Ai đọc “Tây Du Ký” cũng đều có chung cảm nhận này, không chỉ là tác phẩm văn chương xuất sắc nó còn hàm chứa rất nhiều đạo lý tu luyện. Cả cuốn truyện chính là quá trình tự mình tu luyện tâm tính của đoàn người đi lấy kinh. Trong đó, mỗi hồi lại là một kiếp nạn họ phải vượt qua để đề cao cảnh giới của mình. 

Đường Tăng – Tôn Ngộ Không: Không chỉ là quan hệ thầy trò

Trong hồi thứ 98, “Vượn thục Ngựa thuần nay thoát xác. Công thành viên mãn gặp Như Lai“, kể rằng bốn thầy trò Đường Tăng đã trải qua hết ma nạn, cuối cùng cũng tới được Tây Thiên thỉnh kinh Phật. “Tam Tạng tỉnh ngộ ra, vội quay người lại cảm tạ ba đồ đệ. Hành Giả nói: “Hai bên chẳng phải tạ ơn nhau, bởi cả hai cùng giúp nhau đấy chứ. Chúng con nhờ sư phụ được giải thoát, mượn đường lối tu hành, may thành chính quả. Còn sư phụ nhờ chúng con hộ vệ mà giữ giáo Già Lam (chỉ Phật giáo), thoát khỏi thai phàm“.

Nếu như không có “Hỏa nhãn kim tinh” phân rõ chính tà, thiện ác, không có bản lĩnh hàng yêu phục ma của Tôn Ngộ Không thì một Đường Tăng lương thiện, lấy từ bi làm gốc đã sớm bị yêu quái ăn thịt từ lâu. Còn như không có tâm Đại Thiện của Đường Tăng chế ước, Tôn Ngộ Không vô pháp vô thiên có lẽ mãi chỉ là một con hầu tinh, cuối cùng cũng sẽ bị trời tru đất diệt.

Người có bản lĩnh lớn, có năng lực phân rõ chính tà, thiện ác như Ngộ Không đương nhiên là tốt. Nhưng bản lĩnh ấy nhất định phải được xây dựng trên nền tảng, gốc rễ của lòng từ bi, lương thiện. Đổi ngược lại, là một người lương thiện, nếu không có “hỏa nhãn kim tinh” phân rõ thật giả và bản lĩnh to lớn để hàng phục yêu ma, sớm muộn cũng sẽ bị đám yêu ma giả nhân giả nghĩa lừa gạt, tiêu diệt. Khi ấy, mọi nguyện vọng tốt đẹp cuối cùng đều chỉ như trăng trong nước, hoa trong gương, hoá thành hư ảo cả.

Trước kia, Đạo gia giảng rằng thân thể con người là một tiểu vũ trụ. Nội hàm của câu nói này thật sự vô cùng rộng lớn. Vũ trụ từ khi khai thiên tịch địa đã tạo nên một tảng đá thiêng, vốn là nguồn gốc của Tôn Ngộ Không. Lai lịch của Đường Tăng cho đến Trư Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã cũng đều không tầm thường. Chuyện năm thầy trò này quần tụ với nhau, cùng lên đường sang Tây Trúc cũng đều không phải ngẫu nhiên, mà là sứ mệnh đã được định sẵn, an bài.

Tôn Ngộ Không thác sinh từ tảng đá. Ảnh dẫn theo youtube.com

Hồi thứ 13 kể rằng, Đường Tăng gặp nguy hiểm được thợ săn Bá Khâm cứu thoát, tiễn chân đến biên giới Đại Đường. Bá Khâm nói: “Trưởng lão không biết, núi này tên là núi Lưỡng Giới, nửa bên đông thuộc nước Đại Đường, nửa bên tây thuộc nước Thát Đát“. Ngụ ý ở đây chính là Đường Tăng đã vượt qua quan nạn nguy hiểm, sắp phải thoát ly cảnh giới con người mà đi vào ma giới. Thát Đát chính là danh từ chỉ sự dã man và ma tính.

Thử nghĩ sâu thêm, nếu không tồn tại ma quỷ thì người ta cũng không thể tu thành Phật được. Ma nạn chính là để thử thách lòng kiên định của con người. Khi phải đối diện với yêu ma quỷ quái, dù là người thợ săn mạnh mẽ có tài hàng phục mãnh thú cũng lực bất tòng tâm. Phải là nhân vật tài giỏi có thần thông, lại từng tu Đạo mới có thể làm nên chuyện hàng yêu phục quái kinh thiên động địa ấy. Lúc này, Đường Tăng đã gặp được Ngộ Không, duyên thầy trò cũng khởi từ đây.

Từ sau hồi thứ 14, tức là sau khi bước qua núi Lưỡng Giới, Đường Tăng mới thật sự cất bước trên con đường tu luyện, mới thực là đi thỉnh chân kinh. Và lúc này, Đường Tăng cũng phải bắt đầu thanh tịnh lục căn, chuẩn bị những cơ sở đầu tiên cho tu luyện.

Trong hồi thứ 14: “Lòng vượn theo đường chính, sáu giặc mất tăm hơi” đã nói rõ đây là bước đi đầu tiên của cả Đường Tăng và Tôn Ngộ Không, chính là quy chính nhân tâm, thanh tịnh sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Trong truyện kể rằng:

“Hành Giả vốn người dũng cảm, chẳng nói chẳng rằng, bước lên, chắp tay trước ngực chào sáu tên cướp:

– Các ông vì duyên cớ gì lại cản trở đường đi của bần tăng?

Mấy tên kia nói:

– Chúng ta là đại vương ngăn đường, là chúa sơn lâm tốt bụng, tiếng tăm lừng lẫy, người không biết sao? Hãy mau để đồ vật lại thì ta cho đi, còn như miệng hé ra nửa chữ “không”, thì thân xác ngươi ngay tức khắc nát vụn như cám!

Hành Giả nói:

– Ta cũng là đại vương tổ truyền, sơn chúa lâu năm mà chưa từng nghe tiếng tăm của các ông bao giờ cả.

Mấy tên kia nói:

– Nhà ngươi đã không biết, bọn ta nói cho mà nghe: Chúng ta, một người gọi là “mắt thấy mừng”, một người gọi là “tai nghe giận”, một người gọi là “mũi ngửi thích”, một người gọi là “lưỡi nếm nghĩ”, một người gọi là “ý thấy muốn”, một người gọi là “thân vốn lo”. 

Ngộ Không cười, nói:

– Thì ra là sáu thằng giặc cỏ. Không nhận ra người xuất gia này là chủ của các ngươi sao, mà lại dám chặn đường. Hãy mang những đồ châu báu cướp được ra đây chia đều làm bảy phần, thì ông tha cho.

Sáu tên cướp nghe nói, thằng mừng thì mừng, thằng giận thì giận, thằng thích thì thích, thằng nghĩ thì nghĩ, thằng muốn thì muốn, thằng lo thì lo, cả lũ xông lên hò hét loạn xạ:

– Tên hòa thượng này thật vô lễ. Đã chẳng có vật thì chớ, lại còn đòi chia phần của chúng ta!”.

Mắt thấy mừng, tai nghe giận, mũi ngửi thích, lưỡi nếm nghĩ, ý thấy muốn, thân vốn lo, chúng là lục căn bất tịnh của người ta. Sáu tên giặc cỏ này đương nhiên không có những thứ mà hòa thượng cần, mà hòa thượng hay người tu luyện nào có sáu tên giặc này (lục căn) cũng chẳng phải là hòa thượng nữa, rất khó tu thành.

Ngộ Không quả thực đã ra tay đánh chết 6 tên cướp ấy. Mà cũng vì ra tay đánh cướp mà Ngộ Không bị Đường Tăng giận, đuổi đi. Ngộ Không lúc này hãy còn nóng nảy, chưa nhẫn, cũng bực bội mà bay thẳng về Hoa Quả Sơn, đường ai nấy bước, để mặc sư phụ một mình ở lại.

Khi đi qua biển, Hành Giả tới thăm Long vương tâm sự chuyện oan ức của mình, nói: “Đó là Đường Tăng không phân rõ nhân tính. Có mấy tên giặc cỏ chặn đường bị ta đánh chết, vậy mà ông ta cứ càu nhàu mãi…”. Cái gọi là nhân tính ở đây chính là “lục căn” kia vậy. Vẫn còn tính cách con người, vẫn còn nhân tâm thì đảm bảo rằng tu luyện không thành, ý tứ là như vậy.

Tu tâm tính trên từng quan ải

Hồi thứ 15: “Núi Xà Bàn, chúng thần ngầm giúp. Khe Ưng Sầu, Long Mã thắng cương” kể chuyện Đường Tăng thu phục Bạch Long Mã. Đằng sau câu chuyện ly kỳ ấy là những lý thuyết tu luyện vô cùng uyên thâm của Đạo gia.

Rồng chính là thông mạch, vô luận là thủy mạch hay là khí mạch, nơi nào có mạch thì chính là có rồng, phong thủy long mạch. Đường Tăng lục căn sau khi đã thanh tịnh thì có đủ cơ sở để thật sự luyện ra công phu. Thân thể tịnh hóa đến bước này rồi, mạch lạc thay đổi và sản sinh ra vật chất cao năng lượng. Vật chất cao năng lượng vận chuyển trong mạch lạc đương nhiên sản sinh ra Thần Long.

Người tu luyện cảnh giới cao bao nhiêu, kinh mạch trong thân thể mở ra nhiều bấy nhiêu. Các vật chất trong kinh mạch thuận theo cảnh giới đã được tịnh hóa mà xảy ra sự biến đổi về chất. Bề mặt là Bạch Long Mã cõng Đường Tăng, thực chất là “nước lên thuyền cũng lên theo”, Đường Tăng đã tu luyện ra được công phu cao thâm.

Liên tục trong những hồi sau, từ 16 đến 19, thuận theo con đường lấy kinh hiểm trở, Đường Tăng đã tu bỏ được rất nhiều nhân tâm. Ví như trong hồi 16: “Viện Quan Âm, các sư lừa bảo bối. Núi Hắc Phong, yêu quái trộm cà sa” kể rằng khi Đường Tăng khoe ra chiếc áo cà sa quý đã làm dấy khởi lòng tham của sư trụ trì viện Quan Âm. Lòng tham che mờ mắt, các sư ở viện Quan Âm chất củi, phóng hoả, còn định hại chết hai thầy trò.

Đường Tăng khoe ra chiếc áo cà sa quý đã làm dấy khởi lòng tham của sư trụ trì viện Quan Âm. Ảnh dẫn theo youtube.com

Vẫn chưa hết, tấm áo cà sa quý báu còn bị yêu tinh gấu ở rừng Hắc Tùng gần đó dòm ngó, cuối cùng nhân đêm lửa cháy cướp lấy mang về. Hành Giả đến đánh nhau mấy bận cũng không hàng phục được yêu tinh, cuối cùng đành phải nhờ đến pháp lực cao cường của Quan Âm Bồ Tát. Lần này, Đường Tăng chính là đã trừ bỏ được tâm danh lợi và tâm lý hiển thị, thích khoe khoang của mình.

Ở các hồi thứ 18, 19, kể chuyện Đường Tăng và Ngộ Không đến thôn Cao Lão đụng độ Trư Bát Giới, bấy giờ là một yêu quái khét tiếng, gây hoạ loạn khắp vùng. Hàng phục được Trư Bát Giới cũng chính là Đường Tăng đã trừ bỏ được tâm tham sắc dục, thực sự trì giới tu tâm mình.

Vạn vật đều có linh, nhân tâm cũng là một loại sinh linh có sự sống. Khi người ta buông thả, phóng túng thì chính là đang nuôi dưỡng nó từng ngày. Đến một lúc nào đó, nhân tâm bột phát sẽ thể hiện ra đủ loại ích kỷ, tư lợi. Chỉ có khống chế vững vàng nhân tâm, tu luyện tâm tính không ngừng thì mới cải biến được con người từ bản chất.

Trong quá trình tu tâm đoạn dục, nhân tâm hễ không tĩnh lặng liền tạo thành phong ba. Đó chính là câu chuyện thu hàng Sa Tăng ở Lưu Sa Hà. Cả Ngộ Không lẫn Bát Giới đánh nhau mấy bận với Sa Tăng vẫn không sao thắng nổi, lại bèn nhờ Bồ Tát. Bồ Tát sai Mộc Tra thái tử xuống thu phục Sa Tăng. Pháp danh của Sa Tăng sau này chính là “Ngộ Tĩnh”, tức là ngộ được cái tĩnh trong tâm vậy.

Phật gia, Đạo gia đều là tu Thiện, tu Chân, sức nhẫn nại chịu nhọc, chịu khổ quyết định quả vị tu luyện sau cùng. Nhẫn nại không đủ sẽ dẫn đến xáo động trong lòng. Mâu thuẫn giữa thầy trò Đường Tăng đều là sau khi sức nhẫn nại không đủ, không thể thăng hoa lên trên. Vậy những điều được giảng trong “Tây Du Ký” chính là câu chuyện tu luyện tâm tính Chân, Thiện, Nhẫn.

Có một câu hỏi đặt ra là vì sao trong năm thầy trò chỉ có Đường Tăng là không có vòng kim cô? Lý do là bởi ông vốn đã là một tăng nhân tu hành khắc khổ, có tâm từ bi, lại phát nguyện thỉnh kinh về hoá độ chúng sinh. Một người tốt đến như thế, dẫu bị kẻ khác ép buộc làm chuyện xấu cũng nhất quyết không theo. Như vậy còn cần vòng kim cô ước thúc để làm gì?

Thầy trò Đường Tăng đi lấy Kinh. Ảnh dẫn theo youtube.com

Trong khi đó, mấy anh em Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng, Bạch Long Mã trước lúc theo thầy tu trì Phật Pháp thì đều là yêu tinh, có thần thông phi thường, không dễ ngồi yên một chỗ. Nếu không có vòng kim cô và “Khẩn cô nhi chú” ước thúc, ai dám khẳng định rằng họ không làm nên chuyện chọc trời khuấy nước đây? Là yêu tinh thì phải quản. Thế gian con người nếu không có pháp luật cưỡng chế và đạo đức ước thúc thì ắt sẽ đại loạn. Đạo lý này dù là ở thượng giới nhân gian cũng đều như nhau.

Có một điều thú vị khác trong “Tây Du Ký” mà ít người để ý đó là nhóm đồ đệ bảo hộ Đường Tăng sang Tây Thiên lấy kinh về tạo phúc cho chúng sinh thật ra đều là một nhóm yêu tinh từng phạm tội trên thiên thượng. Điều đó là minh chứng rõ ràng nhất cho Phật Pháp vô biên, lòng từ bi hồng đại của Thần Phật. Dẫu là kẻ phạm tội tày đình cũng đều được trao cơ hội “phản bổn quy chân” bình đẳng. Vả chăng con hư biết quay đầu lại còn quý hơn vàng vậy.

Phi Long