Hàng trăm hàng nghìn năm nay, trong trùng trùng lớp lớp các lầu quán chùa điện ẩn hiện giữa núi đá, rừng cây, mây trời, sông nước, Võ Đang – dãy núi dường như trường tồn cùng trời đất này, đã dần dần có dấu tích con người, rồi theo đó sinh ra vô số truyền thuyết và cảnh quan kỳ vỹ, thần diệu.

Tiếp theo: Phần 1, Phần 2.

Đá xanh làm đường, khúc khuỷu đi vào nơi u tĩnh, xuyên qua các đỉnh núi cao, rừng rậm, giữa những con suối thác nước và hơi nước ẩm ướt, đã định trước chuyến đi cách xa cõi trần thế, thăm cảnh tiên kỳ thú. Bước trên con đường Thần xưa của Võ Đang, lặng lẽ chiêm ngưỡng vẻ trang trọng của điện quán và tượng Thánh, cảm nhận gân cốt và tâm trí như đang được mài giũa, bất giác khiến người ta than thở, con đường leo lên đỉnh núi này cũng giống như con đường tu hành tầm chân vấn đạo vậy.

Trên đỉnh các ngọn núi Võ Đang, cung quán được xây dựng bắt đầu vào thời Đường Tống, định hình vào thời Nguyên Minh, sau đó trở thành văn minh Đạo giáo, thậm chí là kỳ tích xưa nay chưa từng có trong lịch sử xây dựng Trung Hoa. Đúng như con đường tu hành đầy gian nan và kiếp nạn, người đi giữa những quả núi lớn có thể đã nghĩ, trong quần thể kiến trúc to lớn mỹ lệ nơi đây, đã từng có nhóm người chất phác, cần mẫn khắc khổ trú ngụ, phía sau họ lại ẩn chứa biết bao câu chuyện nổi chìm?

Cuộc chiến Tống – Kim và triều Nguyên ra đời, Võ Đang – nơi phúc địa thứ 9 suốt mấy trăm năm qua cũng không tránh khỏi chiến hỏa tai ương. Võ Đang tọa lạc gần cổ thành Tương Dương, là mảnh đất phải chiếm bằng được của các nhà binh gia, trải qua chiến họa Tĩnh Khang, binh biến Quân Châu, cung thất vì thế trống không. Mà khi quân Mông Cổ qua Võ Đang, trong suốt 15, 16 năm, Tử Tiêu Cung bặt không bóng người, Ngũ Long Cung cây dại bít đường, các đạo nhân Võ Đang cũng lưu lạc trong nhân gian.

“Võ Đang phúc địa tổng chân tập” chỉ ghi chép lại khoảng thời gian này bằng vài chữ như sau: “Vào giữa thời Kim – Tống, trong 100 năm, 3 lần hỏa hoạn”. Không vui không buồn, không dục không chấp, đây chính là cảnh giới cao đạo. Họ coi khổ nạn là chìa khóa của tu hành, tìm kiếm không mệt mỏi hy vọng Võ Đang hồi sinh.

Nắp mộ chí đời Đường khắc đá Huyền Vũ. (Ảnh dẫn theo Epoch Times)

Quy xà hiển thánh, Nguyên Đế tôn sùng Huyền Vũ Thần

Vào đúng lúc Võ Đang trầm luân tịch mịch nhất, đế quốc Mông Cổ phương Bắc xuất hiện điềm lành Huyền Vũ Thần hiển thánh. Mùa đông năm Chí Nguyên thứ 6 (năm 1269), vạn vật xơ xác tiêu điều, đô thành Bắc Kinh đã cử hành đại lễ tế trang nghiêm long trọng. Trên sông Cao Lương bỗng nhiên tường quang lấp lánh, một con linh xà đầu vàng, vằn xanh theo nước xuất hiện, bơi lượn ngó nghiêng tứ phía. Ngày hôm sau có một con thần quy trên lưng có khắc huyền văn nổi lên mặt sóng, bơi lội lượn vòng. Người xem kinh ngạc, tới tấp đốt hương bái lạy.

Đại Hãn Mông Cổ lúc đó là Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt hỏi khắp nho thần trong triều về việc này. Hạ thần trả lời, quy xà tức là Huyền Vũ, chính là Huyền Vũ Đại Đế hiển thánh. Mông Cổ ở phía Bắc, đức thuộc hành thủy, mà Triệu Tống thuộc hành hỏa, đây chính là thiên tượng Mông Cổ sẽ chinh phạt Tống rồi hưng thịnh. Năm sau, Hốt Tất Liệt liền xây dựng Chiêu Ứng Cung ở Đại Đô thờ phụng Huyền Vũ, dựng bia để ghi lại Thánh tích. Là dân tộc du mục theo nước và đồng cỏ mà cư ngụ, đế quốc Mông Cổ sao lại được Đạo giáo Đế quân trông coi và phù hộ? Điều này dường như những người theo Đạo giáo đều nghĩ đến cảnh “Long mã tương hội” cách đây khoảng nửa thế kỷ.

Đúng lúc Tống, Kim, Mông Cổ giao chiến, 3 vị quân chủ muốn cầu Đạo trị quốc, tới tấp đưa ánh mắt cầu hiền tới Khâu Xứ Cơ – Cao đạo phái Toàn Chân danh tiếng chấn động thiên hạ. Khâu Xứ Cơ năm xưa, từ chối vua Tống vì “Thất chính chi tội” (tội trị vì triều chính sai lầm), lại cự tuyệt vua Kim vì “Bất nhân chi ác” (độc ác bất nhân), nhưng lại có hồng nguyện “Muốn hết can qua đến thái bình”, đã đi về phương tây vạn dặm hội kiến Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ. Hãn Vương Mông Cổ không chỉ nghe theo lời can gián của Khâu Xứ Cơ kính trời yêu dân, lại còn gia tăng lễ ngộ với ông.

Vị tiên nhân ẩn thế thanh tu này, đúng là đã thấy trước được Mông Cổ sẽ thừa vận mà hưng thịnh, Thành Cát Tư Hãn mới là thiên cơ là chân long thiên tử, nên mới không quản phong trần ứng triệu xuất sơn. Vì Khâu Xứ Cơ cầm tinh con rồng, Hãn Vương cầm tinh con ngựa, do đó cuộc hội ngộ giữa bậc cao đạo và quân vương này được ca ngợi là “Long mã tương hội”. Thành Cát Tư Hãn tuy là dị tộc, nhưng có thể thuận ứng thiên ý dân tâm, không chỉ đem lại vinh hoa cường thịnh chưa từng có cho Mông Cổ, mà còn để lại cho con cháu truyền thống kính trời lễ thần.

Hoặc chính là do công đức tổ tiên, sau khi Hốt Tất Liệt lên ngôi, được Thượng Thần của Đạo giáo ban cho may mắn. Vào năm thứ 3 sau khi Huyền Vũ hiển thánh, ông đổi quốc hiệu thành “Đại Nguyên”, kết thúc cục diện cát cứ hỗn loạn. Vương triều chính thống mới, đang bước đi những bước vững chắc mạnh mẽ, khai triển một phần văn minh Trung Hoa kéo dài trăm năm.

Nam Nhan Cung, núi Võ Đang. (Ảnh dẫn theo Epoch Times)

Bộn bề đổ nát chờ xây dựng, sửa cung phải sửa “đệ nhất nham”

Bĩ cực thái lai, khi Trung Nguyên dần dần khôi phục thái bình, Võ Đang cũng như “trăm sông đổ về biển” đón nhận các đạo sỹ cũ và mới. Nguyên Đế tôn phụng Huyền Vũ, cũng sẽ thúc đẩy Võ Đang phục hưng. Nhưng, trong năm Hiến Tông thứ 8, trước khi Hốt Tất Liệt lên ngôi (năm 1258), hai gia Phật và Đạo đã diễn ra một cuộc biện luận quy mô lớn nhất trong lịch sử, kết quả Đạo giáo đại bại, 17 vị đạo sỹ đã xuống tóc làm tăng, rất nhiều điển tịch Đạo giáo bị đốt hủy.

