Sinop, Thổ Nhĩ Kỳ, là quê hương của nhà triết học Diogenes, người đã thách thức nhân loại với triết lý: Sống để tận hưởng những gì mình có và không quan tâm đến những gì mình không có. Đây cũng là thành phố được xếp hạng hạnh phúc nhất của quốc gia ở phía Đông Địa Trung Hải này.

Sau chặng đường dài 730km từ Istanbul, tôi đặt chân lên bờ biển phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ, nơi những khu rừng trải dài gặp gỡ Biển Đen. Cảm nhận đầu tiên của tôi về bầu không khí ở Sinop là vô vùng trong lành và thoáng đãng với mùi hương linh sam thoang thoảng. Và trong buổi sáng tháng 7 chan hòa ánh nắng, tôi đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi tại sao cư dân tỉnh Sinop lại là những người hạnh phúc nhất đất nước Hồi giáo nằm trên cả hai châu lục này.

“Tất cả mọi người ở đây đều biết nhau và họ đều rất hòa ái. Không ai can thiệp vào chuyện của người khác”, người lái xe taxi của tôi, Bekir Balcı, giải thích khi chiếc xe của chúng tôi đi từ bến xe buýt về phía thành phố Sinop, thủ phủ của tỉnh.

Sinop, nằm trên bờ biển phía Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ, đã được xếp hạng là tỉnh hạnh phúc nhất trong cả nước. (Ảnh: Bookturkeytour)

Băng qua những ngọn đồi thoai thoải và những cánh đồng thấp thoáng vài chú bò nhãn nhã; Ngắm nhìn những tán lá xanh rì lướt qua cửa xe, và những bãi biển hẹp nằm dài song song với đường cái; Tôi ngả lưng vào ghế, thả mình vào vẻ đẹp tuyệt vời của phong cảnh nơi đây.

Chiếc xe đột ngột xóc lên khi băng qua ổ gà trên đường. “Chỉ có một thứ không ổn, con đường không được êm lắm,” Balcı nói thêm với một cái nhún vai.

Theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, tỉnh Sinop nằm trong những tỉnh xếp hạng thiếu thốn so với các tỉnh khác của đất nước về y tế và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Sinop đã đứng đầu về chỉ số hạnh phúc trong cuộc khảo sát sự hài lòng với cuộc sống của Viện trong nhiều năm liên tiếp. Vậy, điều gì đã làm nên nghịch lý kỳ diệu đó?

Sinop nổi tiếng vì là quê hương của triết học gia Hy Lạp cổ đại Diogenes, người sáng lập ra trường phái triết học hoài nghi. (Ảnh: Pinterest)

Sinop nổi tiếng là quê hương của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Diogenes, ông sống một cuộc sống cơ hàn của người ăn xin trên các đường phố và ngủ trong một cái trum tắm của khu chợ vào những năm 300 năm trước Công nguyên. Phong cách sống của ông định hình nên danh từ “Cynic” để miêu tả những người theo chủ nghĩa hoài nghi, yếm thế, được bắt nguồn từ một từ trong tiếng Hy Lạp cổ đại, có nghĩa là “con chó”.

Ông là một trong những người sáng lập nên trường phái triết học hoài nghi – theo đó tin rằng:

Các công ước xã hội cản trở tự do cá nhân và cản trở con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp, trong khi sống thuận theo tự nhiên là cách nhanh nhất để đạt được hạnh phúc.

Chủ nghĩa hoài nghi là trường phái triết học xem xét một cách hệ thống và luôn hoài nghi, phê phán tính chính xác tuyệt đối của tri thức, nghĩa là luôn đặt ra câu hỏi liệu các tri thức và nhận thức có đúng hay không và liệu người ta có thể có tri thức thực sự hay không. Chủ nghĩa hoài nghi triết học đối lập với chủ nghĩa giáo điều triết học – trường phái cho rằng luôn tồn tại một số nhất định những khẳng định là hoàn toàn xác thực.

Giáo sư Stephen Voss ở Khoa Triết học, Đại học Boğaziçi giải thích:Diogenes đã tìm thấy hạnh phúc trong một cuộc sống giản dị phù hợp với thiên nhiên – cuộc sống thách thức những người mà ông gặp về triết lý tận hưởng những gì mình có và không quan tâm đến những gì mình không có.”

Diogenes đã chọn sống với không có gì ngoài quần áo trên người và cái trum để ngủ; Sử dụng tính hài hước để phê bình các tín đồ tôn giáo, các nhà lãnh đạo chính trị và tất cả mọi người trung thành với điều mà ông cho là không thuận theo tự nhiên.

Theo truyền thuyết địa phương, có một lần Alexander Đại đế đã đi thăm Diogenes và thấy ông đang nằm thư giãn dưới ánh mặt trời. Khi được hỏi liệu ông có muốn gì từ nhà vua không, triết gia nói: “Vâng, vậy Ngài có thể đứng sang một bên và vui lòng đừng chặn ánh nắng”. Với ông như vậy là đủ với một đòi hỏi cho người quyền lực nhất đất nước.

Trên đường trở về, những tùy tùng của Alexander cười nhạo ông già gàn dở, nhưng Alexander bảo họ: “Các Ngươi cứ cười nếu muốn, nhưng nếu ta không phải là Alexander thì ta muốn được làm Diogenes.”

Alexander Đại đế gặp Diogenes và được yêu cầu đứng tránh sang bên để không che mất ánh sáng mặt trời của ông. (Ảnh: Twitter)

Sau 15 phút, chiếc xe taxi đã đưa tôi đến trung tâm của thành phố Sinop, nơi đây là phần hẹp nhất của bán đảo nhỏ trải dài ăn ra Biển Đen. Ngay giữa trung tâm thành phố có một bức tượng của Diogenes, được dựng lên vào năm 2006. Điều này cho thấy những quan điểm về cuộc sống có vẻ khác biệt và bị cho là cực đoan của ông một thời đã không bị lãng quên ở nơi đây.

Không có đèn tín hiệu giao thông nhưng so với những con đường hỗn loạn của Istanbul, những chiếc xe ở đây lưu thông một cách có trật tự hơn hẳn. Trên thực tế, vỉa hè chật cứng những người chọn cách đi bộ thay vì lái xe và có thể thấy không có sự vội vã nào mặc dù đó là một buổi sáng ngày thường. Thậm chí tôi còn nghe nói rằng các công chức trong bộ máy chính quyền nơi đây không đi làm sau ngày thứ Tư.

Diogenes cho rằng sống gần gũi hòa hợp với tự nhiên sẽ khiến con người hạnh phúc. (Ảnh: Joshua Allen)

Tôi có hỏi Aylin Tok, quản lý của Teyze’nin Yeri, một nhà hàng nổi tiếng với món mantı (một kiểu bánh há cảo phủ bột hạt óc chó) rằng điều gì đã khiến Sinop trở thành một nơi ngập tràn hạnh phúc. Câu trả lời của Tok nghe có vẻ như mang phong cách của chủ nghĩa hoài nghi – dù cô ấy cố ý hay không.

“Ở đây không có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo” cô ấy nói với tôi. “Mọi người từ tất cả các tầng lớp trong xã hội đều đến cùng một quán cà phê để ăn một loại bánh tráng miệng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm hạt vừng và uống trà hay cà phê.”

Có vẻ như thành phố này đã áp dụng phong cách sống đúng như tinh thần của Diogenes: chống phân biệt chủng tộc, coi rẻ danh vọng, tiền bạc…

Aylin Tok: “Không có cảm giác phân biệt giữa người giàu và người nghèo”. (Ảnh: Joshua Allen)

Thời gian vẫn tiếp tục trôi tại quê hương của Diogenes thành Sinop, người Thổ đã đến sinh sống tại đây và người Hy Lạp đã dời đi. Nhưng trong khi có một vành đai những tòa nhà hiện đại bao xung quanh thành phố cổ, thì tại đây lại không có tòa nhà chọc trời nào che mất đường chân trời, và người dân thích cách sống đơn giản hơn. Những người hàng xóm tựa vào cửa sổ để trò chuyện, mua sắm tại các tiệm bánh và các cửa hàng nhỏ của địa phương. Có vẻ như cư dân của Sinop không thực hành chủ nghĩa hoài nghi triệt để như Diogenes, nhưng các yếu tố chính của chủ nghĩa này – đặc biệt là nhấn mạnh vào cuộc sống tốt đẹp tới từ sự hài hòa ít tham vọng – vẫn vang vọng khắp thành phố.

Sinop, thành phố yên bình bên bờ biển. (Ảnh: Wikipedia)

Ngày đã chuyển chiều muộn, tôi đi tới quán Bar mang tên Castle Tower nằm bên trong thành cổ của thành phố Sinop. Mặt trời lặn dưới đám mây, mọi người bơi trên bến cảng và những con đường đầy cây xanh trong ánh hoàng hôn yên bình. Những chiếc thuyền đánh cá nhỏ mang cá vào bờ, những cặp vợ chồng tay trong tay đi dạo chơi dọc theo bờ biển và các nhạc công đám cưới trò chuyện vui vẻ từ phía sau xe. Phía xa, những ngọn đồi phủ kín màu xanh đánh dấu vị trí mà bán đảo nối với đất liền. Đối với tôi, sự nổi tiếng về hạnh phúc của thành phố này không còn là điều bí ẩn nữa.

Tượng Diogenes cầm đèn đi tìm người tài giữa ban ngày nhưng không thấy. (Ảnh: Joshua Allen)

***

Có vẻ như người đời chưa thật sự hiểu Diogenes, những gì ông muốn nhắn nhủ thế nhân không phải là sự yếm thế, bi quan xa dời cuộc sống thế tục. Ông dùng chính cuộc đời mình, cách sống của mình để răn dậy người đời sau rằng cuộc sống con người là phải hòa hợp với tự nhiên, thuận theo đạo Trời, coi rẻ danh vọng, tiền bạc, thoát khỏi dục vọng.

Sự hoài nghi của ông đối với tri thức của con người cũng thể hiện một cái nhìn khoáng đạt, không cố định sự hiểu biết của mình bằng những hệ thống khái niệm không đầy đủ và chủ quan. Chúng ta có thể tin rằng một sự vật, hiện tượng nào đó chính xác là như thế này nhưng trên thực tế có thể nó lại không đúng như vậy. Như cặp mắt chúng ta nhìn quyển sách đang bất động ở đây, nhưng dưới kính hiển vi, những nguyên tử cấu thành nên nó chẳng phải đang chuyển động không ngừng hay sao? Con người đã từng có thời cho rằng Trái đất là trung tâm của vũ trụ, rồi sau đó quan niệm đó bị đạp đổ bởi kiến thức mới về hệ mặt trời trong đó Trái đất quay xung quanh Mặt trời. Nhưng biết đâu đó trong tương lai, khi có thể quan sát được rộng hơn, và ở một hệ quy chiếu nào đó, con người lại phát hiện ra rằng Trái đất chính là trung tâm của vũ trụ này… Tất cả chỉ là giả định, nhưng chúng ta không nên cố định bất cứ tri thức nhỏ bé nào mà mình biết, bởi những điều chúng ta chưa biết thì rộng lớn hơn quá nhiều so với những gì chúng ta biết.

Với những quan điểm rất cởi mở, tại sao Diogenes lại chọn cách sống có phần cực đoan khiến nhiều người không thể lý giải nổi như vậy? Nếu như hòa thượng Tế Công không ăn thịt thì người đời sau cũng không nhận ra việc loại bỏ dục vọng với thịt mới là bản chất chứ không phải giới cấm thịt là loại bỏ được ham muốn đối với việc ăn thịt. Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược cũng là để cảnh báo con người rằng tiến lên chính là thụt lùi, xã hội nhân loại càng phát triển bao nhiêu thì đạo đức con người càng bại hoại bấy nhiêu. Diogenes cầm đèn đi giữa ban ngày để tìm hiền nhân mà không thấy cũng là ám chỉ các nhà triết học đang uổng công đi tìm nguồn gốc vũ trụ và loài người từ những khái niệm và cách tiếp cận sai lầm. Con người cứ dùi mãi vào sừng bò nông cạn mà quên mất quan sát cuộc sống, tự nhiên và những điều vô hình nhưng có quy luật có thể tác động được đến đời sống của chúng ta. Các bậc thánh hiền xưa nay đều để lại những câu chuyện về cuộc đời họ và di ngôn đầy tính ẩn dụ, nên nếu thật sự muốn hiểu hết ý nghĩa sâu xa đằng sau đó, chúng ta phải thật sự khiêm nhường và cầu thị.

Diogenes đã để lại cho Sinop một di sản, một chìa khóa mở ra con đường dẫn tới hạnh phúc. Con đường của sự hòa ái, bằng lòng với những gì mình đang có, tiết chế dục vọng và ham muốn. Cuối cùng, thực tế đã chứng minh, tinh thần Diogenes vẫn vang vọng ở Sinop, thành phố hạnh phúc nhất Thổ Nhĩ Kỳ.

Joshua Allen

Tâm Anh

Xem thêm: