Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Trong lịch sử Tam Quốc, có thể coi Xích Bích là trận chiến trọng yếu nhất, quyết định thế chân vạc chia ba thiên hạ. Trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung đã miêu tả vô cùng sống động về cuộc chiến này, nào là trùng trùng thiên quân vạn mã, anh hùng hào kiệt, nào là trùng trùng kế sách mưu toan, liên hoàn kế, mượn gió đông, đánh hỏa công.

Các văn nhân đời sau cũng thi nhau cảm khái về trận đại chiến này. Tô Đông Pha viết 2 bài phú về Xích Bích, Đỗ Phủ cũng từng làm thơ: “Đông phong bất dữ Chu Lang tiện. Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều” (Gió đông nếu chẳng giúp Chu Lang. Cảnh xuân thâm nghiêm đài Đồng Tước đã khóa chặt 2 nàng Kiều).

Anh hùng tao ngộ

Thời Hán mạt, thiên hạ xuất hiện 3 anh hùng kiệt xuất: Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền, giành giật Thần Châu, một phen kỳ ngộ, không hẹn mà gặp. Phương bắc, Tào Tháo bình Lã Bố, diệt Viên Thiệu, thảo phạt Viên Thuật, thâu gồm 3 châu: Duyện Châu, Dự Châu, Từ Châu, mở mang bờ cõi, tỏ rõ thần vũ hùng tài. Tôn Quyền ở Giang Đông kế thừa cơ nghiệp cha anh, chăm lo việc nước, dưới trướng có Đại đô đốc Chu Du thao lược, mộ binh nuôi ngựa, ôm ấp chí lớn mở mang bờ cõi. Lưu Bị ở Kinh Châu, dù lép vế nhất nhưng trong tay có đầy trung thần mãnh tướng, sống chết có nhau, lại được quân sư Gia Cát Lượng bày mưu lập kế, có thể gặp dữ hóa lành, nhiều phen chuyển bại thành thắng.

Tào Tháo thừa thắng xua quân nam hạ, thống lĩnh trăm vạn giáp binh phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng, khí thế ngút trời, tự khẳng khái mà tuyên bố rằng: “Chu công thổ bộ, thiên hạ quy tâm” (Ta như Chu Công tiếp đãi hiền tài, thiên hạ đều sẽ quy thuận). Đó chính là lúc 3 anh hùng đối mặt ở Giang Đông, tại Xích Bích mà diễn vở kịch kinh thiên động địa, quyết định vận mệnh lịch sử.

Quân Tào áp sát biên giới, đại chiến lập tức bùng nổ. Tào, Tôn, Lưu ba nhà gấp rút chuẩn bị đối sách cho một cuộc đại chiến không thể tránh khỏi. Tào Tháo mới đến, Kinh Châu đã hàng. Sau khi tận thu hàng binh Kinh Châu, nhuệ khí quân Tào hừng hực, thế rất lớn mạnh tưởng không gì cản nổi, chính là: “Trục lộ thiên lý, tinh kỳ tế không” (thuyền bè muôn dặm, cờ tán rợp trời) như Tô Đông Pha viết trong “Tiền Xích Bích phú”. 

Tháo đuổi đánh Lưu bị chạy dài về Giang Hạ, sai thảo chiến thư bức hàng Đông Ngô, lại dùng các hàng tướng Kinh Châu tinh thông thủy chiến huấn luyện thủy quân, ý đồ nuốt chửng Giang Nam, nhất thống thiên hạ. Bên này Lưu Bị, Gia Cát Lượng định kế “liên ngô kháng Tào” làm đối sách căn bản. Khổng Minh một mình xuôi thuyền sang Đông Ngô, khẩu chiến với đám hủ nho, dùng mẹo khích tướng Chu Du, bày kế “Thuyền cỏ mượn tên”, xúc tiến liên minh hai nhà, âm thầm bố trí kế riêng, nhìn trai cò đánh nhau mà ở ngoài đắc lợi.

Ở Đông Ngô, Tôn Quyền cũng hạ quyết tâm quyết chiến với quân Tào, sai người mời gấp Đại đô đốc Chu Du chủ trì đại cuộc. Hai kẻ quốc sĩ anh tài của Tôn – Lưu là Chu Du và Gia Cát Lượng trở thành những nhân vật chính trong cuộc đại chiến lần này. Nhưng làm cách nào để lấy ít địch nhiều, khắc chế được trăm vạn thủy quân Tào?

Khi cùng ở trong quân bàn kế, không hẹn mà gặp, Chu Du, Gia Cát Lượng cùng nghĩ ra diệu kế phá giặc, xòe lòng bàn tay cho nhau xem, cả hai đều thấy ghi một chữ “Hỏa” (hỏa công). “Mặt nước rộng có thể dùng hỏa công“, hai con người ấy đã tạo nên một trận chiến vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, đồng thời là kỳ tích ngàn đời khó gặp của binh gia.

Bày kế liên hoàn

Bản đồ trận chiến Xích Bích (Ảnh: Wikipedia)

Để chuẩn bị cho trận hỏa công quyết định của mình, Chu Du đã nhắm trúng nhược điểm của Tào Tháo mà bày ra liên hoàn kế. Trước hết, Du lợi dụng Tưởng Cán (đang là mưu sĩ dưới trướng quân Tào), bày kế ly gián, giả viết mật thư hẹn Trương Doãn, Sái Mạo làm tay trong phản Tào. Sau đó, Chu Du cố tình để bức thư ấy lọt vào tay Tưởng Cán.

Sau khi Tưởng Cán trở về doanh trại, vội tìm Tào Tháo mật báo chuyện này. Quả nhiên, Tào Tháo mắc mưu, xem thư nổi giận, quát võ sĩ mang hai người ra chém. Hai Đại tướng thủy sư đô đốc Kinh Châu dày dặn kinh nghiệm chết đi, Chu Du chính là người vui mừng nhất. Bởi ông hiểu từ đó trở đi quân Tào vốn không quen sông nước thủy chiến, căn bản không còn gây được bất kể khó dễ nào cho thủy quân Đông Ngô thiện nghệ.

Tiếp theo là kế trá hàng của Hoàng Cái. “Tam Quốc diễn nghĩa” miêu tả rất sinh động về chi tiết này. Hoàng Cái dùng khổ nhục kế, thân già chịu đòn roi, viết thư xin hàng Tào Tháo. Nhưng Tháo vốn không phải hạng dễ lừa, cho rằng đây là kế trá hàng của quân Ngô. Sau phải nhờ tài ăn nói của sứ giả đưa thư là Hám Trạch kế ấy mới vẹn toàn.

Mưu cuối cùng trong liên hoàn kế chính là dùng xích sắt cột chặt chiến hạm của Tào Tháo. Quân Ngụy phương bắc, vốn quen cung kiếm, cưỡi ngựa dàn trận trên bộ. Khi phải xuống vùng sông nước Giang Nam, binh sĩ đều không quen thủy chiến, các thuyền tròng trành, quân sĩ đều say sóng, nôn ra mật xanh mật vàng, sụt hết nhuệ khí.

Bàng Thống trong vai trò một gián điệp, sang sông đến tận trại Tào, khuyên Tào Tháo nên dùng xích sắt cột các thuyền lại với nhau để quân sĩ cưỡi ngựa tác chiến có thể như đi trên đất bằng. Tháo nghe theo, cho cột các chiến thuyền lại với nhau thành liên hoàn thuyền. Nhưng ông không ngờ được rằng, những sợi xích sắt kia cũng chính là dây thừng trói chặt quân Tào trong biển lửa mù trời Xích Bích.

Chu Du thông minh trác tuyệt, tính kế liên hoàn, từng bước từng bước lừa được Tào Tháo vào tròng. Còn Tào Tháo đã quá đắc ý sau khi chinh phục được cả một miền Hoa Bắc, không hề phòng bị, cuối cùng rơi vào thiên la địa võng mà vẫn tưởng rằng mình đang nắm đằng chuôi, vạn sự đủ đầy, chiến thắng trong tầm tay.

Nhưng Tào Tháo cũng không phải hạng tầm thường, bụng đầy mưu kế, cũng biết trông rộng nhìn xa. Trong tay Tháo lại có biết bao mưu sĩ tài giỏi cơ trí, lẽ nào đều mù quáng cả? Ý định dùng hỏa công để thay đổi cục diện cuộc chiến, lấy ít địch nhiều của liên minh Tôn – Lưu sớm đã được Tào Tháo nhìn ra. Bản thân họ Tào cũng là một cao thủ trong việc dùng hỏa công. Ở trận Quan Độ, Tháo dùng kế đốt cháy kho lương Ô Sào, chỉ một trận mà thổi bay 70 vạn quân Viên Thiệu, thống nhất phương bắc. Tào Tháo há lại không hiểu sức mạnh thần uy của lửa chăng?

Tào Tháo vốn biết rõ muốn đánh hỏa công thì cần phải mượn sức gió. Nhưng khi ấy đương là mùa đông giá rét, chỉ có gió Tây, gió Bắc thổi mạnh. Tào Tháo đóng thủy trại ở bờ Bắc, liên minh Tôn – Lưu đóng ở bờ Nam Trường Giang. Nếu Chu Du đánh hỏa công thì rõ là tự thiêu chính mình. Bởi thế Tào Tháo cho rằng liên quân Tôn – Lưu sẽ không dám manh động dùng lửa. Mà nếu không đánh hỏa công thì trận chiến này quân Tào chắc thắng đến mười phần. Tào Tháo yên tâm mở tiệc khoản đãi chư tướng ngay trên sông, uống say ca hát, càng không coi liên minh Tôn – Lưu ra gì, rất là đắc ý.

Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió Đông

Vách đá Xích Bích, tương truyền là nơi diễn ra trận đại chiến năm xưa (Ảnh: Wikipedia)

Khi đại chiến còn chưa nổ ra, Tào Tháo đã phái một đạo thủy binh ra khiêu chiến, vừa để biểu dương lực lượng, vừa là dò xét sức mạnh quân Ngô. Chu Du bèn tạm lui về phía sau, tránh mũi nhọn quân Tào khí thế đang hăng. Bất chợt khi ấy một cơn gió lớn nổi lên, thổi tạt lá cờ phất qua mặt Chu Du. Du giật mình thảng thốt, miệng phun máu tươi, gục xuống bất tỉnh.

Đang khi lâm trận đánh địch, chủ soái ngã bệnh, doanh trại quân Ngô trên dưới đều hoang mang, tinh thần dao động. Lỗ Túc, khi ấy làm tham quân, cũng buồn bực vô cùng, âu sầu phiền não, bèn đến tìm Gia Cát Lượng thỉnh giáo. Vừa nghe xong chuyện, Gia Cát Lượng cười lớn, tự tin tuyên bố rằng mình có thể chữa lành được bệnh cho Chu Du, bèn theo Lỗ Túc đến doanh trại thăm hỏi bệnh tình Đô đốc.

Gia Cát Lượng đến thăm hỏi. Chu Du hình dung tiều tụy, mỏi mệt, nói: “Đời người họa phúc chẳng lường, chỉ trong sớm tối mà thôi!“. Gia Cát Lượng cũng phụ họa theo: “Cũng như trời kia mưa gió bất thường, không thể lường trước được“. Du nghe nói tái mặt, rên khừ khừ, đoán là Khổng Minh đã biết ý nhưng cũng không nói gì vội.

Gia Cát Lượng sai người lấy giấy bút, viết lên đó 16 chữ rồi đưa cho Chu Du đọc, viết rằng: “Muốn phá Tào công, phải dùng hỏa công, muôn sự đủ cả, chỉ thiếu gió Đông“. Chu Du thấy vậy bèn đem chuyện khổ tâm ra kể hết, trong lòng không khỏi thán phục Khổng Minh là bậc thần nhân. Chính là Chu Du “bách mật nhất sơ” (trăm cái cẩn thận, một điều sơ sảy) nên mới vướng phải nỗi đau này. Muốn dùng hỏa công nhưng lại quên mất yếu tố mấu chốt nhất là hướng gió.

Trận gió lớn bất ngờ khi ấy đã khiến Chu Du sực tỉnh ngộ. Nó nhắc cho Chu Du biết lúc này đang là mùa đông, chỉ có gió Tây Bắc thổi mạnh, đánh hỏa công thì chẳng khác gì tự thiêu rụi mình. Du đổ sụp, tưởng như trời nghiêng đất lở, Thái Sơn sập ngay trước mắt, thành ra bệnh nặng không dậy nổi. Nếu chẳng có gió Đông Nam, mọi cơ mưu, kế sách của Chu Du sẽ đều tan thành bọt nước, hết thảy tâm huyết lao lực bấy lâu cũng trôi theo dòng Trường Giang mà đổ ra biển. Khi ấy quả thực là thành bại đột ngột chuyển dời chỉ vì một ngọn gió. Bất kể là xét về binh mã, địa thế hay thiên thời, tướng sĩ  Đông Ngô đều thua kém Tào quân. Chu Du làm sao mà không sinh tâm bệnh cho được?

Muốn biết Gia Cát Lượng giải tâm bệnh này cho Chu Du ra sao, mời quý độc giả đón đọc ở kỳ tới để hạ hồi phân giải. 

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Hữu Bằng biên dịch

Xem thêm: