Khang Hy được mệnh danh là “Hoàng đế thiên cổ” của Trung Hoa, tài năng trác tuyệt, văn võ toàn tài, lại có trí thông minh vô cùng sắc bén. Câu chuyện dưới đây phần nào minh chứng điều đó. 

Ngao Bái chuyên quyền

Năm 1661, Hoàng đế Thuận Trị bị bệnh đậu mùa, lại thêm buồn đau tột độ sau cái chết của Đổng Ngạc Hoàng quý phi, đành nuốt nước mắt mà qua đời ở tuổi 22. Trước khi lâm chung, không yên tâm vì con trai là Ái Tân Giác La Huyền Diệp (tức Khang Hy) còn nhỏ, Thuận Trị gửi gắm con côi cho 4 vị trọng thần phụ chính là Ngao Bái, Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp và Ngạc Tất Long. Bốn người này có thực lực ngang nhau, cho nên có thể khống chế lẫn nhau. Ý của Thuận Trị rất rõ ràng, chỉ cần một người trong đó chuyên quyền làm càn thì sẽ bị 3 người còn lại khống chế, trừ diệt. 

Sau khi Thuận Trị qua đời, giang sơn vạn lý Đại Thanh được truyền lại cho Khang Hy khi đó mới vừa tròn 8 tuổi. Thiếu đế vẫn còn quá nhỏ, vậy nên chính sự trong ngoài đều do các vị phụ chính đại thần thương lượng, quyết định. Tình cảnh của Khang Hy rất giống với cha mình trước đây. 

Thuận Trị cũng lên ngôi từ khi còn rất nhỏ (6 tuổi), được 2 thân vương là Đa Nhĩ Cổn và Tế Nhĩ Cáp Lãng phụ chính. Dưới sự áp chế của Đa Nhĩ Cổn, Thuận Trị gần như chỉ là “bù nhìn” ngồi trên ngai vàng. Ông hoàn toàn không muốn Khang Hy giẫm vào vết xe đổ đó nên mới chọn tới 4 vị trọng thần làm phụ chính để kiềm chế lẫn nhau. 

Nhưng Thuận Trị lại không thể quản được những việc sau khi chết. Theo thời gian, thế đối trọng của 4 đại thần này dần dần thay đổi. Trong số họ, Ngao Bái là người lập được nhiều chiến công nhất, lại được phong thưởng nhiều nhất nên luôn có ý ngạo mạn, khinh thường tất cả.

Người đức cao vọng trọng như Sách Ni thì già yếu, nhiều bệnh, không còn minh mẫn. Tô Khắc Tát Cáp dù cứng cỏi nhưng lại là người kém danh vọng nhất trong số bốn người. Ngạc Tất Long tuy đứng trên hàng Ngao Bái nhưng lại là người thiếu chủ kiến, việc gì cũng ỷ lại cho Ngao Bái. Dần dần cả triều chính bị một mình Ngao Bái thao túng.

Ngao Bái là người ngạo mạn dần dần cả triều chính bị một mình Ngao Bái thao túng.(Ảnh: wap.ifeng.com)

Khang Hy năm thứ 6, Sách Ni qua đời, Ngao Bái lật đổ Tô Khắc Tát Cáp. Trong một lúc Ngao Bái có được quyền lực tột đỉnh trong tay. Lại thêm việc Ngạc Tất Long bỏ bê triều chính nên toàn bộ quyền lớn đều rơi vào tay Ngao Bái, uy hiếp đến quyền lực của Hoàng đế. 

Khi ấy, những ai muốn tấu trình lên Hoàng đế đều phải qua Ngao Bái kiểm duyệt trước. Quan lại muốn được cất nhắc, bổ dụng đều phải đút lót vàng bạc cho Ngao Bái. Ông ta còn muốn duy trì chế độ chỉ dùng người Mãn làm quan, hạn chế người Hán vào triều. Sự chuyên quyền của ông ta khiến Khang Hy rất khó chịu.

Lúc này, Khang Hy đã được 14 tuổi, anh minh tài giỏi, dư luận cho rằng phụ chính đại thần nên giao lại triều chính cho Hoàng thượng. Nhưng Ngao Bái lại cố ý không chịu bàn giao quyền lực, giả bệnh, cáo ốm không vào triều trong một thời gian dài. Khi ấy, Khang Hy đã thấy rõ tình thế cấp bách trước mắt, đích thân tới phủ Ngao Bái thăm hỏi. 

Cuộc đối đầu lịch sử

Khang Hy bước vào Ngao phủ mà không có bất kỳ thông báo nào, trực tiếp đến trước mặt Ngao Bái, nhẹ nhàng thăm hỏi. Lúc đó, Ngao Bái cũng luôn miệng tạ ân Hoàng thượng, thái độ rất mềm mỏng, nhũn nhặn. Ngay khi hai bên đang nói chuyện, dành những lời tốt đẹp cho nhau thì đột nhiên Khang Hy nhìn thấy một thanh đao giấu dưới gối của Ngao Bái lộ ra.

Nguyên Ngao Bái luôn sợ người khác ám sát nên vẫn luôn mang sẵn đao bên mình hằng ngày, chính là vật bất ly thân. Khang Hy đến thăm đột xuất. Ngao Bái không kịp cất đi nên đành giấu ngay dưới gối, không ngờ lại bị lộ ra.

Thị vệ của Hoàng đế đi theo thấy vậy thì lo lắng đổ cả mồ hôi. Với khoảng cách ngắn thế này, nếu Ngao Bái muốn hành thích Khang Hy thì thật dễ như trở bàn tay. Tuy Ngao Bái không có ý muốn hãm hại Hoàng đế nhưng hoàn cảnh lúc ấy thật là tình ngay lý gian. Chính họ Ngao cũng rất căng thẳng. 

Nhưng Khang Hy thì rất bình thản, nhìn Ngao Bái một lượt, lại nhìn xuống chiếc gối đang giấu thanh đao, bất ngờ nắm chặt tay Ngao Bái nói: “Dũng sỹ Mãn tộc đao không rời thân. Đây chính là bản sắc của chúng ta, Thiếu bảo quả là không quên thân mình vậy“. Thiếu bảo là chức quan thuộc hàng Tam công, một chức vụ rất lớn trong triều. Câu nói của Khang Hy chính là có ý khen rằng Ngao Bái không quên nguồn gốc người Mãn của mình. Ngao Bái nghe câu này thì mặt mày rạng rỡ, lại tạ ân Hoàng đế lần nữa, vẻ mặt cảm kích vô cùng.

Ngao Bái rất căng thẳng nhưng sau khi nghe Khang Hy nói mấy câu vẻ mặt lại rạng rỡ cảm kích Hoàng Đế vô cùng.(Ảnh: vivo.vn)

Sau khi hồi cung, nhớ lại chuyện vừa xảy ra, Khang Hy sợ đổ cả mồ hôi. Đó thực sự là cuộc đối đầu lịch sử. Nếu khi ấy, Khang Hy có ý ngờ vực, tỏ thái độ nghi kỵ thì chẳng khác nào tự kích động lòng phản trắc của Ngao Bái, chính là “đánh rắn động cỏ”. Ngao Bái cầm giữ triều cương, nắm trong tay hàng chục vạn quân Bát Kỳ, chỉ cần một cái vẫy tay là có thể thay đổi vương vị. Nếu Ngao Bái biết rằng Khang Hy có bụng nghi ngờ thì sẽ sớm cảnh giác, thậm chí hạ thủ trước. Sự việc là vô cùng nguy hiểm. 

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Khang Hy bắt đầu lên kế hoạch tước bỏ quyền bính của Ngao Bái một cách tỉ mỉ. Sự việc được thực hiện kỹ càng từng bước một. Đầu tiên, Khang Hy cho triệu con của Sách Ni là Sách Ngạch Đồ vào cung để ngày đêm bàn bạc kế trừ Ngao Bái. Lý do được đưa để che mắt Ngao Bái là Khang Hy thích đánh cờ với Sách Ngạch Đồ. Ngao Bái thấy Khang Hy “nghiện” cờ như vậy, đương nhiên càng vui vẻ vì tưởng rằng Hoàng đế bỏ bê chính trị, cũng chẳng nghi ngờ gì.

Khang Hy lại gia phong cho Ngao Bái làm “Nhất đẳng công” để lão thần chuyên quyền này mất cảnh giác. Ông cũng lấy cớ là muốn bảo vệ an toàn cho “Nhất đẳng công” mà tuyển chọn nhiều người trong hàng ngũ con em thân vương làm thị vệ bên cạnh Ngao Bái. Cuối cùng, Khang Hy tìm cách giảm bớt vây cánh của Ngao Bái rời đi, phong quan, tấn tước cho họ và điều đi những nơi xa.

Năm 1669, Khang Hy cho triệu Ngao Bái vào cung. Khi Ngao Bái vừa bước vào cửa cung thì đã bị đội thị vệ thân tín của Khang Hy đã bắt trói gô cổ. Khang Hy hạch tội Ngao Bái, tống giam vào ngục tối. Vì niệm tình có công cứu sống Hoàng Thái Cực năm xưa (ông nội của Khang Hy) nên Ngao Bái được tha chết, chỉ bị tù chung thân.

Trong ngục, phần vì phẫn uất, phần vì đau ốm, chẳng bao lâu, Ngao Bái cũng chết. Hoàng đế Khang Hy chính thức nắm quyền điều hành triều chính năm 16 tuổi, đường đường chính chính kế thừa giang sơn vạn lý Đại Thanh. Ông chính là Hoàng đế mở đầu cho một thời kỳ thịnh trị của Trung Hoa dưới thời 3 vị vua: Khang Hy – Ung Chính – Càn Long. Lịch sử gọi đó là thời: “Khang Càn thịnh thế”.

Minh Vũ – Văn Nhược