Là nhân vật chính trong “Thi Công án”, một tiểu thuyết trinh thám rất thịnh hành cuối thời nhà Thanh, Thi Thế Luân được coi là 1 “Bao Công tái thế” với tài năng phá án như thần. Nhưng Thi Thế Luân cũng nổi tiếng xấu xí, xấu đến mức kỳ dị, xấu đến mức lưu danh sử sách. 

Trung Nguyên mênh mông, người đỗ tiến sỹ tuy không phải ai ai cũng “vai năm thước rộng thân mười thước cao”, nhưng từ lâu đã có quy định rằng, những người tướng mạo xấu xí thì không thể đọc sách làm quan. Vậy vì sao một vị quan lưu danh sử sách lại có tướng mạo xấu xí đến thế?

‘Mặt thú dạ người’

Thi Thế Luân là con thứ của đại tướng quân Thi Lang. Cha ông Thi Lang đã giúp Đại Thanh thu phục Đài Loan, lập công lớn nên được phong là “Tĩnh hải hầu”. Công tử thứ nhà họ Thi là Thi Thế Luân, nhờ phúc ấm cha ông, đã vượt qua các kỳ thi khoa cử, không chỉ được bổ nhiệm giám sinh, mà còn nhậm chức quan chính lục phẩm khi mới 26 tuổi.

Năm Khang Hy thứ 24, Thi Thế Luân đến nhậm chức tại Thái Châu, tỉnh Giang Tô (thuộc phủ Dương Châu, nay là thành phố Thái Châu). Ngay lần đầu yết kiến quan trên, quan trên thấy tướng mạo xấu xí “mắt lác, tay khoằm, chân thọt, miệng méo” của vị quan mới mà quên cả lễ nghi thể tống, che miệng cười phá lên.

Thi Thế Luân vẫn điềm nhiên an hòa: “Quan lớn cười do tôi xấu xí à? Mặt người dạ thú mới đáng ghét. Còn như tôi đây, mặt thú dạ người, có gì không tốt sao?”

Quả thực, khi ngẫm lại cuộc đời Thi Thế Luân, thì những kẻ tiểu nhân “kim ngọc bên ngoài, bại hoại bên trong” không bao giờ sánh được.

Bậc quan phụ mẫu

Vào những năm Khang Hy đời Thanh, quốc thái dân an, vạn tượng phồn vinh. Vùng đất Dương Châu lại là hòn ngọc một phương, nằm ở giao giới giữa Trường Giang và sông Đại Vận Hà nối kinh thành với Hàng Châu, thương nghiệp lưu thông không ngớt, thương nhân buôn muối vùng Lưỡng Hoài giàu nhất thiên hạ, lại là nơi “xuân có cá đao, hạ có cá cháy, thu có cua, vịt, đông có rau”. Năm đó vua Khang Hy 6 lần xuống Giang Nam, lần nào cũng ở lại Dương Châu. Có điều, vùng đất trù phú tiền lắm lương nhiều, quân sự, dân chính, việc to việc nhỏ, cũng ngàn đầu vạn mối.

Năm Khang Hy thứ 27, Giang Nam xảy ra thiên tai lụt lội lớn, Hoài An cũng vì thế mà kêu cứu. Vua Khang Hy điều từ triều đình xuống rất nhiều người đến Giang Nam đốc thúc tu sửa đê điều. Khâm sai đến từ Bắc Kinh còn đem theo mấy chục tùy tùng. Nhóm người này quấy nhiễu dịch trạm, vòi vĩnh nhân dân. Việc này đến tai Thi Thế Luân, ông bèn lập tức điều tra, điều tra rõ ràng rồi lập tức trừng trị, hoàn toàn không e sợ những quan to triều đình chống lưng cho nhóm người tác oai tác quái này.

Khu vực Hồ Bắc xảy ra bạo loạn, quân đội đóng ở Hồ Bắc không chống chọi được nên phải cầu viện triều đình. Hoàng thượng phái quân lính Lục Doanh rong ruổi ngày đêm tăng viện. Thái Châu là nơi viện binh phải đi qua, chịu trách nhiệm nặng nề cung cấp lương thảo cho quan binh. Làm thế nào để vừa cung cấp đầy đủ lương thảo quân nhu cho quan binh, lại vừa đảm bảo quan quân không quấy nhiễu nhân dân?

Viện quân vào Thái Châu, vô cùng bất ngờ khi thấy được đón tiếp “long trọng”: Lương thực và thức ăn ngựa được sắp đặt chỉnh tề hai bên đường, bên cạnh còn có rất nhiều nha dịch, tay cầm gậy xếp hàng hai bên. Ý nói rất rõ ràng rằng, lương thảo có sẵn ở trên đường, quan binh cứ tự ý lấy, nhưng an ninh của nhân dân thì quan binh không được động đến – những kẻ nhũng nhiễu nhân dân thì đã có gậy chờ sẵn. Theo cách này, quan binh hùng hổ cũng phải nhón chân nhón tay không dám vượt lôi trì một bước.

Thi Thế Luân không sợ khâm sai, cũng không sợ các lộ tướng quân đang thi hành quân vụ, chỉ sợ con dân của mình chịu khổ.

Tạo hình Thi Thế Luân trong phim “Kỳ án nhà Thanh”. (Ảnh dẫn theo nextmedia.com)

Ngôi đình “mỗi người một xu”

Vào năm Khang Hy thứ 35, cha ông là Thi Lang đổ bệnh rồi qua đời. Theo quy định của triều đình, các quan viên khi để tang cha sẽ phải nghỉ việc 3 năm. Lúc đó, Thi Thế Luân đã thăng quan làm tri phủ Giang Ninh (Nam Kinh). Nhân dân Giang Ninh nghe tin bèn lũ lượt đến nha phủ xin ông ở lại giữ chức, số người thỉnh cầu lên tới hơn vạn người. Quan trên của ông là tổng đốc Lưỡng Giang Phạm Thành Huân cũng dâng sớ, rằng Thi Thế Luân được nhân dân kính yêu, xin Hoàng thượng cho phép ông được ở lại nhậm chức thủ hiếu.

Ngự sử Hồ Đức Mại đã giúp ông giải vây. Hồ Đức Mại dâng sớ triều đình rằng: “Trăm thiện hiếu đứng đầu”, quốc gia có chế độ, không thể vì “dân kính yêu” mà trái quy định. Triều đình xuống chỉ, Thi Thế Luân mới được nghỉ việc thủ tang cha.

Nhân dân thấy không còn giữ ông lại được, bèn bàn bạc xây một ngôi đình để bày tỏ lòng nhớ ơn ông. Vì để biểu đạt tình cảm đối với quan phụ mẫu, dân chúng không yêu cầu nhiều tiền mà chỉ đề xuất mỗi người góp một xu. Trong vòng vài ngày, dòng người như nước chảy tranh nhau đến góp một xu xây đình. Chẳng mấy chốc, trước phủ thự Giang Ning có 2 ngôi đình, gọi là “Đình một xu”.

Không sợ cường quyền

Khi Thi Thế Luân nhậm chức Thuận Thiên Phủ doãn, một hôm đi trên đường, ông bỗng thấy cờ tiết phất phới, người ngựa huyên náo, ông cho rằng có vương công xuất hành, vội cung kính đứng ở bên đường chờ đợi. Đại đội người ngựa đi đến thì dừng lại, từ trong kiệu một người nhanh chóng bước xuống, thi lễ và hỏi: “Thi phủ doãn sao lại thế này?”.

Thì ra đó là đề đốc Thác Hợp Tề, người được vua Khang Hy sủng ái. Thi Thế Luân nghiêm giọng nói: “Chế độ quốc gia, các vương gia xuất hành mới có thể có kỵ binh hộ vệ, tôi cho là vương gia đến mới cung kính đứng chờ, không ngờ là ông!”.

Trái với chế độ thì phải trị tội, Thi Thế Luân lập tức viết sớ vạch tội, hoàn toàn không để ý đến Thác Hợp Tề vừa rồi còn cung kính với ông ta như vậy, làm Thác Hợp Tề run sợ liên tiếp tạ tội mới thôi.

Khi đương nhiệm tổng đốc tào vận, Thi Thế Luân đi Thiểm Tây cứu tế thiên tai, phát hiện số liệu kho dự trữ Thiểm Tây không đúng, thiếu hụt nghiêm trọng, bèn chuẩn bị dâng sớ báo cáo Hoàng thượng để vạch tội tổng đốc. Tổng đốc Xuyên Thiểm Ngạc Hải biết tin, trong lúc trò chuyện đã giả đò vô ý nói chuyện con trai Thi Thế Luân là Thi Đình Tường, rằng: “Đình Tường làm tri huyện ở Hội Ninh, sự việc chẳng ít đâu”.

Thi Thế Luân như không nghe thấy nói: “Từ khi tôi làm quan, đến tính mạng mình còn không để ý, với con, tôi còn sợ cái gì?”. Tấu chương của Thi Thế Luân trình lên, quan vận của Ngạc Hải kết thúc.

Tháng 5 năm Khanh Hy thứ 61, Thi Thế Luân tạ thế, an táng với cha ông Thi Lang ở quê nhà Phúc Kiến. Khi ông tạ thế, Hoàng đế Khang Hy đích thân viết chiếu thư, khen ngợi ông là “Thanh Thận Cần Lao” (Thanh liêm, cẩn thận, chuyên cần, chịu khó).

Nhân dân đã dùng hình thức độc đáo để kỷ niệm ông, sau khi Thi Thế Luân qua đời, trong dân gian xuất hiện một quyển tiểu thuyết “Thi Công án”, đã lấy các sự tích cả đời ông diễn dịch thành câu chuyện truyền kỳ ly kỳ khúc chiết (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Minh quân một đời, khai sáng ra bá nghiệp to lớn ngàn năm sáng soi, chính trị trong sáng, không ngừng thực thi nền chính trị dựa trên đức trị, thế là thanh quan cũng xuất hiện nườm nượp không ngớt, những hiền thần trung quân ái quốc này, chính là xương sống của bá nghiệp.

Thi Thế Luân làm quan Giang Nam, Tổng đốc Lưỡng Giang đầu tiên là Phó Lạp Tháp, sau là Phạm Thừa Huân, Tuần phủ Giang Tô là Tống Lạc, đều là quan tốt liêm khiết có năng lực. Trong đền thờ Phó Lạp Tháp ở Vũ hoa đài Giang Ninh có biển do Khang Hy viết: “Lưỡng Giang di ái” (vùng Lưỡng Giang yêu mến), ông cũng lấy lại sự công bằng cho Thi Thế Luân.

Phạm Thừa Huân “Thế tế kỳ mỹ” (Truyền đời làm việc tốt đẹp) là con cháu của Phạm Trọng Yêm, ông đã dâng thư xin lưu chức Thi Thế Luân. Tống Lạc nhậm chức tuần phủ Giang Tô, 14 năm như một ngày, Khang Hy làm thơ tặng: “Cửu nhiệm phong cương sự, Tô Đài tịnh điểm trần” (Coi việc chốn biên cương, Tô Đài sạch bụi trần). Được Hoàng thượng giáng ân, được quan trên biết đến, Thi Thế Luân mới thành tựu thanh danh.

Vu Thành Long “thanh liêm bậc nhất” là tiền bối của Thi Thế Luân. Cùng xuất thân là quan địa phương, cùng giữ thân thanh bạch, cùng làm quan ở Giang Nam – vùng đất giàu có nhất  lịch sử đã ghi chép họ cùng với nhau. “Thanh sử cảo” khen: “Thành Long, Thế Luân danh tiếng vang lừng, khắp thôn xóm ngõ ngách đều ca tụng công tích, lâu rồi vẫn không thay đổi”.

Nhân dân đã dùng hình thức độc đáo để kỷ niệm ông, sau khi Thi Thế Luân qua đời, trong dân gian xuất hiện một quyển tiểu thuyết “Thi Công án”, đã lấy các sự tích cả đời ông diễn dịch thành câu chuyện truyền kỳ ly kỳ khúc chiết. Mở đầu tiểu thuyết đó khen rằng:

Thi Công quan ấy rất thanh liêm,
Phụng công vô tư chẳng sợ quyền.
Tấu trình trăm trang ngày ngày xét,
Chẳng động tình riêng chẳng thích tiền.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch

Xem thêm: