“Tôi là một người thiện lương, chưa bao giờ làm hại một ai, vậy vì sao lại mắc bệnh ung thư?”. Đây là một câu hỏi và cũng là vấn đề được quan tâm trong xã hội hiện nay. Bài viết dưới đây thể hiện một góc nhìn về điều này, hy vọng sẽ hữu ích cho mỗi chúng ta.

Hung cát phúc họa của con người là do ai tạo ra? Cổ nhân cho rằng, đó chính là tự bản thân chúng ta khởi tâm động niệm mà tạo ra. Vậy nên, mỗi người cũng đừng nên trách cứ ai mà hãy nhìn lại bản thân mình. Lời nói thiện, hành động thiện lương, nhưng ý nghĩ bất thiện thì đó chỉ là cái thiện giả tạo; chỉ có tâm thiện lương, ý nghĩ cũng thiện lương mới là lương thiện thật sự.

Để có thể trả lời câu hỏi: “Tôi là người tốt nhưng vì sao lại mắc bệnh ung thư?”, trước tiên chúng ta cần suy nghĩ xem xét xem thế nào là Thiện? Thế nào là Ác? Căn bệnh ung thư rốt cuộc là do điều gì khởi tác dụng?

Về thắc mắc thế nào là thiện thế nào là ác, kỳ thực trong văn hóa truyền thống Á Đông, ở bất kể đâu chúng ta cũng có thể tìm thấy câu trả lời.

Như thế nào là Thiện, Ác? 

Từ xa xưa, cổ nhân đã giảng về thuyết “nhân quả báo ứng”, người xưa tin rằng thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Trong sách Kinh Dịch có viết, nhà chứa điều thiện ắt sẽ có niềm vui, nhà chứa điều ác ắt sẽ có tai ương.

Sách Thượng Thư viết, hễ làm điều tốt lành thì trời sẽ ban trăm điều phúc, hễ làm điều xấu thì trời sẽ giáng xuống trăm điều họa. Trong Luận Ngữ, Đức Khổng Tử dạy, điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

Trong “Du Tịnh Ý Công gặp Táo Quân ký sự” có ghi chép một câu chuyện như sau: Xưa có một ông lão tên là Du Tịnh Ý, cả đời luôn hành thiện, không làm điều ác. Tuy nhiên, gia cảnh ông nghèo túng cực nhọc tới mức buồn chán thất vọng. Ông không biết nguyên nhân vì đâu mình lại cứ mãi nghèo túng như vậy, rõ ràng làm việc tốt tại sao cứ mãi nghèo khổ? Trách mình rồi trách người, ông quay sang oán giận trời xanh.

Táo Quân linh thiêng đã đến và nói cho ông nguyên nhân thật sự như sau: Bởi trong đầu ông chất chứa toàn ý nghĩ xấu nên đã tạo ác nghiệp to lớn. Hơn nữa, ông là người chỉ muốn hư danh, mong được người khác khen ngợi, nên tất cả những việc thiện ông làm đều là theo người khác chứ xuất phát từ nội tâm. Người ta phóng sinh là vì lòng thương xót, còn ông phóng sinh lại chỉ làm qua loa lấy lệ, xem trọng hình thức chứ chẳng hề xuất niệm từ bi.

Không những vậy, trong đầu ông có nhiều suy nghĩ xấu xa như tham lam, ham muốn, ghen tị… Những việc ông làm chỉ là qua loa lấy lệ, làm ra vẻ để chứng minh cho người khác xem chứ không thật tâm thật lòng. Tất cả đều được trời đất ghi chép rành mạch, nên ông không thoát khỏi bị thảm họa báo ứng, vậy còn phúc ở đâu mà cầu?

Lời Táo Quân nói đã thức tỉnh Du Tịnh Ý Công. Hóa ra tội nghiệp từ những ý nghĩ xấu ác đã dẫn đến tình cảnh khốn cùng của ông suốt 30 năm qua. Tại sao Dư Tịnh Ý Công lại tự lừa mình dối người suốt 30 năm như vậy? Chính là bởi ông không hiểu được luật nhân quả, không hiểu rằng ý niệm bất thiện cũng sẽ gặp hậu quả nghiêm trọng. Sau đó, nghe theo lời dạy bảo của Táo Quân, ông đã thay đổi bản thân và có được may mắn phúc khí.

Suy nghĩ lương thiện đắc được phúc khí. (Ảnh: daotam.com)

“Liễu phàm tứ huấn”, tác phẩm của Viên Liễu Phàm đời nhà Minh cũng là một cuốn sách khuyến thiện được lưu truyền rộng rãi, trở thành những tấm gương để mọi người tu thân học tập. Trong sách có ghi lại câu chuyện như sau:

Một ngày, các vị nho sinh đến thỉnh giáo thiền sư Trung Phong: “Tại sao có nhiều người lương thiện nhưng con cháu lại không được hưng thịnh; Lại có rất nhiều người hành ác mà gia môn lại thịnh vượng? Những điều này trái ngược với quy luật nhân quả, khiến người ta hoài nghi lời Phật dạy”.

Thiền sư đáp: “Các vị đang dùng cặp mắt thịt trần tục của người thường, mê mờ trong cõi hồng trần nên điều nhìn thấy không nhất định là chính xác, thường nhầm lẫn giữa thiện và ác. Có những điều mọi người nghĩ là thiện nhưng chưa chắc đã là thiện, có những điều mọi người cho là ác cũng không nhất định là ác. Bởi có hiểu lầm như vậy nên mới quay sang oán trời trách đất”.

Sau đó, vị thiền sư bèn hỏi họ tiêu chuẩn phân biệt giữa thiện và ác. Có người cho rằng, đánh người, mắng người là ác, kính trọng người khác, kính lễ người khác là thiện. Lại có người nói, tham lam ăn của đút lót phi nghĩa là ác, liêm khiết trong sạch là thiện. Trung Phong thiền sư trả lời: “Chưa hẳn là như thế”.

Rồi thiền sư giảng giải: “Bất kể việc gì mang lợi ích tốt đẹp cho người khác thảy đều là Thiện, những việc mưu cầu lợi ích cho bản thân thảy đều là Ác. Nếu như có lợi cho người khác mà cần phải đánh phải mắng họ thì vẫn là việc thiện. Nếu như tôn trọng người khác, kính lễ với người khác chỉ là để mưu cầu lợi ích bản thân thì đó vẫn là việc ác”.

Hai câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta điều gì? Và hung cát họa phúc của con người là do ai tạo ra? Hoàn toàn là bởi chính bản thân chúng ta khởi tâm động niệm mà tạo ra. Nếu lời nói của ta thiện lương, hành động của ta lương thiện nhưng ý nghĩ không thiện thì cũng chỉ là thiện lương giả tạo. Chỉ có tâm thiện, ý nghĩ thiện thì mới là thiện lương thật sự.

Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn trên mà đo lường thì chúng ta có thể biết rằng bản thân có thiện lương hay không, và đâu là nguyên nhân căn bản khiến chúng ta đắc được quả thiện hay quả ác.

Hai câu chuyện trên cũng hoàn toàn phù hợp với quy luật nhân quả mà Phật gia đề cập. Bất kể sự việc gì cũng đều có nhân duyên. Họ tin rằng thiện có thiện báo, ác có ác báo. Bởi vậy những căn bệnh hiểm nghèo, ví như ung thư là bởi trước đó họ đã tạo ra nghiệp quả mà tạo thành.

Phóng sinh là việc làm xuất phát từ tâm từ bi, không phải việc làm qua loa lấy lệ, xem trọng hình thức. (Ảnh: cinemamir.com)

Nghiệp ác nào dẫn đến ung thư?

Kinh Phật giảng rằng: Trong tất cả tội và nghiệp của con người, sát sinh là tạo nghiệp nặng nhất. Tổ sư thứ 13 của Tịnh độ tông Ấn Quang đại sư cũng từng nói: “Phàm là những người mắc các loại bệnh nặng và nguy hiểm đều bởi tạo nghiệp sát sinh ở kiếp trước và kiếp này mà ra”.

Quả báo mà những người sát sinh gặp phải đó là “quả báo đoản mệnh”, nghĩa là những người từng sát sinh thì cả đời sẽ gặp nhiều tai nạn, mọi việc không thuận lợi lại gặp nhiều đau khổ về bệnh tật và đoản mệnh.

“Năm giới cấm” của Phật giáo là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không ăn nói ngông cuồng, không uống rượu. Nhiều người cho rằng năm loại giới cấm này là việc của những người tu Phật, kỳ thực nó có liên quan tới mỗi người chúng ta. Về mối quan hệ giữa luật nhân quả và 5 giới cấm này, dù người đó có tu học Phật Pháp hay không, thì định luật nhân quả và pháp lý của vũ trụ sẽ vĩnh viễn bất biến. Những quy luật này sẽ không vì chúng ta tin hay không mà thay đổi.

Tiếng Hán là loại ngôn ngữ tượng hình có hàm chứa nhiều thiên cơ rộng lớn. Ngay trong bản thân từ “癌” (Nham, tức là ung thư), đã tiết lộ cho chúng ta thấy nguyên nhân chủ yếu sinh bệnh ung thư:

Từ chiết tự và kết cấu của chữ “癌” (Nham), có thể thấy bên ngoài là bộ bệnh (Nạch), nghĩa là giường bệnh, bệnh lý hoặc người bị bệnh. Chữ ở giữa “品” (Phẩm), với ba bộ “口” (Khẩu): tức là miệng xếp chồng lên nhau. Ở đây có hai ý nghĩa: một là nhìn nhận từ góc độ số lượng, ba bộ “Khẩu” (口) biểu thị việc ăn uống hấp thụ rất nhiều thứ; thứ hai là phân tích từ góc độ chủng loại thực phẩm, bởi muốn thưởng thức hương vị của các loại món ăn, hàm ý là ăn để thỏa mãn sự ham muốn, ăn để thỏa mãn sự kích thích vị giác chứ không phải ăn để bảo vệ sức khỏe.

Chữ “山” (Sơn) ở phía dưới là để biểu thị việc ăn uống một cách không điều độ, ăn nhiều tới chất cao như núi. Trong chữ 癌” (Nham), với ba bộ “口”, người xưa  muốn nói với chúng ta sự thể hiện của quy luật nhân quả: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”.

Chúng ta hãy cùng quan sát những quả báo mà con người ngày nay đang phải gánh chịu, thì sẽ cảm nhận được thực sự là như vậy. Trong các thời kỳ lịch sử của nhân loại, chưa có thời kỳ nào như thời kỳ hiện nay, toàn bộ xã hội đang trôi theo dòng chảy của những ham muốn dục vọng, chạy theo vật chất và tiền tài tới mức cực điểm, bởi vậy tạo nghiệp cũng vô cùng to lớn.

Con người ngày nay, tội nghiệp tạo thành vô số, vì thế mà phải hứng chịu bao thiên tai, bão lũ, bệnh tật. (Ảnh: pixnet.net)

Không những vậy, con người hiện đại ngày nay còn sát sinh các loài động vật một cách bừa bãi hơn nữa. Phần đông dân số thế giới đều chuộng ăn thịt, coi thịt là nguồn thực phẩm chính yếu, dẫn tới việc sát hại các loại động vật đã đạt tới con số cực điểm đáng sợ! Đồng thời điều này cũng làm cho môi trường sinh thái đứng bên bờ vực nguy hiểm.

Bởi chăn nuôi lượng lớn các loại động vật sẽ dẫn tới lãng phí nguồn tài nguyên nước, từ đó làm không khí đất đai ô nhiễm, dẫn tới trái đất dần trở nên nóng hơn, và gây ra những tổn hại sâu sắc tới môi trường.

Thần Phật là từ bi với sinh linh vạn vật, và luôn coi con người là “anh linh của vạn vật”, luôn mong muốn chúng ta đồng cảm yêu thương muôn loài. Vậy mà chúng ta chỉ vì dục vọng ham muốn của mình không từ phương pháp nào để hành hạ, giết hại các loại động vật. Kỳ thực khi con người động tay dùng dao sát hại các loại động vật, cũng chính là đang tự dùng dao hướng về mình.

Khi chúng ta mắc bệnh ung thư, khi chúng ta bị các cơn đau đớn giày vò tới mức khôn thấu, bị dao phẫu thuật đưa vào người và trị liệu có phải rất giống với hình ảnh các loại động vật bị giết hại để chế biến thành thực phẩm trên bàn ăn của chúng ta không?

Trong kinh Phật dạy rằng, tất cả chúng sinh trong tam giới không ai là không trân quý sinh mệnh của bản thân mình. Bất kể loài động vật nào khi bị con người bắt được, đều sẽ biết và cảm nhận được nỗi đau đớn của giết mổ, bị biến thành món ăn, những đau khổ đó có gì khác với con người? Thế mà con người hiện đại có mắt mà như không nhìn thấy, có tai mà như không nghe thấy, mặc dù có trái tim mà không cảm nhận được sự đau đớn của vạn vật, chỉ muốn sát sinh để thỏa mãn dục vọng và đam mê ăn uống của bản thân mình.

Và hãy cùng tưởng tượng và so sánh giữa nhà bếp và phòng mổ

Bên nhà bếp các đầu bếp mặc trang phục nấu bếp màu trắng, còn trong phòng mổ các bác sĩ mặc áo blu trắng; ở nhà bếp bên này là các đầu bếp, còn ở bên phòng mổ kia là bác sĩ ngoại khoa; ở bên này là dao làm đồ ăn, còn bên kia là dao mổ; ở bên này là thớt, còn bên kia là bàn mổ; ở bên này là nước tẩy rửa vệ sinh, còn bên kia là cồn sát trùng; nằm trên thớt ở bên này là các loại động vật, còn bên kia người nằm trên bàn mổ là chúng ta.

Khi phân tích tới đây chúng tôi muốn mời độc giả ngừng lại và cùng suy ngẫm một chút, xin hỏi đây là sự trùng hợp hay là luật nhân quả? Kỳ thực tất cả những gì chúng ta gây ra cho động vật, cuối cùng đều trở lại trên thân của chúng ta…

Theo soundofhope
Bình Nhi biên dịch