Sau các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp tại Pháp, đất nước của sự bình đẳng, tự do và bác ái, quốc gia đa sắc tộc nổi tiếng với sự cởi mở đã nhen nhóm những căng thẳng và thù hằn nhắm vào người Hồi giáo. Tuy nhiên, tinh thần bao dung Pháp đã nhanh chóng khởi lên với tuyên ngôn: “Họ có súng còn chúng ta có hoa”, “Chúng ta sẽ chống lại sự bất khoan dung một cách ôn hòa và không bao giờ bỏ cuộc”.

Thay vì đổ lỗi cho người Hồi giáo và kích động bạo lực, thù hằn, rất nhiều người Pháp đã nhanh chóng nhận thức ra và hành động để kết nối dân tộc thay vì chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Francois Reyes là một người như thế, chàng thanh niên lúc đó mới 19 tuổi đã làm giám đốc của Résveil Citoyen, một think tank (tổ chức hoặc nhóm nghiên cứu, tư vấn về chính sách, chiến lược trong các lĩnh vực khác nhau, thường là phi lợi nhuận và được miễn thuế tại một số nước) được thành lập để kết nối và tăng sự thấu hiểu giữa các cộng đồng trong nước Pháp sau các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào tòa soạn Charlie Hebdo và làn sóng bạo lực trả đũa người Hồi Giáo ở Pháp.

Khi vụ tấn công sân vận động Stade de France và phòng hòa nhạc Bataclan ở trung tâm Paris diễn ra từ 13 – 14/11/2015, Reyes đang trên đường tới Hội nghị Một Thế giới trẻ ở Bankok, Thái Lan. Tại đó, cậu đã có một bài phát biểu truyền cảm hứng gây chú ý cho giới truyền thông thế giới, trong đó có đoạn viết:

Reyes trong bài phát biểu của mình. Ảnh dẫn theo huffingtonpost.co.uk

“…Dõi theo số lượng người chết cứ tăng dần lên, bạn sẽ không khỏi ích kỷ thầm mong rằng trong số các nạn nhân không có ai mà bạn yêu quý. Nhưng rồi chuyện gì phải đến cũng đến, bạn nhận ra rằng có những người rất có ý nghĩa với bạn nhưng bạn không còn cơ hội gặp lại họ nữa.

Bị sát hại bởi những kẻ nhân danh thứ mà chúng tin là tôn giáo, 129 con người, là những người anh người chị, người cha người mẹ đã thiệt mạng dưới làn đạn man rợ.

Trong những giờ phút như vậy, là người Pháp hay không không còn quan trọng nữa. Tất cả đều là con người với nhau. Tất cả chúng ta đều biết một, hai nạn nhân: đó là anh và tôi. Bởi vì chúng ta đều đã là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Bất kể anh ở Pháp hay bất kỳ đâu trên địa cầu này.

Cuộc sống thật mong manh. Những nạn nhân đó chỉ đơn giản đang tận hưởng cuộc sống. Họ đang say sưa tại một quán bar, thổi nến mừng sinh nhật trong một nhà hàng, tận hưởng một buổi hòa nhạc hay cổ vũ cho đội bóng yêu thích của mình…Đơn giản, họ đang sống.

…Sau cuộc tấn công đầu tiên vào tháng Một, ta chứng kiến làn sóng bạo lực nhắm vào cộng đồng người theo đạo Hồi sống tại Pháp. Chỉ trong một tháng, hơn 150 vụ bạo lực đã được thực hiện nhắm vào họ, bao gồm từ hành hung đến phóng hỏa các đền thờ Hồi giáo. Con số này nhiều hơn so với năm 2014. Tôi đã e ngại rằng những điều đó sẽ lại diễn ra, và thực tế nó đã bắt đầu khi một thanh niên Hồi giáo bị hành hung.

Sau đó, tôi cùng những đồng sự tuyệt vời của mình đã thành lập một tổ chức nghiên cứu tại Pháp có tên là Resveil Citoyen, có nghĩa là ‘Quốc dân thức tỉnh’. Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn những vụ tấn công cực đoan khác. Bất cứ tầng lớp nào trong xã hội cũng xứng đáng có cơ hội được tranh luận về những vấn đề quan trọng, về những tai ương mà đất nước đang đối mặt.

Ý tưởng của chúng tôi là nhằm xây dựng sự thấu hiểu. Bởi vì chúng tôi tin rằng chính từ sự không hiểu hết những người trước mặt chúng ta, hay không hiểu rõ những người ta đang trò chuyện, chính là nguyên nhân dẫn đến xung đột. Là căn nguyên hủy diệt sự đoàn kết như một dân tộc của chúng ta.

Trong buổi tranh biện đầu tiên của chúng tôi về chủ nghĩa thế tục có sự xuất hiện của một đảng viên trẻ tuổi của Mặt trận Dân tộc. Ý đồ của anh ta chỉ có một, đó là gieo rắc vào trong cộng đồng sự căm ghét với người ngoại quốc, đặc biệt là cộng đồng Hồi giáo, những người cũng có mặt tại buổi tranh biện hôm đó. Trong suốt hai tiếng đồng hồ, những cử tọa Hồi giáo ngồi lắng nghe anh ta nói một cách ôn hòa, bất chấp những gì anh ta nói không có gì tốt đẹp cho lắm. Tôi bị ấn tượng bởi sự bình tĩnh đó. Vài ngày sau, một trong những cử tọa Hồi giáo quyết định dẫn anh ta đến đền thờ Hồi giáo. Ở đó, họ tranh luận tiếp dù rằng chẳng có ai tổ chức những cuộc tranh luận đó một cách chính thức. Sau đó, người đảng viên gọi cho tôi và nói rằng hóa ra Hồi giáo không tệ như những gì truyền thông đang mô tả. Anh ta trở nên khoan dung hơn. Ngay chính thời điểm đó, tôi biết rằng kể cả khi Resveil Citoyen có phải đóng cửa ngay ngày mai thì chúng tôi cũng hài lòng vì đã đạt được một thành tựu gì đó. Thành tựu đó, bạn chẳng thể đong đếm được.

… Bọn khủng bố có súng và có bom, còn chúng ta sử dụng ngôn từ và hành động. Chúng ta đọc, học hỏi, và chống lại những ý tưởng đối nghịch một cách ôn hòa. Và dù rằng tôi ước bản thân mình đang ở quê nhà để cùng thương khóc cho những người bạn của mình, thì riêng việc có mặt ở đây cũng đã hồi sinh niềm tin và hy vọng vào việc con người có thể chống lại được sự cực đoan. Tôi sẽ quay về quê hương mình và nói với mọi người rằng chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại sự bất khoan dung. Chúng ta sẽ chống lại nó một cách ôn hòa và không bao giờ bỏ cuộc. Tôi muốn các bạn, những lãnh đạo trẻ tuổi, khao khát và ham học hỏi, hãy trở về đất nước các bạn và sử dụng mô hình của tổ chức chúng tôi để gây dựng nội lực cho từng công dân, không phân biệt xuất thân, địa vị, hay niềm tin. Để tất cả cùng chung tay hàn gắn xã hội mà ta đang sống.”

Cũng mang tinh thần bao dung và chống lại bạo lực bằng cái nhìn lý trí, Helene Lagoutte, một phụ nữ người Pháp chia sẻ rằng: “Tôi đã trò chuyện với con trai lớn của mình về Hồi giáo, về những điều xảy ra ở Algeria (thuộc địa cũ của Pháp), bởi vì nhiều bạn bè của cậu con trai 12 tuổi của tôi theo đạo Hồi, và tôi không muốn nó đổ lỗi cho những người bạn Hồi giáo”.

Khủng bố là những kẻ Hồi giáo cực đoan gây nên, chúng ta không thể đổ lỗi cho những người Hồi giáo vô tội. Ảnh dẫn theo vietnam.ucanews.com

Cô cũng nói thêm, “Tôi sẽ đề nghị cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp và lãnh đạo cộng đồng lên tiếng, tổ chức tuần hành để chứng tỏ, đây không phải lỗi của họ. Họ phải làm như thế. Nếu không, tôi e là những việc đáng tiếc hơn sẽ xảy ra”.

Đó là cách những người Pháp phản ứng sau những đau thương mà bản thân và dân tộc phải gánh chịu. Dẹp nỗi đau và sự sợ hãi sang một bên, người Pháp lo ngại cho những người sẽ bị liên lụy bởi những kẻ nhân danh họ gây ra những hành động sai trái cho cộng đồng. Họ lo ngại rằng xã hội sẽ bị chia rẽ bởi sự không thấu hiểu lẫn nhau, họ cùng nhau nâng cao nhận thức và cách nhìn cởi mở, bao dung với các vấn đề sắc tộc và tôn giáo. Họ dùng sự ôn hòa để kết nối sức mạnh dân tộc, chống lại những tư tưởng cực đoan gây ra bởi sự cô lập và thiếu thấu hiểu lẫn nhau.

Liên tưởng tới xã hội Việt Nam, đất nước chúng ta may mắn không phải gánh chịu những mất mát từ khủng bố, nhưng các vấn đề xã hội cũng gây ra rất nhiều tranh luận và bức xúc. Thay vì tìm hiểu và đứng từ nhiều góc độ để nhìn nhận vấn đề, chúng ta thường rất dễ áp đặt suy nghĩ, phán xét và quy chụp cho một cá nhân hay một nhóm người nào đó những điều có lẽ chưa hẳn đúng là sự thật. Ngày nay khi truyền thông và mạng xã hội phát triển, ai cũng có thể trở thành nhà báo, phóng viên hiện trường, họ chụp ảnh, đăng bài rất nhanh gọn và đơn giản. Một bức hình vị bác sĩ gác chân lên giường bệnh nhân cũng có thể khiến anh bị miễn nhiệm, hứng chịu sự phẫn nộ của cộng đồng mạng về y đức của mình dẫn tới việc phải tự nguyện xin từ chức. Tất nhiên không thể nói hành động gác chân lên giường bệnh nhân là thích hợp trong khi khám bệnh, nhưng nó không thể nói lên hết được việc anh chăm sóc bệnh nhân ra sao, tận tâm như thế nào, có nhận tiền “bồi dưỡng” như nhiều bác sĩ “đáng kính” khác không…

Ở một xã hội phán xét không đầy đủ (không có cái nhìn tổng quan mà chỉ nhìn sự việc đơn lẻ) và thiếu trách nhiệm trong việc thể hiện quan điểm thì sự vô tình sẽ có điều kiện để nhân rộng, thậm chí có thể trở thành sự độc ác bầy đàn.

Cổ nhân giảng: “Hải bất từ thủy, cố năng thành kỳ đại.” (Tạm dịch: Biển không chối từ nước cho nên nó mới thành to lớn). Những người bao dung đơn thuần luôn nghĩ và lo lắng cho người khác. Sự rộng lớn của tấm lòng của họ luôn truyền cảm hứng được tới nhiều người hơn, khiến có thể thay đổi suy nghĩ và hành động của những người khác. Nếu một xã hội có được sự bao dung nhất định, thì xã hội đó sẽ dung chứa được nhiều cá nhân với những sự khác biệt về quan điểm và niềm tin. Sẽ không có sự gián cách và chia rẽ, xã hội đó sẽ là một xã hội vững mạnh và bất khả xâm phạm trước những biến cố dù to lớn tới đâu.

Thu Hiền