Cổ nhân nói, phàm việc gì có đức thì mới được lâu bền. Suy rộng ra, kinh doanh phải có đức thì mới thịnh phát vững vàng, doanh nhân phải có tâm mới được xã hội nể trọng, tin tưởng. 

Xưa nay, không ít người sẵn mang trong mình mặc cảm về thương nhân, đại để là những cách gọi đầy mỉa mai như: Buôn gian bán lận”, “Đong đầy bán vơi” hay “Thật thà cũng thể lái trâu”… Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn không u ám như vậy. Rất nhiều thương nhân đã luôn nỗ lực gây mối thiện cảm cho xã hội về hình ảnh một nhà buôn có tâm, đặt uy tín lên hàng đầu. 

Khác với kẻ gian thương, những thương nhân chân chính không chỉ biết đến lợi nhuận, buôn bán làm giàu mà còn vô cùng chú trọng đến vấn đề đạo đức kinh doanh. Thứ đạo lý ấy không phải điều gì trừu tượng, chung chung mà rất cụ thể, đơn giản là đàng hoàng ngay thẳng, giữ trọn chữ tín và sòng phẳng thật thà. 

Buôn bán phải đạo thì không phải hổ thẹn

Sách “Sơn cư tạp thuật” cho hay, trước khi bước vào nghề buôn trâu, thương nhân Vũ Kiêm (thế kỉ 17) đã xác định rất rõ: “Xưa ông Vương Quân đi buôn trâu, người ta không cho là phải. Buôn bán là theo đuổi cái ngọn, nhưng nếu cư xử không mất nghĩa lý thì có gì là không được?”.

Quan điểm của Vũ Kiêm là buôn bán ngay thẳng, hợp với đạo lý thì không có gì phải hổ thẹn. Ông vẫn xem nông nghiệp là nghề gốc nhưng đã ý thức được rằng một khi đi buôn thì phải giữ đúng nhân cách, phẩm giá, tức là làm một thương nhân chân chính, buôn bán đàng hoàng. Đó là cách tiếp cận, gia nhập nghề buôn rất thực dụng và khôn ngoan.

Quan điểm của Vũ Kiêm là buôn bán ngay thẳng, hợp với đạo lý thì không có gì phải hổ thẹn. Ảnh dẫn theo theepochtimes.com

Vũ Kiêm buôn trâu trong thời gian khá lâu. Nhờ chăm chỉ hoạt động và biết chọn địa điểm buôn bán thích hợp, ông dần tích lũy được nhiều tài sản, trở nên khá giả. Có điều, dù dư dả nhưng ông không hề quên đi cảnh nghèo khó trước kia, bởi vậy thường giúp đỡ những người có cảnh ngộ giống mình ngày trước. Cũng trong “Sơn cư tạp thuật” viết: “Các cống sinh ở quận ấp mới tới dự thi, có ai thiếu tiền chi tiêu, tới gặp ông để vay, ông đều đáp ứng cho. Lớp già lớp trẻ không ai là không quen biết ông”.

Một thương nhân cũng rất nổi tiếng khác là thân mẫu của Tể tướng Vũ Duy Chí triều Lê – Trịnh. Sách “Công dư tiệp kí” cho biết, lúc còn trẻ bà buôn bán ở chợ. Bà nổi tiếng thành thật, không tham lam, đề cao chữ tín trong giao dịch làm ăn. Người đời còn truyền nhau một câu chuyện về nhân cách của bà như sau:

Mẹ Duy Chí là người nhân đức. Lúc trẻ tuổi thường đi các chợ buôn bán. Một hôm, có một người đàn bà bán lụa trong khi vội vã xếp gánh hàng, đánh rơi một bó lụa rồi đi, bà nhặt bó lụa ấy cất đi. Một lát sau, người bán lụa trở lại tìm kiếm, kêu khóc rầm rĩ. Bà hỏi han đích xác rồi đem lụa giao trả.

Người bán lụa thấy vậy bèn lấy ra hai tấm biếu bà để tạ ơn. Bà cười nói rằng: “Nếu tôi lấy hai tấm thì thà rằng tôi lấy cả bó, còn được nhiều hơn. Tôi thương chị mất của mà về, tất bị chồng con đánh mắng, cho nên tôi trả lại cho chị, chứ tôi có mong chị trả ơn đâu“. Bà nhất định từ chối không nhận, mọi người ở chợ đều khen ngợi bà. 

Nói vậy để biết rằng tiêu chuẩn kinh doanh của người xưa thực sự rất cao. Đó là thứ xuất phát từ trong tâm và được ước thúc bằng những giá trị đạo đức thực sự cao thượng.

Đức là cái gốc làm giàu

Đào Chu Công là một thương nhân nổi tiếng giàu có bậc nhất thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Đào Chu Công chỉ là tên sau này. Nguyên ông chính là Phạm Lãi, người nước Sở, từng phò tá Việt Vương Câu Tiễn đánh bại quân Ngô, làm bá chủ thời hậu Xuân Thu. Sau khi công thành danh toại, Đào Chu Công rút lui khỏi chính trường, về kinh doanh, làm một đại thương nhân.

Trong vòng 19 năm, ông ba lần trở thành người giàu có nhất thiên hạ và cũng ba lần đem cho toàn bộ gia sản của mình cứu tế dân nghèo đói khổ. Nếu như quy đổi giá trị tài sản của Đào Chu Công theo tỷ giá hiện tại thì ông đã ba lần sở hữu tài sản bằng 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu hiện nay gộp lại. Sự hiền lương, đức độ của Đào Chu Công chính là biểu hiện của cái gọi là “thương đạo”, đạo làm giàu.

Đào Chu Công cũng chính là Phạm Lãi, nổi danh vì làm giàu có đạo, phú mà có thể nhân, cho nên được xưng là “Thương thánh”, cũng được coi là Nho thương chi thuỷ tổ. Ảnh dẫn theo m.zhalm.net

Như vậy, có đức thì mới có khả năng trở nên giàu có, đây chính là yếu tố căn bản. Câu chuyện của Đào Chu Công cho ta thấy rõ ràng rằng “đức” thực sự có thể hoán đổi được tiền tài, địa vị. Lợi nhuận trước mắt vốn không thể tạo nên một thương hiệu lâu bền. Chỉ có sự uy tín, đạo đức mới làm nên giá trị vĩnh cửu của các thương nhân. 

Phú quý không phải là việc xấu nhưng nó phải song hành với đạo đức. Nếu có thể “Phú hào hành thiện đức” (người phú quý hành thiện tích đức) thì chính là một người tốt, nhận được sự khâm phục của cả thiên hạ. Đào Chu Công ba lần đem toàn bộ gia sản của mình làm từ thiện, chính là hoàn toàn trắng tay. Nhưng cái mất của bạc tiền chỉ là bề mặt, cái được lớn lao hơn nằm ở tầng sâu hơn, được phúc đức, thiện quả. Bằng chứng là ba lần tay trắng hoàn toàn, Đào Chu Công đều vực dậy trở lại, luôn là người giàu có nhất thiên hạ, vừa giàu bạc tiền lại giàu nhân hậu.

Kinh doanh là đem lại lợi ích, tiền bạc, là tích luỹ của cải và làm sinh sôi lợi nhuận. Nhưng mấy ai hiểu mục đích cao cả nhất của kinh doanh là gì? Kỳ thực, giá trị chân chính của kinh doanh chính là mang lại sự phồn vinh cho xã hội, biểu dương cái thiện, sự trung thực chứ không đơn thuần là làm lợi cho cá nhân.

Ông vua dầu mỏ John Davison Rockefeller có số tài sản chiếm 1/65 GDP của cả nước Mỹ, cũng là tín đồ của đạo Thanh Giáo từng phát biểu: “Tôi chỉ là người quản lý tài sản”. Ông cho rằng tiền tài mà mình đang có thực ra không phải là của chính mình. Người xưa cũng quan niệm sinh tử có số, phú quý tại Trời, tài lộc của đời người dẫu nhiều đến mấy, chết đi rồi cũng chẳng thể mang theo.

“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”

Một trong những biểu hiện của cái tâm sáng sủa là sự chân thật. Chân thật với chính mình và những người khác. Chân thật trong kinh doanh được hiểu là không lừa dối, tôn trọng những lời cam kết với khách hàng. Đó thực sự là cách tốt nhất để quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp và tạo dựng sự nghiệp lâu dài cho ông chủ.

Bởi lẽ, khi cung cấp sản phẩm tốt bạn sẽ mua được lòng tin của người tiêu dùng, biểu hiện ra bề ngoài chính là doanh số bán hàng tăng vọt. Nhược bằng, làm ăn giả dối, buôn bán gian lận thì tự khắc khách hàng sẽ quay lưng lại với bạn. Lúc đó doanh nghiệp sẽ tự đào thải mình khỏi chốn thương trường vốn cạnh tranh khốc liệt.

Như vậy, có thể nói Đạo trong kinh doanh chính là hai chữ: Trọng đức. Đó cũng là cách giữ vững chính tín với Thần, thực thi cái gọi là “Giá trị phổ quát”, dùng đạo đức chứ không phải lợi nhuận để dẫn lối cho công việc kinh doanh. Phật gia giảng, đức là thứ có thể theo bên người ta đến tận các kiếp sau. Nó trở thành “tài sản” tích lũy của đời người trong vòng luân hồi chuyển sinh. Ở góc độ kinh doanh mà nói, nó cũng là số vốn không gì quý hơn. Có được vốn ấy, người ta có thể làm giàu không chỉ một kiếp, một đời.

Chỉ có cách kiếm tiền chân chính, giao dịch công bằng, coi trọng uy tín, trung thực mới có thể đảm bảo được sự phồn vinh lâu bền, qua đó nâng cao được cảnh giới đạo đức của xã hội nhân loại vậy. 

Chân Tâm