Lịch sử Trung Hoa hầu như có mọi cung bậc của thế giới con người vốn mê, vốn đa đoan. Có hỷ, nộ, ái, ố, có anh hùng, quân tử và những kẻ lưu manh đốn mạt, có những vị minh quân chói ngời và có những tên hôn quân, bạo chúa…

Vào đời Hậu Trần thời Nam Bắc triều (420-587), vị vua thứ 5 của triều Trần là Trần Thúc Bảo (còn gọi là Trần Hậu Chủ) vì ham hưởng cuộc sống xa hoa, trụy lạc, dâm dật mà để nước mất nhà tan.

“Tùy Đường diễn nghĩa” kể rằng:

Trần Thúc Bảo vốn thông minh, nhưng theo thói ăn chơi, hoa lệ, lại ham thích làm phú, ngâm thơ với hai viên quan Đông cung, một là Khổng Phạm, một là Giang Tổng. 

Từ xưa đã nói: “Thơ thì làm bạn với rượu, rượu lại là môi giới của sắc dục”. Trần Thúc Bảo rong chơi vô sự, thơ phú xong rồi, trong cái say sưa của rượu, lại sa vào những cuộc hoan lạc nơi lầu cao, quán nước. Ngay lúc mới lên ngôi, mọi chuyện đã vậy rồi, chẳng nghĩ đến triều chính, càng ngày càng thêm những trò ăn chơi thỏa chí thỏa lòng. Trần Thúc Bảo thăng Giang Tổng lên bộc xạ, dùng Khổng Phạm làm thượng thư đầu triều. Vua tôi chẳng ngó gì đến việc nước, chỉ ngày này qua ngày khác yến tiệc, thơ phú.

Trong đám cung tần mỹ nữ, vua Trần tìm được một giai nhân nức tiếng là Trương Lệ Hoa, tóc dài tha thướt, mượt mà lóng lánh có thể soi gương được, tính tình vốn thông tuệ, cử chỉ lại đoan trang nhàn nhã, khẽ cười khẽ chau mày thì thật là hết điều yểu điệu, quả được cả mười phần. Vì thế vua Trần còn thời gian đâu mà bàn luận công việc triều đình.

Lúc cần phải xem xét, phê chuẩn các tấu chương của trăm quan, vua Trần nửa ngồi nửa nằm trong một cái ghế tựa mềm, đặt Trương Lệ Hoa lên đầu gối, cả hai cùng đối đáp, quyết đoán mọi sự, đến nỗi đàn bà con gái cũng phải đỏ mặt khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Bọn nội thị vì vậy tha hồ mà thừa cơ ăn hối lộ, chuyên quyền. Khổng Phạm cùng Khổng Quý Tân kết làm anh em, thay nhau nắm quyền, người đời chỉ biết họ Giang, họ Khổng, mà không biết đến vua Trần.

Tiếng hát sao mà ngọt
Hơi men sao mà say
Tràn trề muôn tiệc hoa
Long lanh ngàn ánh đuốc.

(Ảnh minh họa: Youtube)

Vua Trần chọn ở gác Lâm Xuân, Trương Lệ Hoa ở gác Kết Ỷ, hai quý tần Cung, Khổng thì ở gác Vọng Tiên. Cả ba gác đều đầy đủ hành lang nối có mái che quanh co uốn lượn liền nhau. Không ngày nào không chơi bời, yến tiệc. Bên ngoài thì bọn Khổng Phạm, Giang Tổng, kéo theo bọn văn sĩ Vương Soa, bọn nội thị. Bên trong thì bọn nữ học sĩ Viên Đại chực sau hầu hạ. Rượu say, vua Trần lệnh cho từ phi tần tới nữ sĩ cùng cả bọn Giang, Khổng làm thơ, đặt phú tặng đáp. Trần Thúc Bảo cùng Trương Lệ Hoa bình giá, ai đoạt giải đều có ban thưởng, đem những bài hoa lệ nhất, phổ thành nhạc hát. Mỗi lần yến tiệc, tuyển hàng vài ngàn cung nữ, chia nhóm, chia ban thay nhau ca múa, đốt hương, thay trầm, đêm này sang ngày khác, thật nói không hết cảnh phồn hoa, tả chẳng đủ sự phong lưu, đài các.

Tin tức truyền về triều Tùy, vua Tùy nảy ý cất binh đánh chiếm. Cao Quýnh, Dương Tố, Hạ Nhược Chúc, Tấn Vương Quảng xin nguyện dẫn binh đánh Trần, tâu:

“Thúc Bảo vô đạo, tàn hại sinh dân, nếu đem quân xuống Nam, khác nào lấy núi Thái mà chặn quả trứng, quân ta một lần kéo xuống, Thúc Bảo tất bị diệt. Nếu Đông cung ngại không thể vì phụ hoàng mà lập công, con xin nguyện dẫn binh hỏi tội, bắt trói hôn quân tàn bạo, thống nhất chín châu”.

Quân đồn trú biên giới nhà Trần liên tiếp cáo cấp về triều đình, nhưng bọn Thi Văn Khánh, Thẩm Khách Khanh không tâu lên, đợi đến khi bộc xạ Viên Huệ trần trình, xin cho ngay viện binh giữ cửa Kinh Khẩu và Thái Thạch, thì Giang Tổng lại ngăn cản. Trần Thúc Bảo không quyết đoán, chỉ phát:

“Vương khí ở đây như thế. Quân Tề tiến ba lần, quân Chu hai lần, đều chỉ chuốc thất bại, tan quân tổn tướng, quân Tùy thì làm được trò gì?”.

Sau đó vua tôi nhà Trần lại tiếp tục yến tiệc, đàn hát như cũ.

Mịt mù khói lửa ngợp Trường Giang
Liều đánh ba quân quyết chẳng hàng
Đàn sáo du dương trăng vẫn sáng
Hồn lâng lâng, thả phách mơ màng.

Hôm ấy là ngày Nguyên Đán, tháng giêng, năm Trinh Minh thứ hai, trăm quan tụ tập, vua Trần vì đêm qua rượu quá say, vẫn còn li bì chưa tỉnh, mãi tới chiều mới ngơ ngác tỉnh dậy, thì Hạ Nhược Chúc đã kéo quân vượt qua sông ở Quảng Lăng, Hàn Cầm Hổ với năm trăm tinh binh, đột nhập qua Hoành Giang vào chiếm Thái Thạch. Tướng đóng giữ ở đây là Từ Tử Kiến một mặt cấp báo về triều, một mặt dẫn quân ứng chiến. Nhưng vì là Tết Nguyên Đán nên quân tướng đều say, không một người cầm vững khí giới, Tử Kiến chỉ còn cách bỏ mặc binh lính, lên một thuyền nhỏ, chạy về Thạch Đầu, lại gặp lúc vua Trần say chưa tỉnh, chờ mãi đến chiều, mới được dẫn vào để bệ kiến, thì chỉ được phán:

“Sáng mai sẽ bàn việc xuất binh!”.

Mấy ngày sau vẫn rối tinh trong cảnh tết nhất, phải mãi tới ngày mùng bốn tết mới cử được Tiêu Ma Hà, Lỗ Quảng Đạt kéo quân đi ngăn giặc. Tiêu Ma Hà thừa cơ Hạ Nhược Chúc vừa mới tới Chung Sơn chưa kịp ổn định quân ngũ, cho Nhiệm Trung lĩnh một vạn quân; Kim Dực kéo ba trăm chiếc thuyền triệt hẳn đường về. Đó là một kế sách rất hay, nhưng vua Trần không nghe. Phải tới ngày mùng tám, các tướng mới kéo quân lên đường. Chỉ riêng Lỗ Quảng Đạt là hết lòng chiến đấu, giết được hơn ba trăm quân của Hạ Nhược Chúc. Khổng Phạm mới đánh một trận đã bỏ chạy. Tiêu Ma Hà thì bị bắt, Nhiệm Trung cũng bỏ trốn về kinh, vua Trần cũng chẳng trách mắng gì lại còn thưởng cho hai hộp vàng, sai Nhiệm Trung ra trận lần nữa. Không ngờ ra đến Thạch Tử Cương, gặp phải Cấm Hổ, Nhiệm Trung đem binh đầu hàng, dẫn quân Tùy tiến về kinh đô.

(Ảnh minh họa: Youtube)

Trong thành lúc này dân chúng, quân nha lính tráng như một đàn chuột tìm đường sống. Vua Trần vẫn như một kẻ mất hồn ngồi trên điện chờ chư tướng báo tin chiến thắng. Đến khi nghe quân Tùy kéo vào thành, mới nhảy khỏi ngai vàng bỏ chạy về phía hậu cung, tìm Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần, nói:

“Quân Tùy kéo tới nơi rồi, chúng ta phải tìm chỗ trốn ngay, đừng để thất lạc nhau”.

Rồi tay phải dắt Lệ Hoa, tay trái kéo Quý Tần chạy, đến giếng Cảnh Dương, cả vua Trần và hai người đẹp cùng nhảy xuống giếng. Có thơ rằng:

Khải hoàn thay “Hậu đình hoa”
Trúc tơ im bặt, trống loa dập dồn
Lục triều vượng khí héo hon
Nực cười đáy giếng, ba con ếch ngồi

Ba người ngồi núp rất lâu, chỉ nghe tiếng người huyên náo, chính là quân Tùy đang đi vơ vét cung nữ, vàng bạc. Chỉ thấy chính cung Thẩm Hậu, vẫn ngồi đoan trang trong cung, cùng với Thái tử đóng cửa kín mít, nhưng không thấy vua Trần đâu cả, quân lính tỏa ra bốn bên tìm kiếm. Có cung nữ mách:

“Vừa thấy chạy tới bên giếng Cảnh Dương, hay đã gieo mình xuống giếng tự tử rồi!”.

Quân lính nghe ra, kéo tới giếng xem xét, nhìn xuống tối mò, nhưng như vẻ có người ngồi bên dưới, vội lấy câu liêm móc. Vua Trần tránh được, quân lính đang không biết làm cách nào, bèn cầm một viên đá vứt xuống, thử xem nông sâu, để tìm cách xuống. Vua Trần thấy đá vứt xuống liền gào lớn:

“Đừng ném vào đầu ta! Mau thả dây xuống, kéo ta lên!”.

Quân lính liền thả thừng xuống, một hồi lâu vẫn chưa thấy gì, chỉ nghe thấy vua Trần gào: “Các người hãy cố kéo ta lên. Ta sẽ lấy vàng ngọc thưởng cho, phải cẩn thận kẻo rồi nát xương ta nhé”.

Lúc đầu, hai người kéo, vẫn không lên vì nặng quá, thêm hai người nữa, cũng vẫn không động đậy, có kẻ giải thích: “Đây nhất định là hoàng đế rồi, nên xương cốt mới nặng đến thế này!”.

Nhưng khi kéo lên đến miệng giếng thấy những ba người, cả Lệ Hoa lẫn Quý Tần, quân tướng Tùy bò ra mà cười.

Quân tướng Tùy kéo vua Trần đi, tìm nạp cho Hàn Cầm Hổ, vua Trần vẫn giữ được vẻ thản nhiên, chỉ lạy một lạy. Tối đến, Hạ Nhược Chúc ở ngoài thành vào, đòi vua Trần gặp mặt, vua Trần thấy tướng Hạ dữ tợn, bấy giờ mới sợ run, mồ hôi vã khắp người. Hạ thấy vậy liền cười nói:

“Không việc gì phải sợ hãi đến thế. Chưa ai đụng đến cái mạng hàng ấy đâu!”.

Rồi cho vua Trần cùng các cung nhân ở tạm trong điện Đức Giáo, bên ngoài đặt lính canh gác.

(Ảnh minh họa: Youtube)

Cao Đức Hoàng khuyên cha: “Tấn Vương binh quyền trong tay, đòi lấy một người con gái, nếu không đưa chỉ sợ mang họa về sau”.

Cao Quýnh gật đầu đáp: “Đây chính là việc thái công Mông Điện chém Đát Kỷ ngày xưa, vì chỉ sợ lưu lại kẻ khuynh quốc, hại vua. Thì nay cũng không nên dung Lệ Hoa để hại Tấn Vương làm gì!”.

Rồi sai dẫn Lệ Hoa cùng Quý Tấn ra chém ở bên suối. Thật đúng là:

Da tuyết mày ngài gái đỉnh Vu
Một cười nghiêng sập cả cơ đồ
Những thương máu nhuộm bờ khe thẳm
Thẹn với Tây Thi dạo Ngũ Hồ.

Các bậc đế vương xây dựng được cơ đồ bằng máu xương tâm huyết, nhưng khi giao lại cho những đứa con đổ đốn thì quả “Trăm ngàn đổ một trận cười như không”.

Có người giải thích: Cái sai của Trần Hậu Chủ là cái sai không sửa được, bởi ông ta quá nghệ sỹ, mà làm chính trị thì không thể mơ mộng, thả hồn theo gió theo mây.

Thực ra, bao nhiêu người làm chính trị cũng đồng thời là những nhà thơ có tư tưởng thoát tục phiêu diêu. Đường Thái Tông vĩ đại để lại nhiều vần thơ chí khí, cha con Tào Tháo xưa là những thi sỹ vang dội một thời…  Chỉ kể riêng thời Trần ở xứ Việt, Phật hoàng Trần Nhân Tông, rồi thì Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải, Đặng Dung, Trần Nguyên Đán… họ là những nhà thơ có tâm hồn nghệ sỹ thứ thiệt. Nhưng thơ họ thanh cao, tụng ca đạo đức nhân cách, biết xót thương dân đen con đỏ.

Nó khác xa, khác hẳn với thứ thi – vũ – nhạc phục vụ cho cuộc sống ăn chơi trác táng như của vua quan Trần Hậu Chủ!

Đọc đoạn kể của Tùy Đường ở trên, ta không bất ngờ cái hậu của một ông vua đã đưa tới thảm họa cho nước mình như thế nào, bởi nguyên nhân đã quá rõ ràng.

Trước hết, do đam mê tửu sắc, ăn chơi trác táng mà vắt kiệt sức dân. Vua quan chỉ lo vơ vét mọi thứ khiến dân tình khánh kiệt.

Thứ hai là, vua tụ tập quanh mình những đám xu nịnh, không nhân cách cũng chỉ biết ăn chơi.

Thứ ba là u mê trong mỹ sắc, dục sắc. Đàn bà đã làm khuynh thành bao nhiêu sự nghiệp, nhưng mãi đến hôm nay, cái mê ấy loài người chưa bao giờ biết tỉnh…

Phật gia cho rằng thế giới con người lầy lội trong chữ “Tình”. Mọi cái đều là do cái Tình đánh thức tâm ích kỷ. Nhưng cái Tình có thể biến người thành quỷ chính là quan hệ tình dục, tình ái bất chính.

Đọc về đoạn văn quân lính kéo vua và hai người đẹp từ giếng lên không thể không bật cười chua chát. Quân lính nói đây là vua cho nên mới nặng đến thế. Ai ngờ đưa lên được mặt đất chúng mới tròn mắt thấy, trên con đường trốn cái chết, vua vẫn ẵm người đẹp đi theo.

Hình như lịch sử mạt tận của một triều đại nào cũng cho người đời sau nhìn thấy những màn hài kịch cười ra nước mắt!

Đàn bà đã làm khuynh thành bao nhiêu sự nghiệp, nhưng mãi đến hôm nay, cái mê ấy loài người chưa bao giờ biết tỉnh… (vtimes.com)

Nhắc đến Trần Hậu Chủ, người ta luôn nhắc tới khúc ca xướng “Hậu Đình Hoa” để nói về một bài ca mất nước.

Trần Hậu Chủ tinh thông âm luật, thường tự soạn các điệu múa rồi phổ nhạc để cung nữ luyện tập, nhạc công dàn dựng. Nhưng khúc nhạc nổi tiếng của ông là “Ngọc thụ hậu đình hoa”, “Lâm xuân nhạc”, “Hoàng ly lưu”, “Xuân giang hoa nguyệt dạ”,… Trong đó, “Ngọc thụ hậu đình hoa” là khúc ca, thanh âm, điệu vũ tuyệt mỹ. Vì thế, nam nữ xướng họa vô cùng say sưa.

Hai nàng Quý Tần và Lệ Hoa chẳng những có sắc đẹp lộng lẫy, cư xử mẫn tiệp lại có tài thi phú. Cả hai thường cùng Hậu Chủ cùng các bậc thi văn tài danh trong triều xướng họa mỗi khi có yến tiệc linh đình.

Vì yêu người đẹp tài hoa nên Hậu Chủ phải tổn phí nhiều tiền của, cho dựng trước điện Quang Chiếu ba tòa lầu lớn. Ba tòa lầu này dùng toàn bằng gỗ trầm hương. Cửa lớn, nhỏ đều dát toàn ngọc ngà, rèm châu, trướng gấm lộng lẫy. Ba lầu ấy đặt tên là Lâm Xuân, Kết Ỷ và Vọng Tiên (có bản chép là Vọng Xuân).

Dưới lầu, trồng toàn cây quý, hoa lạ, ngào ngạt mùi hương. Lại chất đá xây thành núi gọi là núi Nghinh Phong; tháo nước làm thành hồ gọi là hồ Ngoạn Nguyệt.

Hằng đêm, Trần Hậu Chủ bày yến tiệc, họp cả nghìn mỹ nhân uống rượu tại lầu Lâm Xuân cùng với các học sĩ ngâm thơ xướng họa. Một khi có những bài thơ hay, nhà vua cho chép lại thành tập và phổ vào khúc đàn để những cung nữ hát xướng suốt đêm, nên được gọi là Trường Dạ Ẩm.

Những bài thơ, những khúc nhạc lả lướt ấy được chép thành 3 tập là: “Nghinh Xuân nhạc”, “Ngọc Thu” và “Hậu Đình Hoa”.

Riêng tập “Hậu Đình Hoa” là sưu tập những bài bay bướm, bóng bẩy, dâm đãng. Chính Trần Hậu Chủ cũng làm một bài thơ góp vào tập “Hậu Đình Hoa”:

Ngọc thụ Hậu Đình hoa

Lệ vũ phương lâm đối cao các,
Tân trang diễm chất bản khuynh thành,
Ánh hộ ngưng kiều sạ bất tiến,
Xuất duy hàm thái tiếu tương nghinh,

Yêu cơ kiểm tự hoa hàm lộ,
Ngọc thụ lưu quang chiếu Hậu Đình.
Hoa khai hoa lạc bất trường cửu,
Lạc hồng mãn địa quy tịch trung!

Dịch thơ (dựa theo bản dịch của Bích Hải):

Rừng thơm, nhà ngọc, lầu quỳnh,
Điểm trang sắc đẹp khuynh thành là đây.
Ngại ngùng dừng bước phút giây,
Vén rèm, dáng đọng nét cười đón nhau.

Trẻ trung hoa thắm tươi màu,
Nàng như cây ngọc chiếu sau Hậu Đình.
Hoa nở lại tàn, không mãi được,
Sắc hồng rụng đất, trở về hư không.

Suốt đêm ngày, Trần Hậu Chủ bỏ cả việc triều chính, say sưa bên cạnh Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần và những mỹ nữ ca hát bên tiệc rượu… Đất nước càng suy vong, dân càng cùng cực.

Có vị đại thần là Phụ Tể dâng tấu thư, nói: “Giờ là đã tới lúc trời giận người oán, dân chúng phải bỏ ruộng đất mà đi. Cứ như thế này, e rằng vương triều ta sẽ mất”.

Trần Hậu Chủ đọc tấu chương nổi giận, cho người nói với Phụ Tể: “Ông có nói lại được không? Nếu ông nói lại, ta sẽ tha cho”.

Phụ Tể nói: “Tấm lòng và khuôn mặt của tôi giống nhau. Nếu cái mặt của tôi không đổi được, lòng tôi sao thay được?”.

Trần Hậu Chủ giết ngay Phụ Tể.

Trần Hậu Chủ quá mê đắm tửu sắc không thể tiếp thu những lời ngay thẳng của Phụ Tể. (Ảnh: Youtube)

Vũ Bằng, một nhà văn sống những “ngày Nam đêm Bắc” trước 1975 có một tác phẩm như thơ, như văn, như nhật ký. Đó là “Thương nhớ Mười Hai”, ghi lại cảm xúc da diết của tác giả với 12 tháng trên đất Bắc. Khi nói về mùa thu, ông đã đưa câu chuyện bài ca mất nước với những lời bình luận hài hước mà chua chát. Ta thử đọc áng văn “có cánh” này:

Ờ này, hầu hết chúng ta gặp lúc trời sầu ngất ngất, lòng hận mang mang, thường ngâm câu thơ cổ:

“Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa”

Nhưng có mấy ai nhớ rằng Hậu Đình Hoa, nguyên thuỷ là của một anh chàng thấy mùa thu đẹp như điên không chịu được, đã sai các cận thần soạn ra bản hát ấy để cùng hát với khúc “Ngọc Thụ” đêm rằm tháng Tám ở “Vọng Nguyệt đình” trong Ngự uyển?

Cái anh chàng mê mùa thu xanh ấy là một vị vua chơi bời vô độ, hoang dâm có tiếng, tên là Trần Hậu Chủ. Chính ông này đã cùng các cận thần soạn ra hai khúc “Ngọc Thụ” và “Hậu Đình Hoa”, nhạc và lời dâm dật để cho các phi tần đẹp nhất trong ban “Nguyệt lý quần tiên” vừa múa vừa hát theo điệu “Lộng Nguyệt Vũ” tức là múa vờn trăng vậy.

Ôi chao, người ta cứ đả kích các cái “sô” và khích động nhạc bây giờ: tội quá. Âu Mỹ, tổ sư lối vũ nhạc ấy, bất quá cũng chỉ là những kẻ nối gót Hậu Chủ mà thôi! Đêm thu, trăng sáng, Trần Hậu chủ cho bày tiệc yến diễn, nào nấy chỉ khoác ngoài một cái áo dài màu lụa bạch để vừa múa vừa thoát y… rồi thỗn thà thỗn thiện đến trước mặt Hậu Chủ đề trình… ngự duyệt.

Tương truyền các trong ban “Nguyệt lý quần tiên” đều vui vẻ trình thân như các người đẹp “xếch xy” bây giờ, duy có một người đẹp rụt rè không chịu tiến lại gần nhà vua.

Nhân lúc đó chất men đã bốc, Hậu Chủ chạy lại ghì chặt lấy cô ta. Nhà vua cười ha hả: “Chao ôi, trăng cũng đa tình! Không thế, sao mỗi lúc mỗi sáng hơn lên như vậy?”.

Rồi ngâm vang bốn câu thơ dưới ánh trăng:

“Nguyệt diệc đa tình thậm
Chiếu thử ôn nhu hương
Duy ngô đắc chung lão
Lao nguyệt phí quang mang”

Về sau, có người tạm dịch:

“Gớm cho trăng cũng đa tình,
Này nơi êm ấm cũng rình sáng soi;
Suốt đời riêng một ta vui
Trăng soi tỏ lắm cũng toi công mà!”

Sách xưa chép rằng: Sau khi ngâm xong bốn câu thơ trên, Hậu Chủ buông tay ra thì người con gái lăn xuống đất, không động đậy. Thì ra người đẹp bị hôn quân nắm chặt, sợ và hổ thẹn không chịu được, đã tắt thở từ lúc nào rồi.

Các phi tần hoảng hốt tâu lên Hậu Chủ thì đức vua lè nhè truyền cho thái giám khiêng bỏ xác chết xuống sông. Nhưng cũng chính giữa lúc ấy thì lửa sáng loè ở hoàng thành, tiếng hò hét, tiếng đao kiếm vang lên như sấm dậy, quân nhà Tuỳ chiếm được hoàng cung và bủa vây tứ phía để tìm bắt tên vua dâm dật.

Hậu Chủ chui trốn vào một bụi rậm, chờ lúc nửa đêm về sáng, thừa khi có mây che khuất mặt trăng bò ra một cái giếng ở hậu cung, đâm đầu mà chết.

Cái chết không mấy gì đẹp, điều đó ai cũng thấy nhưng nghĩ cho cùng thì cũng tội cho Hậu chủ vì tội có phải riêng của Hậu Chủ đâu. Ai bảo trời thu đẹp não nùng, buồn se sắt; ai xui gió thu biêng biếc nỗi sầu hắt hiu; ai làm cho ánh trăng thu mươn mướt như nhung để cho người đa cảm thấy tâm hồn phơi phới, thấy lòng tê tái, thấy thèm ái ân?

La Vinh