Xét kỹ ra thì mọi chuyện buồn phiền, thất bại trên đời này đều chỉ vì con người quá cố chấp, chỉ mong có được mà chẳng chịu buông tâm. Nếu biết thuận theo tự nhiên thì tự khắc lối đi cuộc đời sẽ thênh thang, rộng mở.  

1. Tâm bình an thì hết thảy đều là sóng yên biển lặng. Tâm ngay thẳng thì mọi chuyện cũng xuôi gió, thuận buồm. Tâm không màng quyền lợi riêng tư ắt là có được hạnh phúc, thanh thản. Tâm chứa đầy lương thiện thì đi khắp thiên hạ cũng luôn có tri kỷ, tri âm.

2. Rốt cuộc, chuyện không như ý trên đời đều là do tâm người ta bất ổn mà ra. Vốn chẳng có chuyện tốt và xấu trong đời, mà chỉ có thái độ của bạn tốt hay không tốt mà thôi. Phiền muộn, khổ đau đều vì cố chấp. Bế tắc, bi quan chính vì bạn mãi không thể thay đổi góc nhìn. Lùi một bước biển rộng trời cao, cảnh tượng nhìn thấy đều là mỹ diệu hoàn toàn khác hẳn.

3. Chớ nên áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác. Thay vào đó, hãy vì người khác mà thay đổi thái độ của chính mình. Việc mình không muốn, chớ ép người làm. Khoan dung đãi người, nghĩ cho người khác trước tiên thì tự khắc có được điều mình mong muốn.

4. Hãy học cách chấp nhận thực tế. Khi có thể đối mặt với sự phũ phàng của thực tế, bạn sẽ không còn thời gian để nuôi dưỡng những cảm giác buồn bực, khổ đau nữa.

Thuận lợi và khó khăn đều là những khái niệm không hề cố định. Nếu bạn vẫn cố chấp, mọi thứ đều sẽ trở nên khó khăn. Nếu bạn buông lỏng, tất cả sẽ đều thuận buồm xuôi gió.

Nhưng buông lỏng không có nghĩa là buông xuôi, phó mặc, buông thả mà thanh thản cũng không phải là lười nhác, bỏ bê. Thuận theo tự nhiên cũng chẳng phải là tùy ý làm mọi thứ.

Phàm là chuyện trên đời, tất cả đều có một cái “độ”, vượt qua cái “độ” ấy thì mọi thứ sẽ biến đổi thành cực đoan. Hãy tỉnh táo giữ cho mình một hạn độ, một điểm dừng, một điểm có thể cân bằng được tất thảy.

5. Khi càng truy cầu, muốn có được điều gì, nó lại càng rời xa bạn. Khi bạn không để trong tâm, buông xả, có khi nó lại đến bên mình. Trên đời chuyện không như ý thường chiếm đến 8, 9 phần, lúc nào người ta cũng có lý do để muộn phiền, đau khổ.

Để lòng nhẹ hơn, để tâm hư tĩnh, yên bình có lẽ bạn phải học cách quên. Hãy quên đi một người dẫu còn bao vương vấn, hãy quên đi cơn bực dọc dẫu lửa giận còn âm ỉ trong tâm. Hãy quên đi cả cái tôi tự mãn, tự tư của mình. Cuộc đời này ngắn lắm, trăm năm đâu có dài, hãy chỉ nhớ đến những gì đáng nhớ!

6. Đừng than phiền, kêu buồn kể khổ, sẽ chẳng có ai rảnh rỗi ngồi nghe bạn oán than. Hãy làm việc một cách thông minh và chăm chỉ, hãy tu dưỡng tâm hồn của mình thật kiên cường, mạnh mẽ, thiện lành. Đó mới là nghệ thuật sống cao đẹp nhất.

Chớ thấy việc nhỏ mà không làm, chớ thấy việc lớn mà ngần ngại. Dù lớn hay nhỏ, việc công hay việc nhà, việc của cá nhân hay tập thể, đã vào tay là phải làm đến nơi đến chốn. Người quân tử đã nói là làm được, đã làm thì phải xong.

7. Nếu muốn sống thanh thản, đừng bao giờ quá để tâm đến cách nhìn và suy nghĩ của người khác. Nếu sống theo cảm xúc người khác, theo sự phán xét của thế gian thì bạn mãi chỉ là con ốc mượn hồn, chuốc lấy phiền muộn mà chẳng bao giờ tìm ra lối đi riêng.

Con đường là tự mình đi, cuộc đời này là tự mình sống, hãy mạnh mẽ trên con đường của riêng mình, đừng mong cầu ai đó chìa tay ra nâng đỡ. Người hạnh phúc chính là người có thể sống trọn vẹn cuộc đời theo cách mình mong muốn, là người có thể tự chịu trách nhiệm với trăm năm của mình vậy.

8. Tâm sáng thì vạn sự tự khắc tốt đẹp. Tâm tối thì mọi chuyện đều trở thành u ám cả. Nhìn thấu cõi đời, hiểu thấu nhân sinh, nhìn thấu nhân duyên, nhân quả, đó là người có trí huệ, là người có thể tự giải thoát bản thân khỏi mọi ưu phiền.

Khi tâm của bạn không còn vướng bận về những chuyện đã qua hay những điều chưa tới thì chính là giống như mặt nước hồ thu phẳng lặng, gió thổi qua thì gợn sóng lăn tăn, gió ngừng rồi thì in nước mây trời.

9. Dù đối diện với núi đao biển lửa, chông gai cạm bẫy trùng trùng, xin bạn hãy luôn bình tĩnh, điềm đạm, thản nhiên. Núi Thái Sơn dẫu đổ sụp trước mắt, người quân tử trong lòng vẫn không chút bối rối. Bình tĩnh mới chính là chìa khóa để giải quyết mọi thử thách trên đời. Tâm bình khí hòa thì hành động sáng suốt, hành động sáng suốt thì lúc nào cũng được tự tại, ung dung vậy.

Văn Nhược 

Xem thêm: