Thời xưa, các thế hệ trong gia đình đều là sống cùng với nhau trong một nhà. Nhiều người như vậy có thể sinh sống cùng nhau thực sự không phải là chuyện đơn giản, lại càng không phải là một việc dễ dàng. Vì sao người ta có thể sống hòa thuận với nhau như vậy? Đó chính là vì ai ai cũng hiểu và tuân thủ “hiếu đễ”.

“Hiếu đễ” là cội nguồn của “nhân nghĩa”. “Hiếu” là báo đáp tình yêu thương, lòng tôn kính đối với cha mẹ. “Đễ” là chỉ tình yêu thương, tình cảm thân thiết giữa anh chị em, cũng bao hàm cả tình cảm giữa bạn bè. Anh em trai, chị em dâu phải hòa thuận. Anh cả yêu thương em trai, em gái giống như bảo vệ chính đứa con của mình. Em trai, em gái kính trọng anh cả phải gần như với cha mẹ. Cũng chính vì vậy mà người xưa giảng: “Có cha thì theo cha, không có cha thì theo anh trai.”

Ngạn ngữ cổ cũng có câu: “Anh cả như người cha, chị dâu cả thì như người mẹ.” Bao Chửng vào thời nhà Tống từ nhỏ chính là do anh trai và chị dâu nuôi dưỡng. Hơn nữa, khi còn bé, Bao Chửng cũng là bú sữa chị dâu mà lớn lên. Cho nên, về sau này, Bao Chửng luôn đối đãi và báo đáp chị dâu mình giống như mẹ vậy.

Khổng Tử vô cùng coi trọng “hiếu đễ”. Ông cho rằng, “hiếu đễ” là cái gốc của làm người và học tập tri thức.

2016/02/06/20160206153226418.jpg

Xưa có một câu chuyện như thế này:

Sau triều đại nhà Thanh, những năm đầu thời kỳ Trung Hoa dân quốc, ở vùng Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh có một người đàn ông họ Chu vô cùng hiếu thảo. Chu sớm mồ côi cha, sau này lớn lên, Chu càng hiếu thảo hơn với người mẹ của mình.

Trong phạm vi một trăm dặm, mọi người ai ai cũng đều gọi Chu là Chu đại hiếu tử (ý nói là người con rất mực hiếu thảo). Cũng bởi vậy mà anh ta vô cùng đắc ý.

Một lần, Chu cùng một người khác nói chuyện với nhau về làm người. Anh ta cho rằng: “Làm người mà không hiếu thuận thì chính là uổng phí khi khoác lên thân một bộ da người, là một trong những nổi sỉ nhục của con người!”

Câu nói này của Chu được một người ở trong gia đình họ Chu là Vương Nhị nghe thấy (Vương gọi Chu hiếu tử là dượng). Vương Nhị nói: “Dượng! Ngài cũng đừng nói lớn thể. Theo tôi thấy thì hiếu thuận của ngài cũng chỉ đạt đến bảy, tám phần mà chưa được đến mười phần đâu.”

Chu hiếu tử nghe xong, trong lòng không vui, nói: “Này cậu bé! Còn không có ai dám trước mặt ta mà nói như vậy đâu! Ngươi hôm nay mà không nói được thỏa đáng thì ta sẽ không tha cho tiểu tử nhà ngươi đâu đấy!”

Vương Hai từ tốn nói: “Nói về hiếu đạo thì con thật không tìm ra tật xấu của dượng, nhưng chính là “đễ” của dượng còn có chỗ thiếu sót. “Đễ đạo” mà làm không tốt thì sẽ làm tổn hại đến “Hiếu đạo”. Ví như, anh rể và cháu trai của dượng vì làm thổ phỉ mà bị quan bắt vào tù, để lại người chị đã cao tuổi của dượng ở nhà một mình sinh sống. Nhưng lại bị hàng xóm coi thường, bất đắc dĩ đành phải đến nương tựa nhà dượng, làm một người ở, hàng ngày nhóm lửa thổi cơm. Ở thì ở phòng ma, ăn thì ăn cơm thừa của người ở, làm thì làm những công việc của đầy tớ. Cháu đã tận mắt nhìn thấy hai lần chị gái và mẹ của dượng ôm nhau ở trong phòng khóc nức nở. Vì không làm tốt “đễ đạo” nên dượng đã làm tổn thương đến tâm can của mẹ. Đây chính là lý do mà con nói “hiếu đạo” của dượng không được mười phần.”

Chu hiếu tử nghe xong những lời này, nước mắt trào ra, rồi ông cung kính hành lễ với Vương Hai và nói: “Cám ơn người! Nhà ta có thể mướn được một người ở như ngươi cũng coi như là tổ tiên ta đã tích được đại đức.”

Về sau này, Chu hiếu tử đã đưa chị gái lên ở cùng phòng với mẹ mình. Hàng ngày không phải làm những việc của tôi tớ trong nhà mà cùng ăn cùng ở với mẹ. Chu hiếu tử tận lòng hiếu đễ với mẹ đẻ và chị gái của mình, được người người ca ngợi.

Theo Secretchina

Mai Trà biên dịch

Xem thêm: