Xuân về, đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ khi hoa đào chúm chím hé nở, mưa xuân êm ả nhẹ rơi xuống bờ vai người thiếu  nữ, chim chóc cũng đua nhau chào mừng như trẩy hội bên thềm….thì một cái tết nữa lại tới. Một trong những phần thật không thể thiếu góp phần làm cho ngày tết thêm náo nhiệt và ý nghĩa đó là âm thanh của những ngọn pháo Tết.

Trong một bài thơ  Vịnh Tết, Nguyễn Công Trứ cũng đã từng xúc cảm bình về cái Tết của những người nghèo như sau:

“Bánh chưng chất chặt chừng hai chiếc,

Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu.

Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo,

Nguyên tiêu cao ngất một cành tiêu!”

banh chung
Ảnh minh họa: internet

Đã là phong tục thì cho dù giàu – nghèo, hèn – sang, ở đâu người ta cũng có cái quyền hưởng  vui lạc đó, người nghèo  họ vẫn có tiếng pháo chung vui thỏa nguyện. Tú Xương năm cũng có vế đối về pháo Tết, ông lại còn cho thêm tục bôi vôi:

“Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo,

Nhân tình bạc thế lại bôi vôi!”

Đốt pháo, bôi vôi là phong tục truyền thống của người dân Việt Nam đã đi sâu vào trong tiềm thức về ngày tết. Người Việt quan niệm rằng đốt pháo là hoạt động vui nhà vui cửa để hòa nhập vào niềm vui ngày Tết. Có người cho rằng những âm thanh ầm ĩ, nhộn nhịp của pháo Tết nó như hòa cùng những khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời, màu khói xanh tỏa trong không gian, xác pháo hồng tung tóe dưới đất…tất cả đều gây bao xúc cảm cho khứu giác, thị giác, thính giác… của con người.

phao hoa1
Ảnh minh họa: internet

Có cả một câu chuyện xưa về sự tích của phong tục này đã được người dân Việt Nam chúng ta lưu truyền đầy thú vị: Sự tích về đốt pháo và rắc vôi bột ngày Tết. Hôm nay thời báo Đại Kỷ Nguyên xin mạn phép được kể đôi lời.

Thời xưa, từ thời Thượng cổ lâu lắm rồi, tại Việt Nam ta có các hung Thần hay hiện lên phá rối, trong đó có một vị tên là Na Á. Vợ vị này cũng hung ác không kém chi chồng nên người ta gọi chung là vợ chồng Na Á.

Hai ông bà này thường ở trong bóng tối làm cho dân chúng phải chịu trăm đắng ngàn cay. Nhưng có một điều duy nhất mà hai vợ chồng sợ, đó là ánh sáng và những âm thanh ầm ĩ, ngoài đó ra thì không có gì có thể yểm bùa được hai vợ chồng này.

Hằng năm, mỗi khi đến ngày 30 tháng Chạp, các vị Lương Thần đều phải bay về Trời chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, chỉ còn lại vợ chồng Na Á ở lại quấy nhiễu dân lành. Cho nên, để trừ cái nạn mà vợ chồng Na Á gây ra, người ta bèn nghĩ ra tục đốt pháo và thắp đuốc trong mấy ngày tết để đuổi vợ chồng Na Á đi, tránh gây nhũng nhiễu.

Cho nên, mỗi năm khi đến ngày 30, đặc biệt là giây phút giao thừa mọi nhà đều quen đốt pháo vì mọi người tin rằng mùi thuốc nổ lẫn âm thanh đùng đùng của pháo nổ sẽ giúp xua đuổi hung Thần, không cho chúng gieo tai họa đến trong dịp đầu năm.

co-hon-la-gi-va-vi-sao-goi-la-co-hon-da-quy-9
Xua đuổi ma tà dịp đầu năm. (Ảnh minh họa: internet)

Để trừ ma tà quỷ quái trong mấy ngày đầu xuân, người dân còn rắc vôi bột quanh nhà, dùng vôi bột vẽ cung tên trước cửa nhà. Tục này khai truyền từ thời nhà Đinh, từ khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn xong 12 sứ quân. Khi ông lên ngôi hoàng đế, vương triều đang yên ổn bỗng nhiên xuất hiện nạn hạch dịch làm vô số người chết. Vương Đế Đinh Tiên Hoàng lúc bấy giờ không biết phải xử lý sao, ông bèn cầu Trời khấn Phật xin Người cho cách giải quyết.

Lúc đó có một vị Thần hiện ra và bảo Đinh Tiên Hoàng rằng cứ rắc vôi bột quanh khắp nhà và vẽ mũi tên bằng vôi bột trước cửa nhà là có thể trừ ác quỷ đồng thời triệt tiêu được tai họa bệnh dịch. Vua nghe và làm theo lời mách bảo của Thần, dịch bệnh cứ thế hết dần, từ đó mỗi dịp tết đến lại thành lệ  như vậy.

Nguyệt Hà