Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Từ xưa đến nay, bậc Đế Vương vì đại nhẫn mà được thiên hạ, tướng lĩnh vì nhẫn mà được lâu dài, thương nhân vì nhẫn mà được giàu sang phú quý, người thường vì nhẫn mà có được tri kỷ. Nhẫn nhịn luôn là một đức tính truyền thống tốt đẹp của con người. Nhìn lại lịch sử, có rất nhiều nhân vật nhờ có tâm đại nhẫn mà làm thành được việc lớn.

Trong cuốn “Lưu hầu luận” của Tô Thức có đoạn viết: “Cổ chi sở vị hào kiệt chi sĩ, tất hữu quá nhân chi tiết. Nhân tình hữu sở bất năng nhẫn giả, thất phu kiến nhục, bạt kiếm nhi khởi, đĩnh thân nhi đấu, thử bất túc vi dũng dã. Thiên hạ hữu đại dũng giả, tốt nhiên lâm chi nhi bất kinh, vô cố gia chi nhi bất nộ. Thử kì sở hiệp trì giả thậm đại, nhi kì chí thậm viễn dã.”

Đoạn văn này nói lên rằng, kẻ mà được gọi là hào kiệt, ắt phải có tiết khí hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt kiếm tương đấu, cái đó chưa đủ gọi là dũng. Những bậc đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc “kinh thiên động địa” cũng không kinh sợ, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không oán giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chí của họ ở rất xa.

Một người khi gặp vấn đề về lợi ích của bản thân hay bị người khác làm nhục, nghe phải những lời nói kịch liệt công kích mà có thể thản nhiên nhẫn chịu, không động tâm oán giận thì đó là một loại đại trí huệ. Người như vậy, họ có thể dùng tâm thái bình thản, khoan dung đại lượng để đối đãi với ý kiến và sự phê bình của người khác đối với mình.

“Nhẫn” một lúc gió yên sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.

“Nhẫn” cũng không phải dễ dàng làm được, nhưng ở vào lúc suy sụp trong cuộc đời, hay lúc bị vũ nhục, đối diện với được và mất, vinh và nhục, lý trí dùng bình tĩnh thong dong, khoan dung, nhẫn nại để ứng đối thì thông thường sự tình sẽ xuất hiện chuyển biến, mở ra một cảnh tượng mới. “Nhẫn” là một cách hữu hiệu để “rời xa họa, chiêu mời phúc”.

Chúng ta cùng xem một số điển tích về “nhẫn” trong lịch sử.

1. Trần Quốc Tuấn nhẫn nhịn cho đại sự

Năm 1281, nhân lúc nhà Trần có sự biến động, Vua Trần Thái Tông đã mất, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông. Nhà Nguyên sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung cùng ngàn quân hộ tống sang sứ nước ta.

Sài Thung đến kinh thành nghênh mặt kiêu ngạo, cưỡi ngựa thẳng vào cửa Dương Minh, bị quân lính ngăn cản, Sài Thung không xuống ngựa mà còn dùng roi ngựa đánh thẳng vào mặt quân lính khiến họ bị thương ở đầu.

Sài Thung trách vua Trần lên ngôi nhưng không sang thiên triều để chầu, yêu cầu vua Trần phải sang Nguyên đề chầu và triều cống.

Vua sai Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp Thung, thế nhưng Sài Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, Thung cũng không dậy tiếp.

Biết tin, Trần Quốc Tuấn xin vua tiếp sứ quân Nguyên, khi Quốc Tuấn đến Sài Thung liền vái chào rồi mời ngồi dùng trà. Thì ra Quốc Tuấn đã gọt đầu ăn mặc giả làm nhà sư Tàu khiến Sài Thung phải tiếp.

Khi tiếp kiến Quốc Tuấn, Sài Thung biết người đối diện mình là ai, liền đưa mắt ra hiệu cho lính hầu, lính hầu hiểu ý liền từ đằng sau lấy mũi tên đâm vào đầu Trần Quốc Tuấn đến chảy máu, thế nhưng ông vẫn nhẫn chịu, điềm nhiên nói chuyện như không có chuyện gì xảy ra.

Dù rất đau nhưng do Đại Việt đang ở thế yếu, nên Trần Quốc Tuấn chủ động hòa hoãn, nhằm trì hoãn cuộc chiến tranh với nhà Nguyên, để Đại Việt có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng. Nhờ đó phải đến 4 năm sau, quân Nguyên mới đem binh sang xâm lược đại Việt, lúc đó lực lượng quân ta đã mạnh hơn, đủ sức chống giặc.

Trần Quốc Tuấn sau này đã trở thành vị Hưng Đạo Đại Vương lưu danh sử sách. (Ảnh: Internet)

Khi 50 vạn đại quân Nguyên tiến đánh nước ta, vận nước rối ren, nhiều người nhắc lại mối thù nhà năm xưa, để Trần Quốc Tuấn nhân cơ hội này trả thù xưa và lên ngôi vua. Theo đó, cha của Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu trước khi chết nhắc lại mối thù nhà với Vua và còn nói rõ: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”

Thế nhưng Trần Quốc Tuấn không vì tư thù mà làm hỏng việc nước, trước nhiều lời nhắc lại mối tư thù này, trên đường hành quân ông nhẫn nhịn cắm cây kiếm mạnh xuống đất đến gãy cả mũi kiếm, thể hiện quyết tâm lo cho an nguy của xã tắc.

Chính vì có tâm Đại Nhẫn như vậy, Trần Quốc Tuấn mới làm được việc lớn, làm Quốc Công Tiết Chế (Tổng chỉ huy quân đội) đánh với quân Nguyên Mông 2 lần (lần thứ hai và thứ 3), lần nào cũng giành đại thắng, khiến quân Nguyên đại bại tâm phục khẩu phục không còn dám nghĩ đến chuyện sáng đánh nước ta thêm một lần nào nữa.

2. Lâu Sư Đức

Triều đại nhà Đường, em trai của Lâu Sư Đức được bổ nhiệm làm quan thứ sử ở Đại Châu, nhưng ông ta lại là người rất háo thắng. Trước lúc đi nhận chức, Lâu Sư Đức nói với người em trai rằng: “Ta là tể tướng, đệ cũng được phong làm thứ sử Đại Châu. Huynh đệ chúng ta nhận được ân sủng của quốc gia quá nhiều nên sẽ có người ghen ghét đố kỵ. Đệ có cách nào bảo toàn được tính mạng không?”

Người em liền nói: “Sau này nếu như có người nhổ nước bọt vào mặt đệ thì đệ cũng chỉ cần lau đi là xong thôi chứ không phản ứng lại họ. Như thế là có thể tránh được phiền phức. Huynh cứ yên tâm.”


Em trai của Lâu Sư Đức. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Lâu Sư Đức nói: “Đây chính là điều ta lo lắng nhất! Khi người ta nhổ bọt vào mặt đệ là lúc người ta tức giận đệ nhất. Đệ lau nước bọt đi chứng tỏ đệ bất mãn, phản kháng. Như vậy sẽ khiến họ càng thêm tức giận. Đệ nên cười mà nhẫn nhịn, không lau nước bọt mà để nó tự khô.”

Về sau “Thóa diện tự kiền” (nước bọt trên mặt tự khô) trở thành thành ngữ nổi tiếng của Trung Hoa. Ví dụ này chỉ ra rằng, khi bị người khác vũ nhục nên cực độ mà nhẫn nại, tuyệt đối không được phản kháng, bất mãn.

Lâu Sư Đức từng tiến cử Địch Nhân Kiệt làm tể tướng nhưng Địch Nhân Kiệt không biết. Sau khi Địch Nhân Kiệt lên làm tể tướng thường xa lánh ông.

Võ Tắc Thiên từng hỏi Địch Nhân Kiệt: “Khanh xem Lâu Sư Đức có phải người thông minh sáng suốt không?”

Địch Nhân Kiệt nói: “Lâu Sư Đức là người như thế nào thần không biết rõ.”

Võ Tắc Thiên lại hỏi: “Lâu Sư Đức có khả năng nhìn người không?”

Địch Nhân Kiệt trả lời: “Thần từng có thời gian làm việc với ông ta, nhưng không nghe nói ông ấy có khả năng này.”

Võ Tắc Thiên nói: “Ta phong khanh làm tể tướng chính là do Lâu Sư Đức tiến cử, xem ra ông ta quả là biết nhìn người.” Võ Tắc Thiên cũng lấy ra tấu chương tiến cử của Lâu Sư Đức cho Địch Nhân Kiệt xem.


Tể tướng Lâu Sư Đức. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Địch Nhân Kiệt thở dài than trách: “Lâu Sư Đức! Ta được ông khoan dung đối xử mà không hề biết. Ta quả thực thua ông quá xa!”

Lý học gia nổi tiếng thời nhà Tống, Trình Di từng nói: Nhẫn được cả việc mà người thường không thể nhẫn, khoan dung cả việc mà người thường không thể khoan dung, ấy chỉ có bậc trí huệ hơn người mới làm được.

Lâu Sư Đức khoan dung độ lượng, có thể bị người khác nhổ bọt lên mặt mà để nước bọt tự khô. Kỳ thực có thể thấy được công phu của “Nhẫn” là vô cùng thâm sâu. Lâu Sư Đức, vị danh tướng, tể tướng triều đại nhà Đường, với phẩm chất cao thượng thận trọng nhẫn nhịn hơn người được lưu vào sử sách văn  hóa Trung Hoa.

3. Tư Mã Ý

Lần cuối cùng Gia Cát Lượng đưa quân ra Kỳ Sơn phạt Ngụy, Tư Mã Ý hiểu rõ mình là không phải đối thủ của Gia Cát Lượng nên cố thủ không giao chiến. nhưng Gia Cát Lượng lừa được Tư Mã Ý là quân Thục đang cất lương thực trên núi. Tư Mã Ý quyết định đến núi cướp lương nhằm ép Gia Cát Lượng hết lương thực phải rút về.

Tại hang Thượng Phương quân Ngụy bị Gia Cát Lượng dùng hỏa công tiêu diệt, trong lúc cha con Tư Mã Ý ngửa mặt lên trời than khóc chờ chết thì một cơn mưa lớn trút xuống cứu thoát toàn bộ quân Ngụy.

Tư Mã Ý rút quân về bờ nam sông Vị Thủy hạ trại và ra lệnh cho các tướng quyết không được ra đánh. Quyết kiên nhẫn cố thủ trong thành để ngăn quân Thục.

Gia Cát Lượng đưa quân đến khiêu chiến, dùng đủ mọi cách khiêu khích, hạ nhục, đến chửi mắng quân Ngụy, nhiều tướng Ngụy không sao chịu nhục được, muốn quyết một phen đánh với quân Thục, nhưng Tư Mã Ý không đồng ý và quyết thủ trong thành.

Tư Mã Ý biết rằng quân Thục hành quân từ xa đến, thì việc tiếp tế chi viện sẽ hết sức khó khăn. Chỉ cần cố thủ, quân Thục lương hết sẽ phải rút về.

Đây gọi là lấy ‘tĩnh chế động’, không đánh khi kẻ địch đang có lợi thế, chỉ đánh khi quân mình có lợi thế. Đợi thời cơ đến sẽ có thể ‘chuyển bại thành thắng’, tuyệt đối không manh động làm hỏng đại sự, đó chính là cái tài của người dùng binh vậy. Nhưng để thực hiện được kế này thì cần phải có “Nhẫn”.

Thấy mắng nhiếc không có tác dụng, Gia Cát Lượng mang khăn, yếm, cùng bộ đồ đàn bà rồi cho người đưa sang tặng cho Tư Mã Ý kèm theo lá thư sau:

“Trọng Đạt (tên tự gọi của Tư Mã Ý) đã làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung Nguyên, không dám mặc giáp cầm gươm, để quyết sống mái mà chịu ngồi núp ở trong tối trong hang, để lánh lưỡi đao mũi tên, thế thì khác gì đàn bà? Nay sai người đưa khăn yếm quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không dám ra đánh, thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy; nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai, thì phải phê vào giấy này, y hẹn ra giao chiến”.

Thời đấy nữ nhi không như bây giờ, phụ nữ thời đấy hầu như không tham gia chính sự, chỉ ở nhà giữ mái ấm gia đình. Việc đưa đồ đàn bà cho Tư Mã Ý là sự sỉ nhục vô cùng to lớn, là điều mà không một ai có thể chịu đựng được.

Người xưa có câu: “Sĩ khả sát, bất khả nhục”, nghĩa là kẻ sĩ thà bị chết chứ không chịu nhục. Tư Mã Ý có thể chịu nhẫn nhục thêm một lần nữa, nhưng các tướng sĩ khác không sao chịu nhục thêm được, bất chấp quân lệnh muốn ra trận ngay.

Tư Mã Ý trước đấy đã tâu với Vua xin giữ thành không đánh rồi, nay bèn nhắc lại với các tướng của mình rằng: “Ta có phải muốn chịu nhục đâu, bởi vì thiên tử giáng chiếu, sai giữ vững không cho ra đánh, nếu ta khinh động, thì trái quân mệnh mất”.

Thấy các tướng bực dọc không bằng lòng, Tư Mã Ý đành nói: “Các ngươi nếu muốn đánh, đợi ta tâu với thiên tử, rồi sẽ đồng lực ra đánh giặc, được chăng?”

Nói rồi, Tư Mã Ý cho người mang thư báo cho Ngụy Chủ rằng: “Thần tài nhỏ trách nhiệm to… chiếu chỉ sai thần giữ vững không đánh, để đợi quân Thục tự nhiên phải tan. Nhưng nay Gia Cát Lượng sai người đưa khăn yếm, coi thần như đàn bà, thần lấy làm sỉ nhục lắm. Thần kính tâu trước với bệ hạ, sớm tối xin liều một trận đại chiến để báo ơn triều đình, mà rửa cái xấu hổ cho ba quân. Thần cảm kích không biết ngần nào”.

Vua Ngụy là Tào Tuấn xem xong, hỏi các tướng rằng: “Tư Mã Ý trước xin giữ vững không đánh, nay lại dâng biểu xin đánh là cớ làm sao?” Vệ uý là Tân Tỷ tâu rằng: “Tư Mã Ý vốn không có bụng muốn đánh, đây là Gia Cát Lượng sỉ nhục, các tướng căm tức, cho nên dâng biểu lên, là có ý muốn cầu chiếu chỉ để trấn bụng các tướng đấy thôi.”

Tào Tuấn lấy làm phải, sai Tân Tỷ cầm cờ tiết đến trại Vị Bắc, truyền lời dụ không được ra đánh. Nếu ai dám nói đến sự đánh, thì ghép vào tội trái chiếu chỉ nhà vua. Các tướng đều phải tuân theo. Ý bảo với Tân Tỷ rằng: “Ông thực là biết bụng tôi lắm!”

Gia Cát Lượng được tin liền nói: “Tư Mã Ý vốn không dám đánh, xin đánh là thị oai với chúng đó thôi. Có câu rằng: ‘Tướng ở ngoài, dù vua sai có điều không nghe cũng được’. Lẽ đâu cách xa nghìn dặm, mà phải xin lệnh đánh bao giờ? Đây vì Tư Mã Ý nhân các tướng tức giận, cho nên mượn ý Tào Tuấn để trấn bụng chúng và truyền lời ấy ra, để quân ta sinh trễ nải đó thôi.”

Sau đó Gia Cát Lượng gặp bệnh mà mất, quân Thục phải rút về. Gia Cát Lượng dù được xem là không có đối thủ, thế nhưng Tư Mã Ý đã dùng sự Nhẫn nhịn to lớn của mình mà đẩy lui được đại quân của Gia Cát Lượng.

Chân Phong tổng hợp

Xem thêm: