Một trái núi trước khi phục hưng, luôn có điềm báo huyền diệu linh ứng, như chân nhân Trương Tam Phong đã nói ra dự ngôn cho núi Võ Đang được ghi vào sử sách. Mà một vương triều hưng thịnh, cũng có minh thị và điểm lành của Thần…

Tiếp theo: Phần 1Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5.

Hơn 600 năm trước, trên mặt nước Giang Nam khói sóng mênh mông, đã nổ ra cuộc chiến tranh trên sông quy mô lớn nhất thời trung cổ. Hoàng đế Minh triều tương lai Chu Nguyên Chương, dẫn 20 vạn thủy quân chống lại đại quân 65 vạn của Trần Hữu Lượng, triển khai trận quyết chiến sinh tử với thực lực cách biệt quá lớn. Khi hai bên bắt đầu giao tranh, trên mặt hồ bỗng nhiên nổi lên một trận gió Đông Bắc mãnh liệt, Chu Nguyên Chương từ phía Bắc tiến xuống, thuận theo gió phóng lửa đốt, chỉ một lúc, mặt hồ đỏ rực, trong chớp mắt đốt cháy mấy trăm chiến thuyền quân Trần, khiến quân Trần tử vong quá nửa.

Sơ đồ chiến dịch Tĩnh Nan. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Chính trận gió Bắc từ trên trời giáng xuống này, đã tái hiện lại chiến tích như trận hỏa thiêu Xích Bích. Qua chiến dịch này, Chu Nguyên Chương lấy ít địch nhiều, đánh bại địch thủ hùng cường nhất, đặt nền móng bình định Giang Nam, thống nhất sơn hà. Cơn gió lớn thần bí này trên hồ Bà Dương, sử sách không để lại nhiều giải thích, mà năm Vĩnh Lạc thứ 13 (năm 1415), một đạo sắc phong “Ngự chế Chân Vũ miếu bi” của Minh Thành Tổ Chu Lệ đã tiết lộ mấy huyền cơ. Thành Tổ nói: “Duy có Thần Chân Vũ Thượng Đế bắc cực huyền thiên, có công đức rất lớn với quốc gia ta”. Vua kiên định cho rằng, Thái tổ Chu Nguyên Chương có thể lập lên Đại Minh, là nhờ linh uy của Thánh Thần. Huyền Vũ Đại Đế chủ phương bắc, chủ thủy, là chiến thần trừ yêu diệt ma, trận gió bắc gầm rú đó, trận thủy chiến tuyệt diệu đó, chẳng phải là Huyền Vũ Đại Đế hiển thánh, giúp chân mệnh thiên tử bình định thiên hạ đó sao?

Phụng thiên Tĩnh Nan, Thần minh hiển Thánh trợ quân

Trận thủy chiến giao tranh Nguyên Minh, đã chú định sự hưng thịnh của một vương triều tôn sùng Huyền Vũ. Minh Thái Tổ thành tín Đạo giáo, có lòng thành kính cảm ân vô hạn, đã xây dựng đền thờ, thờ tế Thần Huyền Vũ, đồng thời gia tăng lễ ngộ với các đạo nhân núi Võ Đang – Đạo tràng có nguồn gốc từ Huyền Vũ. Cả đời Thái Tổ nhiều lần tìm Đại Đạo Trương Tam Phong, đồng thời phong đệ tử ông là Khâu Huyền Thanh làm Thái Thường tự khanh, nắm trọng trách tế lễ tông miếu.

Sau Thái Tổ, cháu ông là Kiến Văn Đế kế vị. Vị vua mới trẻ tuổi khí thịnh lại không có kinh nghiệm trị quốc này, sợ hãi trước quyền lực của 25 vị phiên vương bề thúc phụ, đã nghe theo mưu các nho thần Tề Thái, Hoàng Tử Trừng, khinh suất phát động tước bỏ quyền lực các phiên vương. Trong vòng 1 năm sau khi Thái Tổ băng hà, 5 vị thân vương bị phế làm thứ dân, trong đó Tương Vương không chịu nhục, đã dùng phương thức bi thảm tự thiêu cả nhà để bày tỏ lo buồn và căm phẫn cực độ. Trong thời gian ngắn, con cháu họ Chu ai ai cũng tự thấy bị nguy hiểm.

Yên Vương Chu Lệ tọa trấn Bắc Kinh, quân công hiển hách đứng đầu các chư vương thực lực hùng mạnh nhất, chính là mối uy hiếp lớn nhất trong mắt Kiến Văn Đế. Vị thân vương hùng tài đại lược này, theo lời giáo huấn của tổ tiên “Triều không có bề tôi chính, trong triều có gian thần nghịch thần, ắt phải đem binh đi thảo phạt, để làm trong sạch phép vua”, vào năm thứ 2 tước bỏ quyền lực phiên vương, tức năm Hồng Vũ thứ 32 (năm 1399), đã khởi binh chống lại triều đình, tiêu trừ bọn nghịch thần mưu hại các hoàng thân.

Nhiều tư liệu văn hiến ghi chép, trước khi xuất quân, thầy của Yên Vương là Diêu Quảng Hiếu đã nhiều lần khuyên ngăn, đợi chờ thời cơ mới có thể xuất quân. Ngày mồng 4 tháng 7, một mùa hè nóng nực mấy trăm năm trước, Diêu Quảng Hiếu mật tấu Yên Vương: “Ngày mai có thiên binh, nên xuất binh được”. Ngày mồng 5, Yên Vương theo lời khởi binh tế cờ, bỗng nhiên xuất hiện cảnh tượng kỳ lạ, mây đen kín trời, người cách nhau gang tấc mà không thấy nhau. Yên Vương xõa tóc chống kiếm, tướng oai nghiêm như thần minh. Sỹ tốt sa trường nhìn ông, sỹ khí bốc lên ngùn ngụt. Họ biết, mây đen mù mịt đầy trời kia, chính là Thần Huyền Vũ hiển linh, từ thời khắc đó, Yên Vương trở thành hóa thân của Huyền Vũ Đại Đế.

Lịch sử sao mà giống nhau vậy, “Chiến dịch Tĩnh Nan” này lại là một trận quyết chiến sinh tử mà thực lực hai bên cách xa nhau. Trong chiến dịch Tĩnh Nan, nghĩa quân từ phương bắc xuống, được chiến Thần phương bắc phù hộ, suốt đường tiến quân đến đâu thì nơi đó hàng phục. Lúc đó địa hạt của Yên Vương không bằng Bắc Kinh, toàn bộ binh lực không quá 800 giáp sỹ, nhưng giương cao ngọn cờ Huyền Vũ, dũng cảm đối kháng với triều đình Kiến Văn nắm giữ đại quân toàn quốc 100 vạn quân. Mà trên bầu trời phía trên chiến trường, nhiều lần xuất hiện hiện tượng gió bắc bỗng nổi lên, cát bụi bay mù mịt, trợ lực giúp quân Yên.

Trong trận đại chiến Bạch Câu Hà có ý nghĩa quyết định, Yên Vương đích thân dẫn một cánh quân tinh nhuệ xung phong hãm trận, 3 chiến mã ông cưỡi lần lượt bị quân địch bắn chết, bản thân ông lại không hề thương tích. Giữ tích kịch chiến, một trận gió xoáy bỗng nhiên bẻ gẫy cây cờ lớn của quân địch, khiến chúng rơi vào hỗn loạn. Quân Yên thừa thế dũng mãnh tấn công, đồng thời mượn gió phóng hỏa, giáng cho quân địch đòn chí mạng.

Đền Lang Mai Tiên núi Võ Đang. Ảnh dẫn theo epochtimes.com

Lang mai kết trái, 4.000 năm lại giáng điềm lành

Kiến Văn Đế không thể ngờ tới, hành động chính trị quá hấp tấp, cuối cùng gây ra tai họa từ bên trong. Lên ngôi chưa được 4 năm, vận đế vương của ông ta kết thúc theo “chiến dịch Tĩnh Nan”. Năm Hồng Vũ thứ 35, Yên Vương Chu Lệ lên ngôi, chính là đệ nhất Thánh quân Minh Thành Tổ triều Minh. Ông quét sạch bóng ma triều trước, khai sáng “Vĩnh Lạc thịnh thế” thời Minh Sơ. Về việc ông khởi binh và lên ngôi, trong lịch sử nhiều người bàn tán muôn vẻ, nhưng Thần minh ở thiên thượng, đã cho đáp án từ lâu rồi.

Núi tiên Võ Đang lúc đó, các cung quán đền chùa xây dựng từ đời Đường đến đời Nguyên, cái thì bị chiến tranh phá hủy, trong núi chỉ còn tòa điện đồng, điện đá và các di chỉ cung quán. Nhưng, tín ngưỡng kính trời sùng Đạo không vì những lần thay triều đổi đại mà bị mất, Đạo tâm ninh tĩnh hư không sáng ngời vẫn cũng không bị tiêu tan bởi thế cuộc thịnh suy vinh nhục. Mọi người trong núi ngoài đời, hoàn toàn tin huyền ngôn của Đại Đạo Chân Tiên, đợi chờ Thánh nhân có tài có đức, lại lần nữa đánh thức ngọn núi lớn đang ngủ say này.

Một ngày năm Vĩnh Lạc thứ 3 (năm 1405), mấy cây cổ thụ khô đã lâu trên ngọn núi lớn, bỗng nhiên khai hoa kết trái, tô điểm mấy trăm dặm những dãy núi hiểm trở cao vút. Khoảng 200 năm sau, một thầy địa lý tên là Từ Hà Khách may mắn lãm thưởng biển hoa này, đã để lại một đoạn văn: “Sắc hoa đậm nhạt như đào hạnh, cuống rủ như hải đường … sắc hoa bồng bềnh giữa bầu không, chiếu rạng núi non rực rỡ…”. Nhưng, cảnh quan mỹ lệ không phải là thông tin chân chính mà cổ mộc phùng xuân truyền cho thế gian.

Trong núi sâu, chủ trì Ngũ Long Cung là Lý Tố Hy đã tu hành trên 40 năm, cả đời lần đầu tận mắt chứng kiến cảnh tượng thế này. Vui mừng bất ngờ, ông cảm nhận sâu sắc, hóa ra Thần tích lại ở gần ông thế này. Mấy cây cổ thụ này không phải là vật phàm chốn nhân gian, mà chính là Thần Huyền Vũ khi còn là vương tử Tịnh Lạc tu hành, đích thân ghép thành, tên gọi Lang Mai.

Trong “Sơn chí” có chép, vương tử Tịnh Lạc đã từng bỏ dở tu hành do tâm chí không kiên định,  ở bên bờ suối gặp một bà lão hóa thân của Tử Khí Nguyên Quân. Ông thấy bà  lão đang mài một cây gậy sắt, trong khi hỏi bỗng đốn ngộ chí lý “Gậy sắt mài thành kim, công đến tự nhiên thành”, thế là ông kiên định quay trở lại núi sâu. Giữa đường, ông lấy cành mai cắm ghép vào cây lang, đồng thời phát thệ với trời rằng: “Đạo tôi nếu tu thành, hoa khai kết trái”. Trải qua 42 năm khổ tu, Thần Huyền Vũ phi thăng, lang mai đúng như lời thệ ước đã đơm hoa kết trái.

Lần này sau hơn 4.000 năm, lang mai lại triển hiện kỳ quan, mà đại sự của thiên hạ lúc đó, không việc gì lớn hơn Thành Tổ lên ngôi. Lý Tố Hy ý thức được, đây chính là điềm lành mà Huyền Vũ Đại Đế đã triển hiện cho vương triều Minh. Ông cung kính thu hoạch được mấy trăm quả tiên lang mai như mận, như hạnh nhân, lại như đào, như mai này, hiến dâng lên triều đình.

Chân dung Minh Thành Tổ. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Trùng tu Võ Đang, Thành Tổ cảm ân Thần

Trương truyền, ăn quả lang mai có thể kéo dài tuổi thọ, thậm chí trường sinh bất lão, danh y Lý Thời Trân cũng để lại đoạn ghi chép trân quý trong “Bản thảo cương mục”: “Lang mai ở núi Thái Hòa, Quân Châu… gỗ mai rắn chắc, quả như quả hạnh, hạt như hạt đào…”. Mà nó thần diệu hơn ở chỗ, nó hưng suy luôn luôn cùng với sự tồn vong của vương triều Minh. Thời triều Minh, lang mai liên tiếp đơm hoa kết trái, nhưng khi triều Minh kết thúc thì nó cũng lặng lẽ biệt tăm, để lại lời than của thi gia “Lang mai bao đời truyền tin tức, chẳng phải Tiên gia tít mù xa”.

Trái lang mai nhỏ nhắn, chú định trở thành Thần vật trân quý nhất triều Minh. Nó cũng hưng thịnh cùng với Thành Tổ, đem đến cho nhân gian phúc lành, hoặc có lẽ cũng đang ngầm tiết lộ nguồn gốc sâu xa của Thành Tổ và Huyền Vũ Đại Đế.

Năm Vĩnh Lạc thứ 4, lang mai tượng trưng cho thái bình thịnh thế lại lần nữa đơm hoa kết trái, từ vạn dặm xa được đem đến tay Thành Tổ. Thành Tổ coi quả lang mai chính là lời chúc mừng và chúc phúc của Huyền Vũ Đại Đế, không chỉ hậu thưởng Lý Tố Hy, còn đem quả tiên làm đồ cúng tế, thưởng cho công thần. Cùng năm đó, ông triệu kiến đạo sỹ Võ Đang là Giản Trung Dương, hỏi tường tận chuyện Huyền Vũ Đại Đế tu luyện. Thành Tổ còn ban hành trên toàn quốc “Ngự chế Đại Minh Huyền giáo lạc chương”, ca tụng uy đức Thần Huyền Vũ; Mệnh đạo sỹ biên soạn “Đạo tạng”, thu thập vào “Đại Minh Huyền Thiên Thượng Đế Thụy Ứng đồ lục” và văn bia do vua viết, xác lập Thần Huyền Vũ là Thần bảo hộ hoàng gia.

Quan trọng hơn là, điềm lành của Thần Huyền Vũ, khiến ý tưởng mà Thành Tổ ấp ủ bấy lâu đã dần dần rõ nét. Nhiều năm sau, trong một chiếu thư ông viết bằng văn bạch thoại như thế này: “Đến triều đại ta, Chân Vũ xiển dương linh hóa, phù hộ quốc gia, tạo phúc muôn dân, hết sức rõ ràng”. Thời đầu Tĩnh Nạn, Thành Tổ đã phát nguyện sẽ xây dựng trùng tu cung quán cho Thần Huyền Vũ ở Bắc Kinh, do nội ngoại chưa dẹp xong nên đã gác lại. Sau khi lên ngôi, ông nhận thấy Võ Đang chính là nơi Huyền Vũ hiển hóa, “Muốn xây dựng cung quán, do quân dân vừa mới được nghỉ ngơi, nên đã kéo dài đến ngày nay”.

Cùng lúc với việc xây dựng quy mô lớn cung điện ở Bắc Kinh, hơn 30 vạn quân, dân, thợ từ các vùng Hồ Quảng, Chiết Giang và các loại vật liệu xây dựng, gỗ đá ùn ùn chở đến chân núi Võ Đang. Thì ra, xây dựng cung quán hoàng gia thờ phụng Thần Huyền Vũ chính là nguyện ước bấy lâu nay của Thành Tổ. Tâm nguyện này, cùng với việc mọi người mong đợi Võ Đang thức giấc, từ năm Vĩnh Lạc thứ 9 (năm 1411), dần dần trở thành hiện thực.

Đây là công trình thời gian kéo dài, không cần tính đến chi phí và công sức, cho đến tận năm Vĩnh Lạc thứ 22 mới hoàn toàn hoàn thành. Nhưng đứng trước Thiên Đế chí cao vô thượng, ân trạch nhân gian suốt mấy nghìn năm, thì nhân gian lễ kính và báo đáp mức độ cao đến đâu chăng nữa, cũng đều là nhỏ bé không đáng kể gì.

Làm thế nào để đưa thành ý đối với Thần và tín ngưỡng đối với Đạo hòa nhập một cách trung thành và hoàn mỹ vào trong ngọn núi lớn này, là vấn đề Thành Tổ hết sức quan tâm. Các tiền nhân các đời trước cũng đã động thổ xây dựng trên núi Võ Đang, nhưng các cung quán đa phần phân bố rải rác, chưa hình thành chỉnh thể, hơn nữa thiếu tu sửa thỏa đáng, khiến cho các lần xây dựng cung miếu đều trở thành đổ nát cùng với sự diệt vong của mỗi vương triều. Núi tiên gác ngọc trong lòng Thành Tổ, phải là quần thể kiến trúc hoành tráng kiên cố, trường tồn cùng trời đất hàng vạn vạn năm, thì mới biểu đạt được lòng sùng kính mãi mãi của thế nhân đối với Huyền Vũ Đại Đế.

Cảnh quan Dốc Thái Tử núi Võ Đang. Ảnh dẫn theo tripadvisor.com

Định nơi xây cung, khắc mãi sự tích Huyền Vũ

Năm Vĩnh Lạc thứ 10, cao đồ của chân nhân Trương Tam Phong là Tôn Bích Vân, tay cầm một bức chiếu thư, từ kinh sư vượt phong trần trở về Võ Đang. Ông đi lại khắp các ngọn núi, phóng hết tầm mắt, xem xét Thánh ý của Thành Tổ: “Ngài về tìm nơi, xem rộng hẹp, định quy chế, tất cả báo trẫm, trẫm sẽ xem ngày xây dựng cung quán”.

Đây là một sứ mệnh hết sức nặng nề. Tôn Bích Vân sẽ phụ trách thăm dò tìm nơi xây dựng cung quán cho mấy cung quán lớn Tử Tiêu, Ngũ Long, Nam Nham, Ngộ Chân,v.v.., lại quy hoạch lại Đạo tràng Huyền Vũ ở núi Võ Đang. Các đạo sỹ Võ Đang được hai đời hoàng đế coi trọng, họ có lẽ là những người tốt nhất phò tá hoàng gia xây dựng cung quán. Mà Tôn Bích Vân có thể vì hoàng đế Đại Minh, vì Thần Huyền Vũ mà ông tín phụng có được câu trả lời tốt đẹp hay không, chính là một khảo nghiệm đối với việc tu luyện Đạo Pháp của ông.

Đi khắp trong núi, giống như bước chân trên con đường tu hành, Tôn Bích Vân trong biển mây khí núi đã thể hội ý nghĩa đích thực của Đạo, dường như thấy được toàn bộ hành trình vào núi tu đạo của Huyền Vũ Đại Đế. Đạo sỹ tu hành coi trọng “Đạo Pháp tự nhiên”, mặc dù xây dựng cung quán là để tôn phụng Huyền Vũ Đại Đế, tại sao câu chuyện của Thần được lưu truyền bao đời không hòa nhập vào công trình kiến trúc trong núi nhỉ? Nữa là Thành Tổ đã từng triệu hỏi về câu chuyện của Huyền Vũ, chẳng đúng là sự an bài vô hình, đang sắp đặt cho việc này đó sao?

Kinh Đạo có chép, lúc vương tử Tĩnh Lạc 15 tuổi lần đầu vào Võ Đang, mẹ ông là vương hậu Phổ Thắng vô cùng lưu luyến không muốn rời xa, suốt dọc đường đi theo đến. Trên con đường núi ngoằn ngoèo, cứ đến một nơi không thể tiến tiếp, hoàng hậu lại gọi vương tử 18 lần, thật thần kỳ là lại lùi 18 bước. Khi vương tử thưa 18 lần, bà lại tiến lên 18 bước. Hai mẹ con gọi đáp 18 lần và 18 bước đã trở thành một màn bi tráng nhất, vương tử đã chấm dứt cái duyên tình thân.

Từ Tử Tiêu Cung đi xuống, Tôn Bích Vân phát hiện ra đoạn đường núi gấp khúc nghiêng về một phía, tiếng gọi đáp của vương hậu và vương tử phảng phất từ nơi đây vọng lại. Ông quyết định đặt tên cho đoạn đường núi này là “Thượng hạ thập bát bàn”, để kỷ niệm sự kiên nghị một lòng hướng Đạo của Huyền Vũ Đại Đế. Đoạn đường này khi nối dài lên núi bị một con sông chạy ngang cắt đứt, tạo hóa tự nhiên này, lại cho ông linh cảm mới.

Tương truyền, vương hậu tiếp tục đuổi theo, cuối cùng túm được vạt áo vương tử, vương tử đành vung kiếm chặt đứt ào. Nào ngờ, nhát kiếm này lại bổ núi thành sông, vĩnh viễn để vương hậu lại bờ bên kia. Trên Thập Bát Bàn, dòng sông tuôn chảy không ngừng này, phải chăng chính là “Sông kiếm” (Kiếm Hà) mà Thần Huyền Vũ năm xưa để lại? Sau này, 500 tinh binh lại vâng mệnh quốc vương đi tìm vương tử, khi vượt sông Kiếm Hà, nước sông bỗng dâng cao, 9 lần vượt sông mà không được. Do đó, Tôn Bích Vân lại đặt tên cho sông này là “Cửu Độ Giản”.

Giữa cảnh sông núi này, Tôn Bích Vân dần dần hình thành hình hài ban đầu của “Dốc Thái Tử”, cũng chính là quang cảnh khu du lịch Dốc Thái Tử mà du khách ngày nay lãm thưởng. Dựa theo suy nghĩ tương tự, Tôn Bích Vân đã đi khắp quả núi lớn này, đảm đương vai trò nhà thiết kế chính cho Thành Tổ xây dựng Võ Đang.

Tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 10, một tờ hoàng bảng dán ở chân núi Võ Đang, chỉ dụ 30 vạn quân, dân, thợ. Đồng thời các cận thần, thân tín của Thành Tổ là Long Bình Hầu Trương Tín, Phò Mã Mộc Hân, v.v… đi thâu đêm đến Võ Đang, phụng chỉ chủ trì đại nghiệp xây dựng cung quán. Từ đó, mấy chục vạn người dốc sức hơn 10 năm, chuyên tâm ở mỏm núi hốc đá, giữa mây nước cỏ cây, triển khai công trình to lớn chưa từng có.

Chuyển gỗ bốc gạch, dựng cột bắc xà, khoét đá mở đường, những người thợ cần mẫn khẩn thiết vượt qua khó khăn chồng chất, dùng đôi bàn tay mình, từng tý từng chút dựng lên những cung quán điện các nguy nga giữa núi sâu. Năm Vĩnh Lạc thứ 10 đến thứ 16 (năm 1418), mấy cung quán lớn ở mấy nơi và hơn 20 am, miếu đã xây dựng xong, công trình xây dựng cung quán chủ thể núi Võ Đang đi vào hồi kết. Các cung quán điện đài này đều xây dựng theo quy mô cung đình, lấp ló dưới chân núi. Cứ 5 dặm 1 am, 10 dặm 1 cung, vừa có uy nghi của cung đình vườn thượng uyển hoàng gia, lại có đủ linh diệu của thạch thất hang động Thần Tiên, dung hòa sơn thủy tự nhiên với điêu khắc nhân tạo một cách hoàn mỹ, diễn dịch một tầng cảnh giới nữa của Thiên – Nhân hợp nhất.

Trên đỉnh lớn ngọn Thiên Trụ Phong, ánh vàng rực rỡ thù thắng lấp lánh, dường như Huyền Vũ Đại Đế đang phù hộ cả ngọn núi lớn, đó chính là Kim Điện – kiến trúc tinh hoa nhất của toàn bộ công trình “Trùng tu Võ Đang”. Chứng kiến Võ Đang phục sinh, Đạo nhân Tôn Bích Vân biết rằng, mình cuối cùng cũng đã hoàn thành sứ mệnh, không còn vướng ngại gì với thế gian nữa. Một hôm, ông nói với các đệ tử: “Ngày nay giáo môn đã hưng thịnh, ta sẽ đi đây”. Ngày hôm sau, ông ngồi ngay ngắn quy tiên, để lại cho Võ Đang những suy tư vô hạn.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch