“Nỗ lực thử sức với điều mình yêu thích, bắt đầu công trình khai thác, khám phá bản thân, rồi sẽ đến một ngày bạn tìm ra được viên Ruby mỹ lệ của riêng mình”.

Một cô gái trẻ đã không ngại thay đổi 10 công việc khác nhau trong vẻn vẹn 5 năm. Vì sao lại như vậy? Tất cả là để được làm chính mình. Dưới đây là những chia sẻ tâm huyết của một cựu sinh viên trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan. Bài phát biểu chỉ kéo dài hơn 20 phút nhưng đã để lại ấn tượng trong lòng tất cả mọi người có mặt tại hội trường.

***

Xin chào các thầy cô và các bạn sinh viên!

Tôi tên là Lâm Nghệ, là sinh viên khoá 101. Mọi người cũng biết rằng, sinh viên khoá 101 tính đến nay đã tốt nghiệp 5 năm. Không biết những sinh viên ngồi đây có bao giờ nghĩ rằng, sau 5 năm nữa các bạn sẽ trở thành người như thế nào hay không? Có lẽ các bạn chưa có mục tiêu rõ ràng, nhưng không sao, bởi vì tôi của 5 năm trước cũng không biết rằng rồi sẽ đến một ngày như hôm nay, tôi được đứng đây nói chuyện cùng các bạn.

Cho nên, hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng mọi người rằng, trong 5 năm bạn có thể làm được bao nhiêu việc, có được bao nhiêu khả năng phát triển cuộc sống của chính mình?

Lâm Nghệ, người sáng lập Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn. (Ảnh dẫn theo udn.com)

Tìm được phương thức và bước vững chắc trên con đường mình đã chọn

Tôi là người yêu thiên nhiên, vậy nên khi vào đại học tôi đã chọn khoa Sinh. Tại đây tôi có cơ hội nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái. Sau khi bắt tay vào việc nghiên cứu, tôi cảm thấy bản thân mình không thích hợp cho lắm. Vậy là tôi tiếp tục thi vào khoa Giáo dục Đào tạo, trở thành một trong 40% người đủ tư cách làm công tác đào tạo tại trường.

Đến năm thứ 4, sinh viên chúng tôi cần đi thực tập, tôi đã đến trường cấp ba Thành Công để học cách làm thế nào trở thành cô giáo dạy môn Sinh học. Khi lên lớp, tôi dạy bài “Nhân loại và môi trường”, nội dung bài giảng nói rằng chúng ta cần bảo vệ Địa Cầu và yêu quý thiên nhiên. Cảm thấy đây là một đề tài quan trọng, tôi đã nói rất nhiều và cũng đưa ra vô số ví dụ. Đến khi hết tiết học, có một học sinh lên giúp tôi thu dọn dụng cụ giảng dạy. Em đã hỏi tôi rằng: “Cô giáo, hôm nay cô đưa ra rất nhiều ví dụ bảo vệ môi trường, vậy cô đã từng làm qua những việc đó chưa?”

Lúc đó tôi như bừng tỉnh. Tôi chợt nhận ra tất cả những gì mà mình vừa mới thao thao bất tuyệt đều là những việc tôi chưa từng làm qua. Theo lý thì thầy cô giáo phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Nhưng tôi lại chưa từng làm gì hết, lấy đâu ra mà làm tấm gương cho các em? Kết quả là bài giảng của tôi không có tính thuyết phục, toàn bộ trở thành những lời nói suông rỗng tuếch. Tôi là người yêu thiên nhiên như thế, vậy mà ngay cả tôi cũng không có chút hành động gì thiết thực!? Vậy thử hỏi còn có ai đây? Làm sao có thể dạy dỗ được các em?

Tôi cả giận chính mình mà quay về văn phòng, và tôi ngồi tại đó suy nghĩ, và suy nghĩ. Chúng ta đọc nhiều sách như vậy, có người nói tri thức là sức mạnh, nhưng tri thức cũng là trách nhiệm, vả lại hình như hành động mới là sức mạnh. Vậy là tôi quyết định bước ra đối diện với hiện thực. Lúc đầu chỉ có mình tôi đơn độc bước đi, sau đó tôi tìm những người xung quanh, cũng chính là bạn cùng học trước kia. Chúng tôi cùng nhau sáng lập Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn. Vì muốn kêu gọi mọi người chung tay dọn vệ sinh môi trường nên chúng tôi đã chia sẻ trên Facebook. Với mục tiêu có 30 người tham gia trong lần đầu ra quân, chúng tôi hi vọng cho mọi người biết rằng chúng tôi thực sự muốn gìn giữ môi trường.

Tôi biết người thực sự có thể hỗ trợ mình là các bạn học cũ. Vậy nên, vì để đạt được con số 30 người, tôi đã dành khoảng 1 tuần đi kêu gọi 400 người bạn, nhờ họ họ ấn Like trên Facebook, mời họ đến, rồi tôi lại liên hệ với tất cả những người có quan hệ thân thiết với mình. Nhưng vì không chắc họ có đến hay không, chúng tôi quyết định rằng bất luận có bao nhiêu người tham gia thì chúng tôi vẫn sẽ làm, và cho dù không có ai đến, chúng tôi vẫn làm.

Kết quả, có 62 người tham gia, riêng số bạn bè của tôi đã là 30 người, đạt mục tiêu đề ra. Sau khi chúng tôi đạt được thành công nho nhỏ ban đầu thì càng có nhiều người công nhận Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn. Sau này, những hoạt động của chúng tôi bình quân có từ một đến hai trăm người tham gia. Sau 5 năm tích luỹ, từ khi thành lập Bảo Đảo Tịnh Hương Đoàn chỉ có 7 người, hoạt động đầu tiên có 62 người, cho đến ngày nay, chúng tôi có 20 hội viên, thực hiện tổ chức được 30 lần, tổng cộng có trên 4000 người tham gia bảo vệ môi trường. Tôi không dám nói chúng tôi có năng lực thế nào mà chỉ muốn truyền tải một thông điệp rằng, nếu mỗi người đều có thể dành chút sức lực nhỏ bé của mình để cống hiến thì cả xã hội sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu.

Rất nhiều người cho rằng tôi sáng lập Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn là vì niềm yêu thích, hoặc giả là vì muốn làm việc công ích. Kỳ thực, tôi không thuộc tuýp người có tâm yêu thích đó, càng không phải diện người đi làm việc công ích. Tôi chỉ đang tìm cho mình một công việc mà mình thực sự quan tâm, đó chính là môi trường.

Mới đầu tôi cho rằng mình hợp với nghiên cứu sinh vật; nhưng sau khi tiếp xúc, tôi phát hiện đó không phải là điều tôi muốn. Tiếp đến tôi nghĩ rằng mình nên làm giáo viên dạy sinh học; nhưng sau khi tiếp xúc, tôi lại thấy rằng vẫn không phải. Mãi cho đến khi sáng lập Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn, tôi mới tìm được cho mình một hướng đi phù hợp.

Sau này, nếu như có một sự việc khiến bạn quan tâm, vô cùng quan tâm, vậy thì các bạn đừng giới hạn chính mình. Công việc này không được, hãy đổi công việc khác, nhất định các bạn sẽ tìm cho mình một công việc phù hợp, và việc còn lại là đi thực thi điều mình đang quan tâm.

Sáng lập Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn, Lâm Nghệ đã dùng hành động thực tế của mình để bảo vệ giá trị lý tưởng trong lòng mình. (Ảnh dẫn theo mirrormedia)

Nỗ lực phấn đấu mới có thể trở thành chính mình

Sau khi sáng lập Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn thì tôi tốt nghiệp đại học. Vì nằm trong top 40% cử nhân có đủ tư cách đào tạo nên sau khi tốt nghiệp tôi trở thành giáo viên dạy học. Tôi đến trường cấp 3 nữ sinh Trung Sơn thực tập, thi đỗ làm giáo viên chính thức và tiếp tục đến trường cấp 3 Lan Tự giảng dạy. Sau quá trình giảng dạy tại trường cấp 3 Lan Tự, tôi quyết định rằng…

Tôi không làm giáo viên nữa.

Tại sao vậy? Có 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, tôi suy nghĩ về cuộc sống của một giáo viên. Tôi có muốn dạy học hai hay ba mươi năm tại một trường học không? Tôi không muốn. Liệu đến 32 hay 42 tuổi, tôi vẫn còn muốn làm giáo viên hay không? Có lẽ trong vòng 10 năm vẫn có thể được. Nhưng sau 10 năm nữa, nghề giáo không phải là điều tôi mong muốn.

Thứ hai, tôi vừa mới tốt nghiệp, không đủ hiểu biết về thế giới này. Có người nói, làm kinh doanh thì kẻ lừa người dối, làm viên chức thì người tranh kẻ đoạt, nhưng đó là lời người khác nói, tôi cho rằng tự mình trải nghiệm mới đúng là thực tế.

Thứ ba, đây cũng là nguyên nhân quan trọng nhất. Mọi người có thể nhớ lại một thầy giáo hay cô giáo mà bạn ấn tượng sâu sắc nhất, tôi tin chắc rằng đó không hẳn vì cách dạy học của họ, mà là vì nhân cách, là cách sống của người thầy ấy. Điều thực sự có thể lưu lại trong lòng mọi người, có thể cùng mọi người đi hết cả cuộc đời, đó không phải là kiến thức, mà là cách đối nhân xử thế và tầm nhìn của họ. Nhưng tôi là người mới tốt nghiệp, lấy đâu ra những điều đó? Lấy đâu ra tầm nhìn?

Sau đó tôi bắt đầu suy ngẫm, tôi dành cho mình một khoảng thời gian để tự tìm hiểu bản thân. Tôi suy nghĩ 3 vấn đề: Tôi thích gì? Tôi là người như thế nào? Người như tôi thì thích hợp vị trí nào trong xã hội? Tôi tự nhận thấy mình là người linh hoạt, có tính sáng tạo, thích đối diện với một nhóm quần chúng. Những phân tích ấy đều đưa đến một đáp án mà trước nay tôi chưa hề nghĩ đến: Tôi thích hợp với vị trí lãnh đạo.

Người lãnh đạo! Đây là một thân phận mới mà tôi chưa từng có, phải bắt đầu từ con số 0. Tôi không biết làm lãnh đạo, nhưng tôi biết nỗ lực phấn đấu. Tôi nói với tất cả bạn bè của mình và nhờ họ giới thiệu cho tôi cơ hội, tôi cũng tự giới thiệu mình trên Facebook, và hễ nhìn thấy cơ hội là tôi gửi email, tôi tham gia thi thố. Tôi vô cùng nỗ lực để trở thành chính mình! Và thật bất ngờ, tôi phát hiện mình không cần phải tốn nhiều công sức như thế.

Tôi tham gia một cuộc thi truyền hình, yêu cầu là phải tải lên một đoạn clip biểu diễn để mọi người bỏ phiếu. Tôi không biết làm clip, vậy là tôi đã dành một tháng để mày mò cách làm, bắt đầu từ học viết kịch bản, sau đó là phần mềm cắt ghép…

Sau khi clip của tôi được đăng tải lên Facebook, có 165 người chia sẻ, tiếp đó 2 tuần đạt được con số 1320 phiếu, bình quân mỗi ngày tôi được 94 phiếu bình chọn. Tôi nghĩ clip phải thú vị thì mới có sức ảnh hưởng đến như vậy, tôi quay sang đối thủ của mình xem họ biểu diễn điều gì? Họ biểu diễn đi bộ không phát ra tiếng động, thử hỏi ai mà không làm được việc đó? Vậy là tôi giành giải thưởng cao nhất trong cuộc thi.

Ngoài ra, tôi còn tham gia cuộc thi du lịch trên truyền hình. Có tới ba hoặc bốn trăm ứng viên và thời gian cũng là 1 tháng, trong cuộc thi này tôi cũng gặt hái được một số điều tâm đắc.

Có 13% ứng viên khi vừa thấy khó khăn liền lập tức bỏ cuộc, số người này không nhận được một phiếu nào cả.

Nếu như bạn phối hợp với người khác, một tháng sau bạn chỉ có thể nhận được 5 phiếu, vượt qua 36% số người tham gia.

Nếu như bạn không cần tìm người phối hợp, tất cả đều tự mình cố gắng, sau một tháng bạn nhận được 31 phiếu và vượt qua 54% số người tham gia.

Khi đó tôi phát hiện một vấn đề, trong xã hội này có nhiều người không muốn nỗ lực phấn đấu. Nếu bạn thật sự cố gắng, bạn dễ dàng vượt lên quá nửa số người xung quanh.

Tôi đạt 2292 phiếu, bình quân một ngày được 73 phiếu, tôi vượt lên 96,2%, là tốp 3,8% đứng đầu. Nhưng dù tôi cố gắng như vậy thì vẫn không đạt được tốp 10, vẫn đứng vị trí 13.

Trong mọi tình huống, tôi đều là người gặp rừng mở lối, gặp sông bắc cầu, tất cả đều tự mình mò mẫm bước đi. Đến nay, tôi đã làm người dẫn chương trình của 50-60 tiết mục khác nhau, cũng từng làm người dẫn chương trình truyền hình thực tế bên ngoài. Người dẫn chương trình đã trở thành một thân phận mới của tôi. Nếu như bạn muốn trở thành một người như mình mong muốn, bạn cảm thấy bản thân có một năng khiếu thiên bẩm nào đó, bạn nhất định phải nỗ lực hết mình để người khác có thể nhận ra bạn.

Không có ai đi lướt qua bạn, nhìn bạn, trao cho bạn cơ hội, không có ai đứng ở ngã ba đường đợi bạn, tuyển dụng bạn — bởi vì bạn nhất định phải nỗ lực mới có thể trở thành chính mình.

Thất bại vì trốn tránh chính mình

Tuy là người dẫn chương trình có tiếng, nhưng kỳ thực tôi cũng từng trải qua một thời kỳ bất ổn. Tôi rất sợ túng thiếu, thực sự rất sợ, vậy nên tôi tự nhủ chỉ cần đi tìm một công việc bình thường là được rồi, dù sao tôi cũng không đi làm, thử một chút sức mình xem sao!

Công việc đầu tiên của tôi là biên kịch tiết mục khoa học phổ thông cho đài truyền hình. Trước nay tôi chưa từng làm tiết mục truyền hình, vậy là lại nhảy qua một lĩnh vực mới. Công việc phối hợp với đồng nghiệp rất tốt, nhưng tôi suy nghĩ rằng, nếu như có cơ hội khác, tôi có muốn làm ở đây mãi không? Tôi không chắc lắm, nhưng nếu như không tiếp tục ở đó, vậy tôi sẽ đi đâu?

Tôi không còn sợ hãi, tương lai của tôi, tôi sẽ tự tạo nên!

Sau đó, tôi lại nhảy qua một lĩnh vực khác nữa, tôi đi làm kinh doanh tiếp thị, đây cũng là công việc tôi chưa làm trước đó. Và tôi phát hiện ra rằng, trong công việc, nếu như tôi không thể hiện chính mình, vậy tôi không phải là tôi nữa. Vì để sinh tồn, để thích nghi với xã hội mà làm việc, điều ấy khiến tôi không thể phát huy khả năng thiên bẩm, tôi không có được cảm giác thành tựu. Tôi phải làm rất nhiều việc mà mình không yêu thích, điều này khiến tôi ngày càng chán ghét chính mình. Mỗi ngày tôi đều mong chờ đến lúc rời khỏi công ty; mỗi khi đến 17:55 là tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc xuống dưới văn phòng, đứng đợi chỗ quẹt thẻ; 17:59, 18:00 là tôi quẹt thẻ, dù chỉ một giây cũng không ở lại, lập tức rời đi.

Có một khoảng thời gian tôi rơi vào vòng luẩn quẩn. Trong công việc tôi không thể là chính mình, tôi chán ghét chính bản thân mình và chỉ muốn thôi việc, nhưng thôi việc lại không có tiền. Tôi chỉ còn cách ở lại, nhưng ở lại tôi lại không thể trở thành chính mình. Vậy làm thế nào để tôi thoát khỏi hoàn cảnh đó? Đó là khi tôi bị sa thải.

Tiếp theo, tôi rơi vào trạng thái mông lung nhất của đời người. Vì sao tôi sáng lập Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn, rồi lại làm người dẫn chương trình có tiếng tăm, vậy mà không thể làm tốt công việc của một nhân viên bình thường? Hơn nữa trong thời gian đó, Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn vẫn tiếp tục hoạt động, báo chí vẫn đưa tin về những cống hiến của tôi vì môi trường, vẫn ca ngợi tôi là người tài giỏi có năng lực ra sao, mọi người vẫn gọi tôi là người hùng giữa đời thường, là thanh niên ưu tú, là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong tương lai…

Trên thực tế tôi là người bị sa thải, là người thất nghiệp và mất đi định hướng. Tôi là người có tầm ảnh hưởng trong tương lai, vậy tại sao cuộc sống của tôi lại trở thành thế này? Rút cuộc điều gì đang diễn ra? Tôi gục ngã, nhưng lại không biết phải làm sao để đứng dậy.

Sau vài tuần, tôi và các thành viên của Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn tham gia tiết mục phát thanh quảng cáo. Sau khi chương trình kết thúc, thành viên trong nhóm hỏi dự định tiếp theo của tôi là gì? Khi vừa nghe câu hỏi tôi lập tức oà khóc, tôi thực sự rất mông lung và vô định, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Mọi người khuyên tôi nên dành chút thời gian đúc kết lại bản thân, suy nghĩ xem điều mình thực sự mong muốn là gì? Tiếp đó hãy đi tìm điều mình thích, tìm công việc phù hợp với mình. Nếu như Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn không phải là điều mà tôi thực sự tâm huyết, vậy thì giải thể cũng không sao, chỉ cần tôi suy nghĩ thông suốt thì mọi người đều ủng hộ.

Vậy là tôi dành 2 tháng để nhìn lại chính mình, tôi chỉnh lý ra một bản báo cáo tổng cộng 22 trang giấy A4, kết quả thu được là: Tôi đã không đối diện với mình một cách chính xác.

Tôi phát hiện rằng, làm nhân viên công ty là cách tôi chạy trốn chính mình. Bởi vì tôi cần tiền, tôi muốn có được cảm giác an toàn nên mới chọn cách thức đi làm, phù hợp với giá trị chủ lưu trong xã hội, tôi có thể nhanh chóng có được tiền, có được tiền đề. Tôi đem những thứ trân quý, những điều đặc biệt của bản thân mình bỏ đi. Tôi cho rằng như thế tôi sẽ có được cảm giác yên tâm, nhưng đó không phải là tôi, kết quả nhận được còn khiến tôi chán nản và bế tắc hơn.

Và quan trọng nhất, tôi phát hiện ra rằng, nếu như tôi không thể đạt được điều mình muốn bằng công việc thông thường, vậy thì tôi cần phải tự thân mà sáng tạo. Vì suy nghĩ ấy, tôi bắt đầu dùng toàn thời gian của mình để kinh doanh vận hành Bảo Đảo Tịnh Hương đoàn, công việc mà trước kia tôi vẫn làm vào lúc sau tan ca. Mới đầu tôi nỗ lực nhận các dự án dẫn chương trình. Vì khi làm công việc này, tôi có thể phát huy khả năng thiên bẩm của mình, cảm giác đây mới là chính mình. Từ đó, mỗi ngày tôi đều có những thu hoạch bất ngờ.

Tôi vẫn giống như đại đa số quần chúng, vẫn nghèo, vẫn khó khăn, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi biết, nghèo thực sự không phải là không có tiền, mà là không có năng lực thay đổi hoàn cảnh. Tôi không còn sợ hãi, tương lai của tôi, tôi sẽ tự tạo nên!

Từ đó, mỗi ngày tôi đều có những thu hoạch bất ngờ.

Thất bại, tiếp tục thử sức, kiên trì theo đuổi điều mình yêu thích

Sau cùng tôi muốn chia sẻ với mọi người một câu chuyện, nó luôn là động lực trong suốt cuộc hành trình của tôi.

Vào năm thứ 4 đại học, trong một lần cắm trại, tôi đại diện cho trường tham gia giao lưu cùng đại học Cát Lâm ở Trung Quốc. Sau 5 ngày kết thúc, bạn học tại trường Cát Lâm tiễn chúng tôi ra sân bay để trở về Đài Loan. Một người bạn vỗ vai nói rằng: “Lâm Nghệ, sau này bạn nhất định sẽ thành công!”

Tôi nói: “Không phải bạn có tiền chưa trả tôi đấy chứ?”

Bạn đó trả lời: “Là vì bạn có đầy đủ 3 yếu tố của người thành công”.

Tôi nói: “3 yếu tố nào?”

Bạn đó trả lời: “Thứ nhất chính là kiên trì”.

Tôi nói: “Đúng vậy, kiên trì rất quan trọng, tiếp nữa…”

Bạn đó trả lời: “Thứ 2, bạn không cần thể diện”.

Tôi nói: “Nghe cứ như bạn đang mắng mình ấy? Vậy thứ 3 là gì?”

Bạn đó trả lời: “Thứ 3 là bạn kiên trì không cần thể diện — đó chính là bạn, bạn biết không?”

Đích thực, muốn thành công, không chỉ là kiên trì, không chỉ là không cần thể diện, mà hơn hết là cần “kiên trì không cần thể diện”.

Tháng sáu năm nay, tôi tốt nghiệp vừa tròn 5 năm, và cũng trong 5 năm qua, tôi luôn mang trong mình tinh thần “kiên trì không cần thể diện” để làm 10 công việc khác nhau. Tôi điên cuồng thử sức mình trong nhiều lĩnh vực, thất bại rồi lại thử, chỉ cần đó là điều mình thích là tôi sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng. Thông qua nỗ lực không ngừng, cuối cùng tôi cũng tìm được việc mình thích và thích hợp với tôi.

Các bạn sinh viên, mơ ước của bạn cũng như một khoáng vật quý hiếm, nó bị chôn vùi trong tận nơi sâu thẳm lòng mình. Trước lúc được khai thác, sẽ không có ai biết được nó là thế nào? Nhưng giả dụ các bạn thông qua việc thử sức với những điều mình thích, bắt đầu bắt tay vào khai thác nó, rồi sẽ đến một ngày bạn tìm ra được viên Ruby mỹ lệ của chính mình. Hơn nữa, trên thế giới này, chỉ có bạn mới có thể khai thác được nó, ngoài bạn ra thì không ai có thể làm được việc đó đâu.

Tốt nghiệp 5 năm, làm qua 10 công việc, nhưng kỳ thực, tôi chỉ làm một việc duy nhất, đó chính là nỗ lực không ngừng để phát hiện chính mình và dũng cảm trở thành chính mình.

Cám ơn mọi người, chúc mọi người tốt nghiệp vui vẻ.

Minh Vũ biên dịch

Xem thêm: