Anh là lứa phi công đầu tiên của Việt Nam được đào tạo lái máy bay thương mại tại Australia và Pháp, kết quả học tập luôn đạt loại xuất sắc, nhận cúp danh giá và lưu tên trên bảng vàng của Học viện Hàng Không Australia. Tham gia giảng dạy tại trường Đại học Oxford Anh quốc, anh trở thành cơ trưởng lái Aibus A320 khi tuổi đời còn trẻ. 14.500 giờ bay là con số không hề nhỏ đối với một phi công.

Lần đầu gặp người phi công này, tôi thực sự ngỡ ngàng khi biết được tuổi thật của anh. Nhìn vẻ ngoài trẻ trung với nước da láng mịn, sáng bóng, ánh mắt tinh anh và trung trực, tôi không nghĩ anh đã 44 tuổi. Với chặng đường 44 năm ấy, anh đã theo đuổi ước mơ bay trên không trung 20 năm có lẻ.

Ngày 27/11/2016 vừa qua, anh được mời đọc một bài viết tại hội nghị lớn tổ chức ở Đài Loan trước 7.000 người đến từ khắp nơi trên thế giới. Đại Kỷ Nguyên xin được gửi tới độc giả Việt Nam cuộc phỏng vấn với cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng, người con đất Việt đã có vinh dự truyền tải một thông điệp quý giá trong hội nghị đó tới độc giả của Đại Kỷ Nguyên.

Phóng viên (PV): Anh có thể chia sẻ với độc giả Đại Kỷ Nguyên cơ duyên anh đến với nghề phi công? Một nghề với đầu vào rất ít và được tuyển dụng gắt gao?

Anh Nguyễn Tuấn Dũng (NTD): Năm 1991–1992 tôi trúng tuyển vào ngành hàng không từ khi còn là sinh viên năm hai khoa võ vật của trường Đại học Thể dục thể thao. Lúc đó tôi được tuyển vào làm cảnh vệ trên không đoàn bay 919, khi thi tuyển đầu vào rất nghiêm ngặt. Thời gian đó mới xóa bỏ bao cấp, cuộc sống còn rất nghèo đói. Việt Nam mới mở cửa thông thương ra thế giới, có được một công việc ổn định thu nhập cao như vậy là niềm mơ ước lớn lao của nhiều người trẻ.

Khi tôi làm được gần hai năm thì chính phủ Australia có giúp Việt Nam một gói viện trợ đào tạo phi công thương mại cơ bản hai năm. Tôi may mắn trúng tuyển và là đoàn phi công thương mại Việt Nam đầu tiên được đào tạo ở phương Tây. Khó khăn về ngôn ngữ là trở ngại lớn tôi phải cố gắng tự nâng cao để có thể theo kịp và hoàn thành tốt khóa học.

Cuối năm 1995 tôi tốt nghiệp, vì nỗ lực cùng với bản tính ham học từ nhỏ, tôi được trao cúp do chính phủ Australia dành cho những học viên có thành tích cao trong học tập. Các báo cũng đến phỏng vấn và đưa tin, cho đến nay tên tuổi của tôi vẫn lưu trên bảng vàng của Học viện Hàng không Australia và được nhắc đến như một tấm gương du học sinh xuất sắc. Vì thành tích học tốt tôi được cử sang Pháp học tiếp khóa đào tạo lái máy bay Aibus A320 trong vài tháng. Sau đó tôi về Việt Nam công tác ở Đội 320, rồi trưởng thành cùng sự lớn mạnh của ngành Hàng Không dân dụng nước nhà.

Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng đang ngồi trong khoang lái máy bay Aibus A320.

PV: Được đi nhiều nơi, tiếp xúc và trải nghiệm nhiều nền văn hóa, anh có suy nghĩ gì về văn hóa của Việt Nam? Con người Việt Nam?

NTD: Tôi là người rất ham thích đọc sách, trước khi vào nghề bay tôi đã tìm hiểu và đọc rất nhiều sách cổ. Tôi muốn tìm hiểu và khám phá nguồn gốc của sự sống? Sự xuất hiện của con người? Mọi khổ đau hạnh phúc trong cuộc đời là gì?… Ước mơ được bay trong không trung cũng là một phần để tôi có thể mục sở thị vũ trụ bao la rộng lớn này.

Sau khi thông thạo tiếng Anh, tôi học thêm tiếng Pháp, Nga, Trung. Mỗi ngôn ngữ đều mang đến cho tôi một góc nhìn cuộc sống thú vị khác. Tôi đọc rất nhiều sách từ triết học, tôn giáo, tâm lý học, y học, đến kinh tế học… thậm chí cả sách viết về vũ trụ, về vụ nổ lớn… bằng các ngôn ngữ khác nhau và được mệnh danh là “con mọt sách”.

Tôi đã đến nhiều nơi trên thế giới, mỗi đất nước đều có truyền thống văn hóa riêng của họ, rất thú vị. Những kiến trúc cổ rất đẹp mang sắc thái tín ngưỡng trong đó, mỗi dân tộc họ đều có những đức tin tinh thần khác nhau, nhưng nổi trội vẫn là Phật giáo, Đạo giáo và Thiên Chúa giáo…

Cho dù là thế nào những hình ảnh hào nhoáng xa hoa hay phồn vinh ở chốn đô thành, những chiếc túi hàng hiệu có giá trăm triệu đến những nơi nghỉ dưỡng chỉ có thể tưởng tượng được trong mơ, thì đâu đó tôi vẫn nhìn thấy những cảnh khổ, khuất nấp phía sau sự hào nhoáng khiến tim tôi nhói đau… Câu hỏi về nhân sinh vẫn là vướng mắc lớn nhất mà tôi không thể gỡ bỏ. Đi càng nhiều thì cảm thụ về cuộc sống càng lớn, câu hỏi ấy lại thêm nặng trĩu… mục đích và ý nghĩa đích thực của cuộc đời này là gì?

Tôi cũng thường đọc sách về lịch sử Việt Nam từ thời Thượng cổ đến cha Lạc Hồng mẹ Âu Cơ sinh ra các vua Hùng, với bề dày hơn 4.000 năm lịch sử ấy chính là cái gốc cần giữ gìn. Tôi hiểu văn hóa truyền thống chính là bảo tồn giá trị đạo đức đang bị xói mòn ngày hôm nay. Văn hóa truyền thống Việt Nam rất sâu sắc và đẹp đẽ, giới trẻ bây giờ ít hiểu được giá trị cốt lõi những điển tích, những lễ nghi, hay một phong tục nào đó được lưu lại.

Ngày nay tuy xã hội đã thay đổi nhiều, giá trị vật chất được dùng như thước đo các mối quan hệ và sự hưởng thụ cũng rất mãnh liệt. Dù được trải nghiệm nhiều điều, thực tế tôi vẫn luôn thấy người Việt Nam rất chịu thương chịu khó. Họ không quản ngại vất vả làm những công việc mà nhiều người dân nước khác có thể không muốn làm. Mỗi lần chứng kiến hình ảnh người lao động Việt Nam trên đất khách quê người vất vả cực nhọc, tôi lại trào dâng lòng thương cảm. Tôi ước có thể làm được gì đó để người dân mình đỡ khổ hơn. Lực bất tòng tâm điều ước ấy như câu hỏi về nhân sinh vẫn luôn day dứt trong lòng.

PV: Vậy đối với anh Hạnh Phúc là gì?

NTD: Tôi có một người bạn là con trai của một vị lãnh đạo cấp cao trong ngành Hàng không sống tại Sài Gòn. Năm 1996 tôi vào đó và có ở cùng với cậu ấy một thời gian, tôi rất ngạc nhiên thấy cậu ấy chuyển sang ăn chay trường và tu Phật giáo. Thời điểm đó mặt bằng chung tại xã hội Việt Nam còn rất nghèo, tôi phát hiện ra rằng những người thật sự giàu có họ cũng không thể nghiệm được sự hạnh phúc, cảm tưởng rằng càng nhiều tiền thì hạnh phúc càng bay xa.

Tôi thường tự hỏi: “Nỗ lực của con người rốt cuộc không phải vì hạnh phúc thì vì điều gì?”. Khi cố gắng đạt được thành quả nào đó cũng không cảm thấy thỏa mãn và muốn cái lớn hơn… Hạnh phúc như một cái bóng, nó khiến mình mệt mỏi, khiến mình hụt hơi.

Tôi được cậu bạn cho mượn rất nhiều sách Phật giáo, tôi cũng học thiền định và cảm nhận rằng sau khi tọa thiền có thể ngủ tốt hơn, tinh thần cũng bình thản, những hình ảnh mà tôi đã nhìn thấy sau những chuyến đi không còn ám ảnh tôi nữa. Tôi có thể tĩnh tâm lại được và từ đó hầu như ngày nào tôi cũng thực hành thiền định trước khi ngủ. Tuy nhiên thực tại luôn phũ phàng, khi mối lo cơm áo ghì sát đất thì người ta vẫn phải đau khổ vật lộn với cuộc sống. Thiền định cũng chỉ giúp tôi tĩnh tại một thời lượng nhất định.

Là cơ trưởng khi máy bay cất cánh khỏi mặt đất thì bao nhiêu sinh mạng sẽ phụ thuộc vào sự quyết đoán, cách xử lý tình huống và nhiều yếu tố khác mà cơ trưởng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Vì tính chất nghề nghiệp tôi yêu cầu mình rất nghiêm khắc trong công việc, luôn học hỏi và tự vươn lên. Lâu dần nó trở thành bản tính ảnh hưởng đến tính cách của tôi. Mẹ tôi vẫn thường bảo lời nói của tôi như dao sắc, hàm ý nói rằng lời tôi nói dễ làm thương tổn người khác.

Khi trao đổi nghiệp vụ kỹ thuật với đồng nghiệp dù thành tâm góp ý nhưng người nghe vẫn cảm thấy có chút khó chịu, bởi sâu trong đó là sự ngạo mạn tự kiêu của tôi… Bản thân tôi lúc ấy cũng đang loay hoay đi tìm lời giải cho hạnh phúc là gì? Mãi sau này tôi mới tìm ra được rốt cuộc điều căn bản để mang lại hạnh phúc, điều mà vì nó tôi đã được mời đọc bài viết ấy ở hội nghị tại Đài Loan, tôi sẽ kể cho các bạn ở cuối bài viết này.

PV: Được biết anh đã chuyển đổi công tác vài lần, có phải vì anh đang đi tìm lời giải cho câu hỏi hạnh phúc và nhân sinh? Hay vì một lý do khác?

NTD: Tôi làm trong ngành Hàng không Việt Nam được 10 năm thì chuyển công tác. Lúc ấy nghề này còn mới nên cơ hội cũng nhiều. Tôi thi tuyển vào một hãng hàng không ở Trung Đông rồi sang đó làm việc với một mức thu nhập khổng lồ. Tuy nhiên sau đó hai năm, cuối năm 2009 đầu năm 2010 tôi lại về nước tham gia việc giảng dạy. Người lãnh đạo cũ của tôi lên làm giám đốc trung tâm huấn luyện của Việt Nam Airlines gọi điện nhờ tôi về giúp đỡ.

Vì nghĩ đây cũng là cơ hội đóng góp chút công sức nhỏ bé cho nước nhà nên tôi từ bỏ công việc đang làm với thu nhập lớn ở Trung Đông trở về nước. Giai đoạn đó Việt Nam có nghiên cứu đề án đào tạo phi công liên thông với Học viện Hàng không Anh ở Oxford. Tôi phụ trách mảng đó và tham gia giảng dạy tại Oxford hơn một năm.

Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng chụp cùng Giám đốc Học Viện Ông Anthony Petteford.
Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng đang tham gia giảng dạy tại Học viện Hàng không Oxford, Anh quốc.
Anh đang đứng lớp đào tạo lái máy bay cho các phi công trẻ.

Là một phi công yêu nghề, trong thời gian giảng dạy hình ảnh về những khoảnh khắc được tự do bay giữa không trung luôn âm ỉ, cảm giác bay gần gũi như hơi thở của tôi vậy. Nỗi nhớ da diết bầu trời đêm khi ở độ cao hơn 10.000m, dù đã bay rất nhiều lần nhưng hầu như đều chung một cảm giác: vũ trụ bao la trở nên huyền ảo hun hút mênh mang một mầu đen sâu thẳm, bốn bề bao phủ các vì tinh tú to nhỏ phát sáng lấp lánh. Thấy mình quá ư nhỏ bé, bất lực, vô thường trôi nổi giữa không trung. Cảm nhận hơi thở mong manh của những sinh linh bé nhỏ đáng thương run rẩy trước màn đêm mênh mang ấy.

Khi vầng dương hừng sáng rực rỡ thì khoảnh khắc huyền ảo kia biến mất để lại trong tâm trí tôi thêm một câu hỏi lớn: “Vũ trụ chân thực là gì, không thấy có thực sự là không tồn tại không?”. Tôi quyết định rời Oxford đầu quân về một hãng hàng không 5 sao của Trung Đông để tiếp tục được bay và đi tìm lời giải đáp nhiều câu hỏi trong tâm đang ngày một lớn lên cùng thời gian.

Đỉnh núi Phú sĩ Nhật Bản.
Những hình ảnh về vũ trụ, các không gian luôn xuất hiện trong đầu khi tôi đang bay trên không trung.

PV: Anh đi biền biệt như vậy, cha mẹ già ở nhà ai lo lắng chăm sóc? Anh có tâm nguyện gì để làm yên lòng cha mẹ?

NTD: Hầu như từ khi bước vào nghề tôi vắng mặt liên miên. Cha mẹ mỗi năm thêm một tuổi thấm thoắt mái tóc đã điểm sương. Mẹ tôi trước là huấn luyện viên thể thao nay tuổi cao nên bệnh nghề nghiệp xương khớp trở nên đau đớn cộng với nhiều thứ bệnh của tuổi già. Tôi có điều kiện đi khắp nơi mang được nhiều dược liệu quý hiếm về cho cha mẹ, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó mẹ vẫn không hoàn toàn được mạnh khỏe. Mỗi lần gọi điện về nghe giọng mẹ văng vẳng trong căn nhà lớn quạnh hiu tôi lại thấy tim mình quặn thắt, ở tuổi đáng ra được con cháu phụng dưỡng chăm sóc thì cha mẹ tôi vẫn trơ trọi như hai cây khô khắc khoải đợi con về.

Một lần mẹ bị đột quỵ, tôi phải thu xếp về chăm mẹ nằm điều trị trong bệnh viện. Vào viện thấy người bệnh chen chúc rồi nằm cả dưới đất. Nhiều cảnh đời éo le rất đáng thương, cả những em còn rất nhỏ đã mang án tử từ những căn bệnh ung thư ác tính. Tôi chứng kiến từng giọt nước mắt của người mẹ trẻ lăn dài trên má sững sờ khi nhận kết quả xét nghiệm của con. Ánh mắt ngây thơ của đứa trẻ vẫn tràn đầy sự sống đâu biết rằng ngày mai có thể sẽ rời cõi nhân gian. Rồi cảnh người cha đen đúa gầy guộc vì cái nắng cái gió miền Trung hun đúc luôn đói kém vì bão lũ liên miên, mua cho con suất cơm 10.000 chỉ có rau và vài miếng đậu phụ…

Tôi lại thêm một câu hỏi lớn nữa trong tâm: Vì sao người dân Việt Nam khổ thế? Nhiều bệnh tật nan y mỗi ngày một phát triển không từ cả trẻ em? Rồi tôi lại có được một phần câu trả lời: Ngoài kia chẳng phải đạo đức đang tụt dốc? Người ta sẵn sàng vì lợi nhuận mà cho thêm chút “thuốc độc” vào đồ ăn. Để có thể làm tăng thêm “tuổi thọ” của món ăn nhưng lại khấu trừ đi sự sống của người sẽ ăn nó. Tôi lại ước có thể mang được điều gì đó tốt đẹp từ những hành trình quanh thế giới về giúp đồng bào của tôi và cả người mẹ thân yêu của tôi nữa thoát khỏi sự dày vò đau đớn của bệnh tật.

Sau nhiều đợt điều trị cũng không thể khỏi, tôi đành động viên mẹ đối diện và sống chung với nó. Năm 2006 sau tất cả mọi nỗ lực đều thất bại, mẹ tôi đi tìm các môn khí công để có thể trị bệnh. Bà tìm ra một môn gọi là Tĩnh khí công, mẹ lại gọi tôi về để đưa bà đi học môn ấy. Tôi thu xếp về với mẹ, hơn một năm theo đuổi môn khí công này tôi và mẹ thất bại. Trong con mắt tôi khí công cũng chỉ là những món đồ ấy và tôn giáo cũng chỉ loanh quanh vào những giáo điều mê muội cứng nhắc. Cuối cùng điều tôi gặt hái được chỉ là ngồi tĩnh chỉ thiền định.

PV: Vậy điều gì đã mang đến cho anh vinh dự đọc bài chia sẻ trong một hội nghị lớn trước 7.000 người đến từ khắp nơi trên giới được tổ chức tại Đài Loan? Điều bí mật ấy có giúp giải mã cho anh nhiều câu hỏi và có thể mang lại hạnh phúc như anh đã từng nói?

NTD: Tất nhiên rồi, điều kỳ diệu ấy không những phá toàn bộ chấp mê trong tôi, mà còn mang hạnh phúc chân chính đích thực đến với tôi và cả gia đình. Cảm tưởng như tôi vừa được bước vào một vũ trụ mới các mã khóa được mở toang khiến tôi hoàn toàn chấn động.

Một ngày mẹ tôi rất phấn khích gọi điện thông báo rằng đã tìm ra được một môn khí công rất tốt trên mạng. Lúc ấy hễ nghe đến khí công là tôi không muốn nghe nữa, mà cũng nhiều việc bận rộn nên tôi đã bỏ qua. Bẵng đi một thời gian tôi về thăm mẹ, nhìn khí sắc của bà tốt lên nhiều tôi rất vui, bà hồ hởi hướng dẫn cho tôi năm bài công Pháp của Pháp Luân Công. Nể mẹ tôi cũng học, khi bay về Trung Đông mẹ đưa tôi cuốn Chuyển Pháp Luân – quyển sách chính của Pháp Luân Đại Pháp và dặn rằng con nên đọc nó.

Ra sân bay, trong lúc chờ, tôi mang cuốn sách ra đọc. Được hơn một tiếng những gì trong sách viết khiến tôi hoàn toàn chấn động. Sự xúc động mạnh mẽ ấy làm tôi ngay lập tức hiểu rằng đây chính là những gì tôi đang tìm kiếm bấy lâu, rằng đây chân chính là một Pháp môn tu luyện cao tầng rất thâm sâu. Tôi gọi ngay điện thoại về cho mẹ nói rằng: “Cuốn sách ấy thật tuyệt vời, con sẽ đọc nó”.

Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng ngồi luyện bài công Pháp số 5 của Pháp Luân Đại Pháp trước quảng trường tự do ở Đài Loan nơi anh đang công tác.

Về đến Trung Đông tôi tập trung đọc toàn bộ bộ sách này và chăm chỉ luyện năm bài công pháp. Trong mười ngày tôi đã đọc xong hết gồm cả Kinh Văn, lúc ấy Kinh Văn tiếng Việt còn chưa được dịch hết. Tôi nhận ra bộ sách này quá ư bác đại tinh thâm, tất cả những cái huyền, những cái mê, những cái bí ẩn từ trước đến nay được giải mã bằng ngôn ngữ hết sức đơn giản. Từng lời giảng như tiến nhập vào tinh thần tôi vỡ òa những Pháp lý mà bấy lâu tôi không thể tìm thấy ở bất cứ cuốn kim cổ kỳ thư nào.

Vì thành thạo tiếng Anh nên tôi tập trung vào đọc Pháp bằng tiếng Anh. Bản dịch của mỗi ngôn ngữ lại khai thông cho tôi những nội hàm mới, tôi nghĩ nếu mà đọc được bằng tiếng Trung thì sẽ thực sự kỳ diệu nhất, vì Pháp gốc chính là từ tiếng Trung mà dịch ra các phiên bản khác. Tiếng Trung của tôi chưa được tốt, tôi có nguyện ý chuyển đổi công tác để sang Trung Quốc học tiếng Trung. Vì quan hệ quốc gia, các hãng hàng không của Trung Quốc không được tuyển dụng quốc tịch Việt Nam nên tôi đã tới Đài Loan.

Tôi chấp nhận từ bỏ công việc ở Trung Đông với thu nhập ngất ngưởng để về làm cho hãng Hàng không Đài Loan với mức lương chỉ bằng một nửa. Tôi thấy vấn đề tài chính ấy quá nhỏ bé so với những gì mà tôi đã tìm được từ bộ Pháp này. Dù bận rộn nhưng tôi bắt đầu học tiếng bằng cách đọc Chuyển Pháp Luân và tra từ điển. Sau mười tháng tôi có thể giao tiếp và đọc Pháp bằng tiếng Trung cùng mọi người một cách trôi chảy.

Anh đã thực hiện được ý nguyện đọc Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Trung phiên bản gốc.

Đọc Chuyển Pháp Luân bản tiếng Việt, tiếng Anh rồi tiếng Trung tôi đã tìm ra câu trả lời về nhân sinh, về vũ trụ, về nguồn gốc bệnh tật khổ đau cũng như hạnh phúc của con người từ đâu mà có, về ý nghĩa và mục đích chân chính của cuộc đời này. Tấm màn mê được vén mở. Tôi đã thực sự thay đổi rất nhiều và trở thành tốt lên nhờ Pháp Luân Công. Đấy cũng là lý do tôi được mời tham dự đọc bài viết của mình trong một đại hội lớn như thế.

PV: Chuyển biến tinh thần và hành vi của anh chiểu theo ba chữ Chân Thiện Nhẫn của Pháp Luân Công có cải thiện được các mối quan hệ hay làm anh thăng hoa về đạo đức?

NTD: Những lời nói sắc như dao của tôi đương nhiên là không còn nữa. Rồi tính tự cao tự đại, khắt khe với đồng nghiệp ngày trước làm tôi khó hòa đồng với tập thể, giờ thì khác rồi, chân thành và bao dung hơn. Tôi cần phải nghĩ cho người khác chứ không phải yêu cầu họ làm theo mình như trước. Hoàn cảnh trong nhà tôi cũng thay đổi nhiều vì cha mẹ và tôi cùng tu Đại Pháp, sự hòa ái và từ bi luôn hiện hữu.

Tư tưởng của tôi trở nên thuần tịnh và trong sáng, tôi ít bị ảnh hưởng bởi những hoàn cảnh bên ngoài, điều này rất quan trọng với nghề của tôi phải luôn bình tĩnh và sáng suốt.

PV: Nghe nói Pháp Luân Công có khả năng điều hòa thân thể, giải trừ rất nhiều bệnh tật của người ta? Gia đình anh có được lợi ích gì từ điều tốt đẹp ấy?

NTD: Sức khỏe của mẹ tôi tăng tiến từng ngày, bà và cha tôi chăm chỉ học Pháp và luyện công hàng ngày. Cá nhân tôi thì nhận được sự cải biến thân thể rất mạnh mẽ. Ngày trước những chuyến bay xuyên đêm thường làm tôi bị đau khớp hông do di chứng của những tập luyện quá độ khi còn trẻ. Rồi khi mặt trời lên nó không còn thơ mộng như trong văn thơ vẫn miêu tả, vì ở độ cao ấy, ánh nắng như hun như đốt rất bỏng rát. Sau khi về nhà có nằm ngủ cả ngày thì khi tỉnh dậy khớp vẫn bị đau nhức và rất mệt mỏi, phải mất mấy ngày mới hồi lại được. Cơ thể bị mất nước nên da bị khô, sạm, mặt quắt lại nhìn rất hốc hác. Dù tôi có ngồi thiền thì cũng không giải quyết được nhiều. Sau khi tu luyện Đại Pháp điều kỳ diệu đã xảy ra. Những chuyến bay đêm không còn trở nên quá khó chịu nữa vì sau khi tôi luyện năm bài công pháp là cơ thể đã trở lại trạng thái bình thường, ngủ ít cũng không bị mệt nữa.

Đặc biệt hơn ở tuổi từ 40 trở lên, chúng tôi cứ 6 tháng phải kiểm tra sức khỏe định kỳ bắt buộc. Kết quả tôi nhận được sau đợt kiểm tra tại Đài Loan và Nhật Bản còn tốt hơn cả thời đầu khi tôi thi tuyển vào Không quân. Các đợt kiểm tra sức khỏe là rất nghiêm khắc và gắt gao, tôi thấy mỗi ngày sức khỏe của tôi lại tốt hơn, các chỉ số, hệ tim mạch đều chuẩn như người trẻ. Năng lực tiếp thu so với hồi học ở Australia cũng tốt hơn nhiều, điều ấy là một minh chứng khẳng định sự kỳ diệu của Pháp Luân Công.

PV: Hơn nửa đời người, anh đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, nguyện ước mang được gì đó tốt đẹp về cho đồng bào của anh, làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ. Ước nguyện ấy anh đã tìm được lời giải đáp?

NTD: Những câu hỏi tôi luôn ghi nhớ trong trí não và đặt tâm đi tìm lời giải qua hàng ngàn cuốn sách cũng như Kinh thư tôi đã đọc bằng nhiều thứ tiếng đều không làm tôi thỏa đáng. Khi tôi tìm ra được đáp án tất cả những câu hỏi ấy từ duy nhất cuốn Thiên thư Chuyển Pháp Luân, tâm tôi reo lên rằng: “Đây chính là điều tốt đẹp mà tôi đang đi vòng quanh thế giới kiếm tìm, chắc chắn có thể giúp người dân quê hương tôi, đất nước tôi vơi đi nỗi thống khổ bệnh tật và mất mát”. Tôi biết chắc chắn nguyện ước của tôi đã thành hiện thực, mọi bất hạnh và khổ đau của nhân gian đều có thể tìm thấy lối thoát từ chính phương pháp tu luyện này.

Tôi đồng ý cuộc phỏng vấn này để thông qua đó có thể gửi đến đồng bào tôi một món quà quý giá, một phương pháp tu luyện chân chính với vô vàn lợi ích mà không mất một phí tổn nào. Bởi vì Pháp Luân Công là Phật Pháp đã xuất lai trong thời kỳ mạt Pháp, là đến để cứu giúp con người chân chính thoát khỏi khổ đau. Mong rằng bệnh viện sẽ không còn quá tải và thực phẩm Việt Nam cũng không còn bị nhiễm độc tố… Vì Pháp Luân Công sẽ giúp con người nâng cao tiêu chuẩn đạo đức và không dám làm những việc bất lương. Pháp Luân Công sẽ giúp cho thân người luyện luôn mạnh khỏe trường thọ với tâm thái hòa ái từ bi.

Tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ những người dân Việt Nam muốn tìm hiểu về môn khí công tính mệnh song tu này.

Cảm ơn báo Đại Kỷ Nguyên đã giúp tôi thực hiện ước nguyện. Cảm ơn độc giả xa gần của Đại Kỷ Nguyên ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đã kiên nhẫn đọc đến dòng cuối cùng của bài viết. Chúc độc giả của Đại Kỷ Nguyên luôn hạnh phúc và có thể nhận ra sự tốt đẹp của Pháp Luân Công.

PV: Cảm ơn cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng, chúc anh thực hiện được nguyện ước của mình và vững vàng trên con đường phản bổn quy chân. Cảm ơn anh!

(Toàn bộ ảnh trong bài  do cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng cung cấp)

Tuệ Chân