Văn minh Á Đông có lịch sử lâu đời, tài nữ các triều đại đời nào cũng xuất hiện vô số. Họ không những xinh đẹp, lại còn hiển lộ tài hoa phi phàm, khiến lòng người rung động…

1. Danh truyền muôn thuở: Thái Văn Cơ

Thái Văn Cơ, tên Diễm, tên gốc là Chiêu Cơ, thời Tấn tránh tên húy Tư Mã Chiêu, đổi thành Văn Cơ, người Trần Lưu Ngữ (nay là huyện Kỷ, Khai Phong, Hà Nam) cuối đời Đông Hán. Nàng là con gái của Thái Ung, nhà văn lớn đời Đông Hán. Nàng vốn giỏi thơ phú, lại giỏi hùng biện và âm luật.

Thái Văn Cơ cả đời đã hoàn thành “Tục Hán Thư” 400 quyển, bổ sung cho khoảng trống thiếu của “Hán Thư”, cô đã để lại “18 nhịp kèn Hồ” bồi hồi, xúc động lòng người, và “Bi phẫn thi”, một bài thơ trường thiên tự sự tự truyện thể ngũ ngôn đầu tiên trong lịch sử thơ ca Á Đông.

Cha cô, Thái Ung là nhà đại văn hào, nhà thư pháp danh tiếng lẫy lừng đương thời, ông còn tinh thông thiên văn, lý số, giỏi âm luật, là bạn chí thân và là thầy của Tào Tháo. Sinh ra trong gia đình như thế này, Thái Văn Cơ đã thấm nhuần từ nhỏ, vừa học rộng giỏi văn, lại giỏi thơ phú, còn giỏi hùng biện và âm luật. Thái Văn Cơ từ nhỏ đã thần tượng Ban Chiêu, cũng vì vậy nên từ nhỏ đã để tâm đến các điển tích, xem hết kinh sử, đồng thời có chí cùng với cha sửa, viết tiếp Hán Thư, lưu danh sử xanh.

Tranh vẽ mô tả Thái Văn Cơ. Ảnh dẫn theo wattpad.com

Đáng tiếc những năm cuối đời Đông Hán, xã hội loạn lạc, ban đầu Thái Văn Cơ lấy Vệ Trọng Đạo, nhưng do không có con, chồng chết, nên trở về nhà mẹ đẻ. Rồi Hung Nô xâm chiếm, nàng bị bắt đưa về Nam Hung Nô, bị gả cho vua Hung Nô vai hùm lưng gấu Tả Hiền Vương, chịu hết đau khổ của cuộc sống dị tộc dị hương dị tục, sinh được hai người con trai. 12 năm sau, Tào Tháo thống nhất miền Bắc, nghĩ tới lời dạy của ân sư Thái Ung đối với bản thân, đã dùng rất nhiều vàng chuộc lại Thái Văn Cơ. Cả đời Thái Văn Cơ đau khổ, “Trở về quốc thổ” và “Mẹ con đoàn tụ” không được vẹn toàn.

Sau khi Tào Tháo chuộc lại Thái Văn Cơ, và gả nàng cho Đổng Tự. Sau đó Đổng Tự phạm phải tội chết, Thái Diễm đi tìm Tào Tháo xin cho Đổng Tự. Lúc đó Tào Tháo đang yến tiệc mời các công khanh danh sỹ, nói với các tân khách rằng: “Con gái Thái Ung ở bên ngoài, hôm nay cho mọi người được thấy”. Thái Diễm xõa tóc, chân trần, khấu đầu thỉnh tội, nói năng rành mạch rõ ràng, tình cảm khổ đau chua xót, tất cả các tân khách đều cảm động. Nhưng Tào Tháo lại nói: “Nhưng giấy giáng tội đã phát đi rồi, làm sao đây?”.

Thái Diễm nói: “Ngựa tốt trong chuồng ngựa của ngài có hàng nghìn hàng vạn, sỹ tốt dũng mãnh cũng không đếm xuể, vẫn còn tiếc một con tuấn mã để cứu một sinh mệnh đanh chờ chết sao?”. Tào Tháo cuối cùng đã bị Thái Văn Cơ làm cho cảm động, đã tha chết cho Đổng Tự.

