Lời toà soạn: Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. Loạt bài về Lý Bạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về thi nhân vĩ đại này. 

Xem thêm: Phần 1,  Phần 2,  Phần 3

Thi Tiên vung bút

Thơ ca thời Thịnh Đường khí thế hùng tráng to lớn, cảnh tượng hùng vĩ diễm lệ. Trong đó cuốn hút, lay động lòng người nhất chính là các sáng tác của Lý Bạch. Thơ Lý Bạch đã thể hiện đầy đủ nhất, tập trung nhất phong độ, diện mạo tinh thần thời Thịnh Đường: tràn trề nhiệt tình, hừng hực vươn lên, lạc quan tích cực, đặc sắc cá tính, bút pháp Thần truyền, tinh thần tu luyện.

Tất cả những điều này đều gồm thu trong những sáng tác của Lý Bạch. Thi nhân mà lớp lớp người đều thích thú bàn luận nhất không ai khác chính là Lý Bạch. Lý Bạch được ca ngợi là Thi Tiên “Ngàn năm độc bộ, duy có mình ông”. Cảnh giới văn học của ông cũng được ca ngợi là “vô tiền khoáng hậu”.

Thi ca Lý Bạch thất lạc rất nhiều nhưng ngày nay vẫn còn gần 1.000 bài lưu lại. Đề tài của ông đa dạng, đủ các chủng loại từ thể thất ngôn cổ, thất ngôn tứ tuyệt đến ngũ ngôn cổ, ngũ ngôn tứ tuyệt. Mà dẫu là viết về đề tài nào, ông cũng đều có tuyệt bút, từ thơ tả cảnh thiên nhiên phong hoa tuyết nguyệt đến tả tình lưu luyến nam nữ, bằng hữu… Tất cả đều trở thành những áng thơ lưu danh thiên cổ.

Nhà thơ Lý Bạch. (Ảnh dẫn theo Viebooks)

Phong cách ngôn ngữ thơ ca Lý Bạch, dùng câu thơ của chính ông nói ra là: “Nước trong hoa sen mọc, tự nhiên chẳng điểm tô”. Ông viết rất nhiều thơ Nhạc phủ (dòng thơ có thể phổ nhạc để hát), có lẽ chiếm một phần tư toàn bộ tác phẩm. Ông chính là người viết thơ Nhạc phủ nhiều nhất đời Đường.

Lý Bạch giỏi nhất ở dòng thơ thất ngôn ca hành, mà nguồn gốc sâu xa của nó là từ Nhạc phủ. Nhưng sử dụng thơ Tuyệt cú làm Nhạc phủ đời Đường thì Lý Bạch chính là vận dụng nhuần nhuyễn, trôi chảy nhất.

Ông có tài năng thiên bẩm nghệ thuật siêu thường khác lạ và sức mạnh cảm động lòng người to lớn. Những cảnh tượng kinh ngạc, khiến người ta hưng phấn, gợi mở ý tứ sâu xa, không gì không được thể hiện hết ra dưới ngòi bút Lý Bạch. Đỗ Phủ ca ngợi ông là: “Bút lạc kinh phong vũ, thi thành khấp quỷ thần” (tạm dịch: Hạ bút kinh mưa gió, thơ xong khóc quỷ thần). 

Cả đời ông chẳng coi công danh là chuyện vinh hiển, một thân áo vải mà coi thường quyền quý. Ông từng viết: “Chợt trong bụi cỏ chết ngay thẳng, chẳng muốn lồng vàng sống cúi đầu” hay “Chẳng thể khom lưng cụp mắt thờ quyền quý, làm ta chẳng thể được mở mày” . 

Thơ Lý Bạch và nhân cách cao quý của ông có ảnh hưởng rất sâu sắc và lâu dài cho đời sau. Các nhà thơ nổi tiếng sau này như Hàn Dũ, Mạnh Giao, Lý Hạ đời Trung Đường, Tô Thức, Lục Du, Tân Khí Tật đời Tống, Cao Khải, Dương Thận, Cung Tự Trân đời Minh – Thanh… thảy đều chịu ảnh hưởng to lớn của nhân cách và thi ca Lý Bạch.

Lý Bạch hiểu cổ thông kim, đọc rộng biết nhiều, tam giáo cửu lưu tất cả đều trong lòng. Văn phong, thể thơ khác nhau đều được ông lấy ra vận dụng, nhặt lấy liền thành, không câu nệ hình thức, từ đó mà khai sáng ra một phong cách thơ, văn đặc biệt, để tiếng thơm muôn thuở đời sau. 

Thi Tiên và Tửu Tiên

Khi nói đến ngâm thơ, người ta thường nói “uống rượu ngâm thơ”. Thực ra trong các thời đại lịch sử Trung Hoa, phong cách văn nhân uống rượu, làm thơ thịnh hành nhất là ở đời Đường. Lý Bạch là Thi Tiên, cũng là Tửu Tiên, trong cuộc đời hơn 60 năm rất ít khi rời xa rượu. Trong bài “Tặng nội” (Tặng vợ), ông từng nói về mình như sau: “Ba trăm sáu mươi ngày, ngày ngày say túy lúy”.

Khi say rượu, Lý Bạch thực sự đã viết rất nhiều thơ, mà đều là thơ hay. Những bài như: “Tương tiến tửu” (Mời rượu), “Sơn trung dữ u nhân đối chước” (Đối ẩm với người ẩn cư trong núi), “Nguyệt hạ độc chước(Uống rượu một mình dưới trăng)… đều là làm ra trong khi chếnh choáng men say, được người đời sau truyền tụng rộng rãi.

Lý Bạch là Thi Tiên bởi ông tìm Tiên cầu đạo và đã tu luyện lên đến cảnh giới rất cao. Trong khi tu luyện, nhìn thấy tiên cảnh, gặp tiên nhân, ông đều miêu tả rõ ràng trong thơ phú của mình. Đời sau, rất nhiều người không tu luyện, không tin Thần lại cho đó là lời nói ra trong khi say xỉn của ông, hoàn toàn không thể lý giải. 

Nhưng cũng có rất nhiều người cùng thời biết Lý Bạch vốn không phải người thường, bèn gọi ông là Thi Tiên, Trích Tiên như Tư Mã Thừa Trinh, Hạ Tri Chương… 

Trong thời gian ở Trường An làm việc trong Hàn lâm viên, Lý Bạch giao du nhiều với các nhà thơ như: Hạ Tri Chương, Thôi Tông Chi, Lý Thích Chi, Lý Tấn, Trương Húc, Tô Tấn, Tiêu Toại… Họ cùng với Lý Bạch được gọi là “Ẩm trung bát tiên” (Tám ông tiên uống rượu). Đỗ Phủ sau này viết “Ẩm trung bát tiên ca” (Bài ca tám ông tiên uống rượu) chính là để tả Lý Bạch và những người bạn đó. 

Tani Buncho (1763-1840) – Nhật Bản, vẽ tranh lụa “Ẩm trung bát tiên” (Tám tiên uống rượu), lưu giữ ở Việt bảo tàng mỹ thuật Metropolitan – Mỹ.

Cũng từ đó, Lý Bạch có danh xưng là “Tửu Tiên”. Lý Bạch cả đời thường uống rượu, ngâm thơ với bạn thơ, bạn đạo, lúc say, lúc tỉnh. Nhưng các bài thơ nổi tiếng nhất của ông lại thường ra đời sau khi Lý Bạch uống rượu, vung bút mà thành. Nhờ say rượu, Lý Bạch càng có thể tùy ý phát huy, không bị hạn chế bởi lẽ thường, mà viết ra càng nhiều ý tứ siêu việt, chuyên chở những yếu tố Thần truyền, cảnh thực nơi tiên giới.

Bởi vậy mà người đương thời cũng gọi Lý Bạch là “Túy Thánh” (Ông thánh say). Họ nói về ông như sau: “Lý Bạch say rượu, không câu nệ tiểu tiết, nhưng văn chương ông viết lúc say khướt, chưa bao giờ bị sai, mắc lỗi, và khi đàm đạo nghị sự với những người không say, đều không ngoài sở kiến của Thái Bạch, người đương thời gọi ông là Túy Thánh”. 

Hãy cùng thưởng thức một bài thơ được Lý Bạch làm ra, có lẽ, trong một thời khắc say nhất cuộc đời mình vậy:

“Tương tiến tửu” (Mời rượu)

Thấy chăng anh
Nước Hoàng Hà từ trời tuôn xuống
Chảy băng ra biển chẳng quay về
Lại chẳng thấy
Lầu cao gương sáng thương đầu bạc
Sớm tựa tơ xanh, chiều đã tuyết
Đời khi đắc ý hãy nên vui
Chớ để chén vàng trơ trước nguyệt
Trời sinh ta tài ắt phải chọn
Nghìn vàng tiêu hết rồi có thôi
Mổ dê, giết trâu lại vui nữa
Đủ ba trăm chén một lần mời

Sầm Phu Tử
Đan Khâu Sinh
Nào kèo rượu, chén chớ dừng!
Cùng người ca một khúc
Xin người nghiêng tai hãy lắng nghe
Tiệc lớn chuông trống dạo chẳng qúy
Không được tỉnh đâu, phải say nhè
Thánh hiền từ xưa đà lạnh ngắt
Lưu danh thiên hạ kẻ ôm be


Trần Vương thuở trước yến Bình Lạc
Đấu rượu vạn tiền say một cuộc
Chủ nhân xin đừng nói thiếu tiền
Mai kiếm rượu về lại cùng chuốc
Áo cừu ngựa quý của ta đâu
Hãy sai hầu trẻ đem đổi rượu
Cùng uống cho tan vạn cổ sầu 

(Bản dịch của Ngô Văn Phú)

Bài “Tương tiến tửu” cũng có một tên khác là “Tích tôn không” (Tiếc chén không), nội dung phần lớn là tả chuyện bằng hữu yến tiệc hát ca, ngâm thơ, uống rượu, rất đúng với khí phách của Lý Bạch. 

Sau khi rời kinh đô, Lý Bạch du ngoạn bốn biển. Bài thơ này viết lúc ông tương ngộ với các bằng hữu là Sầm Huân, Nguyên Đan Khâu. Ba người họ ở Tung Sơn, thường cùng nhau leo núi, ngắm cảnh, ăn uống, ngâm thơ, tiêu dao tháng ngày. 

Bài thơ này khí thế hùng vĩ, tình cảm phóng khoáng, là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Lý Bạch. Trong “Nhi Am thuyết Đường thi” viết: “Bài ca này của Thái Bạch … hào phóng nhất, tài khí thiên cổ vô song”.

Câu cuối cùng của bài: “Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu” (Cùng uống cho tan vạn cổ sầu) thực là một nét chấm phá đầy tinh tế. Đoạn trước là những lời thơ bay bổng, ý tứ triền miên, vút tận chín tầng không. Đến câu này thực như một nốt trầm, “vạn cổ sầu” nghe thật thâm trầm, lắng đọng biết bao! Xem hết toàn bài, thực sự là bay vút lên cao rồi lại vụt xuống thấp, không phải cây bút cự phách thì không thể viết nổi.

“Tương tiến tửu” không dài lắm, nhưng thực sự là thần bút. Bút no mực say, từ ngữ cực hào phóng mà lại trầm lắng. Bài thơ có khí thế và sức mạnh chấn động cổ kim. Người đời đánh giá rằng: “Đọc thơ Lý, trong cái hùng vĩ sảng khoái, thấy được cái thần sâu xa phóng khoáng an dật của ông, mới là diện mạo của Trích Tiên”. Bài “Tương tiến tửu” này chính là thể hiện đầy đủ phong cách của Lý Bạch như vậy.

Bức tranh “Thái Bạch túy tửu đồ” (Thái Bạch say rượu) của Tô Lục Bằng đời Thanh.

Nói về thơ làm khi say rượu, còn có một bài khác rất nổi tiếng. Lý Bạch làm bài này khi đang một mình uống rượu dưới trăng, lòng đầy hoài niệm lại bất giác tìm gặp được tri kỷ. Hãy cùng thưởng thức:

“Nguyệt hạ độc chước” (Một mình uống rượu dưới trăng)

Hoa gian nhất hồ tửu
Độc chước vô tương thân
Cử bôi yêu minh nguyệt
Đối ảnh thành tam nhân
Nguyệt ký bất giải ẩm
Ảnh đồ tùy ngã thân
Tạm bạn nguyệt tương ảnh
Hành lạc tu cập xuân
Ngã ca nguyệt bồi hồi
Ngã vũ ảnh linh loạn
Tỉnh thì đồng giao hoan
Tuý hậu các phân tán
Vĩnh kết vô tình du
Tương kỳ mạc Vân Hán

Bản dịch của Tương Như:

Có rượu không có bạn
Một mình chuốc dưới hoa
Cất chén mời trăng sáng
Mình với bóng là ba
Trăng đã không biết uống
Bóng chỉ quấn theo ta
Tạm cùng trăng với bóng
Chơi xuân cho kịp mà!
Ta hát, trăng bồi hồi
Ta múa, bóng rối loạn
Lúc tỉnh cùng nhau vui
Say rồi đều phân tán
Gắn bó cuộc vong tình
Hẹn nhau tít Vân Hán

Bài “Nguyệt hạ độc chước” này sáng tác vào năm Thiên Bảo thứ 3 (năm 744), lúc đó Lý Bạch 43 tuổi, làm trong Hàn lâm viện ở Trường An. Lý Bạch dường như có tình cảm đặc biệt với Mặt Trăng, Mặt Trời. Con gái của ông và phu nhân Hứa Thị tên là Bình Dương, có chữ “Dương” trong từ “Thái Dương” (nghĩa là Mặt Trời). Con trai ông cũng có tên lúc nhỏ là Minh Nguyệt Nô, trực tiếp dùng hai chữ Minh Nguyệt (nghĩa là “Trăng sáng”). 

Lý Bạch viết ra cảnh tượng kỳ lạ độc đáo, lấy bóng trăng làm bạn, uống say mà ca hát. Nhà thơ lấy trăng sáng, thậm chí lấy cả bóng ảnh của mình mà làm bạn trò chuyện, cùng nhau uống rượu, hát ca, nhảy múa. Mặc dù trăng không biết uống, bóng chỉ theo thân, vẫn chẳng ngại lấy trăng trên cao và bóng hình làm tri kỷ.

Lúc tỉnh cùng nhau vui
Say rồi đều phân tán

Con người sống trên cõi đời, giữa người với người chẳng phải cũng thế này sao? Một đời gặp nhau là tương ngộ, chết rồi là biệt ly. Chỉ có nhìn rõ được bản chất quan hệ giữa người với người đến mức này, thì mới có nhận thức chân thực, bình lặng và siêu thoát đối với cuộc đời như Lý Bạch vậy. 

Trăng là ý thơ thường thấy nhất trong thơ Lý Bạch. Ông trực tiếp hoặc gián tiếp viết về trăng trong khoảng 300 bài. Trăng từ xưa đến nay luôn là biểu tượng của sự thánh khiết, lý tưởng, tinh thần và tiên giới. Thi Tiên càng khéo dùng trăng gợi mở người đời mơ ước cao thượng, quét sạch ô uế thế tục, cuối cùng trở về với cõi tiên, “phản bổn quy chân” (từ bỏ sự u mê, trở về với chân chính). 

Trăng dưới ngòi bút của ông đa dạng sắc thái: có “Minh nguyệt xuất thiên sơn. Thương mang vân hải gian” (Trăng nhô khỏi núi trời, mênh mang giữa biển mây), có “Túy khởi bộ khê nguyệt khê. Điểu hoàn nhân diệc hi” (Say bước trên trăng suối, chim vẳng chẳng bóng người), cũng có “Sơn minh nguyệt lộ bạch. Dạ tĩnh tùng phong yết” (Núi sáng sương trăng trắng, đêm tĩnh gió tùng lặng) và lại có “Thu sơn lục mộng trung. Kim tịch vị thùy minh” (Núi thu xanh giấc mộng, đêm nay sáng vì ai)… Lý Bạch mê trăng có thể nói thiên hạ không có người thứ hai. 

Lý Bạch lấy trăng làm bạn có thể cùng trò chuyện, cùng bên nhau, cùng uống rượu, hát ca, nhảy múa. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung.

Lại cũng có lúc ông đối ẩm, ngồi nói chuyện với trăng như hàn huyên với một người tri kỷ, như đánh thức nỗi sầu của người lữ khách đường xa vạn dặm, lưu lạc cõi hồng trần mà hướng về cảnh tiên.

“Bả tửu vấn nguyệt” (Rót rượu hỏi trăng)

Trăng ơi! có tự khi nào?
Ta ngưng chén hỏi: Trăng sao lỡ làng?
Ai vin nổi ánh trăng vàng?
Người đi, Trăng bước song hàng nghêu ngao
Như gương vút tận trời cao
Tan nhanh khói biếc ngàn sao êm đềm
Trăng lên từ dưới biển đêm
Sớm mai bay biến trên nền trời mây
Xuân – thu, thỏ giã thuốc đây
Hằng Nga đơn chiếc vơi đầy… thoả chưa?
Người nay đâu thấy Trăng xưa
Trăng nay soi tỏ Người xưa đã từng
Xưa, nay nước chảy không ngừng
Vầng Trăng cùng ngắm tưng bừng hân hoan
Lời ca, men rượu nồng nàn
Ánh Trăng soi đáy chén vàng long lanh

(Bản dịch của Lão Nông)

Đời người ngắn ngủi, nhưng trăng sáng trường tồn, tự cổ chí kim, người, vật dễ mất, mà Thần Tiên như Thỏ Ngọc, Hằng Nga trên cung trăng vẫn còn y nguyên. Đó cũng là tâm sự chung của một thi nhân sống sau Lý Bạch vài trăm năm, Tô Thức. Có lần, Tô Thức hướng lên bầu trời ánh nguyệt soi tỏ mà rằng:

Vầng trăng sáng có tự khi nào
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy
Đêm nay đã là đêm năm nao?

Có lẽ trong kiếp nhân sinh nhỏ nhoi, hữu hạn, vầng trăng kia chính là sợi dây liên lạc cuối cùng còn lại của con người với mái nhà cũ, quê hương cũ. Con người sống trong bể khổ, trầm luân nghìn vạn năm, chỉ có thể đôi lần ngước lên trời cao mà hỏi lòng mình như vậy thôi. Cung điện trên chốn ấy đã là năm nao? Cố hương của người ta có lẽ không phải dưới trần gian này, mà là tít xa xăm kia, trên những vì sao, những áng mây xa xôi vạn dặm ấy.

Đỗ Phủ, trong một lần nhớ em trai, nhớ quê nhà cũng gạt nước mắt mà làm mấy câu thơ này:

Lộ tòng kim dạ bạch
Nguyệt thị cố hương minh

(Sương rơi trắng đêm nay. Trăng vẫn rọi quê nhà).

Rồi chính Lý Bạch, trong một lần chống kiếm lên núi Nga My du ngoạn, cũng từng thở dài rằng:

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng. Cúi đầu nhớ cố hương).

Cố hương của Lý Bạch, Tô Thức, của Đỗ Phủ, của chúng ta có lẽ không phải ở chốn này. Mới hay:

Má phấn thân ngọc kìa cô bé
Cười khóc hồn nhiên nét thơ ngây
Chớ quên Đại Pháp duyên kiếp định
Nhà em tiên giới chẳng tại trần

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Nam Phương biên dịch

Xem thêm: