Mỗi dịp đón Tết Nguyên Đán, chúng ta thường nhắc đến Tết xưa:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Tết ngày xưa là vậy đấy. Phải có đủ những vật trên thì mới gọi là Tết. Thiếu một trong những thứ này, hẳn là Tết xưa sẽ thiếu vui. Thế nhưng, hầu hết những sự vật này đối với con cháu ngày nay, họ đều không có gì phải quan tâm. Chính phương tiện khoa học và lối sống hưởng thụ tăng trưởng đã cho người ta tôn sùng vật chất nên mọi giá trị xưa, những phong tục xưa được nhét vào đâu đó, đôi khi lại còn cho đó là mê tín. Ngày ngày người ta cứ quẳng vào trong thùng rác những cái ngày xưa cho là giá trị hiển nhiên mà chẳng thương tiếc.

cay neu 1

Nói tới “thịt mỡ, dưa hành” là người ta ngán tận cổ. Đâu biết rằng, người xưa quanh năm sống đạm bạc với canh rau muống, cà dầm tương, Tết đến, mới mổ thịt lợn, chia nhau í ới cả sân đình. Cũng nên nhớ thịt ngày xưa là thịt 100% không có “tăng trọng dược” cùng đủ các thứ hóa chất gây ung thư như bây giờ. Các sản phẩm thịt hôm nay không cần đợi đến Tết mới có, nó ê hề trong siêu thị hàng ngày. Nó chật hết các ngăn tủ lạnh. Nó làm cho mấy đứa trẻ mở lồng bàn là biết… sợ!

Mình vẫn nghĩ những gì thái quá chẳng có hay ho gì. Nếu nhớ không nhầm thì bác sỹ Nguyễn Khắc Viện cách đây hàng chục năm đã cảnh tỉnh lối sống hưởng thụ của người Tây: Thay vì họ mua 1 cái áo thì họ đưa về 1 tá 12 chiếc. Rồi sau một thời gian hết mốt, cả 12 chiếc áo đều bị vứt đi….

“Câu đối đỏ” đã thực sự vắng bóng ngay khi văn minh Tây thâm nhập vào nước ta không lâu. Nó để lại một bài thơ bất hủ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên.

Nếu ai biết những ngày sắp Tết các cụ đồ bận rộn thế nào. Những cột nhà bức vách cả một năm bụi bặm, đen bẩn bây giờ trang trọng những chữ Thánh Hiền. Người ta đọc cho nhau, gật gù với những hàm nghĩa Đạo Đức của con chữ. Như bài thơ “Tết dán câu đối” của Tú Xương đã gợi về câu đối ngày Tết xa xưa như thế này:

“Nhập thế cục bất khả vô văn tự

(Bước vào đời không thể nào không có văn chương chữ nghĩa)

Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài

Huống thân danh đã đỗ tú tài

Ngày Tết đến cũng phải một vài câu đối

cay neu 2

Đối rằng:

Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt

(Cái phẩm giá tột cùng ở cõi người ta là tấm tình với trăng gió; Sự phong lưu bậc nhất trên cõi đời là cốt cách giang hồ.)

Viết vào giấy dán ngay lên cột

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?

Rằng hay thì thực là hay

Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!

Xưa nay em vẫn chịu ngài…”.

Nói về “tràng pháo” thì chắc nhiều người vẫn còn hình dung ra. Nó chỉ vừa mới bị cấm mấy chục năm gần đây thôi. Còn về bánh chưng thì lớp trẻ ngày nay chắc cũng không lạ lẫm gì. Nó được người ta thưởng thức hàng ngày rồi.

Quay trở lại với cây Nêu. Cổ tích Việt Nam có cả một câu chuyện hấp dẫn về “Sự tích cây nêu ngày Tết” và nhiều khảo dị. Chuyện kể rằng:

Ngày ấy, không biết từ bao giờ và cũng không biết bằng cách gì, Quỷ chiếm đoạt tất cả đất nước. Người chỉ ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất của Quỷ. Quỷ đối với Người ngày càng quá tay. Chúng nó dần dần tăng số phải nộp lên gấp đôi và mỗi năm mỗi nhích lên một ít. Cuối cùng, chúng nó bắt Người phải nộp theo một thể lệ đặc biệt do chúng nó nghĩ ra là ăn ngọn cho gốc”. Người không chịu. Chúng nó lấy áp lực, bắt Người phải theo. Vì thế, năm ấy sau vụ gặt, Người chỉ còn trơ ra những rạ là rạ. Cảnh tượng xương bọc da thê thảm diễn ra khắp mọi nơi. Bên cạnh bọn Quỷ reo cười đắc ý, Người cơ hồ muốn chết rũ.

Phật từ phương Tây lại, có ý định giúp Người chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của Quỷ. Sau mùa đó, Phật bảo Người đừng trồng lúa mà cào đất thành luống trồng khoai lang. Người cứ y lời làm đúng như Phật dặn. Quỷ không ngờ Người đã bắt đầu có mưu kế mới chống lại mình nên cứ nêu đúng thể lệ như mùa trước: Ăn ngọn cho gốc”.

Mùa thu hoạch ấy, Quỷ rất hậm hực nhìn thấy những gánh khoai lúc lỉu chạy về nhà Người đổ thành từng đống lù lù, còn nhà mình chỉ toàn những dây và lá khoai là những thứ không nhá nổi. Nhưng ác nỗi, thể lệ đã quy định, chúng nó đành cứng họng không thể chối cãi vào đâu được.

Sang mùa khác, Quỷ thay thể lệ mới là ăn gốc cho ngọn. Phật bảo Người chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo Người về nhà, còn rạ phó mặc cho Quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên hố ăn cả gốc lẫn ngọn”. Lần này Quỷ nghĩ: – “Cho chúng mày muốn trồng gì thì trồng đằng nào cũng không lột khỏi tay chúng tao”. Nhưng Phật đã bàn và Người thay đổi giống mới. Phật trao cho Người hạt giống cây ngô để gieo khắp nơi mọi chỗ.

Năm ấy lại một lần nữa Người sung sướng trông thấy công lao của mình không uổng. Trong nhà Người thóc ăn chưa hết, từng gánh ngô đã gánh về chứa từng cót đầy ắp. Về phần Quỷ lại bị một vố cay chua, tức uất hàng mấy ngày liền. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Trong bụng chúng nó nghĩ: – “Thà không được gì cả còn hơn là để cho chúng nó ăn một mình”.

Phật bảo Người điều đình với Quỷ cho tậu một miếng đất vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa. Nghĩa là Người sẽ trồng một cây tre trên có mắc chiếc áo cà sa, hễ bóng che bao nhiêu diện tích ở mặt đất là đất sở hữu của Người ở dã. Ban đầu Quỷ không thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy đất tậu thì ít mà giá rất hời bèn nhận lời: – “Ồ! Bằng một chiếc áo cà sa có là bao nhiêu. Chúng nó nghĩ thế. Hai bên làm tờ giao ước: ngoài bóng che là đất của Quỷ, trong bóng che là của Người.

cay neu 3

Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên trời đất trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Bọn Quỷ không ngờ có sự phi thường như thế; mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất chúng, chúng phải dắt nhau lùi mãi, lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa phải chạy ra biển Đông. Vì thế người ta mới gọi là Quỷ Đông.

Tiếc vì đất đai hoa màu đều thuộc về tay Người, Quỷ rất hậm hực, cố chiêu tập binh mã vào cướp lại. Lần này Người phải chiến đấu với Quỷ rất gay go vì quân đội của Quỷ có đủ một bầy ác thú như voi, ngựa, chó ngao, bạch xà, hắc hổ, v.v… rất hung dữ. Phật cầm gậy tầm xích đánh giúp Người, làm cho quân của Quỷ không tiến lên được.

Sau mấy trận bất lợi, Quỷ bèn cho quân đi dò xem Phật sợ gì. Phật cho chúng biết là sợ hoa quả, oản chuối và cơm nắm, trứng luộc. Đối lại Phật cũng dò hỏi và biết quân của Quỷ chỉ sợ độc có mấy thứ: máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột.

Lần giáp chiến sau đó, quân của Quỷ đem không biết cơ man nào là hoa quả đến ném Phật. Phật bảo Người nhặt làm lương ăn rồi đem máu chó vẩy khắp mọi nó. Quân của Quỷ thấy máu chó sợ hoảng hồn bỏ chạy.

Lần thứ hai, quân của Quỷ lại đem oản chuối vào ném quân Phật. Phật bảo Người nhặt làm lương ăn rồi giã tỏi phun vào quân dịch. Quân của Quỷ không chịu được mùi tỏi nên cũng cắm đầu chạy biệt tích.

Lần thứ ba, quân của Quỷ lại đem cơm nắm, trứng luộc vào ném quân Phật. Người tha hồ ăn và theo lời Phật dùng vôi bột vung vào Quỷ. Người lại lấy lá dứa quất vào chúng. Quỷ chạy không kịp, lại bị Phật bắt đày ra biển Đông. Ngày Quỷ già, Quỷ trẻ, Quỷ đực, Quỷ cái cuốn gói ra đi, bộ dạng của chúng vô cùng thiểu não. Chúng rập đầu sát đất cố xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước. Phật thấy chúng khóc váng cả lên mới thương hại, hứa cho.

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục cũ, trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. Trên nêu có khánh đất, mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn luôn nhắc bọn Quỷ nghe mà tránh.

cay neu 4

Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ. Có câu tục ngữ:

Cành đa lá dứa treo kiêu (cao),

Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.

Quỷ vào thì quỷ lại ra,

Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm.

Ngày xưa người ta còn tin rằng những lúc cần đuổi quỷ như khi có dịch tễ chẳng hạn, thì treo một nắm lá dứa ở trước ngõ hay vẩy máu chó khắp mọi nơi cho Quỷ khỏi quấy. Đàn bà thường buộc tỏi vào giải yếm là cũng có một mục đích gần như vậy.

(Theo Nguyễn Đổng Chi)

Xưa nay, chịu ảnh hưởng của khoa học thực chứng, chúng ta đã dùng một hệ quy chiếu vô Thần để tìm hiểu một thế giới quan vốn rất tin có Thần của cha ông xưa. Có cả một ngành khoa học dành để nghiên cứu Văn hóa dân gian. Thuật ngữ quốc tế là “folklore (phôn-clo)” là nói tới vấn đề này… Khoa học không tin Thần linh cho nên cái nhìn hàn lâm của các nhà nghiên cứu là dùng quan niệm của khoa học con người để phủ nhận một thứ khoa học siêu thường…

Trong câu chuyện “Sự tích cây nêu ngày Tết” nói trên, dân gian đã hé mở cho ta những điều mà ta cho là hoang tưởng:

  1. Con người luôn sống trong sự khống chế của ma quỷ và sự bảo hộ che chở, giúp đỡ của Thần Phật.
  2. Cái Thiện và cái Ác luôn tồn tại như bóng với hình. Có Quỷ thì cũng có Phật. Có mưu mô lừa lọc để đoạt tranh danh lợi thì cũng có những giải pháp đầy trí huệ để khống chế, để giải trừ. Quỷ ở đây muốn dành lợi cho mình, bất chấp sinh mạng sống chết của dân. Còn Phật không trực tiếp những đã cung cấp trí tuệ cho người để được hưởng những gì đáng được hưởng.
  3. Cuộc vật lộn Thiện – Ác là trường kỳ. Hai nhân tố này là đặc định của không gian Tam giới vốn tương sinh tương khắc. Cái Thiện chỉ chiến thắng khi con người sống đường đường chính chính chính và tin vào Thần Phật, luôn chính niệm chính hành.
  4. Những phép thần thông kỳ lạ của Phật chính là những năng lực, Pháp lực vô tỷ ở thế giới Phật. Nó không hiển hiện ở không gian cõi Mê của con người nên ta gọi đó là trí tưởng tượng ngây thơ chất phác của người xưa. Có thể tham khảo điều này qua phép thuật của Tế Công – một hòa thượng ở Trung Quốc thời Nam Tống.
  5. Truyện cổ lưu truyền qua các thời đại. Hiện tượng “tam sao thất bản” là điều thường thấy. Theo tôi, đây không phải là ngẫu nhiên. Chi tiết “máu chó” có thể là yếu tố không thuần tịnh đi vào làm cho yếu tố Phật Gia bị bóp méo.

cay neu 5

Vài dòng chia sẻ về cây nêu ngày Tết để sống lại ký ức của Tết ngày xưa. Tết nay, nếu có nơi nào, bạn nào vẫn còn được nhìn thấy Cây Nêu Ngày Tết, thì thật là may mắn lắm lắm!

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

La Vinh

Xem thêm: