Quý Hàm là một thầy bói được xem là nói đâu trúng đó, nhưng khi 4 lần xem tướng cho Hồ Tử, thì kỳ lạ thay mỗi lần đều ra một kết quả khác nhau. Điều này khiến người học trò Liệt Tử không khỏi thắc mắc. Vậy lý do là gì?

Trịnh quốc có một thầy bói tên là Quý Hàm. Qua coi tướng, ông có thể biết rõ sinh tử tồn vong, phúc họa thọ thiên của một người. Quý Hàm hễ nói lời tiên đoán mỗi năm tháng nào, ngày nào phát sinh chuyện gì, thì tất cả đều vô cùng chuẩn xác. Nhưng chính điều này lại làm cho người khác thấy sợ hãi, ai thấy ông cũng đều lảng tránh vì sợ nghe phải hung tin.

Chỉ có Liệt Tử là cảm thấy tò mò và thích thú, muốn tìm hiểu xem thế nào. Thế là Liệt Tử kể chuyện Quý Hàm cho sư phụ của mình là Hồ Tử nghe. Liệt Tử nói: “Lúc trước con cho rằng đạo thuật của sư phụ là đạt tới đỉnh cao nhất rồi. Đến giờ mới biết còn có người cao thâm hơn nữa”.

Liệt Tử cảm thấy tò mò và thích thú với vị thầy bói Quý Hàm.

Hồ Tử nói: “Ta dạy cho ngươi đến nay đều chỉ là những thứ vỏ ngoài nông cạn, còn chưa kịp truyền những điều thâm sâu ở bên trong. Ngươi cho rằng đã đắc được đạo thuật, dùng nó để đọ sức với người khác. Họ sẽ rất dễ từ vẻ bề ngoài mà nhìn thấu ngươi. Ngươi hãy gọi Quý Hàm tới, bảo hắn đến đây xem tướng cho ta!”.

Ngày hôm sau, Liệt Tử mời Quý Hàm đến xem tướng cho Hồ Tử. Xem xong Quý Hàm đi ra nói với Liệt Tử: “Thầy của ngươi sắp chết rồi, không sống được bao lâu nữa, nhiều nhất là qua được 10 ngày nữa thôi!”

Liệt Tử nghe xong, nước mắt giàn giụa khóc thương, rồi chạy vào nói cho Hồ Tử. Hồ Tử cười nói: “Vừa rồi là ta cố ý làm tắc nghẽn tất cả các sinh khí của mình lại. Ngày mai ngươi hãy gọi hắn đến xem lại cho ta”.

Ngày hôm sau, Liệt Tử lại mời Quý Hàm đến xem tướng cho Hồ Tử. Quý Hàm đi ra, nói với Liệt Tử: “Thầy của ngươi may mắn là gặp được ta! Hắn được cứu rồi, không việc gì nữa rồi!”.

Liệt Tử đi vào, Hồ Tử nói: “Vừa rồi ta cố ý cho hắn thấy sinh khí thiên địa của mình. Ngày mai ngươi hãy gọi hắn đến xem lại”.

Ngày hôm sau, Liệt Tử lần thứ ba mời Quý Hàm đến xem tướng cho Hồ Tử. Lần này Quý Hàm sau khi đi ra, nói với Liệt Tử: “Thầy của ngươi thần sắc hoảng hốt vô định, ta không có cách nào xem tướng được. Đợi đến khi tâm thần của ông ấy an tĩnh trở lại rồi mới xem tiếp được!”.

Liệt Tử đi vào xem thử, Hồ Tử nói: “Vừa rồi ta chính là ở cảnh giới trống rỗng, không có bất kỳ biểu hiện nào. Ngày mai ngươi hãy gọi hắn đến xem lại”.

Ngày hôm sau, Liệt Tử lần thứ tư mời Quý Hàm đến xem tướng cho Hồ Tử. Quý Hàm vừa mới vào phòng, còn chưa kịp đứng lại thì đã hoảng sợ, mặt biến sắc chạy đi mất.

Hồ Tử gọi Liệt Tử nói: “Hãy đuổi theo hắn!”.

Liệt Tử chạy theo không kịp, thở hồng hộc chạy về nói với Hồ Tử: “Hắn chạy nhanh quá, không thấy bóng dáng đâu nữa”. Hồ Tử nói: “Vừa rồi ta cũng không hiển thị cho hắn thấy đại đạo căn bản của mình, mà chỉ biểu hiện ra trạng thái hoàn toàn vô vi, thuận thế ứng biến, khiến cho hắn không thể đoán bắt được gì. Chăc có lẽ chính thế mà hắn bỏ đi”.

Qua đó Liệt Tử thế mới biết mình ở bên Hồ Tử bao năm, nhưng thực sự chưa học được bản sự gì từ ông. Thế là Liệt Tử quyết định về nhà đóng cửa tĩnh tu không bước chân ra ngoài.

Suốt ba năm, Liệt Tử chỉ có nấu cơm, cho heo ăn, làm tất cả các việc vụn vặt giúp vợ, không có thiên vị gì đối với tất cả sự việc trên thế gian. Ông sống bình dị chân thật, bảo trì trạng thái tĩnh lặng trước nhân thế hỗn loạn, cứ như vậy cho đến khi già lão rồi qua đời.

(Theo Uyên Giám Loại Hàm)

***

Quý Hàm có thể nói là có một ít bản sự xem bói, xem tướng số con người. Đối với người dân bình thường, ông ta có thể được gọi là một “cao nhân”, xem đâu trúng đó, khiến không ít người bội phục. Tuy nhiên đứng trước Hồ Tử là một người tu luyện đại đạo cao thâm, thì bản sự của Quý Hàm lại trở nên vô cùng nhỏ bé, chỉ đáng là tiểu đạo trong thế gian. Vậy cho nên, làm người tu luyện chân chính thì việc xem tướng số sẽ không còn đúng nữa. Bởi cuộc đời người đó đã được an bài mới, đó chính là một cuộc đời tu luyện.

Còn Liệt Tử, có lẽ đã nhận ra một bài học vô cùng sâu sắc cho mình. Đánh giá người khác không thể nhìn qua biểu hiện vẻ ngoài nông cạn. Là những bậc nhân sinh đạo sĩ cao thâm, họ tĩnh lặng thực tu, không bao giờ huênh hoang thể hiện. Có lẽ bởi vậy mà Liệt Tử phải đóng cửa ba năm để ngẫm nghĩ điều này.