. Nóng chói chang, gió Lào ràn rạt, máy bay gầm rít, bom bi nổ lụp bụp. Vậy mà trên đồng vắng có O Chắt Hiền bò lổm ngổm như một con cua khổng lồ. Cô ngồi giữa các luống cày mới lật đất với cái bụng có mang to như trống. Cô cứ bẻ từng miếng đất khô rang ăn như xơi thịt bò, thịt lợn vậy. Chờ hết bom, người nhà lên khỏi hầm chạy vội ra trói cô, đánh đập cô túi bụi rồi đưa cô về nhà.

Người ta canh cho đến ngày cô đẻ. Đứa trẻ bụ bẫm ra đời buổi sáng khóc thét giãy giụa, không thèm bú đến chiều thì chết. Cả người xanh lè như lá khoai héo. Cô Chắt này sinh 3 lần đầu đều con trai, đều chết như vậy. Cả 3 đứa đều có trên trán một vệt chàm đen thui như nhau. Lần nào cô cũng đi ăn đất cày và bị gia đình bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn. Riêng lần thứ 4 này, mọi người đã chuẩn bị cúng bái và làm một hành vi khủng khiếp. Họ chặt hình chữ thập vào vết chàm đứa trẻ rồi mới chôn. Có thai lần sau cô rất bình thường, “mẹ tròn con vuông”. Tôi tin rằng trong quá khứ, ở miền quê Việt Nam nhiều người đã gặp những chuyện này.

Những câu chuyện luân hồi ở riêng Việt Nam rất nhiều. Chúng ta thử gõ vào mạng sẽ gặp vô số những tình tiết ly kỳ. Khoa học thường né tránh và thường gắn cho chúng là mê tín. Những ai tin vào nhân quả thì thấy điều này không khó giải thích. Vậy tại sao có người chuyên làm điều Thiện vẫn gặp tai ương? Mọi người thử đọc những bài này xem sao nhé:

CÂU CHUYỆN NHÂN QUẢ

vi sao Nghiep la luat nhan qua 6

Trong văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc Việt Nam mình có câu: “Quả nhân nan hủ” (果 因 難 朽). Nghĩa: Nhân, quả khó mà mất được. Truyện cổ tích Việt Nam có rất nhiều đề tài này. Chẳng hạn: “Rắn báo oán“ nói về họa tru di tam tộc của dòng họ Nguyễn Trãi; truyện “Tấm Cám” nói về đầu thai chuyển sinh hóa kiếp, ác giả ác báo; truyện “Sinh con rồi mới sinh cha; sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông“… Chỉ cần tập hợp những truyện này trong truyện cổ Phật gia thì ta có thể kể hằng hà sa số những đường dẫn của nhân đến quả, nghe ra rất khó tin. Ở đây, tôi giới thiệu mấy câu chuyện rất phổ biến trong Phật Giáo.

1. Đám cưới

Thời vua Lương Võ Đế có Hòa Thượng Chí Công, vốn là một vị cao tăng đã đắc Ngũ nhãn Lục thông, tiền nhân hậu quả nhất nhất đều biết rõ ràng. Lần nọ, có một gia đình hào phú tổ chức tiệc cưới cho con và thỉnh ông đến tụng kinh. Bấy giờ, Hòa Thượng vừa đặt chân đến ngạch cửa đã than rằng:

“Lạ lạ thay! Quái quái kỳ!
Đứa cháu cưới bà nội,
Heo dê ngồi bàn tiệc,
Quyến thuộc nấu trong nồi.
Con gái ăn thịt mẹ,
Con trai đánh da cha.
Khách khứa đến chúc mừng,
Ta thấy thật là khổ!”

Như thế là ý nghĩa sao đây?

“Đứa cháu cưới bà nội,” quý vị thấy có lạ đời không? Nguyên bà cụ này lúc xưa lâm chung cầm tay đứa cháu nội mà trong lòng quyến luyến, không nỡ xa lìa, bà than: “Các con ta ai nấy đều thành gia lập nghiệp cả rồi, chỉ tội cho đứa cháu nội độc nhất của ta không người chăm sóc. Ôi! Biết làm sao đây?” Than xong thì bà tắt thở.

Khi hồn bà cụ đến địa phủ, Diêm Vương phán bảo: “Ngươi đã yêu thương đứa cháu nội như thế, thì hãy trở về làm vợ nó mà chăm sóc cho nó đi!” Thế là bà cụ đầu thai trở lại làm vợ đứa cháu nội. Cho nên, việc tiền nhân hậu quả trên thế gian có khi cũng thật đáng sợ lắm thay!

Rồi Hòa Thượng Chí Công lại ngó quanh và nói: “Heo dê ngồi bàn tiệc.”

Thấy nồi canh đang nấu, Ngài lại nói tiếp: “Quyến thuộc nấu trong nồi.” Nguyên là các con heo con dê bị người ta làm thịt trước kia nay đều đầu thai trở lại làm người, và ăn thịt những kẻ đã từng giết chúng để bồi thường túc báo. Những lục thân quyến thuộc xưa kia chuyên giết rồi ăn thịt heo thịt dê, thì bây giờ trở ngược lại bị làm heo làm dê và bị người ta bằm chặt, đem nấu trong nồi để đền nợ.

“Con gái ăn thịt mẹ.” Bấy giờ ở ngoài sân có một bé gái đang gặm một cái giò heo rất ngon lành, mà không biết rằng con heo này kiếp trước vốn là mẹ của mình.

“Con trai đánh da cha.” Hòa Thượng Chí Công lại nhìn về phía ban nhạc hòa tấu, người đánh cồng khua chiêng, kẻ thổi kèn thổi sáo, rất tưng bừng náo nhiệt! Trong đó có một người đang hăng say đánh trống—cái trống này được bịt bằng da lừa, mà con lừa ấy kiếp trước chính là cha của anh chàng đánh trống!

Thế mà “khách khứa đến chúc mừng”. Mọi người đều hớn hở cho rằng đó là ngày vui, nhưng Hòa Thượng Chí Công chỉ than thở: “Ta thấy thật là khổ!” Kỳ thật, người đời thường lấy khổ làm vui!

vi sao Nghiep la luat nhan qua 7

Vào thời Vua Lương Võ Đế bên Trung Quốc, Thiền Sư Chí Công là bậc tu hành có đức hạnh, chẳng có ai biết cha mẹ của Ngài là ai. Một ngày nọ, có một phụ nữ nghe tiếng trẻ con khóc ở trên cây, bèn trèo lên cây thì thấy đứa bé nằm trong tổ chim ưng, bà ta bồng em bé về nhà nuôi dưỡng. Em bé nầy tướng mạo tựa như hình người, song tay chân tựa như móng chim ưng. Lớn lên rồi xuất gia tu đạo, khai ngộ đắc ngũ nhãn lục thông. Vì chẳng có ai biết cha mẹ Ngài là ai, lượm Ngài từ tổ chim ưng, cho nên một số người đều cho rằng Ngài từ trứng chim nở ra.

2. Cái chết của Mục Kiền Liên

Mục Kiền Liên là một trong 10 Đại Đệ Tử của Đức Thích Ca Mâu Ni được gọi là “thần thông đệ nhất”. Mặc dù vậy, Luật Nhân quả không trừ một ai.

“….Sau bao nhiêu lần bọn cướp được thuê giết ông không thành. Cuối cùng ông phải chấp nhận cái chết.

Sáu lần bọn cướp xông vào hãm hại Mục Kiền Liên, và sáu lần Mục Kiền Liên vì lòng từ bi, chỉ một niệm “không muốn kẻ ngu muội phạm trọng tội” thân thể Ngài đã biến mất một cách thức như nhau.

Ðộng lực của thần thông vốn không phải là để bảo vệ xác thân ô trược này, mà để cứu độ những tâm hồn hung bạo. Nhưng tiếc thay thần thông ấy của một vị Ðại Tôn túc A La Hán đã không cảnh tỉnh được bọn người tội lỗi, nên qua ngày thứ bảy, Ðại đức Mục Kiền Liên đã quán xét bằng Tha tâm thông, thấy rằng “bọn cướp vì tham tiền quá độ sẽ không bao giờ từ bỏ hành động sát nhân ấy”.

Trong khi Ðại đức Mục Kiền Liên sử dụng Tha tâm thông như thế, thì “Di Thần” Thần Công của Ngài tự nhiên biến mất, xác thịt Ngài bất thần hiện lại như cũ, ngồi yên trong tịnh cốc.

vi sao Nghiep la luat nhan qua 8

Thì ra Ác quả của một hành động tội lỗi xa xưa đang đuổi kịp và bắt ông phải trả nợ. Thời tiền kiếp nọ, Mục Kiền Liên vì sợ vợ, đã nhu nhược đem cha mẹ bỏ vào rừng hoang, đói khát cho đến chết. Ðại đức phải trả xong Ác quả ấy thì công hạnh mới hoàn toàn! Giống như Đức Phật và Xá-lợi-phất, trước khi nhập Niết Bàn đã trải qua những cơn bệnh trọng vậy!

Bọn sát nhân tiến vào tịnh cốc thấy vị Thánh Tăng hiền hoà ngồi đó, liền đâm chết rồi muốn chắc ăn chúng bầm nát tay chân, biến người thành một khối thịt vụn bất động.

Khi biết chắc nạn nhân chỉ còn là một thây ma, không cách nào sống lại, và chúng sắp được lãnh tiền trả công, bọn sát nhân ung dung bỏ đi không thèm quay lại.

Nhưng vị Thánh Tăng đại cao thủ thần thông này không thể nhập Niết Bàn trong tình trạng như thế. Mục Kiền Liên trong khi bị đâm chém đã hoàn toàn nhập định, nên mọi đau đớn không chi phối được Ngài. Bây giờ, Ngài chỉ vận dụng thiền lực tập trung sức mạnh tinh thần điều hợp với thể chất, rồi tái hiện thành như cũ. Mục Kiền Liên cố gắng đem tấm xương thịt đầy thương tích đến yết kiến đức Phật lần chót. Ông hiện diện trước mặt Đức Phật, rồi ngồi yên, nhắm mắt lìa đời, biến địa điểm gặp gỡ lần cuối của Ngài và đức Phật thành một khung cảnh vô cùng ảm đạm và thánh thiện (Theo kinh Majjhima Jàtaka trang 522).

Đức Thích Ca cũng đã kể cho các đệ tử về nhân quả báo ứng đối với Mục Kiền Liên.

“…Anh gạt cha mẹ lên xe đi thăm bà con. Vào đến rừng sâu, anh trao dây cương cho cha, bảo chỗ này bọn cướp hay rình rập, anh phải xuống xe, nhưng con bò đã rành đường, không lo. Anh đi xa một quãng thì la hét ầm ĩ, càng lúc càng to, như thể bọn cướp sắp tấn công tới nơi. Hai ông bà nhìn quanh nhìn quất cũng chỉ thấy một màn đen tối, nhưng thương con, chỉ nghĩ đến hạnh phúc của nó, nên vội bảo:

– Con ơi! Cha mẹ già rồi, đừng lo nữa, mà hãy tự cứu lấy mình.

Nhưng anh vẫn mặc kệ, giả làm bọn cướp hét đánh và giết hai ông bà, vứt thi thể trong rừng. Xong trở về nhà.”

Kể xong, Đức Thích Ca kết luận:

“- Các Tỳ-kheo! Mục Kiền Liên đã phạm trọng tội như thế. Ông chịu đau khổ vô số trăm ngàn năm ở địa ngục. Sau đó, vì Ác báo chưa hết, nên một trăm kiếp liên tiếp bị đánh chết thân xác xé tan từng mảnh. Do đó Mục Kiền Liên phải chịu chết như thế tương ứng với Ác nghiệp kiếp trước. Cũng vậy những tên cướp và kẻ thuê chúng đã tấn công người không gây hấn với chúng, phải chịu chết tương ứng với tội lỗi đó”.

3. Ăn trộm phải trả nợ

vi sao Nghiep la luat nhan qua 9

Xưa có một người tên là Triệu Tam, đi ở cùng với mẹ cho nhà họ Quách. Sau khi mẹ Triệu Tam qua đời hơn một năm, vào một buổi tối nọ, Triệu Tam có một giấc mộng thấy mẹ về nói với ông: “Ngày mai tuyết rơi lớn, bên dưới tường nhà sẽ có một con gà chết cóng vì lạnh, chủ nhân nhất định sẽ thưởng cho con, nhưng con chớ có ăn. Ta đã từng trộm ba trăm đồng tiền của chủ nhân, Diêm vương nay phán ta chuyển thành gà để trả nợ. Ta đã đẻ đủ trứng trong đời này để trả hết số nợ, nên có thể đi được rồi”.

Hôm sau, quả đúng như lời nói trong giấc mộng, có một con gà mái chết cóng dưới bức tường nhà. Chủ nhân thưởng cho Triệu Tam, nhưng Triệu Tam nhất quyết không ăn, mà khóc lóc mang gà mái đi chôn. Chủ nhân cảm thấy rất lạ, mới gặng hỏi. Không còn cách nào khác, Triệu Tam đành đem sự thật kể lại với chủ nhân.

Thay lời kết

Đáng lẽ chúng ta sẽ có bài rất dài để nói về giải pháp thoát Nghiệp.

Đọc trên Đại Kỷ Nguyên, có vô số những câu chuyện, những giải pháp rất đáng để chúng ta suy ngẫm và thực hành. Muốn thoát Nghiệp thì phải tích Đức. Muốn thoát Nghiệp thì phải BUÔNG BỎ CHẤP TRƯỚC. Chỉ có như thế thì chúng ta mới đồng hóa với Chân, Thiện, Nhẫn, đồng hóa được với vũ trụ ở cao tầng.

vi sao Nghiep la luat nhan qua 10

Chúng ta phải VÔ VI để bước từ thế giới của cái TÌNH sang thế giới TỪ BI.

Đó là một quá trình mỗi người phải tự đề cao tâm tính. Không cần phải có những nghi thức, chúng ta tự đo lường mình, vượt qua chính mình thì mới thoát Nghiệp, mới đến được một cảnh giới khác.  

La Vinh

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.