Đường Tăng trên đường đi Tây Thiên (Tây Trúc) lấy kinh, mỗi bước đi đều là gặp nạn. Lúc bốn thầy trò Đường Tăng đi qua vùng đất Bàn Tơ Lĩnh thì gặp phải bảy con nhện tinh. Đường Tăng bị nhện tinh dùng tơ cuốn lấy. Điều này ẩn giấu nguyên do gì?

Bảy con nhện tinh này thực ra là đối ứng với “thất tình” (bao gồm 7 trạng thái tình cảm: hỉ, nộ, ai, cụ; ái, ố, dục) của con người. Cái gọi là “tơ tình khó đi qua”, có lẽ cũng chính là như vậy. Có người nói là tình ý, tơ tình, kỳ thực cũng là hàm nghĩa ấy, không sai biệt lắm.

Đường Tăng nói: “Ta nhìn thấy đó là một ngôi nhà, ta muốn tự mình đến đó xin một chút cơm chay.”

Tôn Ngộ Không cười nói: “Sư Phụ! Sư Phụ muốn ăn cơm chay, con sẽ tự đi xin. Tục ngữ có câu: “Một ngày là thầy, cả đời là cha”. Sao có thể có chuyện đệ tử ngồi chơi để Sư Phụ đi xin cơm chay được?”

Đường Tăng nói: “Cũng không thể nói thế được, các con thường đi xin cơm chay, lúc gần lúc xa, mệt mỏi vô cùng. Ngôi nhà này ở ngay gần đây, các con để ta đi cho.”

Bát Giới nói: “Sư Phụ không nên bận tâm. Xin cơm là việc của đệ tử, Sư Phụ cứ để con đi cho.”

Đường Tăng lại nói: “Các con, hôm nay thời tiết quang tạnh, cứ để ta đi.”

Sa Tăng ở bên cạnh nói: “Sư huynh, tâm tính Sư phụ như thế nào sư huynh còn chưa biết sao? Sư Phụ đã quyết rồi thì không lay chuyển được đâu, nếu không, để Sư phụ giận thì sư huynh có mang cơm chay về Sư phụ cũng không ăn đâu.”

Trong trích đoạn này, rốt cuộc Đường Tăng đã sinh tâm gì, tình cảm gì mà bị bắt nhốt lại ở Bàn Tơ Lĩnh? Câu nói của Sa Tăng: “Sư huynh, tâm tính Sư phụ như thế nào sư huynh còn chưa biết sao? Sư Phụ đã quyết rồi thì không lay chuyển được đâu, nếu không, để Sư phụ giận thì sư huynh có mang cơm chay về Sư phụ cũng không ăn đâu.” đã thể hiện điều ấy.

Cái “thất tình” mà người đời vẫn nhắc đến, chính là tiêu chuẩn tâm tính của Đường Tăng lúc bấy giờ. Ba đệ tử của Đường Tăng không thể ngăn được, chỉ có thể nghĩ biện pháp để Sư phụ đi. Cả Bát Giới và Sa Tăng đều hiểu được tiêu chuẩn tâm tính lúc bấy giờ của Đường Tăng.

Là người tu luyện, quan ải “tình” nhất định phải vượt qua; vui, cáu, thương, sợ, yêu, ác, dục đều là “tình” cả; từ “tình” này mà sinh ra nhiều tâm bất hảo như tham, sân, si… hoàn toàn chịu tác dụng của “tình”. Người tu luyện không còn “tình” nữa, thì thay vào đó là “từ bi”, là điều cao thượng hơn.

Ngoài ra, “Tây Du Ký” kỳ thực là một tổng thể, mỗi người trong ấy đều có việc riêng, nhiệm vụ riêng mà mình phải làm. Ở vào tình huống liên tục bị yêu tinh quấy nhiễu trên đường thì việc Đường Tăng đi xin ăn căn bản là không khả thi. Đường Tăng cho rằng việc mà ba đồ đệ của mình làm được thì bản thân mình cũng làm được, đây chính là ẩn giấu tâm “không phục”.

Về sau, khi đã thu phục được yêu tinh, ba đồ đệ của Đường Tăng đỡ ông lên ngựa và nói: “Sư phụ, lần sau việc đi xin cơm vẫn là nên để chúng con đi cho.”

Đường Tăng nói: “Các con, sau này có chết đói thì ta cũng không tự nhận đi nữa.”

Đường Tăng vì chưa bỏ được “thất tình” mà thiếu chút nữa bị mất mạng, nhưng ở trích đoạn này, tâm “không phục” của Đường Tăng cơ bản cũng chưa được bỏ đi, sau này mới thực sự được xóa bỏ hoàn toàn.

Trong cuộc sống cũng vậy, cho dù là ai đi nữa, chỉ cần có tâm cho mình là rất giỏi, hơn người thì sẽ liền sản sinh ra rất nhiều tâm không tốt, chiêu mời họa nạn.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch