Chuyên mục Nghệ Thuật thời báo Đại Kỷ Nguyên dành tặng quý độc giả những dòng cảm xúc tinh khôi do những em nhỏ viết lên. Những cảm xúc gợi lên ký ức về một tuổi thơ ngọt ngào, như hành trang thiện lành quý giá giữa cuộc sống bộn bề, nhiều âu lo.

Tuổi thơ như hạt sương đọng trắng tinh khôi trong ánh nắng ban mai. Bởi trong cái tuổi hồn nhiên ấy, chẳng có so đo tính đếm lợi ích cá nhân, chẳng có được mất, sẵn sàng hết mình giúp bè bạn. Cái thời áo vá chân trần hồn nhiên vô tư lự quên cả đất trời. Thời “trẻ trâu” ngày ấy, nào có cái gì quá đỗi quan trọng, chẳng có điều chi khiến chúng ta phải nhăn mặt cau mày.

Có lẽ vì vậy mà ai cũng ước ao được trở về giây phút hạnh phúc trẻ thơ, như trở về dòng suối mát nơi nguồn cội.

Từng sống tháng năm tuổi trẻ hết mình
Như áo vá chân trần thời chăn trâu cắt cỏ
Ôi một thời hồn nhiên – Một thời quá khứ
Cho nâng niu ta được sống hai lần…

(Gặp lại bạn thời cắt cỏ chăn trâu- Nguyễn Trọng Đồng)

(Ảnh: Pinterest.com)

***

Nỗi niềm của cây lúa – Tác giả Thu Hoa (13 tuổi)

Mùa xuân đã đến. Trên cánh đồng, trong lúc các chị lúa Nếp Hương khoe với nhau những tấm thân thon thả, những cánh tay mềm mại thì Nông Nghiệp 8 buồn lắm. Nó thấy tủi thân. Nó oán trách ai đã đem cấy nó vào đây, không biết vô tình hay hữu ý. Rồi nó lại tự giận mình có vóc người lùn tịt và béo mập. Nhưng lắm lúc nó cũng lại tự an ủi: “Chả lo. Cứ ăn khỏe là mình sẽ xinh xắn ngay”. Từ đó, nó ra công chọn các thức ăn thật quý còn ẩn kín trong đất. Khốn thay, người nó cứ to bè. Chỉ có tấm áo là trông đẹp đẽ hẳn.

Mỗi lần nhìn lên trời cao, nó lại thấy tay mình. Những cánh tay giơ cao, thẳng đuột, trông chả “con gái” một chút nào. Trong đêm khuya, lúc mọi người thỏa sức uống sương đang sa xuống thì nó phải chịu đứng im, thèm muốn. Tay nó nhọn và sắc quá.Hạt sương vừa chạm phải đã phải nhảy vội ra ngoài. Nó cảm thấy mình xấu hơn khi trong bụng ôm ấp lứa con đầu tiên. Bụng nó mỗi ngày một căng to làm cái áo hóa chật. Nó phải kéo mãi, kéo mãi hai tà áo mới khin khít được. Nó thấy ngượng.

Cuối cùng, nó cũng sinh được đàn con kháu khỉnh. Dạo này, nó bận rộn hẳn. Làm gì cũng phải gượng nhẹ. Mấy đêm liền thức trắng, nó khâu được những cái mũ thóp bé tẹo, có dính tua hoa khá dài ở một bên cho đàn con. Nó gầy đi nhiều. Nhưng nó rất vui khi ngắm những bé thóc béo tròn. Thời gian trôi nhanh quá! Nó lại phải khâu hàng loạt áo vàng tươi và mỏng dính cho các con.

Cây lúa ra hoa, rồi những hạt non sẽ ngậm sữa, hút dưỡng chất trong đất mà lớn lên. (Ảnh: Growmorex.com)

Mùa hè đã tới. Trong những trận sấm rền, Nông Nghiệp 8 tha hồ mà tắm. Thân hình nó thon thả hẳn. Nó thấy mình trẻ, đẹp và hạnh phúc vô cùng.

Trên cao, các chị Nếp Hương cũng sinh được những đàn con. Trông chị nào cũng khẳng khiu và hay thở dài.

Rồi, một đêm… Trời đang sáng trăng bỗng tối sầm. Mưa trút nước ào ào. Gió gào ràn rạt. Các chị Nếp Hương hoảng hốt ngã dúi dụi vào nhau. Nhưng Nông Nghiệp 8 can đảm hơn. Những bàn tay xinh xinh của nó cố dang rộng, che chở cho các con. Trong đêm tối, nó vẫn đứng thẳng lên, trông đẹp lạ!

Sáng hôm sau, các chị Nếp Hương được bà con nông dân nâng dậy. Hàng trăm ánh mặt cảm phục trìu mến nhìn Nông Nghiệp 8. Sung sướng quá, nó chỉ biết ôm con vào lòng, ru chúng ngủ bằng giọng hát êm đềm thiết tha.

Bãi biển Đồng Châu quê hương tôi – Tác giả Phúc Linh (12 tuổi)

Chiều tối, chúng tôi ra chơi ngoài bãi biển. Nắng đã nhạt, mặt biển chỉ còn đọng lại một lớp ánh vàng rất mỏng. Những con le le màu nâu sẫm đang ăn chụm lại thành từng đàn. Chợt thấy người, chúng bay lên chỉ để lại những tiếng kêu xao xác và những dấu chân xinh xinh in trên cát.

Những con còng biển còn mang tên còng gió, vì khẽ chạm chúng chạy như bay như biến trên bãi cát phẳng lỳ. (Ảnh: WordPress.com)

Ngoài xa, những con sóng hiền hòa như những nốt nhạc dào dạt vỗ vào bờ. Đứng trên bãi biển này, tôi mới hiểu thì ra lúc trời yên, biển hiền hòa dịu dàng đến thế! Nước biển Đồng Châu màu hồng nhạt chứ không xanh như nước biển Hạ Long. Có lẽ nó còn mang theo màu phù sa của bờ bãi sông Hồng. Lúc còn ở trên xe, tôi cứ hình dung biển hung dữ lắm. Sóng biển phải to như những dãy nhà ấy chứ. Mấy chúng tôi thả bộ trên bãi biển. Cát mịn dưới chân. Sóng rì rào như kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của những cây sú, cây vẹt sai trĩu quả đang đứng hiên ngang chắn sóng cho làng.

Rồi trăng lên! Trăng như từ mặt biển bay lên, tòa ánh sáng dịu dàng. Gió từ biển thổi vào mát rượi. Mang theo cả hơi muối mặn của đại dương. Cả chúng tôi vừa cười khanh khách vừa đuổi theo những con còng đỏ như lửa đang cố chạy trốn thật mau. Những con dã tràng miệt mài xe cát. Những viên cát tròn, nhỏ như hạt ngọc màu nâu…

Biển chiều quê hương đẹp biết bao. Tôi yêu giây phút đứng trên bãi biển nghe ngân nga sóng vỗ và dịu dàng gió thổi.

Tuổi thơ cánh diều bay cao. (Ảnh minh họa/Luc Forsyth)
Tuổi thơ lộng gió cho cánh diều bay cao. (Ảnh minh họa/Luc Forsyth)

Buổi đầu tôi đi gặt – Tác giả Ngọc Châu (15 tuổi)

– Châu ơi, mai con đi gặt nhé!

Câu nói ấy của mẹ tôi đối với các bạn nhỏ tuổi ở xóm tôi là chuyện thường nhưng đối với tôi thì “hệ trọng”.

Tôi là con út. Bố tôi và các anh, các chị đều đi công tác xa, chỉ còn mẹ tôi, tôi và anh Hùng ở nhà. Ở nông thôn nhưng tôi được cưng chiều và sống như các bạn ở thành phố. Sau nửa ngày đi học, tôi chỉ về nhà đọc sách và thổi cơm. Tôi không ra đồng bao giờ. Bắt cua, mò ốc, tát cá, những việc đối với học sinh nông thôn vừa là công việc, vừa là thú vui, nhưng tôi không biết làm.

Tôi chưa kịp trả lời thì mẹ tôi tiếp:

– Đi làm cho quen con ạ. Xong vụ này anh Hùng vào đại học, ở nhà con phải phụ việc đồng áng với mẹ chứ!

– Vâng, mai con đi gặt với mẹ, tôi đáp vội vì sợ mẹ tôi buồn.

Từ lúc đó, tôi cứ hồi hộp, lo lắng. Tôi vào trong buồng tìm bộ quần áo cũ để mai mặc đi gặt.

Tháng 5, mùa lúa chín vàng ươm chờ tay người gặt trên đồng. (Ảnh: baothuathienhue.vn)
Tháng 5, mùa lúa chín vàng ươm chờ tay người gặt trên đồng. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Ba mẹ con tôi quẩy quang gánh ra đồng lúc trời vẫn còn mờ tối. Tôi cứ tưởng mẹ gọi dậy quá sớm. Nhưng ra đường làng tôi đã thấy rất đông người. Họ cười nói râm ran. Tôi nhận ra giọng nói của mấy đứa bạn. Cái Nga lanh chanh, cái Liễu nói oang oang, cái Oanh gầy trong trẻo, tiếng thằng Tuấn láu cá thì nhanh và hay gây cười. Tôi nghĩ: “Thế nào chúng nó cũng ngạc nhiên thấy mình đi làm đây”.

Tôi đã không nhầm. Trông thấy tôi, cái Liên đã nói to.

– Chà, nay đi gặt cơ à?

Thế là chúng nó ở đâu xúm lại:

– Ối giời ơi, đến mưa mất!

– “Nhà văn” đã đi thực tế kìa!

Nghe chúng nó đùa như vậy, tôi vừa vui vừa xấu hổ.

Từ lúc vào ruộng lúa, bước chân của tôi cứ xiêu vẹo. Tôi đi trên bờ ruộng mà như đi trên chiếc cầu tre nhỏ vắt vẻo qua sông, hai tay tôi luôn phải giơ lên giữ thăng bằng. Đôi lúc tôi chúi về phía trước và suýt ngã xuống ruộng.

Tôi đứng trước ruộng lúa chín rộ đầy ắp như một mâm xôi mà không biết bắt đầu từ đâu. Mẹ tôi chỉ cho tôi chỗ đứng, dặn dò cẩn thận kẻo cắt vào tay.

(Ảnh: Pinterest)

Sau trận mưa rào, ruộng ì ũm những nước, tôi bước chân xuống, một tiếng “ọp” gọn lỏn phát ra và tia nước đục ngầu phụt lên làm bẩn quần áo tôi. Tôi cười ngượng nghịu.

Mẹ tôi và anh Hùng đã mở được một lối bằng cái nia. Chiếc liềm sắt cong cong như mảnh trăng đầu tháng mẹ tôi đưa nhanh thoăn thoắt. Tiếng cắt lúa nghe ngọt xớt.

Tôi cúi xuống đưa lưỡi liền sát gốc rạ. Tôi tưởng liềm của mình cũng sẽ xén băng băng, nào ngờ cứa đến bốn phát gốc lúa vẫn không đứt. Tai tôi nóng lên và sợ mẹ tôi trông thấy. Nhưng mẹ đã biết điều ấy.

– Mẹ… mẹ, hình như cái liềm nó cùn ấy.

Tôi nói chữa thẹn vậy chứ cái liềm của tôi sắc nhất. Mẹ ân cần bảo:

– Con vòng cái liềm ra gốc rồi giật mạnh chứ đừng cứa cứa như kéo cưa, chậm lắm.

Tôi làm theo lời mẹ cắt xoẹt từng gốc lúa rất ngọt. Dần dần tôi cắt nhanh hơn trước nhưng vẫn bị tụt lại sau mẹ và anh Hùng. Thỉnh thoảng mẹ phải lùi lại gặt trợ giúp. Mẹ còn hướng dẫn tôi cách để lúa cho gọn bông, dễ xén, không rơi rụng, gối đầu lúa lên rạ cho khỏi ướt bông.

Mới gặt được một lúc mà lưng tôi mỏi nhừ, mặt nhễ nhại mồ hôi. Tôi bước những bước xiêu vẹo, khó nhọc, mỗi bước đi nước cứ vọt tung làm ướt thêm quần áo. Một lúc sau thì tay tôi không muốn cắt nữa. Biết tôi đã mệt, mẹ giục tôi lên bờ nghỉ trước.

(Ảnh: Pinterest)

Tôi lên bờ ngồi bên gốc cây cầm cái nón quạt lấy quạt để. Một lúc sau, mẹ tôi và anh Hùng gánh lúa lên đặt tạm xuống bờ mương. Tôi cầm nón quạt cho mẹ. Anh tôi rót nước mời mẹ. Mẹ uống nước, những giọt mồ hôi ròng ròng, nhỏ vào bát nước chè xanh. Mặt mẹ đỏ sạm vì nắng.

Chiếc nón trên tay, tôi bỗng dừng lại, tôi nhìn mẹ thấy trong cổ mình có một cái gì nghèn nghẹn. Tự nhiên, tôi thấy mình có lỗi, đây là lần đầu tiên tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả của mẹ và bà con quê tôi để làm ra hạt lúa.

Tôi kể lại chuyện này khi tôi đã trở thành một “thợ gặt” có tay nghề khá. Thế nhưng hình ảnh về buổi đầu làm việc nhà nông ấy vẫn in đậm trong tôi.

Hà Phương (T/H)