Người xưa từng nói: Giết người thì phải đền mạng, thiếu nợ thì phải trả. Có người thì là báo ứng ngay tại kiếp này, có người thì hoàn trả vào kiếp sau và cũng có người phải đến mấy đời sau mới hoàn trả. Quả thực đúng là như vậy, trong lịch sử đều có ghi chép.

Vào những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên triều đại nhà Đường, có một quan viên chưởng quản Lễ bộ tên là Đường Thiệu. Vị quan này từ nhỏ đã có khả năng nhớ được những sự việc đã trải qua trong kiếp trước, hơn nữa đối với từng sự tình này đều ghi nhớ hết sức rõ ràng, vô cùng chi tiết; duy chỉ có một điều ông chưa từng nói điều này cho bất kỳ ai biết, kể cả vợ và con cái.

Khi Đường Thiệu đương thăng chức quan cấp sự trung, đối diện nhà ông có một người mới chuyển đến, một người đao phủ tên là Lý Mạc. Điều kỳ lạ là, những lúc nhàn rỗi, Đường Thiệu thường chủ động tìm Lý Mạc trò chuyện, có những lúc còn chuẩn bị cơm rượu, chủ động đến mời y chung vui. Lý Mạc không hiểu vì sao Đường Thiệu lại hậu đãi mình như vậy, cũng không tiện thoái thác.

72d5c3dd5c7198d5b8d55db91abaf2be
Đường Thiệu đối xử đặc biệt tốt với Lý Mạc chỉ vì 1 lý do…. (Ảnh: Internet)

Vợ của Đường Thiệu cũng thấy làm lạ, liền trách ông rằng: “Ông vốn là người quyền cao chức trọng, lại có danh tiếng ít nhiều, theo lẽ đáng ra ông phải nên kết giao qua lại với những người có cùng địa vị, học thức mới phải. Lý Mạc với ông thân phận khác biệt, ông trái lại lại thân thiết với y như vậy, tôi thấy ông làm như vậy thật không xứng với thân phận của mình chút nào!”.

Đường Thiệu nghe xong, im lặng hồi lâu, rồi nói: “Lời bà nói nghe cũng phải, nhưng duyên nợ sâu xa giữa tôi và Lý Mạc quả thật vượt xa những gì bà có thể tưởng tượng. Sau này nếu có cơ hội tôi nhất định sẽ nói rõ với bà”. Người vợ hết cách, đành phải thuận theo ý nguyện của chồng mà đối đãi tử tế với Lý Mạc.

Mấy năm cứ thế trôi qua, đến một ngày kia, Đường Thiệu bỗng dưng gọi vợ lại, nghiêm túc nói: “Vợ hiền của tôi, bây giờ tôi đã có thể nói rõ với bà được rồi. Tôi đối xử tốt với Lý Mạc như vậy, là có nguyên nhân. Chuyện này cần phải đợi đến trước lúc tôi chết rồi mới được phép nói ra, bây giờ tôi thấy đã đến lúc rồi”.

Đường Thiệu thở dài một tiếng, rồi chậm rãi kể: “Có lẽ bà không tin nhưng ngay từ nhỏ tôi đã có năng lực biết được những việc trong kiếp trước. Trong một kiếp, tôi là con gái của một nhà quyền quý. Sau khi lớn lên được gả cho con trai của nhà họ Vương.

Mẹ chồng đối xử với tôi rất hà khắc. Năm tôi 17 tuổi, trước Đông chí một ngày, mẹ chồng dặn tôi đích thân chuẩn bị cơm canh cho cả nhà. Sau khi nấu nướng xong, tôi toàn thân mệt mỏi rã rời, thế nhưng mẹ chồng lại bảo tôi phải may gấp cho bà chiếc quần, bảo rằng ngày hôm sau bà cần mặc nó để đi lễ chùa. Cả đêm đó tôi ngồi may chiếc quần dưới ngọn đèn dầu, trong lòng cảm thấy lo lắng, tới tận khuya cũng chưa dám đi ngủ. Thế nhưng khi tôi làm sắp xong thì bỗng dưng một con chó từ đâu tông vào cửa, xông thẳng vào trong phòng tôi. Nó chạy loạn xạ làm đổ ngọn dầu làm dầu thắp bắn lên chiếc quần tôi đang may. Tôi vừa sợ vừa hận, bởi vậy liền lớn tiếng quát mắng con chó kia. Con chó định chạy thoát ra ngoài cửa nhưng đã bị tôi đóng chặt lại, thấy vậy nó bèn vội chạy vào núp dưới gầm giường.

Tôi liền thắp lại ngọn nến mới, cố gắng làm sạch vết bẩn trên chiếc quần, nhưng dù có làm thế nào đi nữa cũng không khiến nó sạch hết được.

Tôi sợ mẹ chồng trách phạt, vô cùng căm hận con chó kia nên đã nhấc tấm ván lót giường lên, ra sức dùng kéo đâm mạnh vào con chó. Nhát thứ nhất đâm trúng cổ của nó, một bên lưỡi kéo cũng gãy mất, tôi lại dùng lưỡi kéo kia liên tiếp đâm mạnh vào nó, một lúc sau con chó ấy đã bị tôi đâm chết, nỗi uất hận cũng nguôi ngoai phần nào.

nguong-mo-cuoc-song-than-tien-cua-cho-mat-buon-hinh-5
Thế nhưng khi tôi làm sắp xong thì bỗng dưng một con chó từ đâu tông vào cửa, xông thẳng vào trong phòng tôi. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Sáng hôm sau, tôi mang chiếc quần bị bẩn qua gặp mẹ chồng kể lại sự tình, mẹ chồng không cho tôi kịp nói lời nào, không ngừng lớn tiếng trách mắng tôi. Đúng lúc đó chồng của tôi về tới nhà, sau khi hỏi rõ đầu đuôi liền lập tức lôi con chó đã bị đâm chết ở dưới gầm giường ra, để ngay trước mặt mẹ chồng, lựa lời khuyên can mới khiến mẹ chồng nguôi giận.

Năm tôi được 19 tuổi thì mất vì bạo bệnh, sau khi chết chuyển sinh thành tôi trong kiếp này, còn con chó mà tôi đã giết chính là Lý Mạc hiện nay. Ngày mai tôi phải chết rồi, đây cũng là báo ứng tôi phải hoàn trả, cũng là oan oan tương báo trong kiếp này, người giết tôi nhất định là Lý Mạc. Đạo trời không sai bao giờ, vậy nên bà không cần phải đau lòng, cũng không cần phải sợ”.

Ngày hôm sau, Đường Huyền Tông dẫn theo bá quan văn võ bàn luận về chuyện học võ ở Ly Sơn. Đường Huyền Tông nhất thời cao hứng, đích thân cầm trống lên đánh. Tuy nhiên chưa đến ba hiệp, Binh bộ Thượng thư Quách Nguyên Chấn đột nhiên hạ lệnh: “Chiếu chỉ diễn tấu đã xong“, khiến vua Huyền Tông vô cùng tức giận bèn hạ chỉ lôi Quách Nguyên Chấn xuống bên dưới cờ lớn chém đầu. Thừa tướng Trương Thuyết vội vàng quỳ xuống van xin, nói Nguyên Chấn có công lớn bảo vệ nước nhà, nên xá miễn cho ông ấy tội tử hình. Huyền Tông vẫn chưa cảm thấy nguôi giận, tuy đã thả Quách Nguyên Chấn, nhưng lại lệnh hạ chỉ xử trảm đại lý Lễ bộ Thượng thư là Đường Thiệu.

_07ME002_
Lý Mạc giơ đao lên chém vào cổ Đường Thiệu một nhát nhưng không ngờ thân đao lại bị gãy làm đôi… (Ảnh minh hoạ: Internet)

Đường Thiệu biết số mình đã tận, chỉ kịp thở dài một tiếng rồi đã bị quân lính lôi đi chém đầu. Quả nhiên, Lý Mạc là người nhận lệnh cầm đao hành hình. Lý Mạc giơ đao lên chém vào cổ Đường Thiệu một nhát nhưng không ngờ thân đao lại bị gãy làm đôi, bèn đổi sang một thay đao khác mới có thể kết thúc tính mạng của Đường Thiệu. Vợ Đường Thiệu biết tin không khỏi cảm thán, thanh đao bị gãy làm đôi, giống y hệt như cách mà Đường Thiệu dùng kéo để kết liễu con chó vào đời trước.

Trong “Đường thư” viết lại rằng, Đường Huyền Tông không lâu sau hạ lệnh liền cảm thấy hối hận vì đã giết Đường Thiệu, lại trách Lý Mạc hành hình quá mau lẹ nên cả đời không còn tuyển dụng y nữa.

Theo “Thái Bình Quảng Ký”
Thiện Sinh biên dịch

Xem thêm: