Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Trong suốt lịch sử gần 600 năm, Tử Cấm Thành đã phải gánh chịu nhiều trận động đất lớn. Nhưng công trình ấy vẫn có thể trụ vững như bàn thạch. Bí mật nằm ở đâu?

Tử Cấm Thành còn gọi là Cố Cung, nằm ngay giữa trung tâm thành Bắc Kinh trước đây, là cung điện của 24 triều vua từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Các cung điện đồ sộ của Tử Cấm Thành được bắt đầu xây dựng vào năm thứ 4 đời Hoàng đế Vĩnh Lạc (năm 1406). Công trình vĩ đại này hoàn thành chỉ sau đó đúng 14 năm (tức năm 1420). 

Vào thời cổ đại, các Hoàng đế tự coi mình là Thiên tử (con Trời), thay Trời trị vì muôn dân. Cung điện của Hoàng đế ở mặt đất cũng phải là “bản sao” của Thiên cung trên trời, nơi các vị thần sinh sống. Đó là nơi thiêng liêng, cấm địa, người dân thường khó mà lui tới, bởi vậy mới có cái tên Tử Cấm Thành.

Chữ “Tử” có nghĩa là “màu tím”, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên trên trời là nơi ở của Thượng đế. Vua là con Trời nên nơi ở cũng gọi là “Tử”. “Cấm Thành” là khu thành cấm dân thường ra vào. 

Từ xưa đến nay, Tử Cấm Thành vốn luôn ẩn chứa vô vàn bí mật, kích thích trí tò mò của biết bao lớp người, bao lớp chuyên gia cả trong và ngoài Trung Quốc. Gần đây, Đài truyền hình Anh quốc có phát một tập phim tài liệu với tựa đề “Bí mật Tử Cấm Thành” (Secrets of China’s Forbidden City), tiết lộ nhiều bí mật về tòa kiến trúc vĩ đại này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. 

Tử Cấm Thành. Ảnh dẫn theo dulichcongvu.com

Rạng sáng 28/7/1976, vỏn vẹn trong vòng 23 giây, trận động đất ở Đường Sơn đã khiến Đường Sơn tỉnh Hà Bắc bị san phẳng thành bình địa. Cự ly tâm chấn mặc dù cách Bắc Kinh 150km nhưng cũng làm lung lay, sụp đổ một số tòa nhà khiến cư dân vô cùng kinh sợ. Bất ngờ thay, lúc ấy duy chỉ có Tử Cấm Thành là không hề chịu bất kỳ tổn thất nào, vẫn đứng đó trầm mặc, uy nghi như suốt 6 thế kỷ qua.  

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, Tử Cấm Thành đã chứng kiến hơn 200 trận động đất lớn có tính hủy diệt, nhưng mỗi lần trải qua đều bình an vô sự. Qua bao cuộc bể dâu như thế, Tử Cấm Thành vẫn vững chắc như bàn thạch, sừng sững giữa thành Bắc Kinh. 

Để giải khai những bí ẩn này, người ta đã mời một chuyên gia về đồ gỗ tên là Richard tới tiến hành một cuộc thí nghiệm.

Richard – Chuyên gia về đồ gỗ. (Ảnh dẫn theo soundofhope.org)

Chịu được động đất cấp 10

Những người thợ mộc chuyên nghiệp đã xây dựng một mô hình thu nhỏ mô phỏng cấu trúc của Tử Cấm Thành. Để tạo ra mô hình Tử Cấm Thành chính xác nhất, các chuyên gia đã phải sử dụng kỹ thuật và công cụ nghề mộc truyền thống. 

Theo đó, tỷ lệ mô phỏng là 1/5 so với kích thước nguyên gốc. Các kỹ sư xây tòa nhà này trên một chiếc bàn rung, mô phỏng lực của động đất rồi hiệu chỉnh tần số rung lắc. Người ta phát hiện rằng những chiếc xà và cột chính là cấu trúc cốt lõi của tất cả các công trình bên trong Tử Cấm Thành.

Những “đấu củng” (kết cấu chịu lực đỡ mái) được ghép với nhau rất phức tạp, chống đỡ cho phần mái hiên và mái nhà. Chúng thường nằm ở vị trí các xà lớn, được chống đỡ nhờ những cột cao. Tuy nhiên, các cột này không được thiết kế chìm vào trong đất mà đứng “tự do”. Toàn bộ những kết cấu trên đều chịu được sức nặng của phần mái nhà. 

(Ảnh dẫn theo soundofhope)

Mô hình Tử Cấm Thành được thử thách ở các độ rung lắc tương đương với động đất 4 hoặc 4,5 và 5 độ richter. Mỗi lần thử nghiệm liên tục trong vòng 30 giây. Mặc dù kết cấu các đấu củng bắt đầu bị lực kéo đẩy nhưng toàn bộ mô hình chỉ hơi lắc lư nhẹ. Tiếp tục với độ rung tương đương động đất 7,5 độ richter, hai bức tường bên trái và bên phải không chống đỡ được và ầm ầm đổ xuống.

Cuối cùng là thử nghiệm với độ rung tương đương với trận động đất 9,5 độ richter. Đây cũng chính là mức chấn động cao nhất người ta đo được từ một trận động đất. Lực rung lắc lần này tương đương với sức công phá của 2 triệu tấn thuốc nổ TNT, mức độ tàn phá là cực kỳ mãnh liệt. Cho tới mức chấn động tương đương 10,1 độ richter tưởng như không công trình kiến trúc nào có thể chịu nổi. Thế nhưng thật kỳ lạ, mô hình Tử Cấm Thành vẫn ổn định, vững vàng, đứng nguyên tại chỗ, chỉ hơi dịch chuyển nhẹ. 

Richard đã phải dốc hết sức bình sinh để lắp ráp thành công mô hình phức tạp của “đấu củng” chống đỡ mái của Tử Cấm Thành. Đây là một kết cấu giá đỡ vô cùng tinh xảo với những đầu gỗ hình vòm, hình vuông giao thoa, xếp chồng tầng tầng lên nhau, thậm chí không cần dùng đến một cái đinh, một giọt keo dính nào.

Richard còn phát hiện rằng, kết cấu đấu củng của Tử Cấm Thành tựa như bộ giảm xóc của ô tô. Với các khối gỗ được kết hợp kiên cố, mỗi tầng lại có không gian co giãn lỏng. Sự ma sát và chuyển động của các đầu gỗ bên trong đấu củng có tác dụng triệt tiêu những cú va chạm mạnh do động đất sinh ra, từ đó giữ nguyên được hình dáng, cấu trúc công trình. 

Ngoài những đấu củng được thiết kế tinh xảo khả năng chống động đất của Tử Cấm Thành còn nằm ở chiếc cột trụ huyền thoại. Cột trụ bình thường khác đều được chôn sâu xuống nền nhà. Gặp các đợt rung chấn, cột sẽ trực tiếp bị gãy từ giữa. Ngược lại, cột trụ trong Tử Cấm Thành có khoảng không xê dịch nhất định, không bị cố định một chỗ, vì thế tránh được việc bị gãy ở giữa dẫn tới toàn bộ kết cấu bị đổ sụp. Cho dù gặp phải rung chấn mạnh tới mức nào, các cột trụ cũng chỉ hơi xê dịch vị trí một chút. Đây thực sự là điều kỳ diệu. 

Richard nói rằng, mình chỉ biết dùng một từ để miêu tả về sự huyền bí trong cách mà Tử Cấm Thành đã chống chịu qua hàng trăm trận động đất lớn nhỏ, đó là: flexibility (dẻo dai, linh hoạt).

Ông cho hay, đây chính là loại kiến trúc nổi bật theo nguyên lý “Trong nhu có cương”, khiến Tử Cấm Thành trường tồn với thời gian. 

“Đấu củng” (kết cấu chịu lực đỡ mái) được ghép với nhau rất phức tạp, chống đỡ cho phần mái hiên và mái nhà. Ảnh dẫn theo baomoi.com

Những nguyên liệu đặc biệt xây dựng Tử Cấm Thành

Nguyên vật liệu để cung ứng cho công trình kiến trúc đồ sộ này cũng vô cùng đặc biệt. Nó được tập hợp từ khắp đất nước rồi vận chuyển về Bắc Kinh. Hơn 100 nghìn cây gỗ lim được vận chuyển từ phía tây nam, cách Bắc Kinh 1.800 km. Loại “gạch vàng” lát nền được chuyển đến từ phía nam cách nơi đây 1.000 km. Hơn 80 triệu phiến đá, mỗi phiến có trọng lượng 24kg, giấy thếp tráng kim đến từ Nam Kinh. Tử Cấm Thành chính là một khu tổ hợp các công trình cổ với nhiều hiện vật quý hiếm. Tổng cộng tòa thành này có tới 9.999 căn phòng.

Số 9 (cửu) được coi là con số tượng trưng cho Hoàng đế. Vì vậy Tử Cấm Thành có 9 cửa dẫn vào nội đình (hậu cung). Chín cửa này đều là những tòa lầu được trang trí lộng lẫy. Hai tượng sư tử đồng đặt trên bệ đá ở cửa nội đình gồm một con đực và một con cái. Con đực giữ một quả bóng dưới chân, tượng trưng cho quyền lực. Con cái giữ một con sư tử con, tượng trưng cho sự sống.

Gỗ được dùng để xây cung điện đều được lấy từ một dãy núi sâu ở Tứ Xuyên. Người Trung Hoa xưa đã lợi dụng sức nước để đưa những cây gỗ lớn này tới Bắc Kinh bằng cách thả chúng trôi sông. Sau khi gỗ được chặt ở Tứ Xuyên, người ta sẽ vận chuyển chúng dọc theo sông Kim Sa (đoạn thượng du của sông Trường Giang) và sông Trường Giang xuống phía nam, sau đó lại thông qua những dòng sông lớn ở Bắc Kinh ngược lên phía bắc và đưa vào cung. 

Ở đây còn có rất nhiều những tảng đá khổng lồ, được chạm khắc hình hoa văn tỉ mỉ. Trong đó có những tảng đá nặng hơn 220 tấn, thậm chí còn có tảng hơn 330 tấn. Đá này được lấy từ một mỏ đá cách xa nơi xây Tử Cấm Thành đến 70 km. Các nhà nghiên cứu cho rằng những tảng đá khổng lồ như vậy được vận chuyển tới nơi xây dựng bằng bánh xe có nan hoa, một kỹ thuật đã được người Trung Quốc sử dụng rộng rãi từ 1.500 TCN. 

Tuy nhiên, thông qua một tài liệu cổ có niên đại 500 năm, Jiang Li, kỹ sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh đã phát hiện ra điều hoàn toàn khác. Theo đó, một khối đá nặng 123 tấn và dài 9,5m được chuyển vào Tử Cấm Thành trên một chiếc xe trượt không bánh do các phu xe kéo trong suốt hơn 28 ngày vào mùa đông năm 1557. 

Đồng thời tài liệu cổ còn tiết lộ, sau mỗi 500 mét các phu xây dựng thường đào các miệng giếng để lấy nước đổ xuống đường, bôi trơn cho những chiếc xe trượt chở đá di chuyển được dễ dàng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, kéo một hòn đá nặng 123 tấn bằng xe trượt có thể đạt tốc độ trung bình là 8cm/giây. Đồng thời để kéo hòn đá nặng như vậy đến Tử Cấm Thành chỉ cần khoảng 50 người, ít hơn nhiều so với 1.500 người nếu kéo đá trên đường khô không có băng nước trượt. 

Đá để xây dựng Tử Cấm Thành được lấy từ một nơi cách xa 70km, sau đó được phu xe kéo về. Ảnh dẫn theo rongbay.com

Kiến trúc ghi dấu tên tuổi một người Việt

Công trình đồ sộ nổi tiếng bậc nhất thế giới này có đóng góp không nhỏ của một người Việt tên là Nguyễn An. Theo nhiều ghi chép khác nhau, Nguyễn An (1381-1453) là người vùng Hà Đông, nay là địa phận thành phố Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là thần đồng và có biệt tài về kiến trúc. Ông từng tham gia vào công cuộc xây dựng cung điện ở kinh thành Thăng Long dưới thời vua Trần Thuận Tông, nhà Trần. Khi đó, Nguyễn An mới gần 16 tuổi.

Năm 1407, khi nhà Minh đem quân đánh nhà Hồ và thiết lập lại nền đô hộ của các vương triều phương Bắc trên đất Việt, Nguyễn An cũng như nhiều nhân tài, thanh niên trai tráng khác được đưa về phương bắc phục dịch trong cung điện nhà Minh.

Ở đất bắc, chẳng ngờ tên tuổi ông đã nổi danh thiên hạ. Ông chính là “Tổng đốc công”, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành. Những kết cấu “đấu củng” và cột trụ di động chính là thiết kế thiên tài của Nguyễn An.

Ngày nay, khi đến thăm Bắc Kinh, bạn có thể ra vào Tử Cấm Thành dễ dàng hơn nhiều so với 600 năm trước. Cái tên Tử Cấm Thành vẫn còn đó nhưng nó đã không còn là cấm địa bất khả xâm phạm nữa. Du khách có thể đi bộ chầm chậm men theo những bức tường vây đỏ thắm, ngước mắt ngắm nhìn những mái ngói lưu li tuyệt mỹ, rồi đi qua tầng tầng mái hiên trùng điệp cong vút, ngồi xuống nghỉ chân ở những thềm đá và mơ màng tưởng tượng lại những câu chuyện lịch sử của một thời hào hùng xa xăm…

Kiên Định