“Thiên Long bát bộ” là một tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung đã trở nên quen thuộc với bạn đọc châu Á từ hàng chục năm qua. Tuy nhiên, ngay cả những người yêu thích truyện Kim Dung nhất cũng không dễ lý giải ý nghĩa nhan đề của tác phẩm này. 

Rất đông cư dân mạng biết đến “Thiên Long bát bộ” đều là thông qua bộ tiểu thuyết võ hiệp cùng tên của nhà văn Kim Dung. Thiên Long bát bộ thật ra nguyên là một thuật ngữ bắt nguồn từ Phật giáo, thuộc về văn hóa Ấn Độ, sau khi truyền vào Trung thổ đã mang thêm nhiều biển hiện văn hóa Trung Hoa. 

Bát bộ ở đây là chỉ 8 loại quỷ thần: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu, La Già. Còn cách gọi “Thiên Long” nguyên là của người Hán, chỉ rồng trên trời. Bởi vì Thiên và Long chiếm hai vị trí đầu tiên trong đó, nên người ta lấy nó làm tên gọi chung: Thiên Long bát bộ. Theo cách nói trong Phật giáo, Thiên Long bát bộ thường theo bên cạnh Phật Tổ, Bồ Tát, La Hán, hăng hái nghe các ngài thuyết pháp, cúng dường chư Phật và đứng bên cạnh che chở. Bởi vậy họ cũng được xem là một trong những hộ pháp của Phật giáo.

Bát bộ ở đây là chỉ 8 loại quỷ thần: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu, La Già. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Căn cứ theo kinh Phật được dịch sang Hán tự hiện có, cách nói “Thiên Long”, “Thiên Long bát bộ” trong Phật giáo, từ sớm đã tồn tại vùng đất người Hán. Vào thời Đông Hán, trong “Kinh Nhân Duyên Nại Nữ Và Kỳ Vực” do tăng nhân An Thế Cao đến từ nước An Tức, Tây Vực phiên dịch, chính là nói đến Phật ở nước La Duyệt Chỉ, có hơn nghìn Tỳ kheo, Bồ Tát, Thiên Long bát bộ cùng nhau tụ hội, nghe ngài thuyết giảng Phật Pháp.

Danh mục cụ thể của Thiên Long bát bộ cũng là thuận theo phiên dịch của kinh Phật truyền vào Trung thổ vào thời Đông Hán. Liên quan đến chuyện này khá sớm là “Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân”, ghi chép Thiên Long bát bộ là chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na Lan, Ma Hầu La Già. Danh mục liên quan đến Thiên Long bát bộ đời sau đều nhất trí về cơ bản.

Tám loại quỷ thần trong Thiên Long bát bộ có cả thiện và ác. Nói một cách cụ thể, tám loại quỷ thần này đều có xuất thân, bản lĩnh, tính cách và trạng thái riêng.

Thiên

Đứng đầu Thiên Long bát bộ là Thiên. Thiên, cũng xưng là thiên nhân, chư thiên, thiên chúng, chủ yếu sống ở Dục Giới Lục Thiên (6 tầng trời cõi Dục) và Sắc Giới Chư Thiên (các tầng trời cõi Sắc) mà Phật giáo nói đến, đại thể tương đương với thiên thần mà Trung Thổ thường hay nói đến, bao gồm thiên thần Phạm Thiên, Đế Thích Thiên, Tứ Đại Thiên Vương… Theo ghi chép trong kinh Phật, thiên nhân thích Phật sự, thường hay cất lời tán thán, rải hoa tấu nhạc. Trong các bích họa Phật giáo liên quan, thường có thể nhìn thấy thiên nhân bay lượn, vây chung quanh Phật hoặc Bồ Tát.

Đứng đầu Thiên Long bát bộ là Thiên. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Long 

Âm dịch La Già, giống với rồng trong truyền thuyết Trung Hoa, nhưng rồng trong Phật giáo ban đầu là thân dài và không có chân, rất có thần lực, có thể làm mưa. Trong kinh Phật có danh xưng Ngũ Long Vương, Thất Long Vương, Bát Long Vương… Trong “Đại Trí Độ Luận” có ghi chép, đời trước của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã từng là Đại Lực Độc Long (ác long có sức mạnh to lớn), sau khi thọ giới, đã đi vào trong rừng tu hành. Có tên thợ săn ham muốn lớp da của rồng, liền lột lấy.

Độc Long nguyên vốn có thể dễ dàng giết chết tên thợ săn này, nhưng vì trì giới, không còn luyến tiếc tấm thân này nữa, mặc cho người thợ săn lột lấy. Sau khi mất da, Độc Long bò xuống nước, lại nhẫn chịu đau đớn mặc cho sâu bọ ăn gặm. Độc Long phát nguyện sau khi trở thành Phật, sẽ dùng Phật Pháp độ hóa chúng sinh. Sau khi chết, con rồng này vãng sinh lên cõi trời Đao Lợi.

Theo cách nói trong “Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ”, rồng cũng có phân thành thiện ác, rồng thiện là Pháp Hành Long Vương, có thể làm mưa đúng lúc khiến cho ngũ cốc chín đều. Rồng ác thì là Phi Pháp Hành Long Vương, có thể làm ra mưa xấu khiến ngũ cốc bị hư hại. Sự việc này cũng gần giống như thiện long, ác long được lưu truyền trong dân gian sau này. Hình tượng rồng trong các tác phẩm văn học từ thời Đường Tống đến nay thật ra chính là sự kết hợp giữa rồng trong Phật giáo với rồng vốn có của Trung thổ.

Long – âm dịch La Già, giống với rồng trong truyền thuyết Trung Hoa. Ảnh dẫn theo youtube.com

Dạ Xoa

Còn gọi là Dược Xoa, Duyệt Xoa, Dã Xoa. Ý của từ Dạ Xoa là Quỷ Năng Đạm (Quỷ cám dỗ), Quỷ Tiệp Tật (Quỷ thoắt hiện thoắt ẩn), Khinh Tiệp (nhanh như chớp), Dũng Kiện (khỏe mạnh), nguyên là sinh linh nửa thần trong thần thoại Ấn Độ. Dạ Xoa chịu sự thống lĩnh của Thiên vương Tỳ Sa Môn, có thế lực lớn mạnh.

“Đại Trí Độ Luận” nói Dạ Xoa có ba loại: Địa Hành Dạ Xoa, thường có được các loại niềm vui, âm nhạc, ẩm thực. Hư Không Dạ Xoa, có sức mạnh lớn, đi lại như gió. Cung Điện Dạ Xoa, có các loại đồ chơi luôn mang bên thân. “Kinh Chú Duy Ma Cật” thì nói Dạ Xoa có ba loại là Địa Hành Dạ Xoa, Hư Không Dạ Xoa, Thiên Dạ Xoa.

Dạ Xoa cũng phân thành thiện ác. Người thiện duy hộ Phật Pháp, kẻ ác có thể làm khổ chúng sinh, thường biến hóa thành bộ dạng xấu xí đầu lớn thân nhỏ, hoặc một đầu hai ba mặt, tay cầm đao, kiếm, kích… khiến người ta trông thấy phải run sợ, tiếp đó khiến người thấy thần trí mê man, rồi đoạt lấy khí tinh hoa, uống máu, ăn thịt nạn nhân. Đây cũng là hình tượng Dạ Xoa lưu truyền phổ biến nhất trong dân gian, thường được coi như là quỷ sai của âm phủ.

Hình tượng quỷ Dạ Xoa. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

A Tu La

Còn được gọi là A Tố La, A Tu Luân, gọi tắt là Tu La. A Tu La nguyên là ác thần trong thần thoại Ấn Độ cổ. Trong Phật giáo, A Tu La cũng là vị thần tính cách nóng nảy, đàn ông xấu xí, phụ nữ xinh đẹp, bản tính hiếu chiến. Bởi A Tu La có mỹ nữ mà không háo ăn, chư Thiên thì thích ăn uống nhưng lại không có mỹ nữ, hai bên đố kỵ lẫn nhau, nên giữa hai bên thường xảy ra tranh đấu, kịch liệt vô cùng.

Chúng ta thường hay gọi chiến trường tàn khốc nặng mùi máu tanh là “chiến trường Tu La”, nguyên là bắt nguồn từ đây. Hình tượng của A Tu La cũng có nhiều loại, hoặc chín đầu nghìn mắt, trong miệng thổi ra lửa, chín trăm chín mươi cánh tay cùng với sáu chân, thân hình to lớn, hoặc là ba đầu sáu tay, mặt mày hung dữ, hở phần thân trên. Hang đá thứ 249 trong hang đá Mạc Cao ở Đôn Hoàng, A Tu La được vẽ vào thế kỷ thứ 6 thì là bốn tay hai chân, thân có màu đỏ, hơn nữa nửa thân trên để trần. Nó lại cùng với địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời hình thành lục đạo thế giới, là một trong số các nẻo luân hồi của chúng sinh.

Hình tượng A Tu La. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Ca Lâu La

Cũng gọi Ca Lưu La, nguyên là Thần Điểu thể hình to lớn, tính tình hung bạo trong thần thoại Ấn Độ, đôi cánh hễ dang ra thì rộng đến hơn nghìn dặm, thậm chí hơn cả triệu dặm. Bởi đôi cánh của nó có màu vàng kim, vậy nên gọi là “Kim Sí Điểu”. Nhưng trên thực tế, lông cánh của nó là do các loại bảo vật đan dệt mà thành, đủ loại diệu tướng, chứ không chỉ là màu vàng kim, vậy nên lại gọi là “Diệu Sí Điểu”.

Ca Lâu La lúc mới sinh ra, ánh hào quang lóa mắt, chư thiên đã từng nhầm lẫn tưởng rằng là Thiên Thần Lửa mà tiến hành lễ bái. Ca Lâu La thích ăn rồng, một ngày có thể ăn một Long vương và năm trăm con rồng nhỏ. Gió quạt ra từ đôi cánh của nó, nếu như vào mắt người, sẽ khiến người ta bị mù ngay.

Hình tượng Ca Câu La. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Càn Thát Bà

Lại gọi là Kiền Thát Bà, Ngạn Đạt Bà, là một loại Thần không ăn rượu thịt, chỉ tìm hương thơm làm thức ăn, cùng với Khẩn Na La phục vụ Đế Thích, là vị nhạc thần chuyên việc tấu nhạc ca hát. Về hình tướng, trong thần thoại có nhiều cách miêu tả về hình dáng của loại thần này. Có thuyết cho rằng, thần này trên thân có nhiều lông, nửa người nửa thú. Song lại có thuyết cho rằng thần này có hình dáng rất đẹp.

“Bổ-đà-lạc Hải hội quỹ” ghi: Hình tượng Càn Thát Bà thân lộ màu da thịt, to lớn như trâu chúa, tay trái cầm sáo trúc, tay phải cầm bảo kiếm, đầy đủ tướng đại oai lực, trên đầu đội mũ tỏa ra ánh lửa. Có kinh văn lại cho biết thêm: Càn Thát Bà đầu đội mũ bát giác, thân thể màu đỏ…

Ngoài ra, trong tranh ảnh, họ xuất hiện trong tư thế ngồi thư thái, với 12 con giáp vây quanh, tay phải cầm đinh ba, tay trái cầm phất trần, trên đầu có hào quang lửa. Càn Thát Bà lại là một trong ba mươi ba pháp tướng của Quan Âm Bồ Tát. “Càn Thát Bà” trong tiếng Phạn lại có ý là biến hóa khôn lường. Ấn Độ xưa gọi ảo ảnh là “Càn Thát Bà thành”, trong kinh Phật thường dùng từ này để hình dung sự biến hóa vô thường của chư Pháp.

Hình tượng Càn Thát Bà. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Khẩn Na La

Lại gọi là Khẩn Nại Lạc, Chân Đà La, về sau lại dịch là Nhạc Thần, Thần Ca Nhạc, Âm Nhạc Thiên. Bởi vì Khẩn Na La giống người nhưng có sừng, lại gọi là “nhân phi nhân”, nó xuất phát từ thần thoại Ấn Độ. Trong kinh Phật, nó có âm thanh mỹ diệu, giỏi múa hát, là nhạc thần của Đế Thích, thường hay xuất hiện trong Pháp hội thuyết giảng Phật Pháp của Phật. Trong kinh Phật nói, Khẩn Na La nam thì đầu ngựa mình người, giỏi ca hát, nữ thì đoan trang múa rất đẹp, hơn nữa đa số là kết hôn với Càn Thát Bà.

Ma Hầu La Già, lại được gọi là Ma Hộ La Nga, Ma Phục Lặc, ý dịch là Địa Long, Đại Mãng Thần, Đại Mãng Xà. Ma Hầu La Già cũng thuộc về Nhạc Thần, hình dáng của nó là mình người đầu rắn. Trong kinh Phật nói trong thân thể nó có rất nhiều trùng độc rúc rỉa ăn thịt, đau đớn vô cùng.

Hình tượng Khẩn Na La. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

***

Thiên Long bát bộ tuy mỗi bên đều có hình tướng, tính cách khác nhau, nhưng đều được cảm hóa bởi uy đức của Đức Phật, tôn kính Phật Pháp, duy hộ Phật Pháp, lại thường hay tham gia, tán thán Phật sự, là bộ phận tổ thành quan trọng trong hệ thống thần linh hộ Pháp bàng đại của nhà Phật.

Sau khi thuyết về Thiên Long bát bộ truyền vào Trung thổ, trong rất nhiều kho tàng nghệ thuật Phật giáo của Trung thổ, như hang đá ở Đôn Hoàng, chạm khắc lớn trên đá, phần nhiều đều có thể nhìn thấy hình tượng này. Rất nhiều quỷ thần trong Thiên Long bát bộ đều quen thuộc với dân chúng, có ảnh hưởng nhất định trong đời sống tín ngưỡng, đồng thời cũng có được biểu hiện phong phú trong văn học nghệ thuật. Ví như tồn tại phổ biến của rồng, Dạ Xoa trong tín ngưỡng dân chúng và văn học, phương diện này không cần phải nói thêm. Khả năng làm mưa của rồng, vẻ mặt dữ tợn của Dạ Xoa, đều có ngọn nguồn sâu xa với cách nói trong Thiên Long bát bộ.

Lại như Ca Lâu La tính tình hung bạo lại thần thông quảng đại, trong tác phẩm văn học được miêu tả khá nhiều. Ví như Bằng Đại Vương – Tam đại vương trong Sư Đà động của bộ tiểu thuyết trường thiên “Tây Du Ký”, ngoại hiệu Vạn Trình Vân Lý Bằng (đại bàng đi vạn dặm trong mây), chính là Kim Sí Điểu.

Phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết “Thuyết Nhạc Toàn Truyện” (Nhạc Phi truyện) đời nhà Thanh, cũng là vận dụng truyền thuyết về Ca Lâu La. Trong sách nói Nhạc Phi nguyên là Kim Sí Điểu chuyển sinh, Tần Cối là Long vương từng bị nó mổ bị thương con mắt trái chuyển sinh, Kim Ngột Thuật của Nữ Chân quốc là rồng râu đỏ chuyển sinh. Vì để thu phục hai người này, Đức Phật mới cử Kim Sí Điểu chuyển sinh xuống nhân gian. Kim Dung trực tiếp lấy “Thiên Long bát bộ” đặt tên cho bộ tiểu thuyết của mình, cũng là ám chỉ sự đối ứng kỳ diệu của các nhân vật muôn màu muôn vẻ trong tiểu thuyết với tám loại quỷ thần này.

Theo soundofhope.org
Phi Long biên dịch