Khổng Tử là người mà cả cuộc đời lấy việc truyền bá văn hoá truyền thống làm trách nhiệm của bản thân, ông coi trọng giáo hoá, cả đời phấn đấu học tập và tìm tòi không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi. Nhan Hồi từng nói: “Phu tử dùng thiện mà dạy bảo người khác”.

Trong những sách cổ còn lưu truyền lại tới ngày nay, chúng ta có thể thấy được sự nhẫn nại của Khổng Tử khi dạy học trò, cũng như là khả năng quan sát người khác xuất quỷ nhập thần, thực là một bậc kỳ tài trong thiên hạ.

Đạo trị vì thiên hạ

Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Trước đây Tề Cảnh Công hỏi thầy làm thế nào mới có thể trị vì được thiên hạ anh minh, thầy trả lời: ‘Trị vì thiên hạ anh minh nó thuộc về việc tiết kiệm tài của và vật dụng’. Lỗ Ái Công hỏi thầy làm thế nào mới có thể trị vì được thiên hạ anh minh, thầy trả lời: ‘Trị vì thiên hạ anh minh nó thuộc về việc giáo dục bề tôi’. Sở đại phu hỏi thầy làm thế nào mới có thể trị vì được thiên hạ anh minh, thầy trả lời: ‘Trị vì thiên hạ anh minh nó thuộc về việc khiến cho người gần thì hài lòng mà người xa thì muốn đến’. Ba người đều hỏi cùng một câu hỏi, nhưng câu trả lời lại ba nghĩa khác nhau, lẽ nào là có sự lý giải khác nhau sao?”.

Khổng tử trả lời: “Mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau. Tề Cảnh Công trị vì quốc gia, xây dựng lầu các xa hoa lộng lẫy, khi đi săn bắn thì khoanh vùng đất đai quá rộng lớn, một buổi sáng cũng đã chiếm dụng ba vùng đất có thể để được một ngàn xe ngựa cho nên ta mới nói, ‘Trị vì thiên hạ cần coi trọng tiết kiệm tài của, vật dụng’. Còn Lỗ Ái Công, có ba quần thần là Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Lý tôn. Ba người này trong nước thì kết bè kết phái tư lợi việc riêng, bên ngoài thì lôi kéo quân thần các nước chư hầu cho nên ta mới bảo trị vì thiên hạ là cần coi trọng việc giáo dục quân thần bề tôi’. Đối với Sở quốc, đất đai rộng lớn nhưng đa phần đều là các thôn ấp nhỏ, trong lòng dân chúng luôn có tâm ly tán, không có nguyện vọng an cư lập nghiệp. Chính vì vậy ta mới nói trị nước cần phải khiến cho người gần thì vui vẻ còn người xa thì muốn đến’. Đây là nhắm vào hoàn cảnh của từng người khác nhau mà có phương pháp xử lý khác nhau”.

Trong “Thư Kinh” có nói: “Trải qua thời gian chiến loạn kéo dài, nhân dân đói khổ lầm than, nhưng mà quốc gia trước nay không hề có một chút cứu tế”. Đây là sự cảm thán bi ai của việc hưởng thụ chơi bời xa xỉ tạo thành loạn lạc đau thương. Lại nói: “Những lời tâng bốc nịnh nọt của phường tiểu nhân”, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho quân chủ phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng. Còn nữa: “Nỗi lo ly tán trong loạn lạc, nỗi đau mất mát người thân, rốt cuộc loạn lạc phải chạy nơi đâu?”, đây chính là nỗi bi thương của việc ly tán tạo thành. Tỉ mỉ mà suy xét ba vấn đề này, lẽ nào trị vì quốc gia, xử lý vấn đề khó khăn của đất nước lại có thể dùng cùng một phương pháp sao?”.

Khổng Tử dạy học trò (Ảnh minh họa: theo tinhoa.net)

Vùng đất có ba việc tốt – Bồ Ấp

Sau 3 năm Tử Lộ cai trị vùng đất Bồ Ấp (Nay thuộc huyện Sơn Tây). Có một lần Khổng Tử đi qua, khi vừa bước vào cùng đất của Bồ Ấp Khổng Tử liền khen ngợi: “Tử Lộ làm thật tốt, làm tới cung kính mà lại tin dùng”. Rồi khi vào tới trong thành, Khổng Tử lại tán dương: “Tử Lộ làm được rất tốt, làm được trung tín mà lại khoan hậu”. Cuối cùng khi bước vào trong phủ, Khổng tử lại một lần nữa hết lời khen ngợi: “Tử Lộ thực sự làm được quá tốt, làm tới mức minh xác rõ ràng, hành sự quyết đoán”.

Tử Cống đi theo nghe thầy nói vậy rất lấy làm hiếu kỳ liền hỏi Khổng Tử: “Thưa phu tử, người chưa gặp mặt Tử Lộ đã liên tiếp 3 lần tán dương Tử Lộ, thầy có thể cho đệ tử được biết những chỗ tốt mà Tử Lộ đã làm được không ạ?

Khổng tử nói: “Khi vừa bước vào vùng đất Bồ Ấp, ta đã nhìn thấy ruộng nương, đất đai ngăn nắp, cây cối xanh tốt, cỏ dại đều được dọn sạch sẽ không còn. Mương nước trong ruộng đều được khơi thêm sâu, đây chính là Tử Lộ làm được vừa cung kính cẩn thận lại vừa tin tưởng cho nên khiến cho bách gia trăm họ đều tận lực lao động. Vào trong thành thấy thành vách, nhà cửa đều rất kiên cố, đường phố buôn bán phồn vinh, cây cối tốt tươi. Đây chính là vì Tử Lộ làm được trung tín và khoan hậu cho nên bách tính mới an cư lập nghiệp, không sống cuộc sống sơ sài cẩu thả, gặp chăng hay chớ. Bước vào trong phủ, khắp nơi gọn gàng sạch sẽ, kẻ bề tôi thì dốc lòng tận lực, làm việc chăm chỉ, đây chính là do Tử Lộ làm được công chính nghiêm minh, dùng thiện đãi người. Tử Lộ cai trị nơi đây bách tính không có ai bất bình, lo lắng. Xem ra, Tử Lộ đã làm được một nền chính trị nhân từ, đạt được một thành quả văn hoá rất tốt, khiến cho ta ba lần liên tiếp tán dương Tử Lộ làm rất tốt, lại làm thế nào để nói được hết những điều tốt đẹp của Tử Lộ đây?”. Sau này vùng đất Bồ Ấp được gọi là “Tam thiện chi địa” (vùng đất ba việc tốt).

Khổng Tử dạy học trò (Ảnh minh họa: theo chauxuannguyen.org)

Quân tử không chỗ nào là không cẩn thận

Tử Cống trước khi lên đường làm quan ở thành Tín Dương đến từ biệt Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Cần phải thật thà chăm chỉ, cần phải cẩn thận siêng năng, dựa theo sử lệnh tự nhiên mà chỉ đạo nhân dân sản xuất. Không cướp không phạt, không bạo động hung dữ, không trộm cắp”.

Tử Cống nghe xong liền nói: “Con từ nhỏ đã ở bên thầy học đạo, lẽ nào đã phạm qua trộm cắp điều gì?”.

Khổng Tử nói: “Sao con không hiểu sâu thêm! Người dùng tài đức để thay thế người tài đức khác đây gọi là ‘cướp’, dùng người không có tài thay thế người có tài đây gọi là ‘phạt’, pháp luật lỏng lẻo nhưng hình phạt tàn ác đây gọi là ‘hung dữ’, giành những thứ tốt đẹp về phần mình đây gọi là ‘trộm’. Trộm ở đây không có nghĩa là trộm tài vật. Ta còn nghe nói một vị quan tốt là vận hành pháp luật khiến cho bách tính được hưởng lợi chỗ tốt đẹp, một vị quan không tốt chính là bẻ cong pháp luật, khiến cho bách tính tổn hại, đây chính là căn duyên khiến cho bách tính oán thán. Chỉnh đốn quan phong sẽ chẳng thể nào so sánh được sự công bằng, tiền tài sẽ chẳng bằng liêm khiết trong sạch.

Sự liêm khiết và công bằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được thay đổi. Che đậy chỗ tốt của người khác, đây chính là bức hại người tài, nội bộ không khuyên bảo nhau mà ra ngoài phê bình lẫn nhau sẽ chẳng thể hoà ái ở cùng nhau. Cho nên, người có đạo đức tu dưỡng, cần phải cẩn thận mọi chỗ mọi nơi, không đâu bỏ sót, nghiêm khắc đối với bản thân, khoan dung cho người khác, như thế mới có thể dùng trí huệ và đức hạnh của bản thân tạo phúc cho dân”.