Do đó đến thời Nguyên, vị trí quốc giáo của Đạo giáo đã nhường ngôi cho Phật giáo. Điều này phải chăng có ý nghĩa là, cho dù hoàng gia kính phụng, con đường phục sinh của Võ Đang cũng sẽ quanh co khúc khuỷu như thế núi, các đạo sỹ cũng sẽ phải phó xuất nhiều trí huệ và tâm huyết hơn nữa. Năm thứ 4 sau khi lập nên triều Nguyên, đạo sỹ vốn dòng Võ Đang là Lỗ Động Vân đã kết thúc lưu lạc thời chiến, trở về nơi ông đã từ nhỏ thanh tu và ẩn cư trên 40 năm.

Vị dị nhân này tinh thông y đạo, giỏi bói toán họa phúc, tận mắt thấy những biến đổi hưng suy của Võ Đang, quả quyết đến Nam Nham, nơi Huyền Vũ Đại Đế đắc Đạo thành tiên, lấy cỏ tranh làm am, tiếp tục tu hành. Đồng thời, ông với các đạo hữu như Uông Chân Thường bắt tay sửa chữa, khôi phục lại các điện, quán như Ngũ Long Cung, Tử Tiêu Cung, lặng lẽ làm trọn bổn phận của người tu hành phục hưng Võ Đang.

Nam Nham, do quay về phía nam nên có tên này, là Thánh địa của Chủ Thần Võ Đang đắc đạo, Nam Nham cũng là nơi cảnh vật đẹp nhất trong 36 hòn đá đẹp của Võ Đang. Ngay từ thời Đường, Lã Động Tân, một trong Bát tiên đã từng tu đạo ở đây, đồng thời đã để lại bài thơ nổi tiếng “Đề Thái Hòa sơn” ca ngợi cảnh đẹp thanh u tú kỳ (thanh nhã, u nhàn, tú lệ, kỳ thú) của Nam Nham.

Linh nguyên tiên giản tam phương nhiễu,
Cổ cối thương tùng tứ diện hoàn”

(Nguồn thiêng suối tiên chảy quanh ba phía,
Cổ thụ tùng xanh bao quanh bốn phương).

Lỗ Động Vân tu hành chính tại cảnh kỳ diệu như thế này, câu thông với thiên địa, với Thần minh. “Cổ kim bao nhiêu bạn thần tiên, vì mến danh sơn đi lại về”. Lỗ Động Vân chính là đạo sỹ đi rồi lại về trong thơ, trong lòng chưa chắc không có tâm nguyện sửa cung, dựng miếu thờ Chủ Thần Võ Đang ở đây. Nhưng có vị cao nhân đã điểm hóa ông: “Không phải ông làm, có người sẽ đến đó”.

Trong núi không biết tháng năm dài, Lỗ Động Vân đợi chờ người kia xuất hiện trong khi thanh tu, chớp mắt đã là năm thứ 9 rồi. Mùa thu năm đó, Lỗ Động Vân gặp một đạo sỹ trẻ tên là Trương Thủ Thanh, do ngưỡng mộ ông “Cốt cách tiên siêu quần, xa rời danh lợi” nên đã tìm đến bái sư. Vị đạo sỹ trẻ này chính là người có thể sáng tạo ra truyền kỳ ở Nam Nham.

Lỗ Động Vân nói vui vẻ: “Ta đợi con đã lâu rồi”. Thế là truyền thụ hết những yếu chỉ của Đạo. Trương Thủ Thanh trở thành đệ tử ông đắc ý nhất, anh cũng dường như không băn khoăn gì kế thừa chí sư phụ, gánh vác trọng trách trùng tu xây dựng cung điện cho Nam Nham. Thuận theo tư tưởng Đạo pháp tự nhiên, anh quyết định tùy theo thế núi, xây dựng một tòa điện đá cho Huyền Vũ Đại Đế.

Long Đầu Hương ở Nam Nham Cung núi Võ Đang. (Ảnh dẫn theo Epoch Times)

Xây điện cầu mưa, 27 năm thành tựu công đức

Trương Thủ Thanh từ nhỏ học Nho, về sau bỏ quan nhập Đạo, năm thứ 2 sau khi bái sư liền tất bật bước trên con đường nhân sinh dài đằng đẵng xây dựng cung điện và tu hành. Lúc này, Lỗ Động Vân đã vui vẻ quy tiên, Trương Thủ Thanh lại bái các vị cao đạo Võ Đang Diệp Vân Lai, Lưu Đạo Minh, Trương Đạo Quý làm thầy, đồng thời tiếp thu các sở trường của các phái Võ Đang, Thanh Vi, Toàn Chân và Chính Nhất. Ban ngày, Trương Thủ Thanh dẫn các đạo hữu đến các vách đá đục đẽo làm cung, xây dựng các công trình quy mô lớn. Đến đêm, ông đả tọa nhập định, tâm vô tạp niệm, cần mẫn tu kim đan đại đạo.

Đúng lúc Trương Thủ Thanh trùng tu xây dựng cung quán, hoàng thất nhà Nguyên không ngừng bày tỏ sùng tín Võ Đang. Năm Chí Nguyên thứ 22 (năm 1285), Hốt Tất Liệt triệu Diệp Vân Lai cầu mưa, trừ bệnh. Năm Chí Nguyên thứ 23, phong Diệp Vân Lai, Lưu Đạo Minh, Hoa Động Chân của Võ Đang làm “Ngự tiền thừa ứng pháp sư”, ban “Hộ trì thánh chỉ” bảo hộ Đạo giáo Võ Đang. Cùng năm, hạ chiếu chính thức tấn phong ‘Ngũ Long Linh Ứng Quán’ thành ‘Ngũ Long Linh Ứng Cung’. Năm Thái Đức thứ 7 (năm 1302), Nguyên Thành Tông gia phong Huyền Vũ Thần là “Nguyên Thánh Nhân Uy Huyền Thiên Thượng Đế”, đã dùng phương thức quyền uy nhất nhân gian chính thức tôn phong Huyền Vũ là “Thiên Đế”.

Đúng lúc việc xây dựng Nam Nham Cung đang tiến dần đến hồi kết, Trương Thủ Thanh đạo pháp sắp thành, dựa vào phái Thanh Vi luyện được Thanh Vi lôi pháp, trở thành đạo sỹ được hoàng thất đặc biệt coi trọng. Năm Hoàng Khánh thứ nhất đời Nguyên Nhân Tông (năm 1312), kinh thành gặp đại hạn lớn kéo dài hơn nửa năm, lễ tế khắp các danh sơn đại xuyên mà không có kết quả. Trương Thủ Thanh vốn được phụng triệu cầu phúc tăng thọ cho tiên đế Vũ Tông, do vua băng hà mà chưa được triển hiện thần thông, nay cơ duyên hợp mà trở thành cao nhân cầu mưa của đời vua mới.

Ông không chỉ thành công cầu được mưa rào, đồng thời còn dự đoán chính xác ngày giờ mưa. Từ  thời Đường trở về sau, Võ Đang cầu mưa linh ứng lại chấn động kinh thành. Nhân Tông cảm phục Thánh tích, lại gia phong Ngũ Long Cung kỷ niệm Diêu Giản cầu mưa, ban tặng tấm biển “Đại Ngũ Long Linh Ứng Vạn Thọ Cung”. Kinh Đạo có chép, mùa xuân năm Hoàng Khánh thứ 2, kinh thành lại gặp đại hạn, Trương Thủ Thanh thọ mệnh cầu mà có mưa. Mùa hạ lại không có mưa, lại cầu và có mưa, hoàng thất rất vui mừng.

Đồng thời, Võ Đang Nam Nham dựng cung “Tiêu Bích Huyền Cung” kết cấu xây đá giả gỗ, nguyện ước xưa của 2 đời đạo sỹ Võ Đang, cuối cùng cũng thành hiện thực. Để xây dựng ngôi thạch điện này, Trương Thủ Thanh đã bỏ ra 27 năm ròng. Nhân Tông cảm phục lòng thành bảo vệ Đạo của đạo sỹ Võ Đang, năm Diên Hựu thứ nhất (năm 1314), đã ban bức biển “Thiên Ất Chân Khánh Vạn Thọ Cung” cho thạch điện, phong Trương Thủ Thanh làm “Thể Huyền Diệu Ứng Thái Hòa Chân Nhân”

Nam Nham Cung núi Võ Đang được xây dựng tựa vào núi. (Ảnh dẫn theo Epoch Times)

Điện vàng mới dựng, 9 cung 8 quán chưa từng có

Ngày nay, Nam Nham Cung là ngôi điện đá lớn nhất hiện còn tồn tại ở Võ Đang, trải qua 700 năm bể dâu vẫn đứng sừng sững như xưa, triển hiện một truyền thuyết bất hủ. Mà Trương Thủ Thanh, cũng trở thành đạo sỹ công đức vô lượng, quán tuyệt Võ Đang thời đó. Ông trở thành nhân vật then chốt kế thừa đời trước, mở ra đời sau cho Đạo giáo, được chân truyền từ phái đích hệ Võ Đang, đồng thời tiếp thu sở trường các phái, sáng lập “Tân Võ Đang phái”, trong thì luyện kim đan đại Đạo, ngoài thì tu Thanh Vi đạo thuật.

Để hoằng dương Võ Đang, ông thu nhận đông đảo đồ đệ, hoằng dương đạo pháp, các giáo đồ Võ Đang ngày càng đông, hương hỏa ngày càng thịnh. Ông lui về để trước tác, cùng các đạo sỹ biên soạn sách Đạo, để lại các kinh thư cho hậu thế thấy được Đạo duyên Võ Đang. Các biên soạn trong kinh Đạo “Võ Đang phúc địa tổng chân tập”, “Huyền thiên Thượng đế khải Thánh lục”, “Khải Thánh gia khánh đồ” v.v… đều ngưng kết phần cống hiến của Trương Thủ Nhân.

Nhưng cống hiến lớn nhất của ông đối với Võ Đang là truyền lại cho các thế hệ sau tinh thần phục hưng Võ Đang. Đúng lúc ông đang chuyên tâm xây dựng điện đá, hai cao đồ của ông là Mễ Đạo Hưng và Vương Đạo Nhất trong lòng lại nuôi dưỡng một hồng nguyện nữa. Trong 72 ngọn núi của Võ Đang, Thiên Trụ Phong sừng sững một mình, chính là ngọn núi có địa vị độc tôn của Võ Đang, đến lúc này vẫn chưa có đền thờ phụng Huyền Vũ Thượng Đế Thánh Dung.

Thiên Trụ Phong một mình sừng sững hiểm trở, bình thường leo đến đỉnh là việc không hề dễ dàng, nói chi đến vận chuyển vật liệu xây dựng một ngôi điện chịu được nhiều thử thách của gió bão, mưa giông, sấm sét? Trước thời Nguyên, trên đỉnh ngọn núi này chỉ có một cái đàn đơn giản để các đạo sỹ tế Trời, kính Thần. Thấy sư phụ dốc chí xây điện, quyết tâm không hề lay chuyển, hai đạo sỹ Mễ, Vương tai nghe mắt thấy, dần dần thấm nhuần chí sư phụ, quyết định xây dựng một ngôi điện đồng kết cấu giả gỗ ở nơi cao nhất của Võ Đang.

Võ Đang tuy được nhiều đời vua Nguyên ủng hộ, nhưng việc sửa cung xây điện lại cần bản thân các đạo sỹ dốc sức. Hai vị đạo trưởng đã trở thành người thiết kế chính và quyên góp để xây điện đỉnh núi. Vào những năm Đại Đức, hai vị trường kỳ hóa duyên ở Hàng Châu, Thường Đức, Vũ Xương v.v…, vận động các “tín sỹ phụng Đạo” quyên góp, đã đúc được tất cả các cấu kiện cho điện đồng ở Lư Lăng, từng cấu kiện được vận chuyển lên đỉnh núi tổ hợp thành ngôi điện đồng tinh xảo mỹ lệ với các chiều dài, rộng, cao đều không quá 3 mét. Năm Nguyên Đại Đức thứ 11 (năm 1307), điện đồng trên đỉnh núi khánh thành, đã bổ khuyết cho Thiên Trụ Phong, Võ Đang cũng chính thức có mỹ danh “Kim Đỉnh” (Đỉnh vàng).

Ngôi điện nhỏ này, bề ngoài hình chữ nhật, ngói lân, mái cong, cửa sổ chấn song, khung cửa chính nhiều hình dáng, tạo hình tinh xảo nhưng không mất đi vẻ đẹp cổ phác trang trọng. Trong điện đồng thờ phụng 9 pho tượng gồm Huyền Vũ Đại Đế, Thánh phụ mẫu, v.v… Trên thân điện có bài minh, khắc tên những người quyên tặng ở các địa phương, còn có một người thợ vô danh mà nổi tiếng – “Vương Đại, hương chủ núi Mai Đình, lộ Võ Xương”.

Không ai biết được sự vất vả bôn ba khắp nơi quyên góp, càng không ai thấy được cái gian nan khi lắp đặt điện đồng. Nhưng, chính là từng tấm ngói, từng cánh cửa ròng rã tháng ngày, đã hợp thành một ngôi điện thánh sắc vàng kim lấp lánh rực rỡ. Ánh sáng rực rỡ xưa nay chưa từng có này, đã chiếu sáng cả vùng trời núi Võ Đang.

Đến thời Minh Thành Tổ đại trùng tu Võ Đang, điện này do “quy chế không tương xứng”, nên bị nhóm thợ di chuyển đến ngọn Tiểu Liên Phong, và đổi tên thành “Chuyển Vận Điện”. Du khách ngày nay vẫn yêu mến du ngoạn ngôi điện đồng hiện còn tồn tại lâu đời nhất trong lịch sử này, để cầu mong thời lai vận chuyển, thiên giáng hồng phúc.

Trải qua những nỗ lực không mệt mỏi của Trương Thủ Thanh và rất nhiều các đạo sỹ, Võ Đang thời Nguyên cuối cùng cũng đã hình thành quần thể kiến trúc 9 cung 8 quán, đông tây hai Thần Đạo, Đạo giáo hương hỏa hưng thịnh hơn xưa. Lửa kiếp nạn không thiêu cháy được hồn Võ Đang, Đạo giáo Võ Đang đã hồi sinh và phát triển với tốc độ kinh ngạc, chẳng phải có Thần phù hộ đó sao?

Kinh Đạo đời Nguyên đã ca ngợi điện quán thời đó “Quy mô tráng lệ, xưa nay chưa có”, “Điện quán nguy nga, cảnh tượng uy nghi”. Lúc đó mọi người sao có thể nghĩ đến, đó cũng chư phải là thời huy hoàng cực thịnh nhất của Võ Đang.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch