Cuộc tái hợp với Đào Lang- Người chồng kiếp trước

Năm 1609, sau khi từ biệt ba nhà thơ, Tiên Chúa vân du vào làng Sóc, thuộc tỉnh Nghệ An ngày nay, cũng là một nơi có phong cảnh đẹp. Ở làng này hiện đang có một chàng thư sinh tuy cha mẹ mất sớm, nhà lại rất nghèo, nhưng vẫn ngày đêm miệt mài kinh sử. Tiên Chúa biết chàng chính là hậu thân của Đào Lang ngày trước, bèn biến thành một phụ nữ, lúc đầu đến giúp đỡ, rồi sau đó kết duyên vợ chồng. Hai bên yêu nhau, chẳng cần phải có người mối lái.


Nàng giúp cho chàng yên tâm chuyên cần vào việc đèn sách, chẳng phải lo nghĩ gì đến chuyện sinh nhai, thế rồi khi nhà vua mở khoa thi, chàng đã đỗ đại khoa và được bổ vào Hàn Lâm viện.

Nàng sinh cho chàng một đứa con trai, thật là đẹp đẽ kháu khỉnh. Nhưng tình duyên của họ cũng chẳng được lâu dài. Khi đứa con vừa tròn năm tuổi thì người mẹ đột ngột qua đời, vì chính lúc đó Tiên Chúa có lệnh gọi của Ngọc Hoàng, phải về trời gấp. Người chồng đau xót, cùng lúc nỗi đau càng như xé ruột xé gan. Chàng chẳng nghĩ đến chuyện tục huyền, cũng chẳng nghĩ đến chuyện cửa công. Thế là chàng xin từ quan, lui về quê nuôi đứa con côi, vui thú với cây cỏ sông nước, và giữ mãi trong lòng những kỷ niệm ngọt ngào của mối tình đầu.  

Về phần mình, ở trên trời, Tiên Chúa cũng không sao quên được cõi trần. Lúc nào Tiên Chúa cũng thấy lẻ loi giữa nơi tiên cảnh. Trong tâm trí Tiên Chúa, lúc nào cũng nhớ như in mọi cảnh dưới trần.

Dưới cõi trần, còn bao nhiêu việc chưa làm! Những bậc hiền tài cần tiếp kiến, rồi cả những nỗi khốn khó cô đơn, những điều bất công ngang trái… Tất cả đều cần phải có bàn tay của Tiên Chúa cứu giúp…

Thế là Tiên Chúa khẩn thiết xin với vua cha cho trở lại cõi trần gian.

Ngọc Hoàng Thượng Đế lắng nghe và hiểu rõ tất cả. Ngài cho gọi hai thị nữ tin cậy là Quỳnh Hoa và Quế Hoa bảo cùng đi với nàng, vừa để giúp đỡ, vừa để cho có bầu có bạn.

Trận giao chiến với đội quân vua Lê chúa Trịnh

Thời kỳ vua Lê chúa Trịnh nắm quyền là thời kỳ nhiều bê bối trong lịch sử Việt Nam.

Lần này Tiên Chúa xuống thẳng miền phố Cát. Ở đây, cũng như những lần trước Tiên Chúa thường hiển linh giúp đỡ người lành, trừng trị kẻ ác. Khi là cô gái thổi sáo, khi là bà lão chống gậy, khi là một người hành hương đến cửa Phật…, hành tung của Tiên Chúa biến hóa thật khôn lường. Thế là trong dân chúng lại nảy sinh những lời đồn đại, rồi mọi người cùng nhau góp của góp công, dựng một ngôi đền để lấy chỗ phụng thờ Tiên Chúa.

Những ngày tuần ngày tiết, dân chúng các nơi nô nức tìm về, đông vui nhộn nhịp xung quanh ngôi đền. Mọi người ai cũng muốn một lần được chứng kiến sự hiển linh của Tiên Chúa.

Lời đồn đại và những sự việc ấy, lan ra mãi, cuối cùng đã tới kinh đô, lọt đến tai vua Lê chúa Trịnh. Hai vị vua chúa cho rằng trước kia tiên vương thả “yêu nữ” ra là một sai lầm, bây giờ đã đến lúc cần phải thẳng tay trừng trị. Bởi vì trong cõi trị vì của họ không thể có luật lệ nào khác ngoài luật lệ của vua chúa và ai muốn làm gì cũng không được tự quyền. Thế là hai vị cho triệu hồi các thuật sĩ tài giỏi trong nước đến kinh đô , giao cho dẫn một một đội quân hùng mạnh, đến thẳng miền phố Cát để đánh dẹp.

Một trận giao chiến ác liệt đã diễn ra. Bên Tiên Chúa đền đài bị phá tan tành nhưng bên phía triều đình cũng bị thất điên bát đảo, cuối cùng đành phải rút quân.

Vua Lê chúa Trịnh vô cùng tức giận vì không bắt được “yêu nữ” đem về. Nghe lời các thuật sĩ, hai vị cho vời Tiền Quân Thánh là một thuật sĩ tài danh bậc nhất đương thời để làm chủ tướng.

Lại nói Tiền Quân Thánh vốn là một thân tướng nhà trời, do mắc lỗi, đã bị dáng xuống làm con trai thứ ba của một vị thượng sư, sư tổ của phái Nội đạo tràng, một phái tu nổi tiếng lúc bấy giờ. Hai người anh là Tả Quân và Hữu Quân đều có pháp thuật cao cường, tu ở núi Côn Sơn, còn Tiền Quân thì tu ngay tại làng, tức làng Từ Minh ở Thanh Hóa, và có nhiều pháp thuật cao cường hơn cả.

Vốn trước kia cha ông họ là những viên quan lại, đã từng ăn lộc triều đình, nên bây giờ, mặc dù không muốn, cả ba anh em vẫn phải cầm quân ra trận. Tiền Quân đi trước, còn hai người anh đi ở hai bên.

Đến Tam Điệp, Tiền Quân sai đóng quân lại, còn mình cải trang làm một dân thường, cưỡi ngựa trắng đến Sòng Sơn gặp Tiên Chúa vì lúc này Tiên Chúa đã rời Phố Cát về đây. Vốn đã quen biết từ trên thiên đình, nên khi gặp, Tiền Quân làm ra vẻ hết sức thân mật, tự nhiên:

Đi ngang qua đây, nghe sắp có giao chiến chẳng biết phải trái thế nào. Ta chỉ sợ nàng sức gái không đủ đối phó nên hạ sơn xem liệu có thể giúp đỡ được việc gì chăng? Thuật pháp của nàng thế nào hãy để ta xem, nếu thiếu ta sẽ dạy thêm cho.

Tiên Chúa tin lời Tiền Quân nói là thật, hoàn toàn không biết đến việc Tiền Quân do mắc lỗi mà phải xuống trần… cho nên đã giở tất cả các pháp thuật ra cho Tiền Quân xem. Xem xong, Tiền Quân làm ra vẻ hết sức vui mừng sửng sốt:

– Thật là tuyệt! Như thế này cũng đã thừa đủ rồi, ta chẳng cần phải dạy thêm cho nàng điều gì nữa!

Nói xong liền biến đi ngay. Thấy thế Tiên Chúa cũng hơi chột dạ.

Tiền Quân Thánh trở về nơi hạ trại, cùng hai anh bàn nhau cách xuất quân, rồi ngay đêm ấy tiến đánh.

Tiên Chúa lúc đấy cùng Quỳnh Hoa, Quế Hoa đang nằm nghỉ, nghe tiếng quân lính reo hò, biết ngay là có biến, bèn bật dậy nai nịt gọn gàng, hóa phép thành trùng trùng rào gai vây quanh Sòng Sơn, lại hóa phép thành muôn ngàn quân sĩ giáo mác cung tên sẵn sàng nghênh chiến. Khi trông thấy Tiền Quân Thánh ở phía đối diện, Tiên Chúa vừa khinh bỉ vừa tức giận vô cùng.

Chẳng ngờ đường đường một vị thần tướng trên trời lại đi đầu quân đánh nhau vì một lũ vua chúa tham lam ở dưới trần, chẳng những thế, lại còn giở trò hèn hạ lường gạt cả tiên nữ.

Những thuật pháp của Tiên Chúa tung ra đều hết sức nhiệm màu, và Tiền Quân Thánh, mặc dù đã biết trước, cũng phải đối phó thật là chật vật. Tuy vậy bên phía Tiền Quân Thánh, do có hai người anh trợ lực, lại quân lính đông hơn, nên dần dần đã bao vây được Tiên Chúa.

Biết là không thể chống cự lại được, Tiên Chúa bảo Quỳnh Hoa, Quế Hoa tìm cách trốn đi, còn tự mình cũng hóa phép thành đứa trẻ, rồi lại hóa phép thành con rồng có vẩy vàng vẩy bạc lóng lánh, múa lượn trên không …

Tiền Quân Thánh lúc ấy ngồi trên voi chín ngà niệm thần chú tung lưới sắt ra chụp lấy. Thế là Tiên Chúa bị bắt, rồi bị biến nguyên hình trở lại. Tiền Quân sai lính mang dây đồng tới trói …

Được Phật Tổ giải cứu và Tiên Chúa Liễu Hạnh quy y Phật Tổ

Giữa lúc ấy Phật tổ bỗng nhiên xuất hiện. Tuy ngồi ở nơi cõi thiên giới nhưng Ngài biết rõ mọi chuyện. Ngài có mặt là để giải cứu cho Tiên Chúa, mọi việc đều nằm trong lòng bàn tay của Ngài.

Khi vừa thấy Phật tổ, Tiền Quân Thánh liền sững ngay lại, thay vì vậy đã sai quân lính mang đến cho Tiên Chúa một bộ quần áo cà sa và một chiếc mũ ni cô. Tiên Chúa nhận áo mũ rồi thoắt biến lên mây cùng với Phật tổ.

Việc được Phật Tổ giải cứu và Tiên Chúa Liễu Hạnh cuối cùng quy y cửa Phật nói với chúng ta điều gì?

Nhìn lại câu chuyện huyền sử những lần giáng sinh của Tiên Chúa Liễu Hạnh, kết thúc bằng việc Liễu Hạnh được Phật tổ giải cứu và quy y, tương tự câu chuyện những lần ma nạn của Tôn Ngộ Không cuối cùng luôn cần được Phật tổ ra tay cứu giúp, chúng ta nhìn thấy xuyên suốt một ẩn ý mà Thần Phật muốn lưu lại cho con người:

Phật Pháp toàn năng, sự từ bi của Phật hóa giải mọi ân oán, vượt trên tất cả mọi tranh đấu giành giật nơi cõi người, vượt trên mọi công năng huyền thuật… Đó cũng là đặt định tín ngưỡng Phật luôn chiếm vị thế tối cao trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Những lần giáng sinh của Tiên Chúa Liễu Hạnh, xem ra như không có sự sắp đặt trước (bị đày, tự nguyện hạ thế…) nhưng giống như thể mọi sự an bài đã nằm gọn trong lòng bàn tay của Phật Tổ.

Tiên Chúa Liễu Hạnh, qua ba lần giáng sinh và nhiều lần hiển linh giúp dân giúp nước, đều được các triều đại nhà Lê, rồi Tây Sơn, và cuối cùng là nhà Nguyễn thế kỷ 19 sắc phong: “Mã Hoàng Công Chúa, Thượng Đẳng Tối Linh Tôn Thần”, “Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Vi Bách Thần Chi Thủ” (triều vua Lê Thần Tôn), “Hộ Quốc Bình Nhung Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương” (triều vua Lê Huyền Tôn). 

Sắc phong gần đây nhất của vua Khải Định triều Nguyễn vào năm thứ hai Đinh Tỵ (1917) có nội dung sau:

“Ban cho họ Trần Lê xã Tiên Hương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, phụng thờ công chúa Liễu Hạnh, Ngọc Nữ tiên đình Đế Thích, vị tôn thần giúp nước cứu dân, sáng tỏ đức thiêng. Nay vâng tỏ rõ ơn thần vận lớn, phong làm Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần, chuẩn y cho thờ phụng, ngõ hầu giúp đỡ dân ta lâu dài. Kính vậy thay!”

Ba lần chuyển sinh của Liễu Hạnh công chúa cho chúng ta thấy rằng, nhân sinh thật giống như mộng huyễn…

“Luân hồi chuyển thế mấy ngàn năm
Đến đến đi đi tại cớ gì?
Công danh lợi lộc nào giữ mãi
Thế đạo hưng suy định bởi trời

Sinh mệnh vốn là tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay
Thị phi vốn là ân oán trước
Đắc Pháp tỉnh mộng về cố hương.

– Tỉnh Mộng”

Hà Phương Linh

Tài liệu tham khảo:

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
  • Dư Địa Chí- Ức Trai di Tập – tác giả Nguyễn Trãi
  • Vân Cát Thần Nữ- Đoàn Thị Điểm
  • Quảng Cung linh từ phả ký,
  • Quảng Cung linh từ bi ký
  • Cát Thiên tam thế thực lục

Xem thêm