Một lần trong lúc nhàn đàm, Tào Tháo bày tỏ ngưỡng mộ tàng thư trong nhà xưa của Thái Văn Cơ. Thái Văn Cơ nói, trong nhà vốn có 4 nghìn quyển sách, trải qua mấy lần chiến loạn, đã bị mất hết. Tào Tháo lộ rõ vẻ thất vọng sâu sắc. Thái Văn Cơ thấy vậy nói vẫn có thể nhớ, thế là nàng dựa vào trí nhớ viết ra 400 chương, không sai một chữ. Có thể thấy Thái Văn Cơ tài năng cao siêu, Tào Tháo chuộc Thái Văn Cơ về, đã làm một việc tốt đối với việc bảo tồn văn hóa cổ đại. Bởi vậy mà lịch sử vẫn truyền tụng câu chuyện đẹp “Văn Cơ quy Hán”.

Văn Cơ cũng giỏi thư pháp, văn bút của nàng khắc đời Tống “Thuần hóa các thiếp” vẫn được lưu giữ. Cả đời Thái Văn Cơ, đặc biệt sau khi trở về Hán, đã kế thừa chí cha, soạn viết “Tục hậu Hán thư”, đã có cống hiến trác việt cho nền văn hóa cổ đại Á Đông.

2. Bút sử ngàn thu: Ban Chiêu

Ban Chiêu còn có tên là Cơ, tự Huệ Ban, dân tộc Hán, người An Lăng, Phù Phong (nay là đông bắc Hàm Dương, Thiểm Tây). Cô là con gái của nhà sử học Ban Bưu đời Đông Hán, là em gái của Ban Cố và Ban Siêu, học rộng tài cao, lấy Tào Thọ cùng quận, nhưng sớm phải ở góa.

Anh trai Ban Cố trước tác “Hán thư”, Bát biểu  và “Thiên văn chí”, các bản thảo tán loạn, nhưng chưa xong thì đã qua đời. Ban Chiêu nối chí anh, một mình hoàn thành Biểu thứ 7 (Bách quan công khanh biểu) và Chí thứ 6 (Thiên văn chí), “Hán thư”. Ái mộ tài năng của nàng, hoàng đế Hán Hòa Đế mấy lầu triệu vào cung, lệnh hoàng hậu và quý nhân bái làm thầy, gọi là Tào Thái Cô. Ban Chiêu giỏi phú tụng, sáng tác “Đông chinh phú”, “Nữ giới”.  Bà cũng chính là nhà sử học nữ đầu tiên của các nước Á Đông.

Tranh vẽ mô tả Ban Chiêu. Ảnh dẫn theo quykx.violet.vn

Ban Chiêu học vấn uyên thâm, đặc biệt giỏi văn phong. Phụ thân bà là Ban Bưu, đại văn hào đương đại, bản thân Ban Chiêu thường được triệu vào hoàng cung, truyền thụ cho hoàng hậu và các quý nhân học kinh sử. Trong cung tôn, bà làm thầy. Ban Chiêu năm 14 tuổi được gả cho Tào Thế Thúc cùng quận làm vợ, do đó mọi người gọi Ban Chiêu là Tào Thái Cô. Về cá tính mà nói, Tào Thế Thúc hoạt bát hướng ngoại, Ban Chiêu thì ôn hòa nhu mì tinh tế, hai vợ chồng rất nhường nhịn nhau, cuộc sống rất mỹ mãn.

Ban Chiêu là một phụ nữ cổ đại bác học đa tài, phẩm đức cao đẹp, cô là nhà sử học, cũng là nhà văn, còn là nhà chính trị. Sau khi xuất bản “Hán thư”, được đánh giá rất cao, các học giả tranh nhau truyền tụng, hóc búa nhất trong “Hán thư” là biểu thứ 7 “Bách quan công khanh biểu”, và chí thứ 6 “Thiên văn chí”, hai phần này đều do cô độc lập hoàn thành. Nhưng Ban Chiêu vẫn khiêm tốn điền tên anh trai Ban Cố. Học vấn Ban Chiêu rất thâm sâu, đại học giả đương thời là Mã Dung để xin được Ban Chiêu thỉnh giáo đã quỳ ở dưới gác của Đông quán tàng thư, lắng nghe Ban Chiêu giảng giải!

Là nhà sử học và nhà văn nữ đầu tiên, Ban Chiêu đã lưu danh sử xanh, rạng rỡ cõi nhân gian.

3. Tuấn kiệt từ khúc: Lý Thanh Chiếu

Lý Thanh Chiếu, nữ từ nhân đời Tống (giao thời Nam Bắc Tống), hiệu là Dị An cư sỹ, người Chương Khâu, Tễ Nam, tỉnh Sơn Đông. Lý Thanh Chiếu tiêu biểu cho từ phái Uyển Ước, được ca ngợi là “Thiên cổ đệ nhất tài nữ”.

Lý Thanh Chiếu là tài nữ hiếm có thời cổ đại Trung Quốc, nàng giỏi thư, họa, am hiểu khắc chữ, tinh thông thơ từ. Các tác phẩm từ của nàng vô đối một thời, lưu truyền thiên cổ, được ca ngợi là “Từ gia nhất đại tông” (Bà tổ của từ khúc).

Từ khúc của nàng chia làm thời kỳ đầu và thời kỳ sau. Thời kỳ đầu phần lớn viết về cuộc sống du nhàn, thường miêu tả về tình yêu, cảnh vật tự nhiên, vẻ đẹp của vần điệu. Thời kỳ sau phần lớn than thở thân thế, nhớ quê hương, hoài cổ, tình cảm bi thương.

Tranh vẽ mô tả Lý Thanh Chiếu. Ảnh dẫn theo azquotes.com

Nhân cách cũng như các tác phẩm của nàng làm cho người ta sùng kính: Nàng vừa có đức tính hiền thục của nữ nhi, lại có đức tính cương nghị của bậc tu mi nam tử, vừa có lòng cảm khái phẫn thế của người thường, lại có đủ lòng yêu nước cao thượng. Nàng không chỉ có tài hoa trác việt, học vấn uyên thâm, mà còn có lý tưởng cao xa, hoài bão hào hùng. Các tác phẩm từ của nàng bút lực phóng khoáng, phong cách hào sảng hồn hậu, đã tạo lên một ngọn cờ riêng độc đáo trên từ đàn đời Tống, từ đó có ảnh hưởng lớn đến các từ nhân như Tân Khí Tật, Lục Du và các từ nhân hậu thế. Thành tựu nghệ thuật kiệt xuất của cô được các văn nhân đời sau ca ngợi và đánh giá rất cao.

Lý Thanh Chiếu là nữ tác gia hiếm có trong lịch sử văn học cổ đại Á Đông, tư tưởng yêu nước thể hiện trong các tác phẩm của nàng một mặt đại diện cho đông đảo phụ nữ cổ đại Á Đông quan tâm đến quốc sự, yêu tổ quốc, mặt khác để cho người đời sau thấy được thế giới tình cảm của nữ giới cổ đại Á Đông. Hơn nữa, nàng còn giành được một chỗ đứng cho phụ nữ trong đông đảo các tác gia yêu nước. Không chỉ có vậy, Lý Thanh Chiếu còn khai sáng dòng chảy đầu tiên các sáng tác yêu nước của nữ tác gia, để lại cho hậu thế một mẫu mực huy hoàng của người phụ nữ yêu nước, đặc biệt có ảnh hưởng to lớn đối với sáng tác văn học của phụ nữ hiện đại.

Lý Thanh Chiếu có các trước tác “Dị An cư sỹ văn tập”, “Dị An từ”…, nhưng đã lâu không truyền. Các tập thơ văn hiện nay còn lại là do người đời sau thu góp lại, có “Thấu ngọc từ” 1 quyển, “Thấu ngọc tập” 5 quyển. Tác phẩm tiêu biểu có “Thanh thanh mạn”, “Nhất tiễn mai”, “Như mộng lệnh”, “Túy hoa âm”, “Vũ Lăng xuân”, “Hạ nhật tuyệt cú”…

Chúng ta cùng thưởng thức từ khúc “Nhất tiễn mai” của Lý Thanh Chiếu qua bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải:

Sen tàn chiếu đẫm hơi thu,
Vén xiêm, lên chiếc cô chu một mình.
Mong chờ thư tự mây xanh,
Nhạn về là lúa trăng thanh đầy lầu.

Hoa rơi rụng, nước chảy mau,
Tương tư một mối đeo sầu đôi nơi.
Tình này chẳng thể khuây nguôi,
Vừa nơi khóe mắt đã nơi đáy lòng.

Nam Phương biên dịch

Xem thêm: