Nặng gần ngang ngửa với Thanh Long đao của Quan Vân Trường, đại đao bất ly thân của vua Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) là một trong vũ khí huyền thoại hiếm hoi còn sót lại của các bậc quân vương Việt Nam. 

Mạc Đăng Dung là ai?

Mạc Đăng Dung (1483 – 1541), quê làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ông là con của một gia đình nghèo làm nghề đánh cá. Cho đến nay, nguồn gốc dòng họ Mạc của ông vẫn còn là một vấn đề tranh cãi. Trong đó, luồng ý kiến Mạc Đăng Dung là cháu đời thứ 7 của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần được đông đảo các nhà nghiên đồng ý bởi khoảng cách thế thứ từ Mạc Đĩnh Chi tới Mạc Đăng Dung là hợp lý (7 đời trong 200 năm). 

Thời trẻ, nhà ông nghèo nhưng may trời phú cho có sức khỏe tốt và bản lĩnh hơn người nên ông đã đi đánh vật kiếm sống. Về sau, gặp thời vận Mạc Đăng Dung đã trúng Đô lực sĩ  (còn được gọi là Võ trạng nguyên), được sung vào đội quân Túc Vệ cầm dù theo vua. Đây cũng là mốc mở đầu cho con đường công danh của ông. 

Từ thân phận quân Túc Vệ, nhờ sự thật thà ngay thẳng Mạc Dung được vua phong cho làm Đô chỉ huy sứ vệ Thần Vũ. Năm 1511, ông được tiến phong tước Vũ Xuyên bá khi 29 tuổi. Năm 1516, triều đình sai Đăng Dung làm trấn thủ Sơn Nam, gia phong chức phó tướng Tả đô đốc.

photo-1-1478843430140Mạc Thái Tổ

Về sau, nhờ công lao dẹp loạn, tiêu diệt được phiến quân nổi dậy chống đối triều đình, Mạc Đăng Dung được phong làm Nhân quốc công rồi Thái phó. Lúc này binh quyền nằm cả trong tay, có thể kiểm soát toàn bộ triều đình.

Trải qua nhiều biến cố, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai về kinh, ép vua Lê Cung Hoàng viết chiếu nhường ngôi, từ đó lập ra nhà Mạc. Việc Mạc Đăng Dung tiếm ngôi vua Lê bị các sử gia quy kết và buộc tội rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh lịch sử thời đại và cuộc tranh giành quyền lực chính trị thời Lê Mạc, điều đó cũng dễ hiểu. 

Thanh đại đao bất ly thân của vua Mạc

Tương truyền, trước khi Mạc Đăng Dung ra làm quan, thợ rèn chính của một lò rèn đã đoán biết trước được sau này ông sẽ làm nên binh nghiệp, võ công lớn. Do vậy, người thợ rèn này đã đúc tặng cho Đăng Dung một thanh long đao và nói: “Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn“.

Đúng như lời “tiên tri” của người thợ rèn, thanh đại long đao này đã giúp Mạc Đăng Dung đoạt chức vô địch trong cuộc thi tuyển dũng sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long thời Lê Sơ. Ngoài ra, thanh đại long đao này còn cùng ông xông pha trận mạc và bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn: Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Lê Quảng Độ, rồi Trần Thăng (ở Thái Nguyên, Lạng Sơn), Nguyễn Hoằng Dụ (Thanh Hóa). 

bi-mat-2-thanh-long-dao-cua-mac-thai-to-va-quang-trung

Về sau khi Mạc Thái Tổ băng hà, đại long đao được đem về thờ ở lăng miếu làng Cổ Trai. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), là người coi giữ lăng miếu, đã giả làm nhà buôn, mang theo long đao của Tiên đế xuống thuyền rời Đồ Sơn.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố thất lạc vào năm 1821, đến năm 1930 thanh đại đao mới được tìm thấy. Lúc này nó đã bị han gỉ đi khá nhiều nhưng vẫn còn nặng tới 25kg, dài 2,55m (cán dài 1,6m, lưỡi dài 0,95m). Theo ước tính, khi còn mới, nó phải nặng tới 30kg, ngang ngửa Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vân Trường năm xưa. 

images725081_Ngam_thanh_long_dao_de_nhat_binh_khi_cua_lich_su_Viet_Nam_phunutoday.vn_6

Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vân Trường là một binh khí huyền thoại. Nó là loại binh khí có mũi nhọn, cán dài, lưỡi có hình tựa bán nguyệt, trên đao có khắc hình con rồng. Lưỡi đao cũng vô cùng sắc, có thể phản chiếu rõ ánh trăng để soi sáng bàn rượu. Tương truyền, khi Thanh Long Yển Nguyệt Đao vừa được rèn xong, bỗng nhiên gió bão bắt đầu nổi lên, sau đó từ trên không trung rơi xuống 1780 giọt mưa máu. Các nho sĩ ở đó đã phân tích rằng, đó chính là máu của Thanh Long (con rồng màu xanh). Vì lý do đó mà nó đã được gọi với cái tên Thanh Long Yển Nguyệt Đao, và nó đã giết 1780 người.

5b6c942d8d35afa4s (1)

Ngày nay, thanh đao của vua Mạc Đăng Dung được đặt trang trọng trong tú kính ở Thái miếu trong Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng. Vào dịp tết, con cháu họ Mạc từ khắp cả nước lại nườm nượp đổ về nơi đây để chiêm bái Thái Tổ Minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung. 

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học Việt Nam khẳng định, đây là binh khí duy nhất của một danh tướng, cũng như một vị vua dưới thời phong kiến Việt Nam vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Trải qua 500 năm tuổi và 90 năm bị ăn mòn do chôn giấu dưới lòng đất nhưng cơ bản thanh long đao vẫn giữ được hình dạng và kích thước không khác nhiều so với lúc ban đầu, dù bị sứt mẻ và gỉ sét nhiều chỗ.    

vha0743-1478843099682

Theo anh Ngô Minh Khiêm, Trưởng ban quản lý di tích Vương triều Mạc cho biết: “Hiện nay, cả châu Á chỉ còn 2 binh khí được lưu thờ là vật thái bảo, gồm thanh long đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống và thanh long đao của Mạc Thái Tổ, đang được lưu giữ ở đây”.