Trong thời đại công nghệ cao ngày nay, công việc của con người càng ngày càng trở nên nhiều và phức tạp hơn, thời gian cũng vì vậy mà ngày càng thiếu thốn. Vậy làm sao để có thể cân bằng?

Hãy thử vận dụng “bảo vật” này: Rèn luyện tâm trí, thay đổi tư duy, cộng thêm việc nuôi dưỡng những thói quen tốt, giúp bạn có thể nắm giữ được cuộc sống của mình.

Vậy chúng ta cần rèn luyện tâm trí thế nào đây? Những lời khuyên sau đây hy vọng có thể sẽ giúp ích cho bạn.

Đề ra mục tiêu phải rõ ràng và có chút khó khăn

Trong biết bao nhiêu việc muốn làm thì những việc nào là việc bạn thực sự muốn làm? Có một vài việc bạn muốn làm có thể là do một ham muốn nào đó. Những việc này trong sinh mệnh của bạn có thể có, cũng có thể không, nó có vẻ không quan trọng lắm. Một số việc lại là yêu cầu của công việc thì chắc chắn bạn phải làm.

Vậy thì có thể buông bỏ những việc không rõ ràng hoặc không thể nắm chắc, sàng lọc ra những việc quan trọng và thực sự muốn làm. Nếu bạn có thể khoanh ra một cách rõ ràng, chính xác những việc này, thì bạn sẽ có thể hiểu rõ mục tiêu của mình là gì.

Khi đặt ra mục tiêu phải suy ngẫm tới điều kiện, thời gian và năng lực của bản thân. Nếu mục tiêu đề ra cao hơn núi, khó khăn trùng trùng, thậm chí không thể nắm chắc thời gian hoàn thành là bao lâu, những mục tiêu không thực tế như vậy thường dễ giữa đường đứt gánh…

Ngược lại nếu mục tiêu đạt được quá dễ dàng thì cũng không cần đặt mục tiêu nữa. Mục tiêu phải mang lại cho bản thân một chút khó khăn và thách thức. Khi hoàn thành xong mục tiêu thì lại đặt ra một mục tiêu khó hơn một chút. Nhưng vậy thì cuộc sống của bạn sẽ luôn giữ được động lực mà tiến về phía trước.

Đặt mục tiêu chính xác cũng giống như chúng ta đang leo một ngọn núi ngay trước mắt. Ảnh dẫn theo SUNO.vn

Kiên trì đến cùng

Đặt mục tiêu chính xác cũng giống như chúng ta đang leo một ngọn núi ngay trước mắt. Bạn có thể nhìn rõ đang ở một nơi không xa phía trước, bạn biết rằng hàng ngày chỉ cần nỗ lực bước đi bao nhiêu dặm đường là có thể dự tính được thời gian leo lên đến đỉnh. Trong tâm bạn dường như có một chiếc la bàn chỉ dẫn tiến về phía trước theo mục tiêu của mình.

Giữa đường có thể bạn sẽ gặp phải chướng ngại và trượt ngã, nhưng bạn sẽ bò dậy, tiếp tục tiến về đỉnh núi phía trước. Trên con đường ấy, có thể sẽ có người mời bạn cùng đi một con đường khác, tới một ngọn núi khác đầy mê hoặc hơn. Lúc này chiếc la bàn trong tâm bạn sẽ phát huy tác dụng. Hãy phán đoán một chút xem mình nên tiến tiếp về phía mục tiêu, hay thay đổi mục tiêu của mình. Lúc này chiếc la bàn trong tâm sẽ có thể phân biệt được mục tiêu thực sự. Như vậy bạn mới mong hoàn thành được mục tiêu.

Kết hợp mục tiêu “ngắn hạn” thành mục tiêu “dài hạn”

Nếu biết cách sắp xếp mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, tức là kết hợp những mục tiêu ngắn hạn trong các giai đoạn khác nhau thì cuối cùng bạn sẽ đạt được mục tiêu dài hạn. Như vậy bạn sẽ cảm thấy mình luôn đang làm việc hiệu quả và dễ dàng tập trung tâm sức hơn, sức bán mà công bội.

Biết sắp xếp các mục tiêu ngắn hạn để chúng kết hợp thành mục tiêu dài hạn, như vậy sẽ dễ dàng tập chung hơn. Ảnh dẫn theo tin247.com

“Tập trung” chứ không phải “làm nhiều việc”

Nhiều khi việc chúng ta muốn làm nhưng chưa hoàn thành không phải do năng lực mà là do bạn bị phân tán sự tập trung và thời gian cho quá nhiều việc vặt.

Chúng ta cho rằng cùng lúc làm rất nhiều việc, hoặc đành phải cùng lúc đối mặt với rất nhiều việc phải làm thì sẽ hiệu quả. Kỳ thực “làm nhiều” như vậy,  theo các nhà tâm lý học thì rất hại não. Bạn thử nghĩ mà xem, khi chúng ta chú tâm vào 1 việc và vào 3 việc, thì có thể tập trung tâm trí vào mỗi việc được bao nhiêu? Quá nhiều việc sẽ phân tán sự tập trung của bạn và chất lượng công việc cũng sẽ bị giảm xuống, từ đó kéo dài thời gian hoàn thành công việc.

Đơn giản hóa những mục tiêu phức tạp

Càng đơn giản hóa mục tiêu thì khi làm việc càng tự tin và dễ đạt được thành công hơn.

Đôi khi muốn hoàn thành một mục tiêu hơi khó một chút cần phải có rất nhiều bước và tốn nhiều thời gian, ví như mua nhà, tiết kiệm tiền nghỉ hưu, giảm cân… Trong đó có thể liên quan tới những biến số phức tạp hay các tình huống khác nhau. Thử đơn giản hóa những mục tiêu có vẻ phức tạp và mang tính thách thức, bóc tách chúng ra từng lớp để tìm ra một phương thức tiến nhập dễ dàng nhất, bạn sẽ có thể từng bước từng bước tiến đến mục tiêu. Điều quan trọng là khi bắt đầu tiến hành thì giống như cổ nhân nói: “Biến khó thành dễ”, chỉ cần bắt tay vào thực thi bạn sẽ phát hiện ra rằng sự việc không khó khăn như chúng ta vẫn tưởng.

Càng đơn giản hóa mục tiêu thì khi làm việc càng tự tin và dễ đạt được thành công hơn. Ảnh dẫn theo lettera43.it

Nguyên tắc: Làm việc – nghỉ ngơi – làm việc

Làm việc liên tục suốt một thời gian dài, có lẽ sẽ khiến rất nhiều ông chủ lạc quan về doanh nghiệp của mình. Nhưng sức người có hạn, đầu óc cũng cũng có khi mệt nhọc theo tính đàn hồi. Draugiem Group, một công ty thiết kế của Châu Âu phát hiện ra rằng đa số những nhân viên có sức sáng tạo thường có một nguyên tắc làm việc chung, tức là bình quân làm việc tập trung khoảng 52 phút họ sẽ nghỉ ngơi 17 phút, sau đó lại tiếp tục làm việc. Cũng giống như khi các vận động viên khi tiến hành “huấn luyện gián đoạn” thì vận động mạnh và vận động nhẹ nhàng sẽ được kết hợp đan xen với nhau, mới có thể kích thích khả năng tiềm ẩn thực sự.

Nỗ lực là điều cần thiết, chỉ là đừng quên rằng trong quá trình nỗ lực thì thi thoảng bạn cần dừng bước nghỉ ngơi một chút, sau đó lại tiếp tục tiến về phía trước. Trong những khoảng khắc nghỉ ngơi chớp nhoáng, có thể sẽ kích thích những luồng tư duy mới, chứa đựng nhiều năng lực tiến về phía trước hơn. Chính nguồn năng lượng này sẽ giúp bạn có thể thực hiện được mục tiêu và giấc mơ của mình.

Theo NTDTV
Hiểu Mai biên dịch

Từ Khóa: