Nét đặc sắc trong tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung là, luôn có sự hoà trộn giữa tình tiết hư cấu với lịch sử chân thực, giống như câu “thay giả thành thực thì thực lại biến thành giả, vô vi cũng biến thành hữu vi”.

Ví dụ như tình tiết Thành Cát Tư Hãn chinh phục các quốc gia Trung Á trong “Anh hùng xạ điêu”, giao tình giữa triều Minh và những quốc gia Đông Nam Á trong “Bích huyết kiếm”, Ba Tư Minh giáo lưu truyền tại Trung Thổ trong “Ỷ thiên đồ long ký”, hay hòa thượng hành y tới Trung Hoa trong “Thần điêu đại hiệp”.

Câu hỏi đặt ra là, nếu nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung cũng bắt nguồn từ nguyên mẫu lịch sử, thì họ là ai?

Nhân vật thứ nhất: Quách Tĩnh

Bắc Hiệp Quách Tĩnh. Ảnh minh họa (theo youtube.com)

Là nhân vật nam chính trong “Anh hùng xạ điêu”, Quách Tĩnh có tính cách khá đơn thuần. Ông là người trọng tình trọng nghĩa, có tinh thần nghĩa hiệp mà người Á Đông luôn ca ngợi. Ông không chỉ là người trượng nghĩa theo hơi hướng Nho gia, mà còn là bậc trượng nghĩa nhất trong tất cả các đại hiệp. Điều này hoàn toàn nằm ở sức mạnh trong nhân cách của ông.

Trong “Anh hùng xạ điêu”, Kim Dung đã miêu tả rất nhiều cảnh quang hoành tráng, trong đó có khá nhiều phần phù hợp với lịch sử. Nhưng về câu chuyện tình giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung thì đa phần là hư cấu.

Theo khảo sát thì trong lịch sử cũng có nhân vật tên là Quách Tĩnh. Cuốn “Quách Tĩnh: Truyện trung nghĩa 4 trong Tống Sử” ghi chép rằng:

“Quách Tĩnh là một thủ lĩnh bảo vệ lãnh thổ tại khu vực Gia Lăng Giang, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1207, khi Ngô Hy, quan viên dưới triều Tống đầu hàng nước Kim, ông bèn bỏ hết nhà cửa đất đai, dẫn theo người già và con trẻ chạy men theo sông Gia Lăng. Ngô Hy bèn cử quân lính chặn lại, muốn đuổi người dân về nhà. Quách Tĩnh thấy cảnh này thì vô cùng tức giận, nói với Quách Đoan là em trai mình rằng:

“Gia đình ta đời đời đều là con dân của Đại Tống. Từ khi người Kim xâm lược biên giới của ta, hai anh em ta không thể chết để báo quốc, ngược lại còn phải chạy đi lánh nạn. Hiện giờ còn bị Ngô Hy đuổi về, ta không muốn vứt bỏ mũ áo của người Hán. Ta thà chết cũng phải ở nơi này, làm ma của vương triều họ Triệu”. Thế là ông nhảy xuống sông tự sát”.

Hình tượng Quách Tĩnh chính nghĩa ngút trời và hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết là giống hệt nhau, chỉ có điều nhân vật nghĩa hiệp này qua đời quá sớm. Có một điều khác là hơn mười năm sau khi ông chết, Thành Cát Tư Hãn mới dẫn quân chinh phạt phía Tây.

Do đó, Quách Tĩnh ngoài đời không hề oai phong lẫm liệt như Quách Tĩnh dưới ngòi bút của Kim Dung. Do đó công lao chinh chiến gian khổ khi đại quân Mông Cổ chinh phạt về phía Tây lại là điều hư cấu, còn nhân vật Hoàng Dung chỉ là hư cấu, là nhân vật giàu sức sống mà Kim Dung tạo ra để dựng nên một chuyện tình lãng mạn.

Nhân vật thứ 2: Trương Vô Kỵ

Trương Vô Kỵ là nhân vật nam chính trong “Ỷ thiên đồ long ký”. Ông sinh ra tại đảo Băng Hỏa, là con trai của Trương Thúy Sơn, một đệ tử của Trương Tam Phong trên núi Võ Đang và Ân Tố Tố, con gái của Ân vương Bạch My, nghĩa phụ của ông là Tạ Tốn. 

Khi chưa đầy 10 tuổi, Trương Vô Kỵ sống cùng cha mẹ và nghĩa phụ ở đảo Băng Hỏa, sau này mới theo cha mẹ về Trung Nguyên. Nhưng Trương Vô Kỵ không may trúng phải thần chưởng Huyền Minh của nhị lão Huyền Minh, ngay cả Trương Tam Phong cũng phải bó tay. Hồ Thanh Ngưu, thần y của Minh giáo cũng không cách nào trị được căn bệnh kỳ lạ này.

Nhờ sự giúp đỡ của Tiểu Chiêu, Trương Vô Kỵ đã luyện thành chưởng vận chuyển Càn Khôn, đồng thời ông còn giúp Minh giáo giải quyết mối nguy bị 6 đại môn phái vây thành tấn công trên đỉnh Quang Minh. Trong tình hình khẩn cấp, mọi người đều ủng hộ ông làm giáo chủ của Minh giáo, cuối cùng Chu Nguyên Chương lại mưu phản. Trương Vô Kỵ nhìn thấu quyền thế cõi thế gian và rời xa Minh giáo, cùng với Triệu Mẫn sống cuộc sống hạnh phúc như cõi Thần Tiên. 

Trương Vô Kỵ giúp Minh giáo giải quyết mối nguy bị 6 đại môn phái vây thành tấn công trên đỉnh Quang Minh. Ảnh minh họa (theo youtube.com)

Rất nhiều người đều biết rằng, trong “Ỷ thiên đồ long ký”, triều đình nhà Minh là do Chu Nguyên Chương mượn thế lực của Minh giáo đánh bại. Sau khi Chu Nguyên Chương đăng cơ ông đã đàn áp Minh giáo tới mức Minh giáo phải tiêu vong. Rất nhiều người cũng cho rằng: Nhân vật Trương Ngô Kỵ trong “Ỷ thiên đồ long ký” chỉ là hư cấu, tới mức họ còn suy luận rằng thuyết Minh giáo của Trương Vô Kỵ cũng chỉ là thứ hư vô mà thôi. 

Nhưng trong thế giới văn sử ngày nay lại có một nhận định phổ biến rằng, đã từng xuất hiện Minh giáo trong lịch sử. Sau khi Chu Nguyên Chương xưng đế không lâu, vì lo sợ những tổ chức tôn giáo bí mật sẽ trở thành mối nguy hại cho sự thống trị của mình nên đã hạ chiếu hủy diệt tôn giáo. Minh giáo cũng bị liên lụy, bị suy yếu và cuối cùng dẫn tới diệt vong. 

Kết quả nghiên cứu của các học giả những năm gần đây cho thấy, Chu Nguyên Chương và Bạch Liên giáo có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Những giáo phái cùng Chu Nguyên Chương phản lại nhà Nguyên đã hấp thụ rất nhiều lễ nghi trong giáo nghĩa của Minh giáo, trong đó có người tự xưng là người của Minh giáo. Minh giáo đã được các nhà lịch sử học thừa nhận dựa trên những căn cứ lịch sử. Vậy trong lịch sử có thực sự từng xuất hiện Trương Vô Kỵ không? Câu trả lời là có. 

Trương Vô Kỵ trong lịch sử là lãnh tụ của đội quân khăn đỏ tại phương Bắc cuối thời nhà Nguyên. Cha ông là giáo chủ Bạch Liên giáo. Sau khi cha hy sinh vì khởi nghĩa thất bại, ông và mẹ chạy tới Hàng Châu, sau đó sống trên đảo Cư Đãng, Đông Hải. 15 năm sau (năm 1355) ông được Lưu Phúc Thông đón về Hào Châu (là huyện Hào, tỉnh An Huy ngày nay), dựng nên chính quyền nhà Tống. Ông đổi tên thành Nguyên Long Phụng và xưng đế, lấy hiệu là “Tiểu Minh Dương”.

Dương Tiêu và Phạm Dao làm tể tướng hai bên tả hữu. Lưu Phúc Thông, La Văn Tố làm quan Biền Chương (tương đương với quan Thượng Thư). Lưu Lục cai quản Khu mật viện (tương đương với Thái Úy). Chẳng bao lâu sau Lưu Phúc đã giết Dương Tiêu, tự xưng là thừa tướng và tấn phong cho mình làm Thái Bảo. Lưu Phúc thay đổi phân khu hành chính, giao cho Mao Quý, Triệu Quân Dụng, Chu Nguyên Chương cai quản các bộ. Sau đó ông cử 3 đội quân đường bộ đánh về phía Bắc. Tháng 5 năm Long Phụ thứ 5 (năm 1359) thì rời đô về Biện Lương (Nay là phủ Khai Phong, tỉnh Hà Nam). Tháng 8 thì rút về An Phong. Tháng 2 năm thứ 9, Trương Sỹ Thành lệnh cho Lã Trân công phá An Phong, Chu Nguyên Chương dẫn quân giải vây, đón ông về Trừ Châu. Năm thứ 12 thì bị Thường Ngu Xuân, tướng lĩnh của Chu Nguyên Chương dìm chết ở sông Qua Bộ.

Nhân vật thứ 3: Đoàn Dự

Đoàn Dự là nhân vật trong “Thiên long bát bộ”. Thuở thiếu thời Đoàn Dự là con trai của Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần nước Đại Lý, không may lạc vào nơi tiên cảnh “Lang Hoàn Phúc địa” tại Vô Lượng Sơn. Trong động có một pho tượng ngọc, nhờ đó Đoàn Dự đã học được ngón võ “Lăng Ba Vi Bộ” và “Bắc Minh Thần Công”. Sau này Đoàn Dự lần lượt kết nghĩa với Tiêu Phong và Hư Trúc. Sau khi Tiêu Phong tự sát, Đoàn Dự trở về Đại Lý cùng với 3 cô nương là Hòa Chung Linh, Mộc Uyển Thanh, và Vương Ngữ Yên.

Trong “Buổi tọa đàm của Kim Dung và độc giả”, khi nhắc tới tác phẩm của mình, tác giả chia sẻ: “Nếu được chọn đóng một vai trong tiểu thuyết của tôi thì tôi muốn đóng Đoàn Dự trong Thiên long bát bộ. Con người Đoàn Dự không có sự bá đạo của quyền thế, cậu ấy thường lưu lại đường lui cho người khác”.

Quả thật, Đoàn Dự không hề mang theo tâm kế cõi thế tục, lúc nào cũng ngây thơ, vui vẻ mà thông tình đạt lý. Trên khuôn mặt tuấn tú đó vĩnh viễn không bao giờ có vẻ lạnh lùng tàn khốc thường gặp tại cõi hồng trần. Nói đến si tình, thì Đoàn Dự là người si tình số một trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.

Trên khuôn mặt tuấn tú Đoàn Dự không bao giờ có vẻ lạnh lùng tàn khốc thường gặp tại cõi hồng trần. Ảnh minh họa (en.wikipedia.org)

Vậy Đoàn Dự trong lịch sử là người như thế nào? Đoàn Dự tên thực là Đoàn Chính Nghiêm, tên tự là Hòa Dự, sinh năm 1108 (Năm Chính Hòa thứ 6 thời Tống Huy Tông). Ông đã trị vì 39 năm, được người đời nức tiếng ngợi khen. Ông lấy việc bảo vệ biên giới, an dân và phát triển địa phương làm chính sách chủ đạo, sau đó thoái vị xuống tóc đi tu. Khi xuống tóc Đoàn Dự lấy hiệu là Tuyên Nhân Đế.

Ông xác thực là con trai của Đoàn Chính Thuần. Hồi thứ 49 của “Thiên long bát bộ” cũng nhắc tới bối cảnh lịch sử này. Tống Triết Tông đã làm hoàng đế 9 năm, tức là vào năm 1094 sau công nguyên (năm Thiệu Thánh Nguyên dưới thời Tống Triết Tông), ông đã tuyên bố thoái vị làm hòa thượng. Thiện Mân Hầu và Cao Thăng Thái cướp ngôi, lấy hiệu là “Đại Trung”.

Nhưng trong sách lại nói rằng Đoàn Dự kế vị ngai vàng. Thực tế là vào năm Đại Quan thứ 2, thời Bắc Tống Huy Tông (tức năm 1107 sau công nguyên) Đoàn Dự đã tiếp nhận vương vị của Đoàn Chính Thuần, quốc vương đời thứ 16 của nước Đại Lý, mãi cho tới năm Thiệu Hưng 17, (tức năm 1147 sau công nguyên) Nam Tống Cao Tông đã nhượng ngôi vào chùa đi tu. Ông đã trị vì 39 năm và là vị quốc vương có thời gian tại vị dài nhất trong các vua của triều Đại Lý. Sau khi tạ thế ông lấy hiệu là Tuyên Nhân hoàng thượng.

Đoàn Dự cũng là một vị vua có nhiều thành tích nổi bật. Ông hiểu rằng việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với triều Tống là kế sách trị quốc căn bản. Dù mối quan hệ giữa triều Tống và nước Đại Lý có phần xa cách do phương châm “không coi trọng nơi xa” của Tống Thái Tổ, nhưng Đại Lý vẫn luôn xưng thần với nhà Tống. Đoàn Dự vô cùng coi trọng việc thắt chặt mối quan hệ với nhà Tống. Hàng năm ông đều cống nạp những đặc sản của Đại Lý như ngựa tốt, nhũ hươu, cao bò, thảm lông. Ông còn cử cả thầy ảo thuật tới triều Tống biểu diễn. Do vậy ông được Tống Huy Tông đáp lễ, sắc phong cho ông là Đại Phu Kim Tử Quang Lộc, tiết độ sứ Vân Nam và quốc vương Đại Lý.

Nhân vật thứ 4: Tiêu Phong

Một người được coi là hảo hán là phải có đầy đủ 5 tiêu chuẩn sau đây:

Một là bản lĩnh cao cường. Trong mắt người Trung Quốc thì đây là điều kiện tiên quyết của một hảo hán.

Hai là tửu lượng phải tốt. Mặc dù điều này có vẻ hoang đường, thậm chí là ấu trĩ, nhưng tửu lượng vẫn luôn là năng lực tất yếu của bậc hảo hán tại Trung Quốc. Từ Liêm Pha thời Tiên Tần tới Hạng Vũ, Quan Vũ, tam hiệp phong trần, hảo hán Lương Sơn sau này, có thể nói tửu lượng và sự độ lượng đã trở thành tiêu chuẩn trực tiếp để phân định đẳng cấp.

Ba là trọng tình, trọng nghĩa, trọng lời hứa. Đây là điều tất yếu, thậm chí đôi khi vì tình, vì lời hứa mà làm những việc trái với đạo lý, cũng có thể được tha thứ.

Bốn là không được gần nữ sắc.

Năm là không sợ sinh tử. Một bậc hảo hán quyết không được sợ chết, thậm chí biết rõ là sẽ chết nhưng họ vẫn làm.

Tiêu Phong trong “Thiên long bát bộ” chính là một điển hình về bậc anh hùng hảo hán trong tư tưởng truyền thống của người Trung Quốc. Mặc dù câu chuyện Tiêu Phong lớn lên ở Đại Tống là hư cấu, nhưng Tiêu Phong bình phản và được phong làm Nam Viện Đại Vương lại là chuyện có thực.

Tiêu Phong trong “Thiên long bát bộ”. Ảnh (zh.wikipedia.org)

Vậy trong lịch sử, hình tượng chân thực của Tiêu Phong như thế nào?

Tiêu Phong (1030-1065) là đại thần nhà Liêu, người bộ Ất Thất, Khiết Đan. Sau khi Đạo Tông kế vị, ông làm quan thái bảo Lịch Văn Ban, và Đồng tri (tổng quản) Khu sự mật viện. Vào năm Trùng Hy thứ 17 (năm 1048) ông theo Gia Luật Nhân Tiên thảo phạt bộ Trở Bốc, phá tan bộ này. Năm Trùng Hy thứ 18, ông thảo phạt bộ Địch Liệt và làm tiết độ sứ bộ Địch Liệt. Năm thứ 20 (năm 1055), ông làm Đồng tri (tổng quản) phụ trách công việc tại Nam Viện Tuyên Huy, rồi rời về Lâm Nha ở phía Bắc.

Được yên bình 9 năm ông mật tấu rằng hai cha con Gia Luật Trùng Nguyên mưu phản, nên đuổi họ tới Bắc Mạc, buộc Trùng Nguyên phải tự sát. Nhờ lập công mà Tiêu Phong được phong làm đại vương Nam Viện, vào năm Hàm Ung thì ốm chết. Liêu Đạo Tông ban tên cho ông là Hiệu Văn Trung, và truy phong ông làm Liêu Tây Quận Vương.

Nhã Văn biên dịch

Xem thêm: 

Từ Khóa: