Ngũ Đài Sơn là một trong bốn ngọn núi nổi tiếng ở Trung Quốc, cũng là đạo trường của Đại Trí Văn Thù Bồ Tát, hay còn gọi là Diệu Cát Tường Bồ Tát. Vì để dẫn dắt chúng sinh, Ngài đã đạt được rất nhiều trí huệ, nhiều cát tường. Văn Thù Bồ Tát phân thân khắp trần gian hóa độ chúng sinh, và đa phần Ngài đi thuyết pháp tại Ngũ Đài Sơn. Những câu chuyện về Văn Thù Bồ Tát đại đa số đều có liên quan tới Ngũ Đài Sơn.

Bồ Tát hóa thân thành người phụ nữ nghèo

Trong động lưu giữ kinh của thành Đôn Hoàng, ngoài hàng loạt tác phẩm điêu khắc về các triều đại như Tống, Tào, Nguyên… còn có một tác phẩm điêu khắc “hình tượng mới của Văn Thù Bồ Tát”. Trong bức điêu khắc, ngoài hình tượng Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử còn có hiện thân của hai nhân vật theo hầu Bồ Tát là Thiện Tài đồng tử và Vu Điền quốc vương.

Chùa Linh Tựu là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Ngũ Đài Sơn, một công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Đông Hán. Đến thời Ngụy Tần chùa được tu sửa mở rộng, quy mô rất lớn, kiến trúc vô cùng nguy nga tráng lệ. Đây là một trong những ngôi chùa rộng bậc nhất ở xung quanh khu vực Ngũ Đài Sơn và trên toàn Trung Quốc, hương khói hưng thịnh từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Không biết bắt đầu từ khi nào, cứ tới tháng Giêng hàng năm, nơi đây đều tổ chức Trai hội (bữa tiệc bố thí chay tịnh) với quy mô lớn. Mọi người tới đây không cần phân biệt là già hay trẻ, giàu có hay bần hàn đều có thể tham gia và đều được dùng cơm chay miễn phí tại chùa. Bình đẳng bố thí thức ăn cho tất cả mọi người cũng là thể hiện sự từ bi của Phật Pháp với tất cả chúng sanh, không có ranh giới cũng không phân biệt giàu nghèo hay sang hèn. Bởi vậy cứ đến ngày này, chùa Linh Tựu lại vô cùng náo nhiệt, trở thành một lễ hội lớn ở trong vùng.

Tượng Văn Thù Bồ Tát trong chùa Vạn Phật ở Hồng Kông (Ảnh: Wikipedia)

Vào thời Nam Bắc Triều hậu Ngụy, chùa Linh Tựu tại Ngũ Đài Sơn lại y lệ tổ chức trai hội. Có một người phụ nữ nghèo nọ từ cổng phía nam đi vào chùa, trên tay bồng một đứa bé, lại dắt theo một bé trai lớn hơn một chút và một con chó nhỏ chạy theo đằng sau. Ba mẹ con người phụ nữ nhìn rất cực khổ, họ đều mặc quần áo vá, rách rưới bần hàn. Vì không có gì để cúng dường tam bảo, người phụ nữ bèn cắt một nhúm tóc của mình và đưa cho vị sư trụ trì để bày tỏ tấm lòng thành kính.

Chưa tới giờ phát cơm chay, nhưng người phụ nữ đã xin sư trụ trì cho phép được dùng cơm chay trước, bởi họ có việc gấp phải rời đi. Mặc dù chưa tới giờ, nhưng vì người cúng dường yêu cầu thì không được phép từ chối, nên sư trụ trì miễn cưỡng đồng ý. Ông liền gọi người chuẩn bị cơm chay cho ba mẹ con người phụ nữ nọ.

Pháp sư trụ trì đích thân mang ba phần cơm chay đến, hy vọng họ sẽ được no bụng trước khi lên đường. Người phụ nữ nhìn vị sư trụ trì và nói: “Tôi còn có một con chó, nó cũng muốn được ăn gì đó. Xin hãy cho nó một chút đồ chay”. Mặc dù có đôi chút không hài lòng, nhưng sư trụ trì vẫn miễn cưỡng mang ra thêm một phần đồ ăn chay. Chẳng ngờ người phụ nữ kia lại tiếp tục gây khó dễ: “Trong bụng tôi đang mang bầu, đứa bé này cũng muốn được hưởng một chút lộc chay kia”.

Đến lúc này, pháp sư trụ trì không nhẫn chịu nổi nữa, tức giận hét to và đuổi cả ba mẹ con ra khỏi chùa: “Cô tới nơi này cầu người xuất gia bố thí thức ăn, sao lại có lòng tham vô độ như vậy? Đứa bé trong bụng cô chưa sinh ra mà, chẳng lẽ nói nó cũng có thể ăn được sao? Vậy mà cô lại hết lần này tới lần khác yêu cầu bố thí bố thí, chẳng phải là quá đáng quá thể sao?”.

Nói rồi ông nhanh chóng yêu cầu người phụ nữ nghèo nọ rời đi.

Bồ Tát hiện thân lưu lại lời nhắn tới thế gian 

Hình tượng Văn Thù Bồ Tát. Ảnh qua: chuaadida.com

Người phụ nữ nghèo bỗng bay lên khỏi mặt đất và hiện thân thành Văn Thù Bồ Tát. Con chó của bà biến thành sư tử, còn hai cậu bé đi cùng bà liền biến thành Thiện Tài đồng tử và Vu Điền quốc vương. Lúc này trên bầu trời xuất hiện thập quang ngũ sắc, hương hoa thiên nữ cúng dường. 

Văn Thù Bồ Tát trong không trung đọc một đoạn kinh Phật: “Khổ qua liên căn khổ, điềm qua triệt đế điềm, thị ngô khởi tam giới, khước bị a sư hiềm”, tạm dịch: Mướp đắng rễ cũng đắng, dưa ngọt cuống cũng ngọt, ta đến nơi cõi người lại bị người ghét bỏ.

Nói xong Bồ Tát liền biến mất làm tất cả tăng nhân và chúng sinh có mặt tại đó đều sợ hãi kinh ngạc. Pháp sư trụ trì trong lòng vô cùng hối hận, tự trách bản thân có mắt mà không thấy Thái Sơn. Để tưởng nhớ Văn Thù Bồ Tát, ông lấy phần tóc mà người phụ nữ nghèo mang tới cúng dường xây lên một tòa bảo tháp để thờ phụng. 

Câu chuyện này muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Phật pháp bình đẳng với tất cả chúng sinh, đối với tất cả đều có tâm bình đẳng như nhau, đừng nên ganh ghét người nghèo khó mà coi trọng người giàu. 

Video: Tâm thuần tịnh thì từ trường tốt, vận mệnh cũng tốt

videoinfo__video3.dkn.tv||579c092a8__