Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu sáng tỏ những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Trong lịch sử, các thích khách, sát thủ có một chỗ đứng vô cùng độc đáo. Xoay quanh họ cũng có rất nhiều câu chuyện truyền kỳ còn lưu truyền hậu thế hàng nghìn năm. 

Tiếp theo: Phần 1

Bi kịch luôn theo sau các sát thủ cổ đại. Ngay cả trong trường hợp thành công, những chiến binh ngoan cường này cũng khó tránh khỏi cái chết. Tuy nhiên, lòng dũng cảm và sự hy sinh của họ đã đặt họ vào một vị trí xứng đáng trong biên niên sử lịch sử.

Trong phần này, chúng ta sẽ nghe câu chuyện về một dũng sĩ báo thù cho chủ nhân, bi kịch của một người hàng thịt trở thành sát thủ và câu chuyện về tráng sĩ ra đi không hẹn ngày trở về.

Dũng sỹ báo thù cho chủ nhân. Ảnh minh họa dẫn theo zhidao.baidu.com

4. Dự Nhượng, lòng trung cảm động cả kẻ thù

Dự Nhượng vốn là khách khanh của Trí Bá Dao, người đứng đầu họ Trí, một trong 4 họ có quyền lực lớn ở nước Tấn thời Đông Chu. Câu chuyện của ông cũng được biên soạn trong “Thích khách truyện” của Tư Mã Thiên được soạn vào thời nhà Hán.

Năm 455 TCN, Trí Bá Dao đem quân đánh họ Triệu, một gia tộc lớn khác ở nước Tấn nhưng bị Triệu Tương tử (tức Triệu Vô Tuất) lập kế, liên kết cùng họ Hàn và họ Ngụy đánh cho đại bại. Họ Trí bị diệt, phần đất của họ Trí bị ba họ còn lại chia nhau lập nên Tam Tấn, riêng Trí Bá Dao bị Triệu Tương Tử giết rồi lấy đầu lâu sơn lại để làm đồ đựng rượu.

Điều này quả thực khiến trái tim của Dự Nhượng tan nát, bởi trong tất cả những người chủ mà ông từng phục vụ thì Trí Bá Dao có thể coi là người duy nhất thấu hiểu ông, xứng làm tri kỷ. Dự Nhượng thề quyết phải trả thù cho Trí Bá Dao bằng mọi cách.

“Sử Ký” chép lại lời của Dự Nhượng như sau:

Than ôi! Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ! Người con gái làm dáng vì kẻ yêu mình. Nay Trí Bá biết ta, ta phải liều chết báo thù để đền ơn, có thế hồn phách ta mới khỏi xấu hổ!“.

Ông thay tên đổi họ rồi xin vào làm người hầu trong cung, bên người luôn mang theo chủy thủ (dao găm) để tìm cơ hội hành thích Triệu Tương Tử. Tuy nhiên Triệu Tương Tử cũng luôn cảnh giác, cảm thấy bất an, bèn bắt Dự Nhượng tra hỏi và phát hiện ra âm mưu báo thù của ông. Coi Dự Nhượng hành động như vậy là kẻ hiền, Triệu Tương Tử tha chết và thả cho Dự Nhượng đi.

Không chịu bỏ cuộc, Dự Nhượng lại tự hủy hoại dung nhan và giọng nói (nuốt than để giọng trở nên khàn đi). Điều này khiến cho ngay cả vợ ông cũng không thể nhận ra chồng khi Dự Nhượng giả làm ăn xin ngoài chợ.

Biết tin Triệu Tương Tử ra khỏi cung, Dự Nhượng giả làm ăn mày nấp dưới cầu định thừa cơ hành thích. Tuy nhiên khi xa giá của Tương Tử tới nơi thì con ngựa của Tương Tử bất chợt sợ hãi hoảng loạn.

Triệu Tương Tử đoán ngay rằng đây tất là do Dự Nhượng đang định hành thích mình. Dự Nhượng vì thế lại bị bắt. Khi Triệu Tương Tử hỏi ông rằng cớ sao lại hết lòng trả thù cho Trí Bá Dao như vậy, Dự Nhượng đáp:

Tôi thờ họ Phạm và họ Trung Hàng, họ xem tôi là hạng người thường nên tôi báo đáp họ theo lối người thường. Còn như Trí Bá đối đãi với tôi như người quốc sĩ, nên tôi phải báo thù theo lối quốc sĩ“.

Triệu Tương Tử nghe vậy biết rằng không thể chiêu an Dự Nhượng, cũng không thể tha cho ông được nữa, đành để quân sĩ giết ông. Trước khi chết, Dự Nhượng xin Tương Tử một ân huệ cuối cùng, đưa chiếc áo mà Tương Tử đang mặc để ông dùng kiếm đâm vào, thỏa được lòng báo thủ, chết không ân hận.

Dự Nhượng đâm áo Triệu Tương Tử. Ảnh dẫn theo vi.wikipedia.org

Triệu Tương Tử đưa áo, Dự Nhượng đâm vào đó mấy lần rồi tự vẫn. Kẻ sĩ nghe tin nghĩa sĩ Dự Nhượng chết, ai nấy đều không khỏi bùi ngùi, khóc thương.

Trong “Đông Chu Liệt Quốc”, tác giả Phùng Mộng Long còn đặc tả chi tiết đâm áo báo thù này của Dự Nhượng. Chuyện kể rằng, Triệu Tương tử thấy chiếc áo mà Dự Nhượng đâm vào bỗng chảy ra máu tươi, vì đó mà thành bệnh, ốm chết sau đó.

Trong bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng lịch sử, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cũng nhắc đến chi tiết Dự Nhượng báo thù: “Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Ðế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ…“.

5. Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng

Kinh Kha có lẽ là thích khách nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ông vốn người nước Vệ, sau vì không được trọng dụng nên rời bỏ sang Tề, kết thân cùng Cao Tiệm Ly, cùng nhau uống rượu ca hát cả ngày.

Về sau, có người giới thiệu Kinh Kha cho Thái tử Đan nước Yên. Thái tử Đan mau chóng thu nhận ông là môn khách, đãi vào hàng thượng khách. Khi quân Tần áp sát biên giới nước Yên, nhuệ khí quá lớn, người nước Yên muôn phần kinh hãi.

Thái tử Đan nhận định rằng chỉ có hành thích Tần Thủy Hoàng thì mới cứu được nước Yên. Nhiệm vụ lớn lao này được trao cho Kinh Kha. Dưới trướng Thái tử Đan khi ấy còn có một bộ tướng cũ nước Tần tên gọi Phàn Ư Kỳ, cũng rất được trọng dụng.

Vua Tần vốn căm giận Phàn Ư Kỳ phản bội, luôn muốn lấy đầu ông. Khi ấy, Phàn Ư Kỳ khẳng khái xin tự dâng đầu mình cho Kinh Kha để làm tín vật, tiếp cận với vua Tần. Vậy là Kinh Kha lên đường với lễ vật là đầu của Phàn Ư Kỳ và một tấm địa đồ nước Yên.

Khi bạn bè đưa tiễn đến bờ sông Dịch, Kinh Kha ngoảnh mặt nhìn quê hương lần cuối, ngồi ở bờ sông, cầm đàn, ứng tác đôi câu thơ đầy cảm khái về sau đã trở thành khúc ca bi tráng trong lịch sử:

“Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”

(Gió hiu hiu chừ, sông Dịch lạnh
Tráng sĩ một đi chừ, chẳng trở về)

Tráng sỹ một đi không trở lại. Ảnh dẫn theo youtube.com

Kinh Kha giấu trong tờ địa đồ một lưỡi dao găm rất bén được tẩm thuốc độc. Khi dâng đầu Phàn Ư Kỳ và địa đồ nước Yên, Kinh Kha bất ngờ rút dao găm ra đâm Tần Thủy Hoàng.

Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng cũng rất cảnh giác, mau chóng lách người né được mũi dao rồi vùng dậy bỏ chạy. Kinh Kha đuổi theo vua Tần trên điện. Thủy Hoàng lúc ấy lúng túng không biết làm gì, chỉ biết chạy quanh điện. Sau các quan nhắc vua lấy kiếm sau lưng ra phòng thân. Vua Tần rút kiếm chém Kinh Kha bị thương ở tay.

Biết rằng không thể ám sát được vua Tần, Kinh Kha ném con dao về phía vua Tần nhưng lại trúng vào cột đồng. Cuối cùng, quân Tần lao vào giết chết Kinh Kha.

Khinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng. Ảnh dẫn theo youtube.com

Minh Trí

Xem thêm: