Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu sáng tỏ những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Hạng Vũ thuyết phục Hàn Tín thất bại, bản thân lại bị công đánh từ bốn phía, vô cùng lo lắng. Lưu Bang cũng bởi nhiều lần giao tranh không thắng mà tâm lực quá mệt mỏi, bèn đề xuất “chia đôi thiên hạ” và giảng hòa cùng Hạng Vũ, thỏa thuận lấy sông Hồng Câu làm ranh giới, phía đông bên sông là quy về bên Sở, phía tây bên sông là quy về bên Hán, ngưng binh bãi chiến.

Xem thêm:  Kỳ 1,   Kỳ 2,   Kỳ 3,   Kỳ 4,   Kỳ 5,   Kỳ 6

1. Công chiếm Bành Thành

Hạng Vũ đưa cha và vợ của Lưu Bang về Hán Cung. Tháng 9 năm 202 TCN, Hạng Vũ dẫn binh lui về phía đông. Lưu Bang cũng dự tính thu binh về Quan Trung (nay là Thiểm Tây, Trung Quốc). Nhưng Trương Lương và Trần Bình lại có cách nhìn khác. Họ nói, nhà Hán đã có hơn một nửa thiên hạ, lại được sự ủng hộ giúp sức của các chư hầu, hiện giờ binh Sở lương hết quân mệt, là thời cơ trời cho để tiêu diệt nước Sở.

Lưu Bang nghe theo kiến nghị này, nhân lúc Hạng Vũ rút lui về phía đông bất ngờ phát động tiến công, đồng thời hẹn Hàn Tín, Bành Việt xuống phía nam hợp sức bao vây quân Sở. Lưu Bang nôn nóng tiến bừa, khi mà Hàn Tín, Bành Việt còn chưa đến nơi đã đuổi đánh Hạng Vũ đến Cố Lăng, Hà Nam. Lúc đó Anh Bố và Lưu Giả bị quân Sở giam chân ở Thọ Xuân, quân đội Lưu Bang một mình giáp mặt với Hạng Vũ.

Hạng Vũ từ sớm đã muốn quyết một trận phân cao thấp với Lưu Bang, cộng với căm phẫn quân Hán làm trái giao ước, bèn xung phong đi đầu, quân Sở xông đến quân Hán như thế dời non lấp bể. Lưu Bang thua to, đành phải tự mình cố thủ. Lúc này, ông ta lại nghĩ đến Hàn Tín, bèn hỏi kế Trương Lương hòng mời Hàn Tín xuất binh giải vây.

Trương Lương hiểu rằng Lưu Bang có thể đối kháng được với Hạng Vũ đến giờ phút này đều là nhờ công lao của Hàn Tín và sự trợ giúp của Bành Việt, Anh Bố ở bên ngoài làm suy yếu quân Sở. Hiện giờ nước Sở sắp diệt vong, vậy mà mấy vị công thần này lại chưa nhận được một tấc đất phong nào, nhất là Hàn Tín.

Số đất đai, binh tướng, vật tư mà Hàn Tín biết bao lần chinh chiến có được toàn bộ đều bị Lưu Bang cưỡng ép lấy đi, chỉ còn lại một danh hiệu Tướng quốc hữu danh vô thực, về tình về lý đều không thấu đạt. Do vậy, Trương Lương kiến nghị đem đất đai của Hạng Vũ chia cho mấy vị công thần này, rồi mới cầu xin họ giải vây Cố Lăng. Lưu Bang chẳng còn cách nào khác, đành phải gắng nén nỗi đau mà đồng ý.

Trước khi nhận được mệnh lệnh của Lưu Bang, Hàn Tín đã bắt đầu ra tay vây đánh Hạng Vũ. Ông cử ngay Quán Anh công đánh Hạng Vũ từ phía sau. Quán Anh tung hành ngang dọc như thế gió cuốn mây tàn, đã chiếm lĩnh được rất nhiều đất đai, Bắc đến đất Tề, nam đến Quảng Lăng (Dương Châu, Giang Tô ngày nay). Khi nhận được thư Lưu Bang cầu cứu, Hàn Tín đích thân mặc giáp ra trận, dẫn theo 10 vạn đại quân tiến về phía Nam. Cục diện theo đó mà biến đổi mau chóng.

Lúc đó, đội quân của nước Sở chủ yếu tập trung ở Cố Lăng và Thọ Xuân, còn kinh đô Bành Thành thì phòng bị yếu kém. Hàn Tín quan sát toàn cục, quyết định bỏ qua Cố Lăng mà trực tiếp đánh chiếm Bành Thành. Ông hội quân với Quán Anh, ở Hạ Phì đã đánh bại Hạng Thanh, chém chết Tiết Công. Trong lúc sĩ khí đang hăng, liền đánh chiếm được các huyện Tiết, Lưu, Bái, một lần hành động đã công chiếm được Bành Thành, bắt sống Trụ quốc (tể tướng) của Hạng Vũ là Hạng Đà.

Bành Thành vừa mất, quân Sở chẳng khác chi tàn binh không còn chỗ để quay về. Hạng Vũ vô cùng hoang mang, lập tức rời bỏ Cố Lăng, dẫn binh rút xuống Cai hạ. Hàn Tín lại chuyển hướng về phía Tây, gặp mặt Lưu Bang ở Di Hương (tức Lộc Ấp, Hà Nam). Anh Bố cùng Bành Việt cũng lần lượt đến nơi.

Các lộ đại quân của Lưu Bang tụ hội đông đủ, thế lực càng thêm lớn mạnh, bèn lần theo tung tích, truy kích quân Sở đến Cai Hạ. Trong chốc lát, từ Quan Trung đến Trung Nguyên, từ Trung Nguyên đến Tề, Lỗ, người ngựa dồn dập liên tục mấy nghìn dặm, khí thế thật chấn động trời đất. Trận chiến cuối cùng giữa Hán Sở đã sắp hạ màn.

Mô hình tái diễn trận đánh Bành Thành. Ảnh dẫn theo lishiquwen.com

2. Trận chiến Cai Hạ, khúc Sở bốn bề

Hạng Vũ đến Cai Hạ (phía Nam huyện Linh Bích, An Huy ngày nay), nhìn thấy quân Hán khí thế ngất trời, dồn dập kéo đến, ngẩng đầu lên trời mà thở dài, hối hận lúc đầu không nên thả Lưu Bang, còn mắc lừa nghị hòa ở Hồng Câu. Giờ đây Lưu Bang bội ước phát binh, khiến Hạng Vũ rơi vào vòng vây quân Hán, thực đã đến bước không còn đường thoát.

Nhưng Hạng Vũ anh dũng một đời, loại quyết chiến lấy ít địch nhiều này từ lâu đã không còn lạ lẫm gì. Năm xưa trong trận chiến ở Cự Lộc, ông đã từng đại phá hơn 40 vạn quân Tần chỉ với 3 vạn binh mã. Trong trận chiến Bành Thành, ông lại lấy 3 vạn binh mã đánh bại 56 vạn quân Hán. Một đời này của ông vốn chưa từng thất bại trên chiến trường. Lần này, bên cạnh ông có 10 vạn đại quân, vẫn còn có thể tạo nên kỳ tích. Hạng Vũ tập trung binh lực lại một chỗ, định trước tiên làm tê liệt quân đội chủ lực của Lưu Bang, sau đó thừa cơ đột phá vòng vây.

Nhưng Hạng Vũ đã quên lần này đối thủ của ông không còn là những Chương Hàm, Lưu Bang, mà là Hàn Tín thiên hạ vô song. Tất cả mọi người, gồm cả Lưu Bang, đều cho rằng chỉ có Hàn Tín mới là đối thủ thật sự của Hạng Vũ. Lưu Bang cho Hàn Tín thống soái Hán quân, chỉ huy 70 vạn đại quân.

Hàn Tín vốn rất hiểu rõ Hạng Vũ, đã sớm đoán trước được động thái của Hạng. Nhận thấy quân Sở chiến đấu mạnh mẽ, giỏi đột phá vòng vây trực diện, còn số lượng quân Hán lại chiếm đa số, ông đã bày ra “Ngũ quân trận” vô cùng cẩn mật. Hàn Tín tự mình thống lĩnh 30 vạn đại quân ở trước trận, tướng quân Khổng Hy ở bên trái, Phí tướng quân Trần Hạ ở bên phải, Lưu Bang thống lĩnh đại quân ở giữa, Chu Bột, Trần Hạ, Sài Vũ đi sau cùng.

“Ngũ quân trận” bố trí xong, Hàn Tín cảm thấy thời cơ quyết chiến đã đến, bèn lệnh cho binh sĩ hướng đến doanh trại quân Sở hô lớn:

Nhân tâm giai bối Sở, thiên hạ dĩ thuộc Lưu
Hàn Tín đốn Cai Hạ, yếu trảm Bá Vương đầu

Nghĩa là:

Lòng người đều đã rời bỏ Sở, thiên hạ đã thuộc về họ Lưu
Hàn Tín đóng quân ở Cai Hạ, sẽ trảm đầu Bá Vương

Hạng Vũ nghe xong, giận đến sôi người, lập tức mặc áo giáp ra trận, dẫn theo quân Sở ra khỏi hàng ngũ đón đánh. Chỉ thấy Hạng Vũ ngồi trên lưng ngựa, thân hình cao lớn như thần tướng. Tuấn mã hào kiệt, hổ gầm rồng rú, vẫn là có bá khí ngất trời, không ai bì nổi. Đối diện với quân Sở khí thế sục sôi, binh mã Hàn Tín rất mau rơi vào yếu thế.

Hàn Tín lệnh cho trung quân lùi lại phía sau, tránh nhuệ khí quân Sở. Hàn Tín lui về phía sau, Hạng Vũ liền xông lên trước đuổi đánh. Lúc này, quân mai phục bố trí sẵn ở hai bên bất ngờ đánh ra, tấn công mạnh vào hai bên sườn của quân Sở. Trong lúc quân Sở đang khó khăn ứng phó với quân Hán ở hai bên, Hàn Tín lại dẫn binh đánh ngược trở lại, ba mặt giáp công quân Sở. Hai bên hỗn chiến kịch liệt cả một ngày trời, quân Sở cuối cùng đại bại, tổn thất lượng lớn nhân mã.

Mưu lược của Hàn Tín trong trận này đều vô cùng hoàn mỹ. Ông không đơn thuần dựa vào dũng mãnh cá nhân như Hạng Vũ, mà biết phát huy sức mạnh của toàn bộ quân đội ở mức tối đa, đồng thời cũng rất giỏi về tâm lý chiến. Hạng Vũ bại trận, dẫn theo tàn quân rút về doanh trại đóng cửa không ra. Hàn Tín cũng không phát động công thành, chỉ cho quân bao vây bốn mặt

Mười vạn quân Sở sau trận hỗn chiến đã thương vong hơn phân nửa. Bên trong không có lương thảo, bên ngoài không có viện binh, lại đúng ngay lúc rét đậm, gió lạnh thấu xương. Quân Sở đói rét khôn thấu, nhiều tiếng trách móc vang lên. Trong đêm, từng cơn từng cơn gió bắc lạnh buốt thổi đến, tiếng gió như khóc như than. Từ trong tiếng gió mang máng nghe thấy khúc hát nước Sở trầm bổng đau thương, lúc bắt đầu chỉ thấy loáng thoáng vọng lại từ xa, dần dần mỗi lúc một gần, mỗi lúc càng rõ ràng hơn. Chính là Hàn Tín lệnh cho quân Hán dùng tiếng hát khơi dậy nỗi nhớ quê nhà của quân Sở.

Binh sĩ của Hạng Vũ nghe thấy tiếng hát quê nhà, lòng không cầm được, nước mắt giàn giụa. Có người không kìm nén được, nhẹ nhàng hát theo. Một người, hai người rồi ba người, số người hát theo mỗi lúc một nhiều lên, tiếng hát càng lúc càng lớn, vang dội khắp cả doanh trại quân Sở. Đây chính là điển cố “Bốn bế khúc hát Sở quân”.

Nhạc khúc nước Sở bên ngoài, Hạng Vũ cũng đã nghe thấy. Tiếng hát thê lương trầm thấp khiến cho người anh hùng rong ruổi một đời trên lưng ngựa này cũng nước mắt lã chã. Ông hỏi ái thiếp Ngu Cơ bên cạnh rằng: “Lẽ nào quân Hán đã chiếm hết đất Sở rồi ư? Trong quân Hán sao lại có nhiều người nước Sở đến vậy?“.

Bên ngoài lều trại của Hạng Vũ, binh sĩ của ông từng người, từng người gạt nước mắt, vứt bỏ vũ khí trong tay, lén trốn khỏi doanh trại. Các tướng lĩnh đã đi theo Hạng Vũ chinh chiến nhiều năm cũng bỏ đi không lời từ biệt, ngay đến cả thúc phụ của Hạng Vũ cũng lặng lẽ bỏ đi. Trong một đêm, bên cạnh Hạng Vũ cũng chỉ còn lại hơn nghìn người. Hạng Vũ ngồi trong lều vải uống rượu giải sầu, đau đớn hát khúc bi ca khảng khái của người anh hùng mạt lộ, đời sau gọi là bài “Cai Hạ ca”:

Lực bạt sơn hề, khí cái thế
Thời bất lợi hề, Truy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà
Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà

Tạm dịch:

Sức dời núi, khí trùm trời
Ô Truy chùn bước bởi thời không may
Ngựa sao chùn bước thế này?
Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?

Tả hữu nghe xong đều cúi đầu bật khóc không ngẩng lên được. Ngu Cơ cầm lấy một thanh bảo kiếm từ trong tay thị vệ, múa kiếm hát hòa theo, lời ca rằng:

Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thanh
Trượng phu ý khí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh

Tạm dịch:

Quân Hán lấy hết đất
Khúc Sở vang bốn bề
Trượng phu chí lớn cạn
Tiện thiếp sống làm chi

Hát xong, liền rút kiếm tự vẫn, ngã xuống dưới chân của Hạng Vũ.

Theo Sử ký, khi Ngu Cơ chết, Hạng Vương khóc chảy nước mắt, tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn. Tương truyền nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là “Ngu mỹ nhân thảo”, tức là cỏ Ngu Cơ.

Ngu Cơ tự sát- Hạng Vũ vô cùng đau buồn. Ảnh dẫn theo Baomoi.com

Một đêm này, trăng vắng sao thưa, gió lạnh gào thét. Trong tiếng hát nước Sở bốn bề, Hạng Vũ lòng dạ đau đớn mai táng Ngu Cơ. Tây Sở Bá Vương khét tiếng một thời không ai bì nổi lúc này tàn tạ khắp người thương tích. Nhìn doanh trại trống rỗng, lòng ông hiểu rõ thế lớn đã qua đi, không còn đủ sức để xoay chuyển thời thế nữa, bèn nhảy lên ngựa Ô Truy, suốt đêm đột phá vòng vây chạy về phía nam.

Lúc này, sau lưng ông chỉ còn có 800 kỵ binh. Đến lúc trời sáng, quân Hán phát hiện Hạng Vũ trốn thoát, Hàn Tín lập tức cử Quán Anh dẫn theo 5000 kỵ binh đuổi theo. Lưu Bang đưa ra giải thưởng, không kể là ai chỉ cần kẻ đó lấy được đầu của Hạng Vũ sẽ được ban đất phong hầu.

Hạng Vũ chạy mãi về hướng Đông Nam, dọc đường không ngừng hao binh tổn tướng. Sau khi vượt qua sông Hoài, quân kỵ bên cạnh chỉ còn hơn trăm người. Hạng Vũ đi đến Âm Lăng thì lạc đường, hỏi một cụ già làm ruộng. Cụ già nói dối, bảo ông đi qua bên trái. Hạng Vương rẽ qua bên trái, sa vào trong đồng lầy, nên quân Hán rất mau đã đuổi kịp họ. Sau một phen giao tranh, Hạng Vũ lại đột phá được vòng vây, bấy giờ chỉ còn 28 kỵ binh. Quân Hán đuổi theo sau có đến mấy nghìn người ngựa.

Hạng Vũ tự liệu chẳng thoát được, bảo với 28 kỵ binh không màng đến cái chết vẫn một lòng theo mình rằng: “Ta từ lúc dấy binh chống lại nhà Tần đến nay đã tám năm trời, thân trải qua hơn bảy mươi trận chiến, ai chống cự thì bị đánh bại, đánh đâu thì họ phải chịu phục, chưa từng thua chạy bao giờ. Rốt cuộc xưng bá thiên hạ. Thế mà nay phải chịu khốn khổ ở đây, đó là trời muốn diệt ta, chứ không phải tội ta đánh không giỏi. Ngày nay thế nào cũng chết, ta nguyện vì các ngươi quyết chiến, nhất định phải thắng ba lần, vì các ngươi, phá vòng vây, chém tướng, chặt cờ, để chứng minh lời của ta không phải nói khoác”.

Binh mã của quân Hán chẳng mấy chốc đã đuổi đến kịp, vây chặt lấy Hạng Vũ và 28 vị tráng sĩ dưới trướng của ông. Hạng Vũ điềm tĩnh như thường, chỉ huy người ngựa đánh ra từ bốn phía, hẹn họp nhau dưới sườn núi đối diện. Hạng Vũ dẫn đầu xông vào quân Hán, chém chết một viên tướng Hán trước mặt. Quân Hán bao vây Hạng Vũ vào giữa.

Hạng Vũ trong vòng vây tả xung hữu đột, phóng ngựa tung hoành, chỉ một lúc đã giết thêm một viên tướng Hán cùng mấy chục binh mã. Lúc này tướng sĩ của ông bị quân Hán cắt thành ba đội, lần lượt bị vây kín tầng tầng lớp lớp. Nhưng Hạng Vũ vào ra như chốn không người, chém chết mấy tướng lĩnh và vô số quân Hán, cuối cùng khi các tướng sĩ hội lại đếm thấy chỉ mất hai kỵ binh mà thôi.

Quân Hán bị sự dũng mãnh của Hạng Vũ làm dọa cho kinh hồn bạt vía, đều không dám lại gần, trơ mắt nhìn Hạng Vũ cùng tướng sĩ của ông đột phá vòng vây mà đi. Hạng Vương một đường chạy về phía Nam, chạy mãi cho đến bờ sông Ô Giang thì cùng đường. Có người đình trưởng Ô Giang chèo một con thuyền nhỏ đến đón, xin Hạng Vương lên thuyền vượt sông, về Giang Đông đợi thời cơ làm lại từ đầu.

Hạng Vũ nhìn nước sông cuồn cuộn, nói với đình trưởng rằng: “Trời hại ta, ta vượt qua sông làm gì! Năm xưa, ta cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang tây chinh thiên hạ, nay không còn lấy một người trở về! Dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta cũng chẳng còn mặt mũi nào mà thấy họ nữa. Dù họ không nói, Vũ này há chẳng thẹn trong lòng sao?

Hạng Vũ từ chối ý tốt của đình trưởng, nhất quyết không chịu lên thuyền. Ông đưa con ngựa Ô Truy của mình cho vị đình trưởng, nói: “Ta biết ông là bậc trưởng giả, ta cưỡi con ngựa này, năm năm nay đi đến đâu cũng vô địch, thường một ngày đi ngàn dặm, ta không nỡ giết, xin biếu ông”.

Quân Hán đến, Hạng Vương sai kỵ binh đều xuống ngựa đi bộ, cầm khí giới ngắn để tiếp chiến. Hai bên đánh nhau trực diện, một mình Hạng Vũ giết mấy trăm quân, thân bị hơn 10 vết thương. Bỗng nhiên, Hạng Vũ nhìn thấy một hình bóng quen thuộc trong quân Hán, ông ngừng tay, nói: “Nhà ngươi không phải là Lữ Mã Đồng, người bạn cũ của ta đó sao?“.

Lữ Mã Đồng xấu hổ cúi gầm mặt xuống, Hạng Vũ nói tiếp: “Nghe nói Hán Vương lấy nghìn vàng và chức Vạn hộ hầu để mua cái đầu của ta, thế thì ta sẽ tặng cái đầu này cho ông làm lễ vật vậy!“. Nói xong liền lấy gươm đâm vào cổ tự vẫn. Anh hùng một đời chí lớn tranh đoạt thiên hạ đã kết thúc cuộc đời oanh liệt của mình như vậy đó, cũng đã kết thúc cục diện hỗn chiến Hán Sở tranh hùng.

Hạng Vũ bên bờ sông Ô Giang: Ảnh dẫn theo pinteresrt.com

Trong lịch sử Trung Hoa, hai vị Thần tướng cùng sinh trong một thời kỳ là điều cực kỳ hiếm thấy. Vậy mà cuối thời nhà Tần lại xuất hiện trường hợp đặc biệt này: Một người là Sở Bá vương nghìn thu độc nhất vô nhị, một người là “binh Tiên” Hàn Tín dụng binh như Thần. Trên chiến trường chủ soái hai bên vừa ra trận, chưa đợi giao phong, thắng thua chính là đã phân định rõ ngay từ lúc đôi bên mới chỉ đưa mắt nhìn nhau.

Chiến thắng trước Sở Bá Vương đã chứng minh năng lực trí huệ, tài năng xuất chúng và địa vị lịch sử của Hàn Tín, khiến ông trở thành “binh Tiên” được các nhà cầm binh đời sau hết lời ca ngợi. Còn Hạng Vũ, tuy rằng cuối cùng bại trận dưới tay Hàn Tín, nhưng uy danh Bá Vương anh hùng của ông vẫn đời đời soi tỏ.

Hạng Vũ 24 tuổi khởi binh, ba năm sau xưng bá, đến năm 31 tuổi tự vẫn. Trận chiến Cai Hạ là lần bại trận duy nhất trong đời ông. Hạng Vũ bá khí ngất trời, anh dũng thần võ, chỉ Hàn Tín là người duy nhất có thể chiến thắng được ông. Nếu như không có Hàn Tín, Lưu Bang ngay đến cả Hán Trung cũng không ra được, dù cho có ra được Hán Trung thì cũng khó tránh khỏi kết cục bị Hạng Vũ đánh bại.

Chẳng trách Lưu Bang nói: “Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy được thì ta không bằng Hoài Âm Hầu” (Sử Ký – Cao Tổ bản kỷ). “Tự Trị Thông Giám” cũng bình luận rằng: “Lưu Bang sở dĩ có được thiên hạ, nói chung đều là nhờ công lao của Hàn Tín cả” (Hán Kỷ tứ).

Hàn Tín, ở bất kỳ tình huống nào cũng đều có diệu kế dùng binh, không phải huyết chiến với địch mà vẫn thu về thắng lợi oanh liệt nhất, từ dùng thùng gỗ công phá nước Ngụy, dựng cờ đỏ nhà Hán lấy nước Triệu đến lấy bao cát lấp sông đánh bại nước Tề. Đó đều là những mưu kế chưa từng có tiền lệ, giảm thiểu đến mức thấp nhất con số thương vong của cả hai bên. Đánh bại Hạng Vũ cũng là dùng “bốn bề khúc hát Sở”, không tốn một tấc sắt mà làm mấy vạn quân Sở cố thủ trong thành tan rã ý chí cả. Quả có thể nói là Thần nhân dụng binh, không đánh mà thắng vậy.

Tới đây, Hàn Tín đã phò tá Lưu Bang đánh bại hoàn toàn đối thủ lớn nhất là Hạng Vũ, thiên hạ đã quy về nhà Hán. Muốn biết diễn biến tiếp theo ra sao, mời quý độc giả theo dõi ở kỳ tới. 

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Thiện Sinh biên dịch

Xem thêm: