Duyên nợ nhân sinh là “oan oan tương báo, dĩ hận miên miên”, khiến cho kiếp người đầy rẫy những đau thương. Nếu mỗi người có thể dùng yêu thương, bao dung và nhẫn nại để hoá giải ác duyên, thì có thể bớt đi bao tiếc nuối trong cuộc đời.

Tiếp theo Kỳ 1, Kỳ 2

Câu chuyện thứ tư: Gia đình bất hoà, nỗi hận triền miên

Trinh Huệ năm nay đã ngoài 50 tuổi và là một phụ nữ mạnh mẽ. Từ khi sự nghiệp của chồng tiêu tan, cô phải một mình đứng lên vượt qua gian khó, thay chồng chèo lái gia đình. Sau 10 năm, cô không chỉ giúp chồng trả hết nợ nần mà kinh tế gia đình cũng không ngừng khởi sắc. Nhưng đáp lại ân tình ấy, chồng cô luôn oán trách vợ không chăm lo chồng con chu đáo. Những lời chì chiết của chồng khiến Trinh Huệ ngày càng tự ti, cô tự trách bản thân đã không làm tròn bổn phận của người phụ nữ trong gia đình.

Cho đến gần đây, khi cô dùng số tiền mà bản thân đã nỗ lực kiếm được để mua một căn nhà mới, thì chồng cô bất ngờ nổi trận lôi đình, xung đột giữa hai người căng thẳng đến mức không thể nào hoá giải. Nỗi uất ức trong lòng khiến Trinh Huệ rơi vào trạng thái trầm cảm, tinh thần hoảng hốt, đầu óc mơ màng, thần trí không thanh tỉnh, lúc nào trong tâm cũng nổi lên ý nghĩ tự sát quyên sinh. Trong nỗi hoảng loạn giữa yêu và hận, cuối cùng cô cũng quyết định đến gặp tôi để tìm hiểu căn nguyên nhân quả của mình.

Trong thôi miên, Trinh Huệ nhìn thấy hình ảnh chiếc xe đang chở một người phụ nữ, phía trước là con lừa đang kéo xe tiến thẳng về phía ngoại thành. Khi đến một nơi vắng vẻ, người đánh xe liền dắt lừa bỏ đi, rồi một cụ già xuất hiện và bắt đầu đào đất. Mãi cho tới lúc này cô mới nhận ra mình đã chết. Thì ra, người phụ nữ ngồi trên xe kia chỉ là linh hồn đang bay phấp phới, còn thân xác của cô thì lại nằm trong chiếc quan tài. Đó không phải là một chiếc quan tài đúng nghĩa, mà thực ra chỉ là vài mảnh gỗ ghép lại một cách qua quýt. Đám tang được tiến hành sơ sài tạm bợ, không một tiếng kèn, không một tiếng trống, cũng không có nghi lễ và đoàn người tiễn đưa ngoài một cụ bà và một ông lão khác.

Trong thôi miên Trinh Huệ thấy mình là một phụ nữ bất hạnh đang được một chiếc xe lừa đưa đi chôn. Ảnh dẫn theo mymodernmet.com

Tình cảnh bi thương này thật khiến cho lòng người ai oán. Vậy rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Và vì sao người phụ nữ ấy lại phải qua đời trong tình cảnh thê lương như thế? Để hiểu rõ uẩn khúc trong câu chuyện này, tôi đã đưa cô trở về những kiếp sống trước đây.

Trong một kiếp rất xa xưa, cô thấy mình là một công tử anh tuấn, từng kết giao huynh đệ với một nam nhân bị gù lưng, cũng chính là chồng của cô trong kiếp sống hiện tại. Vì là chỗ bạn bè thân thiết nên chàng công tử vẫn thường qua lại đàm đạo với người đàn ông này. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chàng công tử hào hoa không nảy sinh tình cảm với nàng thiếp trẻ trung xinh đẹp của người huynh kết nghĩa, khiến nàng ta xiêu lòng. Sau đó, cả hai đã ra tay mưu hại người đàn ông gù lưng tội nghiệp. Đây cũng chính là khởi đầu cho mối lương duyên cừu hận sau này.

Vào một kiếp khác, Trinh Huệ là đại phú gia giàu có, còn chồng cô là đầy tớ của vị phú gia này. Người đầy tớ rất tận tuỵ và luôn phục vụ cô hết mình. Có một lần cô bị thương ở chân đến mức không thể đi lại, người đầy tớ đã ròng rã cõng cô trên lưng, chăm sóc và bảo vệ cô từng li từng tí khiến cô vô cùng cảm động.

Quả thực, ân nghĩa của chồng cô trong kiếp sống đó rất sâu nặng, trong khi cô lại nợ ông ấy quá nhiều. Vậy nên đến một kiếp sau đó, những đau khổ cô phải gánh chịu cũng là để trả nợ mối duyên nghiệp này.

Vào kiếp sống ấy, cô là tiểu thư lá ngọc cành vàng của một đại gia giàu có. Vị tiểu thư này tính tình bướng bỉnh, ngang ngược hống hách, nhưng lại phải kết duyên làm vợ một gia nhân trong nhà, cũng chính là chồng cô hiện nay. Trước khi kết hôn, chồng cô đã có tình cảm với một nữ đầy tớ khác; hơn nữa ông thường xuyên phải chịu đựng những lời mắng nhiếc vô tình của cô. Đối diện với cuộc hôn nhân không có tình yêu này, ông cùng với người hầu nữ ấy đã ra tay hãm hại rồi lại chiếm đoạt hết gia tài, khiến cô phải quằn quại đớn đau vì bệnh tật, thân cô thế cô, cuối cùng nhắm mắt xuôi tay trong nỗi uất hận nghẹn ngào.

Trong giây phút lìa đời, linh hồn cô vẫn còn vấn vương trên giường bệnh. Cơ thể cô chỉ là cái xác thân lạnh ngắt, nhưng linh hồn cô lại có thể nhìn thấu tất cả. Cô nhìn thấy rõ người chồng bội bạc cùng với hầu nữ kia đang vui mừng đắc ý, thấy khuôn mặt hoan hỉ của họ, rồi lại nghe được tiếng khóc lóc tang thương của hai người hầu gái khác, và buồn bã nhìn khung cảnh tiêu điều trong giây phút cô từ giã cõi đời.

Đó cũng là lý do vì sao chiếc xe chở cỗ quan tài ấy lại tạm bợ, sơ sài, và hiu quạnh đến thế. Âu cũng là một kiếp người, một kiếp nhân sinh, nói rộng ra thì là một vở kịch ân oán để trả nợ giữa hai người.

Trải qua đời đời kiếp kiếp, đánh đổi bằng biết bao nước mắt, biết bao đau thương, vậy mà nút thắt nhân duyên giữa hai người vẫn chưa thể kết lại. Trinh Huệ còn nhìn thấy một kiếp sống khác, có lẽ là một kiếp gần đây, hoặc cũng có thể là kiếp trước của đời này. Khi ấy cô là một binh sĩ phục vụ cho chủ nhân, cũng chính là người chồng hiện tại của cô. Cô phải vâng lệnh như một kẻ tôi đòi, phải làm rất nhiều việc khác nhau, thậm chí là đánh giày cho chủ nhân, vậy mà vẫn luôn bị đánh chửi không thương tiếc. Có một lần không thể nhẫn nại, cô đã bắn súng vào chủ nhân rồi sau đó tự sát. Hai người ngã xuống vũng máu đang chảy ra lênh láng. Các binh sĩ bên ngoài nghe thấy tiếng súng vội chạy vào xem xét, sau đó thi thể cô cũng bị họ ném xuống trôi sông…

Trong một kiếp sống khác cô thấy mình là một binh sỹ. Ảnh dẫn theo youtube.com

Trong câu chuyện của Trinh Huệ có một chi tiết đáng lưu ý là, mặc dù người đã chết nhưng ý thức của họ vẫn có thể nhìn thấy, nghe thấy mọi sự trên đời rồi ghi nhớ vào trong ký ức của mình, mãi mãi mang theo đến những kiếp sau này. Cổ nhân có câu nói rằng: “Nhân gian thì thầm, trời nghe như sấm dậy; Phòng tối tâm đen, thần nhìn như điện sáng”, mọi việc dù xấu hay tốt, dù lén lút hay đường hoàng, thì đều không thể qua mắt được Thần, Phật, quỷ, ma. Cho dù việc làm xấu đã trót lọt êm xuôi, thì rất có thể đến ngàn vạn kiếp sau này, mọi việc cuối cùng cũng sẽ được mang ra ánh sáng.

Hai vợ chồng Trinh Huệ đã kéo dài mối ân oán này đời đời kiếp kiếp rồi, vậy có nên tiếp tục nữa hay không? Đời người cũng như một vở kịch trong thế sự luân hồi, ba chìm bảy nổi mà chẳng biết đến ngày nào mới có thể kết giải tất cả. Người vì mình mà yêu mà hận, mình lại vì người mà hận mà yêu, mãi cứ như vậy, cuối cùng vẫn chỉ là ngụp lặn trong nhân tình thế thái. Tình yêu của thế nhân chính là thứ khiến cho con người dễ sa lầy nhất, cũng là thứ dễ tạo chướng nghiệp nhất. Vốn dĩ vợ chồng hai người họ luôn không ngừng yêu và hận…

Sau hôm đó tôi nói với Trinh Huệ rằng, điều quan trọng nhất trong đời chính là làm sao để thiện giải mối ân oán giữa cô và chồng. Bản thân Trinh Huệ cũng hạ quyết tâm giải thoát mối lương duyên cừu hận ấy, mong sao có được một cái kết viên mãn. Cho nên, dù có hàng ngàn hàng vạn lý do cũng nên dùng yêu thương và nhẫn nại để đối đãi với chồng mình trong suốt quãng đời còn lại. Dẫu sao, điều ấy cũng đòi hỏi một nỗ lực phi thường mới có thể thực hiện được.

Sau đó Trinh Huệ còn muốn tìm hiểu xem giữa cô và mẹ chồng có mối nhân duyên gì? Cô kể, lần đầu ra mắt bà đã nhìn cô với ánh mắt không hề thiện cảm, không chỉ tỏ vẻ bất mãn mà còn coi thường cả gia đình cô. Ấn tượng này cứ ám ảnh Trinh Huệ cho tới ngày hôm nay, mãi mãi khiến cô không thể nào quên đi được.

Trong thôi miên, cô nhìn thấy vào một kiếp nào đó cô từng là con trai của bà, nhưng không nhận được chút tình yêu thương nào. Người phụ nữ lạnh lùng ấy từng lấy chổi lông gà đánh cậu bé, khiến cậu bé phải quỳ dưới đất chịu trận mà không dám đứng lên. Sau này bà cũng bỏ rơi cậu để đi theo tiếng gọi ái tình với một người đàn ông khác. Còn cậu bé thì được một cặp vợ chồng tốt bụng mang về nuôi nấng, cặp vợ chồng này chính là bố mẹ ruột của cô kiếp này.

Trong một kiếp sống khác cô thấy mình là một cậu bé bị mẹ bỏ rơi, một đôi vợ chồng tốt đã nhận nuôi cô. Ảnh dẫn theo cafebiz.vn

Trong một kiếp khác, cô nhìn thấy mình là người hầu gái bị chủ nhân đánh đập vô cùng tàn nhẫn. Sau đó vì không thể nhẫn chịu được nữa, cô đã trả thù, dùng độc dược mưu sát chủ nhân – người chủ nhân đó cũng chính là mẹ chồng cô hiện nay. Đối với ân oán mẹ chồng nàng dâu sâu nặng như thế này, nếu như không tìm lại tiền kiếp để liễu giải thì thật khó có thể dung nhẫn được.

Vậy làm sao có thể giải thoát được mối hận thâm thù để tiến về một cuộc sống an lành vui vẻ? Làm thế nào để hoá giải ác duyên cũng như nghiệp lực mà mình tạo ra? Đây chính là mối lo hàng đầu trong kiếp nhân sinh này.

Có thể nói, bất cứ duyên phận gì, là thiện duyên hay ác duyên, tất cả đều chính là do con người tự mình tạo ra. Chúng ta không thể trách cứ ông Trời hậu đãi hay tàn nhẫn với một ai đó. Khi chồng bạc đãi với mình, tốt nhất là không nên oán giận hay đổ lỗi cho người khiến ác duyên càng kết càng thêm sâu nặng, nó sẽ khiến cho bạn vạn kiếp không thể nào giải thoát. Để giải quyết vấn đề này thì ngoài việc thiện giải ác duyên sẽ không còn cách nào khác. Hơn nữa khi làm được như vậy, cuộc sống của những tháng ngày sau này cũng như trong chuyển kiếp luân hồi cũng sẽ không gặp phải khổ đau nữa. Nếu bạn không nhận được tình yêu của người khác thì cũng không nên vì đó mà oán hận người.

Chúng ta đã nhìn thấy ái tình trong những câu chuyện trên, vì yêu mà hận, rồi từ hận mà yêu, loanh quanh luẩn quẩn trong luân hồi mãi tuần hoàn không dứt. Quy luật của vũ trụ, của đại đạo là: Bất kể vì lý do gì, bất kể giữa hai người phát sinh cừu hận gì với nhau, tất cả đều cần dùng tình thương yêu và sự nhẫn nại để hoá giải…

(Hết)

Theo NTDTV
Minh Vũ