Đó đều là những bậc kỳ tài hiếm có khó tìm trong lịch sử, hoặc giỏi tài bấm độn, tiên tri, hoặc giỏi an bang trị quốc, mưu lược võ biền, hoặc chí khí cao ngạo, không màng lợi danh… 

Mảnh đất Trung Hoa xưa luôn được xưng tụng là xứ “Thần Châu” (đất nước Thần thánh), là “lễ nghi chi bang” (đất nước nghi lễ). Đó là nơi mãi được Thần trông nom và bảo hộ. Đất thiêng ắt là xuất hiện nhiều kỳ tài. Suốt hàng ngàn năm qua, câu chuyện về những anh hùng, hào kiệt đã khiến người người say mê mỗi khi kể lại. 

Dưới đây là danh sách 5 bậc kỳ tài xuất sắc nhất sử sách Trung Hoa. Đọc xong bạn sẽ hiểu vì sao một người tài giỏi như Gia Cát Lượng nổi tiếng “Thần cơ diệu toán” lại không lọt nổi vào hàng ngũ này.

1. Nữ cao nhân đoán mệnh như Thần – Hứa Phụ 

Những người am hiểu thuật toán mệnh, bốc quẻ thật sự có rất nhiều. Nhưng nữ nhân có tài bói mệnh xuất quỷ nhập Thần như Hứa Phụ quả lại rất hiếm. Bà được xem là nữ “Thần toán” nổi tiếng bậc nhất cổ kim. 

Sử chép, vào thời nhà Tần, khi Hứa Phụ chào đời, trong tay đã nắm một miếng ngọc bội có khắc đồ hình Bát quái. Chưa đến trăm ngày, Hứa Phụ đã có thể mở miệng nói chuyện. Chuyện này đã kinh động Tần Thủy Hoàng. Vua Tần cho rằng đó là điềm báo đại cát, lập tức ban thưởng cho gia đình bà nghìn lượng vàng. 

Nữ cao nhân đoán mệnh như Thần – Hứa Phụ, bà được xem là nữ “Thần toán” nổi tiếng bậc nhất cổ kim. Ảnh dkn.tv

Cuối thời Tần, thiên hạ đại loạn. Hứa Phụ bói ra được Lưu Bang sẽ là Hoàng đế tương lai. Sau này, Bạc Cơ sinh hạ cho Hán Cao Tổ Lưu Bang một bé trai, đặt tên là Lưu Hằng. Hứa Phụ lại bói ra được rằng triều đình mai này phong ba trùng trùng, đề nghị đưa Lưu Hằng ra bên ngoài lánh nạn. 

Hán Cao Tổ nhận lời. Quả nhiên, sau khi Lưu Bang qua đời, Lã hậu thâu tóm đại quyền, rất nhiều con cháu họ Lưu đều bị trừ bỏ, riêng Lưu Hằng lại được bình an vô sự. Sau khi Lã hậu qua đời, nhóm người Chu Bột lập Lưu Hằng làm Hoàng đế, tức là Hán Văn Đế. Lưu Hằng vô cùng cảm kích Hứa Phụ, tôn bà là nghĩa mẫu (mẹ nuôi). 

2. Tổ sư của phái Võ Đang – Trương Tam Phong 

Ngoài số ít câu chuyện quen thuộc về Trương Tam Phong được diễn trong hí kịch, chúng ta biết đến ông chủ yếu thông qua các bộ phim truyền hình. Ông là khai sơn tổ sư của phái Võ Đang, là người sáng lập ra Thái Cực Quyền, đạo pháp thâm sâu không thể đo lường được. 

Trương Tam Phong gắn với hình ảnh râu tóc trắng xóa, thân mặc đạo bào, gương mặt hồng hào, chỉ với mấy chiêu chức đơn giản nhẹ nhàng, ung dung nhàn hạ đã có thể đánh bại biết bao cao thủ tự nhận là võ công cao cường. Quả đúng là gừng càng già càng cay. Mà ý nghĩa sâu sa cũng là để nói rằng làm người cần phải biết khiêm tốn, đừng kiêu căng tự mãn.

Trương Tam Phong, ông là khai sơn tổ sư của phái Võ Đang, là người sáng lập ra Thái Cực Quyền. Ảnh dkn.tv

Được biết Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, Minh Thành Tổ Chu Đệ đều rất sùng bái Trương Tam Phong, đã từng cho người tìm kiếm ông khắp nơi. Có người vào thời nhà Thanh đã từng nhìn thấy một người đầu tóc rối bù, đội chiếc mũ rách, thân mặc một chiếc áo tơi rách rưới, du ngoạn dân gian, giải trừ bệnh tật cho mọi người. Ai cũng truyền tai nhau người này chính là Trương Tam Phong.

Tư liệu lịch sử ghi chép rằng, Trương Tam Phong sinh vào năm thứ 8 niên hiệu Thuần Hữu dưới triều Nam Tống (năm 1248). Trải qua ba triều đại Nam Tống, Nguyên, Minh, nhưng lại không có bất cứ tư liệu lịch sử cho biết ông mất vào năm nào. Có người cho rằng, ông sống đến 160 tuổi, cũng có người cho rằng, ông thọ hơn 200 tuổi. Thậm chí người ta còn nói, ông vẫn còn sống đến tận bây giờ, chỉ là đơn độc tu hành trong núi sâu rừng già không ai biết đến mà thôi.

Đại nho Chu Sĩ Phong đời nhà Thanh đã từng nhận xét như vậy: “Xưa nay người tu Đạo nhiều vô số, nhưng có được tạo hóa của Trời Đất, duy chỉ có Trương Tam Phong mà thôi“.

3. Người dùng lưỡi thẳng câu cá – Khương Tử Nha

Khương Tử Nha, sống vào cuối triều nhà Thương, thời trai trẻ ôm chí lớn không thành, nhưng chưa bao giờ từ bỏ lý tưởng trong tâm. Ngày ngày, ông ra bờ sông Vị câu cá, tiếng là đi câu nhưng lại chỉ dùng lưỡi thẳng, hết ngày về giỏ đựng vẫn trống không. Có người lấy làm lạ thắc mắc thì ông bảo: “Lưỡi thường chỉ câu được cá. Ta dùng lưỡi này để câu vương hầu, minh chủ“. 

Năm hơn 80 tuổi, Chu Văn Vương Cơ Xương bị chinh phục bởi tài hoa của ông, bái ông làm Thái sư. Khương Tử Nha không cô phụ kỳ vọng của Văn Vương, phò tá Chu Võ Vương lật đổ nhà Thương, lập nên Tây Chu.

Khương Tử Nha, tên thật là Khương Thượng, tự Tử Nha, lại có tự Thượng Phụ, là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là quân chủ khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ảnh dkn.tv

Mấy nghìn năm nay, Khương Tử Nha được Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Binh gia… tôn là tông sư của bách gia. Khổng Tử đã từng khen ngợi ông như vậy: “Hứa Do, chỉ lo cho thân mình. Thái Công, gánh vác cả thiên hạ“. Tác phẩm quân sự “Lục Thao” của ông có vị trí quan trọng trong lịch sử chiến tranh Trung Quốc. Những nhà quân sự cổ đại như Tôn Vũ, Hoàng Thạch Công, Gia Cát Lượng… đều học tập, tiếp thu tinh hoa trong cuốn “Lục Thao” của Thái Công. 

4. Dị nhân thấu tỏ Trời Đất – Quỷ Cốc Tử

Quỷ Cốc Tử, tên thật là Vương Hủ, là nhân vật truyền kỳ trong thời Chiến Quốc. Tuy chưa từng đặt chân vào chốn giang hồ nhưng ông đã để lại biết bao sự tích thần bí, khiến hậu thế mải mê suy đoán mãi không thôi. 

Hơn 2000 năm nay, Quỷ Cốc Tử được Binh pháp gia tôn là Thánh nhân, được Tung hoành gia tôn là thủy tổ, ngay đến cả những người gieo quẻ bói mệnh, cũng đều tôn ông là tổ sư gia.

Quỷ Cốc Tử, tên thật là Vương Hủ, là nhân vật truyền kỳ trong thời Chiến Quốc. Ảnh dẫn theo vi.wikipedia.org

Ngoài ra, Quỷ Cốc Tử cả một đời đã dạy ra rất nhiều nhân vật kiệt xuất lưu danh sử xanh, ngoài Tô Tần, Trương Nghi, Tôn Tẫn, Bàng Quyên ra, bọn người Lý Tư, Lã Bất Vi, Bạch Khởi và Từ Phúc đều tự xưng là đệ tử cuối cùng của Quỷ Cốc Tử.

Nếu như đúng thật là như vậy thì ông hiển nhiên là người thầy xuất sắc nhất lịch sử. Chính ngay đến cả Khổng Thánh nhân có hơn 3000 đệ tử, e rằng cũng không bằng được Quỷ Cốc Tử.

5. Người sáng lập học phái Đạo gia – Lão Tử 

Lão Tử, tên thật là Lý Đam, là nhà triết học, nhà tư tưởng nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, và là người sáng lập học phái Đạo gia. Chính ngay cả học vấn uyên bác như Khổng Tử cũng đã từng tìm gặp Lão Tử xin chỉ bảo tri thức về Lễ Nhạc.

Tương truyền, Lão Tử là hậu duệ của Bành Tổ, mẫu thân mang thai 81 năm mới sinh hạ ông. Hơn nữa khi ông vừa mới chào đời đã biết nói chuyện. 

Lão Tử, tên thật là Lý Đam, là nhà triết học, nhà tư tưởng nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, và là người sáng lập học phái Đạo gia. Ảnh dkn.tv

Lão Tử ngay từ khi còn nhỏ đã khác với mọi người, thường hay suy nghĩ về khởi nguyên của vũ trụ, về sau đã ngộ ra “Đạo”, đưa ra quan điểm lấy “Vô Vi” cai trị thiên hạ. Học thuyết “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận tự nhiên” đã nói rõ ra chân lý của vũ trụ.

Lão Tử ở Hàm Cốc quan đã lưu lại “Đạo Đức Kinh”, vốn là kỳ thư có một không hai, rồi cưỡi trâu xanh đi về phía tây, từ đó biến mất trong dòng sông dài của lịch sử. Có người nói, Lão Tử đi vào núi sâu tu hành, cuối cùng đã đắc Đạo thành Tiên, cũng chính là “Thái Thượng Lão Quân” mà chúng ta biết đến hiện nay. 

Theo soundofhope.org
Vũ Dương biên dịch

Ăn nói từ tốn, ngữ khí bình hòa là biểu hiện của người có hàm dưỡng

videoinfo__video3.dkn.tv||8638f66c8__