Chuyên mục diễn đàn bình luận Đạo Đức Xưa Và Nay là cái nhìn trực diện của Ban Biên Tập Văn Hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên vào những vấn đề đạo đức và quan niệm sống trong xã hội Việt Nam hiện đại, cùng độc giả suy ngẫm, hy vọng và đề xuất giải pháp…

Xem phần 1: Diễn đàn bình luận đạo đức xưa và nay: Cái nhìn của những hài nhi – Thế giới thập ác (Phần 1)

Phần 2: Câu chuyện những con người bền bỉ gom xác hài nhi…

1. Người bền bỉ thu nhặt gần 5000 xác hài nhi

5 năm trước đây, phóng viên Đại Kỷ Nguyên VN đã đặt chân lên vùng quê chài xa xôi ven biển thôn Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định để tìm gặp bà lần đầu tiên. Tên thật bà Nguyễn Thị Hương, nhưng người ta hay gọi bà là Phạm Thị Cường, theo tên của chồng. Bà có mái tóc bạc trắng và tuổi thất thập cổ lai hy.

Con đường dài xa ngái và xóc nảy, nhưng chỉ cần đặt chân lên địa bàn thôn Quần Vinh, người ta đều có thể chỉ ngay nhà “bà Cường nhặt xác hài nhi”….

Chỉ có trực tiếp gặp bà mới có thể thực sự biết vì sao ở độ tuổi của bà vẫn có thể bền bỉ với công việc thiện nguyện này từ hơn 10 năm nay: Hàng ngày đạp xe đi gom nhặt và chôn cất cho tới giờ đã gần 5000 hài nhi. Sức mạnh nào khiến bà kiên trì theo đuổi công việc này?

Cơ duyên

Bà Cường với khuôn mặt nhăn nheo và mái tóc bạc trắng, vẫn đều đặn bán hàng lặt vặt ở chợ Đông Bình. Bà là một người Công giáo. Những bức ảnh Thiên Chúa được treo trang nghiêm trong căn nhà giản dị của bà. Bà luôn tin ở sự che chở của Chúa.

Bà trầm ngâm đôi mắt kể lại cơ duyên khiến bà gắn bó với những linh hồn bé nhỏ. Đó là một ngày hè nóng như đổ lửa năm 2001, khi đang đi chợ bán rau như thường nhật, lúc đi qua đoạn cầu Đông Bình, bà nhìn thấy bên vệ đường có túi ni lông màu đen, ruồi, bọ bâu kín mít, trông đến buồn nôn. Bà thoáng thấy cái gì động đậy bên trong, không hiểu sao, đi qua một đoạn, bà Cường thấy lòng bất an, lo lắng, một điều gì đó như thúc giục bà phải quay lại. “Khẽ mở chiếc túi ni lông ra, tôi hoảng hồn vì bên trong là một thai nhi vẫn còn đang thoi thóp thở, thân thể đã bị kiến bâu đen ngòm, đặc biệt, đôi mắt của thai nhi đó mở to nhìn chằm chằm, như cầu khẩn, van lơn được tôi cứu giúp”, bà Cường kể lại. Ngay lập tức, bà mang đứa bé về nhà, tắm rửa sạch sẽ, rồi đi khắp làng xóm, tìm xem có bà mẹ nào mới đẻ, xin cho cháu bú nhờ. Tuy nhiên, do bị vứt quá lâu, không thể chịu đựng được hơn, em bé đã tắt thở.

“Khẽ mở chiếc túi ni lông ra, tôi hoảng hồn vì bên trong là một thai nhi vẫn còn đang thoi thóp thở”, bà Cường kể lại.
“Khẽ mở chiếc túi ni lông ra, tôi hoảng hồn vì bên trong là một thai nhi vẫn còn đang thoi thóp thở”, bà Cường kể lại.

Sự việc này làm nên một bước ngoặt trong cuộc đời bà, hình ảnh em bé thoi thóp thở trong túi ni lông, đôi mắt đen láy, mở to nhìn bà van lơn không thể nào nguôi ngoai trong suy nghĩ của bà. Sau những đêm dài trăn trở, cuối cùng bà Cường quyết định sẽ phải làm một điều gì đó để cứu rỗi cho những em bé xấu số bị những con người vô tâm vứt bỏ mà không được chôn cất. Thế là câu chuyện về người đàn bà đạp xe đi nhặt xác hài nhi cũng bắt đầu. Bà tâm sự những lời chân tình:

Giờ lắm người sống buông thả quá, không hiểu thế hệ trẻ sống bừa bãi đến mức nào, nhưng cứ nhìn ở các phòng khám trên thị trấn này, ngày nào cũng có người đến nạo, phá thai. Mỗi lần như vậy, là lại có một hài nhi xấu số phải từ giã cõi đời trước khi kịp cất tiếng khóc chào đời. Nhìn thấy hình hài non nớt bị vứt bỏ nơi xó đường bẩn thỉu, tôi không thể cầm lòng được

Chỉ ở một xã Nghĩa Thắng xa xôi nhỏ bé, mà đã là như vậy, không biết trên cả nước, thì số hài nhi bị bỏ rơi còn nhiều tới chừng nào…

hai  nhi
Bà Phạm Thị Cường thắp bó hương trong khu tháp mộ của các hài nhi bé nhỏ. (Ảnh: nld.com.vn)

Cứu rỗi gần 5000 linh hồn trẻ nhỏ

Kể từ khi dấn thân làm phúc trên chiếc xe đạp cà tàng, cặm cụi đi tìm kiếm gom nhặt những thân xác hài nhi bị ném bỏ, thời gian đầu, bà Cường bị nhiều người cười chê là rỗi hơi, là điên, là khùng. Có người thậm chí còn mỉa mai bà “nghèo khó ăn còn không đủ còn đi lo chuyện bao đồng”. Có Đạo trong tâm, bà Cường cũng bỏ ngoài tai, bởi họ đâu có hiểu được sự ám ảnh về những xác hài nhi bơ vơ đang nằm lăn lóc ngoài kia, và những gì mà bà được học từ Đạo.

Có những lúc ốm đau, mệt mỏi, sự nản chí cũng đã xuất hiện trong đầu bà Cường, vì có quá nhiều xác hài nhi, một mình bà khó có thể làm hết được. Nhưng cứ nghĩ đến thảm cảnh những đứa trẻ vô tội, chưa kịp chào đời đã bị vứt bỏ đầu đường xó chợ, những linh hồn không được siêu thoát, bà lại không muốn dừng lại công việc cao cả mà mình đang theo đuổi.

Những linh hồn của các em bé, tối tối vẫn về quây quần bên bà, khích lệ bà

– Bà lặng lẽ tâm sự.

Cứ thế, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, bà bền bỉ với công việc thầm lặng của mình. Giờ thì bà không phải ngồi chầu chực chờ đợi ở các phòng khám tư, bệnh viện… như trước nữa, họ đã chủ động giúp bà. Họ gọi bà tới lấy… Đã hơn 10 năm, con số xác hài nhi mà bà Cường gom nhặt đã lên tới gần 5000, thật khó có thể tượng tượng được lại nhiều đến thế. Một địa phương nhỏ đã có nhiều xác thai nhi bị vứt bỏ như vậy, không khỏi khiến người ta bàng hoàng, đau đớn. Bà Cường luôn lầm rầm nói chuyện, xoa dịu các em nhỏ trong khi làm công việc của mình: “Khổ thân các con phải chịu số mạng bất hạnh vì sai lầm của những kẻ lạnh lùng, nhẫn tâm vứt bỏ cốt nhục của chính mình, mong cho các con sớm yên nghỉ, kiếp sau hóa kiếp một cuộc đời tốt đẹp hơn”. Cách đây vài năm, cảm phục trước công việc âm thầm và ý nghĩa lớn lao của bà Cường, ông Vũ Văn Bao, một người bạn cùng thôn với nụ cười phúc hậu và mái tóc bạc như cước, đã tình nguyện chung vai với bà gánh vác công việc thiện nguyện.

Trong khu nghĩa trang Quần Vinh, 2 tháp mộ chung đã được xây cho các em nhỏ, nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Với số lượng các em đông như vậy nên không thể có từng khoảnh đất riêng cho từng em như thời gian đầu. Các em được tắm rửa, quấn vải, sau đó cho vào tiểu quách, em nào nhỏ quá thì cho vào bát hương, đánh số thứ tự, làm lễ siêu thoát, rồi chôn từng lớp từng lớp ở ngôi mộ chung. Mỗi lớp lại được rải 1 lớp cát, ông Bao gọi đùa đó là 1 tầng. Khoảng 20 cháu một tầng…

Ông Vũ Văn Bao, râu tóc bạc phơ, trước ban thờ nhỏ dành cho các linh hồn bé nhỏ.
Ông Vũ Văn Bao, râu tóc bạc phơ, trước ban thờ nhỏ dành cho các linh hồn bé nhỏ.

2. Câu chuyện người chôn cất hơn 10.000 xác hài nhi

Bên trên là câu chuyện về những con người nhân nghĩa, có đức tin tại một vùng biển miền Bắc. Cũng như thế, tại một vùng đất biển phương Nam cách xa cả nghìn cây số, một Phật tử cũng bằng sức mạnh của niềm tin trong tâm mà thực hiện được những gì mà một người bình thường không thể tưởng tượng nổi.

Đó là anh Tống Phước Phúc, số nhà 45, đường Phương Sài, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Suốt gần 11 năm nay, không chỉ lặng lẽ đi nhặt xác hài nhi mà anh còn cưu mang nhiều số phận cơ nhỡ. Những ngôi mộ hài nhi do anh tự tay chôn cất đã lên tới con số 10.250.

Anh Phúc tâm sự: “Tôi cũng không ngờ số lượng lại tăng nhanh đến thế, mỗi lần chôn thêm một hài nhi là một lần đau đớn dù chẳng phải ruột thịt gì”.

Cơ duyên

Anh Phúc kể về lần đầu tiên gom xác hài nhi: “Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo Mỹ An (Đà Nẵng), lớn lên, gia đình đông anh em nên đi tha hương ở nhiều nơi và quyết định dừng lại ở Nha Trang. Sau nhiều năm vật lộn với nghề thợ hồ, có một số vốn nhất định mua được miếng đất nhỏ ở đường Phương Sài, tôi quyết định lấy vợ. Ngày 13/7/2002, trong lúc chăm vợ trở dạ trong bệnh viện, cùng phòng đẻ với vợ tôi có cô sinh viên năm 2 đẻ non, đứa bé bị chết nên cô ấy lẻn bỏ đi mất hút. Lúc đó, tự nhiên tôi có ý nguyện được chôn cất và hương khói cho hài nhi xấu số đó và ý nguyện đã được bệnh viện chấp nhận”.

Mang hài nhi đầu tiên về nhà liệm xong, anh Phúc đi khắp vùng ven thành phố Nha Trang tìm đất trống, cuối cùng, anh tìm được một bãi đất trên triền núi Hòn Thơm (hiện nay là nghĩa trang Đông Nhi).

Nghĩa trang Đông Nhi, nơi anh phúc đã tự tay chôn cất 10.005 hài nhi bị vứt bỏ.
Nghĩa trang Đông Nhi, nơi anh phúc đã tự tay chôn cất 10.005 hài nhi bị vứt bỏ.

Những ngày đầu phải san quả đồi toàn đá cho phẳng để xây nghĩa trang, bàn tay anh đã tứa máu nhưng anh như có một nguồn lực diệu kỳ nâng đỡ, xua đi mệt mỏi. Có nghĩa trang, thế là hài nhi bất hạnh đầu tiên đã có được nơi an nghỉ, rồi đến bé thứ hai, thứ ba, thứ tư… Những ngày sau đó, anh còn đến các bệnh viện xin họ cho mang các hài nhi xấu số từ các ca hút thai về để chôn cất. Có phòng hộ sinh mấy ngày tích tụ lại, họ chuẩn bị sẵn hàng thùng xốp hoặc hàng bao tải hài nhi cho anh Phúc đến nhận.

Bác sỹ Nguyễn Nam (khoa sản Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) chia sẻ: “Nhiều người thấy việc làm của anh Phúc là bình thường nhưng tôi nghĩ đây là việc làm rất hiếm, có những hôm nửa đêm nghe có người báo thấy hài nhi bị vứt bỏ mãi dưới Vạn Ninh (cách Nha Trang 70km), Phúc vẫn phóng xe đi lấy về để ngày mai an táng”.

Có những bà mẹ lặng lẽ bọc xác bé trong chiếc khăn tìm tới, bỏ lại trước cửa nhà anh và đi mất hút. Rưng rưng, anh Phúc tâm sự rằng: “Có nhiều đêm mưa, chuông cửa liên tục réo nhưng ra ngoài chẳng có ai, vội vàng mở ra thì thấy một xác đã hình thành đầy đủ hình hài, những lúc như thế tôi cảm thấy như nghẹn đắng trọng cổ họng và lại bị ám ảnh và thức thâu đêm”.

Đọc kinh Phật để cứu rỗi những linh hồn bé nhỏ…

Lời anh Phúc như gió thoảng:

“Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, khi chưa được cất một tiếng khóc đã bị vứt bỏ bởi có thể những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian, những nặng nợ kiếp người, những hằn thù nhỏ nhen”.

Cách nghĩa trang Đông Nhi không xa là một túp lề nhỏ do anh dựng nên, những ngày trời mưa, những đêm rét mướt hay gió bão, sợ các sinh linh nhỏ cô đơn, anh Phúc thường mang kinh Phật đến ngồi trong lán và đọc thâu đêm.

Anh nghẹn giọng kể rằng: “Không phải mê tín đâu. Rất nhiều hôm đến lều cầu kinh, giữa đêm khuya thanh vắng tôi như nghe rõ tiếng than khóc của trẻ nhỏ, kể cả những tiếng nấc nghẹn như ai oán. Thật lạ, sau nhiều đêm tôi đọc kinh Phật thì hiện tượng này như bớt hẳn. Nhớ như in cái đêm giữa năm 2012, đang chợp mắt bỗng thấy hàng trăm chiếc bóng trắng vật vờ trên các bia mộ, ngày hôm sau tôi mời thêm cả sư chùa đến tụng kinh hai đêm thế là hết”. Nhiều lần, không ít người thấy anh Phúc mua những cuốn sách hát ru trẻ thơ đi xung quanh nghĩa trang Đông Nhi hát cả buổi không biết mệt.

Cưu mang

Đi xin xỏ được đưa tất cả các bé dù đã tượng hình hay chưa đủ hình hài từ các nhà hộ sinh, bệnh viện… về an táng đã là một việc làm đáng nể phục, nhưng anh Phúc không chỉ dừng lại ở đó, mà còn xin các bệnh viện khi gặp các trường hợp đến nạo, hút thai hãy báo cho anh hoặc động viên họ đến nhà anh để anh được cưu mang và nuôi đứa trẻ khi họ sinh ra. Có lần, anh Phúc đến tận bệnh viện dẫn về một cô sinh viên mang bầu tháng thứ 6, đang có ý định vứt bỏ thai về nhà mình.

Có cô gái được anh giúp đỡ tâm sự rằng, do trót dại và cũng không để ý, khi phát hiện thì thai đã quá lớn, được 5 tháng, cô đành lòng quyết định đi hút bỏ nhưng các bác sỹ gọi cho anh Phúc, anh đã đến khuyên nhủ và hứa rằng nếu cô không nuôi được bé, anh sẽ nuôi cho đến bất cứ lúc nào đủ điều kiện nhận lại.

thai nhi
Anh Phúc bên cạnh những em bé được anh cứu sống và cưu mang.

Nhiều cô gái lỡ đẻ con nhưng không muốn nuôi đã ẵm đến bỏ trước nhà anh Phúc nên đến nay trong căn nhà nhỏ của anh có gần 20 đứa trẻ bị bỏ rơi, đứa lớn nhất đã học mẫu giáo, đứa nhỏ nhất chưa đầy một tuổi, anh đều chăm bẵm và xem như con của mình. Đặc biệt, những đứa trẻ cơ nhỡ này đều được đặt nhưng cái tên như: Vinh, Đạo, Lộc, Tâm… với mong muốn cuộc đời chúng sau này sẽ được vinh quang, có phúc, có lộc, có đạo nghĩa…

Bà Cường, ông Bao, anh Phúc, những con người ấy, họ mang những tấm lòng cao cả. Nếu không có Đạo trong tâm, không có đức tin, khó ai có thể đủ cái tâm và lòng nhiệt huyết, nguồn năng lượng để bền bỉ 15 năm hàng ngày đi gom xác hài nhi bị ruồng bỏ. Nếu không tin vào luật nhân quả, khó ai có đủ tấm lòng rộng lớn bao dung để xót xa cho chừng ấy thân xác bé nhỏ, kiên trì thời gian lâu dài đằng đẵng để cứu vớt những linh hồn.

Ghi chú: Ảnh đại diện trong bài là ảnh minh họa

Đón xem tiếp Phần 3: Có tồn tại hay không linh hồn của những bào thai bé nhỏ?

Hà Phương Linh

Xem thêm: