“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của “Tây Du Ký” luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Trong Tây Du Ký, có những chi tiết lặp đi lặp lại, ẩn chứa rất nhiều huyền cơ nhưng lại không được nhiều người liễu giải. Đó chính là pháp hiệu của ba đồ đệ Đường Tăng.

Và hãy cùng nhìn lại tên gọi của ba đồ đệ, ta sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị bên trong: Tên gọi của Ngộ Không là do Bồ Đề Tổ Sư đặt, trong khi Bát Giới và Sa Tăng là do Bồ Tát đặt tên, vì sao cùng mang một chữ “Ngộ”? Điều này có phải ngẫu nhiên chăng? Ý nghĩa của ba tên gọi ấy là gì? Và cuối cùng, huyền cơ nào ẩn chứa đằng sau những pháp hiệu ấy?

Trước hết, hãy bắt đầu bằng “Ngộ”

Chỉ một chữ “Ngộ” ấy thôi, nhưng quả thực hàm nghĩa lại vô cùng sâu sắc. Dẫu là Phật gia hay Đạo gia, thì đều dựa vào ngộ mà tu lên, dựa vào ngộ mà minh bạch Pháp lý, và cũng dựa vào ngộ mới có thể thăng hoa. Có những bậc cao tăng hay đạo sĩ, dẫu đi hết cả một đời tu luyện, thậm chí là nhiều đời, thì cũng chưa thể thấu triệt đến tận cùng của cái “Ngộ” ấy.

Chữ 悟(ngộ)được cấu thành bởi hai phần là chữ 忄(tâm) và chữ 吾 (ngô). Chữ 忄(tâm) biểu thị cho trái tim và chữ 吾/wú/ (ngô) là bản ngã. Do đó 悟 (ngộ) có nghĩa là tận trong tim của một người hiểu được bản ngã chân chính và bản chất của sự vật trong cái nhìn bao quát. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Vì sao chữ “Ngộ” ấy lại quan trọng đến thế? Bởi vì con người sống trong mê, hết thảy mọi thứ ở cõi thế gian đều là huyễn hoặc, là mộng ảo, nhưng lại làm người ta mê đắm. Địa vị dẫu cao sang, công danh dẫu hiển hách, ái tình dẫu mặn nồng, thì đến lúc trăm tuổi lâm chung, hết thảy đều vụt tan như mây khói, người ta chẳng mang theo được thứ gì bên mình. Vật chất ấy, tiền tài ấy, danh lợi ấy, ai cũng biết đó là phù du, nhưng vẫn cứ vì nó mà một đời tranh đấu. Sống giữa cõi mê người ta rất dễ lầm lạc trong đó, vậy nên chỉ bằng cách trong mê mà ngộ, trong mê mà tu, mới có thể phân biệt chính – tà, nhìn ra chính lý, giữ được chính kiến, cuối cùng là thành tựu chính mình. Chẳng phải Thái tử Tất Đạt Đa cũng từng từ bỏ vương vị chốn hoàng cung mà tìm ra con đường đắc đạo, cuối cùng trở thành Phật Như Lai đó sao? Ấy cũng là nhờ vào “Ngộ” vậy…

Tây Du Ký là tác phẩm của người tu hành và cũng viết về tu hành, vậy nên mới nhấn mạnh vào “Ngộ”. Pháp lý dẫu bày ngay trước mắt, Thiên cơ dẫu đã được giảng ra, nhưng nếu không ngộ thì vẫn không thể đề cao lên được. Trên bước đường tu luyện, có rất nhiều điều là không thể trông chờ sư phụ đến dắt tay chỉ điểm, mà là phải tự ngộ mới có thể đề cao chính mình.

Vậy thì trong pháp hiệu của ba đồ đệ, chữ “Ngộ” ấy có thể hiểu là: Người tu cần phải ngộ về “Năng”, về “Tĩnh”, và về “Không”, cũng chính là ba cảnh giới của một người tu luyện.

Vậy, như thế nào là “Năng”, như thế nào là “Tĩnh”, và như thế nào là “Không”?

1. Trư Ngộ Năng

Hãy nói về pháp hiệu của Bát Giới, là Trư Ngộ Năng. Chữ “Trư” nghĩa là lợn, tượng trưng cho dục vọng của người tu luyện; Còn chữ “Năng” (能) ở đây nghĩa là tài năng, bản lĩnh, và khả năng. Vậy, vì sao Bát Giới cần phải ngộ về ‘khả năng’ của mình?

Kỳ thực, Bát Giới vốn là bậc thần tiên, khả năng tuyệt đỉnh, từng giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái chỉ huy 8 vạn thủy binh trên Thiên Hà. Lại nữa, trong 108 phép thiên cang địa sát của Đạo gia thì Ngộ Không đã từng học 72 phép địa sát, còn Bát Giới lại tinh thông 36 phép thiên cang, có thể nói là vô cùng lẫm liệt oai phong.

Thế nhưng trong ba sư đồ thì Bát Giới dường như lại là người “kém cỏi” nhất, không chỉ mang hình hài “nửa lợn, nửa người”, mà còn hội tụ đầy đủ nhân tâm và những thứ dục vọng của người thường, như lười biếng, tham ăn, háo sắc, lại hay ghen tị và thích đặt điều nói xấu huynh trưởng đồng môn. Vậy nên Đường Tăng mới đặt ra cái tên “Bát Giới”, ý tứ là cần phải thực hiện được tám điều giới luật của nhà Phật thì mới có thể tu thành.

Cũng chính vì không giữ đạo hạnh, buông thả nhân tâm, nên Bát Giới khó có thể phát huy các thần thông vốn có của mình, lại thường hay thoái lui trong các cuộc trừ yêu diệt quái. Đến cuối bước đường tu luyện, cũng chính những nhân tâm dục vọng ấy đã khiến Bát Giới không thể thành Phật, chỉ có thể đắc được một chút ít phước báo mà thôi.

Trư Bát Giới hội tụ đầy đủ nhân tâm và những thứ dục vọng của người thường, như lười biếng, tham ăn, háo sắc, lại hay ghen tị ,nên không thể tu thành Phật mà chỉ đắc được phúc báo. Ảnh dẫn theo Netlife.vn

Trong nguyên tác kể rằng:

Như Lai nói: “(…) Tuy tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết, nhưng dọc đường gánh hành lý có công, gia phong nhà ngươi chức chính quả là Tịnh Đàn Sứ Giả”.

Bát Giới miệng lầu bầu: “Mọi người đều thành Phật, tại sao chỉ mỗi mình con là Tịnh Đàn Sứ Giả?”

Như Lai lại nói: “Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt?”

Như vậy, từ pháp hiệu “Trư Ngộ Năng” có thể thấy rằng: Nếu người tu luyện vẫn còn ôm giữ các loại dục vọng và tính xấu của người thường, thì lại càng cần phải ngộ về “Năng”. Bởi dẫu họ tài năng đến đâu, bản lĩnh đến nhường nào, nhưng nếu không giữ gìn giới luật, không tu chính nhân tâm, thì sẽ không thể phát huy khả năng vốn có của mình.

2. Sa Ngộ Tĩnh

Sa Ngộ Tĩnh, còn gọi là Sa Tăng, vì trấn giữ sông Lưu Sa nên lấy tên họ là “Sa”, nghĩa là cát. Thế còn “Tĩnh”? Chúng ta vẫn quen gọi là “Tĩnh”, kỳ thực trong nguyên tác là chữ “Tịnh” (淨), nghĩa là trong sạch, thuần khiết, thanh tịnh, là một cảnh giới mà người tu hành cần đạt được. Vậy vì sao Sa Tăng cần ngộ đến chữ “Tịnh” này?

Trước khi được Bồ Tát thu phục, Sa Tăng là một yêu quái trên sông Lưu Sa, đã từng sát sinh hại mệnh, nghiệp lực chất chồng như núi.

Trong nguyên tác kể rằng:

Trông thấy Quan Âm, yêu quái sụp lạy rồi nói: “(…)Tôi đói khát không chịu nổi, chẳng biết làm thế nào, nên cứ khoảng hai ba ngày phải nhảy ra ngoài làn nước, bắt người đi đường ăn thịt. Không ngờ hôm nay vô ý gặp được Bồ tát đại từ đại bi.

Bồ tát nói: “Nhà ngươi từ thiên đình bị đày xuống đây mà còn mắc tội giết người, thì thật tội càng thêm nặng. Nay ta vâng lệnh Phật Tổ, sang phương Đông tìm người lấy kinh, sao nhà ngươi không gia nhập pháp môn của ta, quy y thiện quả, theo người lấy kinh làm đồ đệ, sang phương Tây lễ Phật cầu kinh? (…)”

(…) Bồ tát bèn xoa đầu yêu quái làm lễ thụ giới, lấy chữ Sa làm họ, ban cho một pháp danh là Sa Ngộ Tĩnh. Lúc ấy, yêu quái đã được vào hàng sa môn rồi, bèn tiễn đưa Bồ tát qua sông, và tu tâm sửa tính, không giết hại người nữa, một lòng đợi người đi lấy kinh.

“Tĩnh”, kỳ thực trong nguyên tác là chữ “Tịnh” (淨), nghĩa là trong sạch, thuần khiết, thanh tịnh, là một cảnh giới mà người tu hành cần đạt được. Ảnh dẫn theo baomoi.com

Bất cứ người tu luyện nào cũng không thể “một tấc thành Thánh, một bước thành Tiên”, ai ai cũng bắt đầu từ người thường mà tu lên. Là người thường, thân mang đầy nghiệp lực, tâm đầy những ưu phiền, nên mới cần phải tẩy tịnh, làm trong sạch chính mình.

Tên gọi của Sa Tăng gợi liên tưởng đến một câu nói trong giới tu luyện: “Đại lãng đào sa”, ý tứ là tu luyện cũng giống như ‘sóng lớn cuốn cát đi’, trong suốt quá trình cần không ngừng loại trừ đi những thứ bất hảo để làm thanh tịnh cả tâm lẫn thân, cuối cùng đạt đến trạng thái kiền tịnh, thuần khiết, cao quý như vàng ròng. Đến cuối con đường thỉnh kinh, Sa Tăng đã được Phật Như Lai phong làm “Kim Thân La Hán” (La Hán Mình Vàng), cũng có thể hiểu chính là ý tứ này.

3. Tôn Ngộ Không

Khi đặt tên cho Ngộ Không, Bồ Đề Tổ Sư đã xuất phát từ chữ “Tôn” trong “Hồ Tôn” (猢猻), nghĩa là khỉ. Bởi Ngộ Không vốn là thạch hầu sinh ra từ đá tiên, tính cách cũng giống như loài khỉ, thích tự do bay nhảy và luôn náo động không ngừng.

Vậy còn “Không” thì sao? Phật gia thường giảng “Không”, còn Đạo gia giảng “Vô”. Dẫu là môn nào phái nào, thì đều coi “Không” là cảnh giới cao nhất để đạt đến viên mãn, đắc đạo. Nếu như “Tịnh” đã là một tầng thứ rất cao trong tu luyện – người tu có thể “tịnh” là đã có thể chế ước tất cả các tâm chấp trước, các loại dục vọng của người thường, không để bản thân bị dẫn động bởi nhân tâm, cũng chính là đã thoát ra khỏi sự trói buộc của tâm người thường – thì “Không” chính là hoàn toàn không có chấp trước, hoàn toàn không có nhân tâm. Chỉ khi đạt đến trạng thái “Không” này, người tu luyện mới có thể thực sự trở về với chân ngã và bản nguyên cao quý của chính mình.

Như vậy, Tôn Ngộ Không đã đạt tới tầng thứ rất cao, và yêu cầu đối với tu luyện cũng là tối cao: Đó là cần phải ngộ đến cảnh giới của tính “Không”.

“Không” chính là hoàn toàn không có chấp trước, hoàn toàn không có nhân tâm. Chỉ khi đạt đến trạng thái “Không” này, người tu luyện mới có thể thực sự trở về với chân ngã và bản nguyên cao quý của chính mình. Ảnh dẫn theo youtube.com

Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Chúng ta đều biết rằng Ngộ Không thác sinh từ tảng đá tiên trên Hoa Quả Sơn, “cảm thụ linh hoa của trời đất, của mặt trời, mặt trăng”, được thiên địa hoá dục mà thành. Như vậy, Ngộ Không vừa sinh ra đã mang sẵn tinh hoa của đất trời. Căn cơ phi phàm là thế, nên ngay từ khi vừa mới bước chân vào tu luyện, Ngộ Không đã có thể hiển lộ tài năng, đạt đến một tầng thứ rất cao, có thể làm náo động thiên cung mà không một vị thần tiên nào thu phục được.

Vậy còn Bát Giới và Sa Tăng?

Trong hồi thứ 94, Bát Giới kể:

“Lão Trư kiếp trước cũng là người, nhưng nhất sinh chỉ ham vui chơi, biếng làm lụng, u mê mờ mịt, loạn tính dâm lòng, chẳng biết trời cao đất dày, khó nhận non xa biển rộng. Đang trong vòng u tối, bỗng gặp vị chân nhân. Nửa câu nói gỡ tung lưới nghiệt; dăm ba lời phá vỡ cửa mê. Khi ấy ta tỉnh ngộ, lập tức theo thầy, cần cù tu luyện công phu hai tám, kính cẩn rèn luyện sau trước ba ba, rồi được viên mãn siêu thăng bay lên thượng giới. Đội ơn dầy của Thượng Đế, ta được phong chức Thiên Bồng nguyên soái, tổng quan thủy binh, tiêu dao Vân Hán. Chỉ vì ở hội Bàn Đào ta uống rượu say, trêu ghẹo Hằng Nga, bị cách quan, đẩy xuống phàm trần, đầu thai nhầm thác sinh cửa lợn, chiếm cứ núi Phúc Lăng, gây nhiều tội ác. May gặp đức Quan  Âm chỉ rõ đường lành, quy y cửa Phật, hộ vệ Đường Tăng sang phương Tây bái Phật cầu kinh (…)”

Còn đây là quá trình tu luyện của Sa Tăng:

“Lão Sa vốn cũng là hạng phàm phu, vì sợ luân hồi phải đi tìm đạo, ngao du nơi góc biển, phóng đãng chốn chân trời, thường được y bát tùy thân, luôn luyện tâm thần tự tại. Bởi chứng có lòng thành nên gặp được bạn tiên, âm dương di dưỡng, công phu đủ ba nghìn, hợp hòa đủ bốn tướng, siêu thăng lên thượng giới, lạy đức Ngọc Hoàng, được phong chức Quyển Liêm đại tướng, đứng hầu bên kiệu phượng xe loan, lại được phong hiệu tướng quân. Cũng vì trong hội Bàn Đào ta lỡ tay đánh vỡ chiếc chén bằng ngọc lưu ly, bị Thượng Đế đày xuống sông Lưu Sa, thay hình đổi dạng, gây ác hại người. May gặp đức Bồ Tát viễn du cỡi sông, khuyên ta quy y, đợi phật tử triều Đường sang Tây bái Phật cầu kinh sẽ thành chính quả”.

Như vậy, từ thân thế và con đường thành đạo của từng sư đồ, ta thấy rằng:

– Bát Giới vốn là hạng phàm phu tục tử, biếng lười trụy lạc, loạn tính dâm tòng. Xuất phát điểm như thế, nên Bát Giới trong quá trình tu luyện cũng phải đối mặt với hết thảy mọi nhân tâm và dục vọng. Vì căn cơ kém cỏi nhất, nên yêu cầu dành cho Bát Giới chỉ dừng lại ở “Ngộ Năng” và “Bát Giới”, cũng tức là cần gìn giữ giới luật, tu chính nhân tâm, mới có thể bước vào hàng sa môn.

– Sa Tăng cũng từng là hạng phàm phu, là người trần mắt thịt, nhưng lại có ngộ tính cao hơn Bát Giới. Không cần ai khuyên giải, mà tự ngộ ra cái khổ luân hồi nên quyết chí vân du đi tìm đạo. Mặc dù căn cơ rất bình thường, nhưng ý chí tu luyện lại cao hơn hết thảy, vậy nên yêu cầu dành cho Sa Tăng cũng cao hơn, đó là cần phải ngộ đến “Tịnh”, tiếp tục làm thanh tịnh thân tâm, cuối cùng đắc chính quả thành Kim Thân La Hán.

– Ngộ Không vốn dĩ đã có căn cơ phi phàm, vừa sinh ra đã đạt đến một tầng thứ nhất định, chỉ cần tiến tiếp thêm nữa là có thể viên mãn, đắc đạo. Bởi vậy yêu cầu dành cho Ngộ Không cũng là cao nhất, đó là cần đạt đến cảnh giới của một bậc Giác Giả, tu thành Phật Đà.

Có thể thấy, pháp hiệu của ba sư đồ là tương ứng với căn cơ, cảnh giới, và yêu cầu trong tu luyện, ‘căn cơ cao đến đâu thì yêu cầu đối với tu luyện cũng cao đến đó’. Một điều thú vị là pháp hiệu này cũng báo hiệu trước quả vị sẽ đạt được của từng người, ví dụ Ngộ Năng sẽ được phong làm Sứ Giả, Ngộ Tĩnh sẽ trở thành La Hán, còn Ngộ Không sẽ đắc quả vị Phật.

Pháp hiệu của ba sư đồ là tương ứng với căn cơ, cảnh giới, và yêu cầu trong tu luyện, ‘căn cơ cao đến đâu thì yêu cầu đối với tu luyện cũng cao đến đó’. Ảnh dẫn theo baomoi.com

Và vẫn còn một điều thú vị khác nữa. Trong suốt 49 năm truyền Pháp, Đức Phật Thích Ca đã giảng ra rất nhiều pháp lý cao thâm. Những lời Phật giảng được tổng hợp trong hàng ngàn cuốn kinh thư. Nhưng dù thiên kinh vạn quyển, thì điều cốt lõi của Phật giáo đều được tóm lược trong ba chữ: Giới – Định – Huệ.

Giới là những giới luật mà người tu cần tuân thủ. Giữ vững Giới thì mới có thể Định; và cũng chỉ thông qua con đường đả toạ, định lực, mới có thể sinh Huệ, và Huệ ấy cũng chính là cảnh giới viên mãn của một bậc Giác Giả, là đích đến cuối cùng của con đường tu luyện.

Như vậy, pháp hiệu của ba đồ đệ cũng tương ứng với ba yêu cầu, ba cảnh giới, cũng là ba bước trong tu luyện Thích giáo: Ngộ Năng bắt đầu từ “Giới”, Ngộ Tĩnh ở tầng thứ của “Định”, và Ngộ Không cần đạt được “Huệ”. Đây là một tầng ý nghĩa, một tầng nội hàm khác trong tên gọi của ba đồ đệ Đường Tăng.

Loạt bài “Cảm ngộ Tây Du” kỳ 2 xin khép lại tại đây, hẹn gặp lại các bạn trong kỳ tiếp theo.

Hồng Liên