Giữa không gian ngát hương, vào một ngày đẹp nhất, mùa đẹp nhất, ánh trăng sáng vằng vặc trong tiết thu mát mẻ, thanh tao… đó là ngày lễ Trung thu mà trong quan niệm của người Việt, là khi con người có sự giao thoa kỳ diệu với đất trời vũ trụ… Cái ý nghĩa thuần khiết và vẹn toàn ấy giờ chỉ còn trong hoài niệm…

Trung thu vốn là Tết của … ai?

Có nhiều tích về nguồn gốc của Tết Trung thu, từ sự tích về vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng để gặp lại ái nhân Dương Quý Phi, đến tích về Hằng Nga ly biệt Hậu Nghệ… Điều thú vị là nguyên gốc Tết Trung thu chẳng có chút nào liên quan đến thiếu nhi cả. Thế nhưng với người Việt, Tết Trung thu luôn là Tết dành cho trẻ nhỏ.

(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)

Trung thu ở phố cổ Hà Nội – Không thể thiếu đèn lồng Hàng Mã

Đèn Trung thu là thứ có lẽ là quan trọng và ý nghĩa nhất được lũ trẻ háo hức làm từ trước cả tháng. Chuẩn bị vót tre, làm khung đèn, rồi cắt giấy pơ -luya, thứ giẩy mỏng tang đủ để thấy chiếc đèn sáng bừng lên khi thắp ngọn nến nhỏ ở giữa, trang trí bằng giấy màu, mọi thứ đều thủ công và đậm dấu ấn cá nhân. Đến đêm rằm thì đúng là một triển lãm các loại đèn sinh động vui mắt: đèn cá chép, đèn ông sao, đèn con gà, đền củ ấu, đèn mũ ông sư, đèn con thỏ, đèn xếp, đèn lồng, đèn kéo quân… đến cả những chiếc đèn cù ngộ nghĩnh được lũ trẻ làm từ vỏ lon bia hay ống bơ. Chỉ là một chiếc đèn bé nhỏ nhưng bao nhiêu là náo nức, là tỉ mẩn và để trẻ con học được bao nhiêu thứ từ việc tự làm tất cả các công đoạn và hình thành trong các em bao nhiêu ý tưởng thẩm mỹ.

Nếu là ở Hà Nội thì lại càng dễ dàng hơn, bởi vì các phổ cổ Hà Nội đều là phố nghề truyền thống. Nhà văn Băng Sơn tả về Trung thu trên phố cổ: “Phố hàng Mã rực rỡ đèn hoa, nến và đồ chơi trẻ em… Người dân hàng Mã rất khéo tay và tinh tế. Họ làm ra những chiếc đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn trời tuyệt đẹp. Phố hàng Trống lại tưng bừng trong tiếng trống ếch, trống quân…“

Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường… (Nguồn: Internet)
Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường… (Nguồn: Internet)

Trung thu ở nông thôn – rộn ràng tập dợt cả tháng, vang vọng khắp xóm làng yên tĩnh

Mặc dù lễ rước đèn trông trăng chính thức diễn ra vào tối ngày Rằm tháng 8, nhưng ở nông thôn có lệ trẻ con khắp các thôn xóm đã háo hức chuẩn bị tập dợt từ trước đó vài tuần tới cả tháng. Phần “công phu” nhất là chuẩn bị đèn lồng. Nếu ở thôn quê, nhà không có điều kiện thì các em nhỏ qua nhà hàng xóm để các anh chị lớn làm đèn cho.

Nói là làm đèn lồng, thực ra chỉ là mấy vỏ hộp nhựa đựng xà phòng đã dùng hết, vỏ hộp sữa, lon bia được đục lỗ hoặc cắt mảnh rồi đặt nến vào trong, kiếm thêm một chiếc que hay gậy nhỏ gắn thêm sợi dây buộc phần đèn thả ở phía dưới, vậy là có được một chiếc đèn để đi đón trăng.

Bạn nhỏ nào khéo tay hơn một chút hoặc được ông bà, bố mẹ “đầu tư” kỳ công hơn thì làm những chiếc đèn lồng bằng nan tre, bọc giấy màu ở ngoài. Thế là “nhất” rồi! Có đèn ông sao đi rước là “oách” lắm, mà không biết cầm thì dễ cháy đèn luôn, chỉ có tiếc ngậm ngùi, có khi còn khóc tu tu.

Bạn có từng rước những chiếc đèn ống lon như thế này? (Nguồn: Internet)
Bạn có từng rước những chiếc đèn ống lon như thế này? (Nguồn: Internet)

Xóm nào có đoàn lân thì không khí háo hức, còn có trước đêm hội cả tháng. Tối tối, tiếng trống múa lân thình thình cheng cheng lại kéo bầy trẻ con ra sân kho, sân đình xem tập múa lân Trung thu, đầu lúc lắc theo điệu múa, nói cười rôm rả.

Tới đúng rằm, sau giờ tan trường, bạn nào cũng nhanh chóng về nhà ăn cơm, tắm rửa, diện quần áo đẹp và háo hức đợi đến giờ rước đèn.

Những chiếc đèn đơn sơ được làm từ hộp đựng bột giặt, lon bia, lon sữa với nến thắp ở bên trong, chỉ cần cơn gió hơi mạnh thổi qua là nến tắt ngúm, vì thế trong nhóm có 2-3 bạn được phân công cầm sẵn một hộp diêm để sẵn sàng tiếp lửa. Tới giờ tập trung, trẻ em từ khắp thôn, xóm trong làng nối nhau thành hàng dài, đi loanh quanh qua các con đường. Tới đâu cũng nghe thấy tiếng trống rộn ràng, hân hoan.

Đi rước đèn khắp xóm. (Nguồn Internet)
Đi rước đèn khắp xóm. (Nguồn Internet)

Tới thời điểm trăng lên cao, cả đoàn rước tập trung về đình làng, nhà văn hóa xã hay trường học để phá cỗ, xem hát văn nghệ. Quà phá cỗ chỉ là mấy cái kẹo được truyền tay nhau nhưng bạn nhỏ nào cũng thích thú. Tan cỗ, từng nhóm từng nhóm lại lục đục kéo nhau về. Bầy trẻ lại thỏa thích chạy nhảy vờn nhau dưới ánh trăng sáng vằng vặc trên cao soi rọi từng con đường, từng ngõ ngách.

Trung thu của trẻ con chỉ có bấy nhiêu thôi. Ông bà, bố mẹ xếp xong mâm cỗ với quả bưởi, quả hồng, ít bánh dẻo, bánh nướng rồi cùng trông trăng lên. Cả nhà ngồi bên nhau nhâm nhi miếng bánh chén trà, chuyện trò vui vẻ.

Trung thu không thể thiếu vắng mặt nạ giấy bồi

Ảnh 6

Tất nhiên không thể thiếu những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh bằng giấy bồi. Mặt nạ truyền thống được làm từ giấy bồi, nhuộm bằng lá tre, rơm rạ đốt rồi nghiền nát, màu trắng lấy từ vỏ các loại sò, trai biển, màu vàng được lấy tử quả dành dành… lũ trẻ đeo mặt nạ, cầm những chiếc đèn đủ màu sắc hình ngôi sao, con cá, đèn cá chép, tàu thủy, con gà… gõ trống quân, rồng rắn đi khắp xóm hát những bài đồng dao rộn ràng:

Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có khiếu đánh đu
Thằng cu vỗ chài
Bắt chai bỏ giỏ…

Khi trăng đã lên cao tròn vành vạnh giữa trời trong vắt đến nỗi nhìn thấy rõ cả chú cuội ngồi gốc cây đa, lũ trẻ túa ra sân chơi chung của xóm rồi cùng nhau phá cỗ. Người lớn ăn bánh uống trà, kể chuyện chú Cuội cung trăng và đủ các sự tích cho các con. Lũ trẻ thì tưng bừng phá cỗ, chơi trò chơi… Tết Trung thu xưa dẫu giản dị mộc mạc nhưng lấp lánh niềm vui thơ trẻ và cái dư âm ấy còn đọng lại mãi đến cả khi trưởng thành.

Mâm cỗ Trung thu đậm đà bản sắc của người xưa: là lúc để lễ Trời lễ Phật

Chỉ là một đêm, nhưng trước đây, cái đêm thưởng trăng đó được mọi người chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn thận với một sự thành kính và tôn trọng hết mực văn hóa truyền thống.

Mâm cổ Trung thu xưa (Ảnh: internet)
Mâm cổ Trung thu xưa (Ảnh: internet)

Dễ có đến mấy chục thức trong mâm cỗ Trung thu thời xưa. Ngần ấy sự chuẩn bị đủ để biết người xưa cầu kỳ và cẩn thận, khẻo léo đến nhường nào trong những nghi thức văn hóa truyền thống. Nhưng chắc chắn một điều là chẳng có gì xa hoa đắt đỏ. Tất cả các thức đều là những món đồ, món ăn dân gian, và rẻ tiền. Người xưa còn bày trong mâm cổ Trung thu những ông Tiến sỹ giấy, ông Phỗng, ông Địa với ý nghĩa khuyến khích tinh thần học tập, giáo dục và hướng thiện.

(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)

Trung thu nay – Tết chẳng biết của ai, lòng vòng bởi những giá trị “ảo”

Thời gian không phải quá xa nhưng tốc độ thay đổi thì quả là mau lẹ đến nỗi hình ảnh về những Tết Trung thu cổ truyền như thế giờ chỉ còn trong hoài niệm, trong ký ức của những người lớn dường như vẫn còn thấy hôm qua thôi mình là một đứa trẻ.

Phố Hàng Mã giờ đông đúc chật cứng người, rợp trời đèn lồng cờ hoa và những món đồ chơi Trung Quốc. Đồ chơi điện tử, đồ chơi nhựa, súng ống, ô tô, người máy… Chẳng còn chút dư vị nào dù ít ỏi nhất của phố nghề mà chỉ thấy không khí buôn bán chao chát. Những người vốn đã quen với những thứ thân thuộc mộc mạc truyền thống nếu đi lên phố Hàng Mã, Lương Văn Can những ngày này hẳn phải thấy rợn người trước những món đồ chơi, mặt nạ kì quái, tóc giả, súng ống, gương lược…

Đèn Trung thu bằng nhựa, thắp điện, hình siêu nhân. mặt nạ được làm bằng chất liệu chính là… nhựa, được gắn thêm đá, kim tuyến, thậm chí gắn đèn. Rồi thì còn có những thứ quái dị được coi là biến thể của mặt nạ như sừng trâu phát sáng, răng nanh giả, tóc giả, cánh thiên thần, áo choàng… rất được giới trẻ ưa chuộng. Có đi tìm mỏi mắt cũng không ra một món đồ chơi dân gian. Chiếc trống quân nhỏ xíu có lẽ là một trong những món đồ dân gian còn sót lại nhưng giờ cha mẹ cũng không thích mua cho con vì sợ “điếc tai lắm”.

Cha mẹ không còn thời gian để tự tay chuẩn bị cho con mà mọi thứ đều được mua bán cho nhanh. Cũng chẳng còn nghĩ tới việc giáo dục con cái trong dịp lễ truyền thống dân gian nữa mà chỉ dẫn con lên phố, thích gì mua nấy. Đêm Trung thu thì góp tiền thuê MC, diễn viên hài về diễn cho trẻ xem. Đấy là ở những khu phố có sân lớn, nếu không thì còn đưa trẻ đi xem phim, xem xiếc ngoài rạp, vậy là cũng xong một cái Tết Trung thu. Trẻ con vì thế cũng chẳng hiểu gì về Tết Trung thu, cũng không có tâm trạng chờ đợi háo hức, không biết về những trò chơi dân gian, lũ trẻ chẳng có lựa chọn gì ngoài những món đồ quái dị bầy la liệt trên phố. Trung thu bây giờ, nhiều cha mẹ còn mua cho con súng, gươm mới, xe ô tô siêu tốc, siêu nhân… Chẳng biết họ định giáo dục con điều gì qua những món đồ chơi ấy.

Bánh Trung thu trị giá 10 triệu đồng dành cho… người lớn

Về món bánh Trung thu, vốn dành cho trẻ em, cả nước hiện nay tiêu thụ tới hàng ngàn tấn, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng không phải cho trẻ em, mà đa phần đã trở thành đồ biếu xén quan hệ của người lớn. Những tưởng bánh Trung thu nhiều hơn, cho kỳ trăng rằm tròn đầy hơn và “tình” thêm đậm đà, thế nhưng, người ta không còn thấy háo hức như xưa khi được chia một “mẩu” bánh nướng, bánh dẻo. Bánh nhiều quá, càng gần đến ngày Rằm thì các hộp bánh chưa bán được phải giảm giá 10%, 20%, rồi tới 50% mà cũng chỉ có lác đác người mua.

Người ta quên mất cái “nhất” của Trung thu dành cho thiếu nhi. Cái “nhất” giờ là những chiếc bánh Trung thu giá “khủng” lên tới hơn 10 triệu đồng/hộp tại những khách sạn cao cấp với những tên gọi kiêu kỳ, vỏ hộp được trang trí ấn tượng, đi kèm với rượu ngoại và trà hảo hạng được mua để biếu người thân, doanh nghiệp, đối tác.

Trẻ em không cần đến rượu với bánh Trung thu như thế này. (Ảnh: vnexpress.net)
Trẻ em không cần đến rượu với bánh Trung thu như thế này. (Ảnh: vnexpress.net)

Tết Trung thu giờ đây trở thành dịp để ‘tạo quan hệ’ núp dưới danh nghĩa tặng quà Trung thu, bánh Trung thu trở thành món hàng nhằm ngoại giao trao đổi của người lớn, chứ không còn là ngày hội của thiếu nhi nữa.

Bánh có đẹp mắt mà người chẳng đẹp lòng. Thổi phồng các quan hệ ảo, đó chẳng phải Tết tình thân, ấy là Tết Trung thu “biến tướng”.

Tết Trung thu cũng xuất hiện rất nhiều bánh không có nguồn gốc, xuất xứ, không hạn sử dụng, xuất hiện nhiều hàng giả chất lượng kém.

Với người công nhân cuộc sống khó khăn, Trung thu có được chiếc bánh nướng, bánh dẻo cho con là vui rồi. Hàng trăm trẻ em miền núi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận những chiếc bánh Trung thu mộc mạc, giản dị từ những người hảo tâm, những nhóm làm từ thiện là có Tết Trung thu.

Trẻ em vẫn háo hức với đèn Trung thu như xưa. (Nguồn Internet)
Trẻ em vẫn háo hức với đèn Trung thu như xưa. (Nguồn Internet)

Mải chạy theo những giá trị “ảo”, nhiều người nhận ra Trung thu giờ chẳng được như ngày xưa nữa. Người ta đang cố quay về với bánh Trung thu cổ truyền để lại tìm chút hương vị “ngày xưa” đã mất. Chẳng thế mà tại những nơi bán bánh Trung thu truyền thống, dù phải xếp hàng dài đợi mua bánh và “bị” chủ “hạn chế” số lượng mua, khách vẫn đến mua nườm nượp, bởi bánh Trung thu ở đó có hương vị của “ngày xưa”, mộc mạc mà đậm đà. Không cao xa, không kiểu cách, người đi xa cầm đèn lồng về làm quà cho trẻ nhỏ, dành bánh nướng, bánh dẻo biếu kính cha mẹ. Vậy là đã có một Trung thu tròn đầy.

Hòa An- Bảo Minh

Xem thêm: