Người đời vẫn luôn tự hỏi: “Luân hồi chuyển kiếp là có thật không?” hay “Chết có phải là hết không?” Hãy cùng đọc câu chuyện luân hồi, hai đời đều làm phương trượng của vị hòa thượng dưới đây để tìm câu trả lời cho mình!

Trên ngọn núi An Sơn ở đông bắc Trung Quốc có một ngôi chùa cổ, tên là chùa Trung Hội. Ở đằng sau chùa Trung Hội, có một tấm biển, bên trên có viết bốn chữ lớn là: “Chi viên pháp giới”.

Theo sử sách, Chi Viên là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Ấn Độ. Phật Thích Ca Mâu Ni đã ở ngôi chùa này 25 năm, giảng kinh, truyền Pháp, chế định giới luật, nên được gọi là: “Chi Viên pháp giới”. Sau khi Phật Pháp được truyền vào Trung Quốc, chùa Chi Viên đổi tên thành tên gọi khác.

Ngoài ra, trong sách cổ cũng viết về một lai lịch khác của bốn chữ lớn này như sau:

Xưa kia, phương trượng của chùa Trung Hội là Huệ Hải. Vào mùa hè năm 80 tuổi, phương trượng đột nhiên cảm thấy thân thể có chút bất thường. Vị phương trượng biết rằng mình sắp viên tịch, nên đã gọi tất cả đồ đệ đến bên giường và nói: “Ta sắp đi, trong chùa không thể một ngày không có sư trụ trì, nên đại đồ đệ Văn Hội sẽ tạm thời thay ta làm trụ trì. Ta để lại đây một tấm biển không chữ và một chiếc hộp. Hai mươi năm sau, ta nhất định sẽ trở lại đây và tự tay mình đề chữ vào biển ấy. Chữ đề trên biển, ta đã để sẵn ở trong hộp này. Khi ta chưa quay lại, bất kỳ ai cũng không được mở hộp ấy ra. Nếu như có người đến đề chữ vào biển mà chữ ấy trùng khớp với chữ ở trong hộp thì hãy để lại chức phương trượng nhà chùa cho người ấy.” Nói xong, vị phương trượng bình yên viên tịch.

Ngày tháng dần trôi qua, thời gian thấm thoắt như thoi đưa, chẳng mấy chốc, hai mươi năm đã trôi qua. Văn Hội vẫn ghi nhớ lời vị phương trượng, một mực làm sư trụ trì trong suốt thời gian ấy mà đợi người đến đề chữ vào biển, tiếp nhận chức vị.

Một hôm, có một vị hòa thượng tha phương, chạc tuổi 20, đến chùa Trung Hội. Vị hòa thượng trẻ ấy ở lại chùa mấy ngày nên vô tình phát hiện ra đằng sau chùa có một tấm biển nhưng chưa đề chữ. Vị hòa thượng cảm thấy rất kỳ lạ, liền hỏi hòa thượng trong chùa. Hòa thượng trong chùa liền kể lại đầu đuôi câu chuyện và lời căn dặn của sư trụ trì trước đây cho vị hòa thượng trẻ tuổi này nghe.

Không ngờ, hòa thượng trẻ tuổi nghe xong liền đăm chiêu suy nghĩ một lát và nói: “Để ta đề chữ vào tấm biển trống này có được không?”

Các vị hòa thượng trong chùa liền ngăn lại và nói: “Đây không phải là chuyện đùa đâu, chữ đề trên tấm biển ấy và chữ ở trong chiếc hòm phải hoàn toàn trùng khớp thì  mới được!”

“Ngài hãy mau mời vị phương trượng và triệu tập toàn bộ các vị hòa thượng trong chùa đến đây. Ta đề chữ vào tấm biển kia, nếu không trùng khớp với chữ trong chiếc hòm thì sẽ tình nguyện chịu phạt.” – Vị hòa thượng tha phương tự tin trả lời.

Hòa thượng trong chùa đến báo với vị phương trượng Văn Hội. Vị phương trượng nửa tin nửa ngờ, lập tức triệu tập toàn bộ các vị hòa thượng trong chùa đến rồi nói: “Di chúc của sư phụ không phải là trò đùa. Nếu như chữ mà ngài đề trên tấm biển không khớp với chữ trong hộp này thì đừng trách chúng tôi vô lễ!”

“Tôi sớm đã có bốn chữ ở trong lòng mình, nhìn thấy tấm biển không có chữ thì cảm thấy giống như là chỗ để cho tôi đề chữ vậy. Cho nên, nếu như chữ đề trên biển không đúng thì tình nguyện xin chịu phạt.”

Vừa nói dứt lời, vị hòa thượng tha phương liền cầm bút, không một chút do dự mà viết bốn chữ rất to: “Chi Viên Pháp Giới”

Toàn bộ hòa thượng trong chùa đều nín thở, mở chiếc hòm ra, thấy có một bọc màu vàng nhỏ. Vị phương trượng Văn Hội mở bọc nhỏ màu vàng ra, thấy trên tờ giấy màu hồng có ghi bốn chữ: “Chi Viên Pháp Giới”. Các vị hòa thượng không ai bảo ai, lập tức quỳ sụp xuống và hô lớn: “Sư phụ đã trở về! Sư phụ đã trở về!”

Văn Hội hòa thượng cũng lập tức trao trả lại chức vị phương trượng cho vị hòa thượng trẻ tuổi ấy. Từ đó, vị hòa thượng tha phương trở thành phương trượng trụ trì chùa Trung Hội, trong sự vui mừng và kính ngưỡng của tất cả đồ đệ trong nhà chùa.

Đúng là:

“Tích nhật thử miếu phương trượng,
Biến tác kim thì phương đại.
Niên mạo tuy nhiên bất đồng,
Nguyên thần nhưng thị nhất dạng.
Nhân sinh luân hồi vô sổ,
Thiện ác báo ứng bất sảng;
Chích hữu tích đức hành thiện,
Tài hữu lỗi thế an tường!”

Tạm dịch nghĩa:

“Phương trượng chùa này kiếp trước
Kiếp này lại trở về làm phương trượng
Tuổi tác, diện mạo tuy rằng có khác biệt
Nhưng nguyên thần vẫn thế, chẳng đổi thay
Nhân sinh luân hồi vô số kiếp
Thiện ác báo ứng chẳng hề sai
Chỉ có tích đức, làm việc thiện
Mới có được thế giới an lành!”

(Phỏng theo: “Cao tăng hợp truyền”)

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch