Trong vườn, nếu như không gieo trồng thì làm sao có hoa quả để thu hoạch? Đối với bạn bè thân hữu, nếu không có quan tâm, lui tới, thì sao có sự gắn kết, thông hiểu lẫn nhau?

“Xả” (cho đi) thoạt nhìn thì tưởng như là cho người nhưng trên thực tế lại chính là cho mình. Có thể cho người khác những lời nói chân thành, lời nói hay thì mới có thể nhận được những lời ca ngợi từ người khác. Có thể cho người khác nụ cười thì mới có thể nhận lại được nụ cười.

“Xả” (cho đi) và “Đắc” (nhận được) chính là có mối quan hệ mật thiết với “Nhân” và “Quả”. “Nhân” và “Quả” là có mối tương quan với nhau, cũng giống như sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau giữa “Xả” và “Đắc”.

Người có thể “xả” thì nhất định là người có tấm lòng rộng lớn, phóng khoáng. Bởi vì, nếu một người trong nội tâm không có sự biết ơn, không cởi mở kết duyên thì làm sao có thể nguyện ý cho đi? Làm sao có thể vui vẻ để người khác đắc được?

Nếu như trong nội tâm của một người là tràn ngập niềm vui thì người ấy mới có thể đem niềm vui đến cho người khác. Nếu như trong nội tâm của một người là ẩn chứa vô hạn thiện niệm thì người ấy mới có thể đem thiện niệm đến cho người khác.

Xả bỏ giúp bạn sống thanh thản hơn (Ảnh: Pinterest).

Bởi vậy, chúng ta không nên đem phiền não, sầu muộn truyền cho người khác, bởi vì “xả” cái gì thì sẽ “đắc” được cái ấy. Đây là tính tất yếu của “nhân quả”.

Chúng ta yêu thích ánh mặt trời bởi vì ánh mặt trời cho chúng ta ánh sáng và sự ấm áp. Chúng ta yêu thích cây cối bởi vì cây cối cho chúng ta bóng râm và sự mát mẻ.

Điều mà ánh mặt trời và cây cối chia sẻ cho con người chúng ta chẳng phải là những điều tốt đẹp sao? Cho nên, chúng cũng nhận lại được sự yêu thích và lòng cảm ơn của mỗi người chúng ta.

Nếu tình là sự ràng buộc, gò bó thì chúng ta nên xả bỏ cái tình ấy và khi đó chúng ta sẽ nhận được sự tự do tự tại.

Nếu kiêu ngạo là phiền não thì chúng ta có thể xả bỏ đi tâm kiêu ngạo, khi ấy chúng ta chẳng phải sẽ nhận được tâm thái thoải mái sao?

Nếu như coi vọng tưởng là những điều vô căn cứ thì khi xả bỏ đi vọng tưởng ấy, chẳng phải sẽ được sự chân thực sao?

Nếu lo lắng là thống khổ, hãy xả bỏ lo lắng để được thản đãng trong tâm.

Cho nên, “xả” cái gì sẽ “đắc” được cái ấy chính là đạo lý tất yếu.

Ở đời xả được càng nhiều thì bạn nhận lại được càng nhiều (Ảnh: Unsplash).

Trong “Tứ thập nhị chương kinh” có câu rằng: “Ngửa mặt lên Trời phun nước bọt, nước bọt không tới Trời mà còn rơi xuống mặt mình. Ngược gió tung bụi, bụi chẳng đến người mà trở lại dính vào thân”.

Có thể thấy, trong mọi quan hệ ứng xử, trong mọi tình huống của cuộc đời, nếu thấu hiểu và ghi nhớ rằng “xả” thứ gì sẽ “đắc” được thứ ấy, “lấy xả là cái gốc của đắc được” thì tác dụng mà nó mang lại là vô cùng kỳ diệu và to lớn.

Người nào có thể xả bỏ phiền não, bi thương, vô minh, vọng tưởng thì tự nhiên sẽ có thể tiến lên một cảnh giới mới của nhân sinh!

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch