Lời toà soạnCác dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Những trận đánh lớn nhỏ từ trước khi cục diện Tam Quốc hình thành như Đồng Quan, Hổ Lao Quan cho đến những trận phân định thiên hạ như Quan Độ, Xích Bích, Di Lăng đã đi vào sử sách, cả về quy mô, mưu trí cũng như sự dũng cảm phi thường của nhiều vị tướng huyền thoại một thời. Dưới đây là 2 trận đánh như vậy, một mở ra thời kỳ Tam Quốc, một đặt dấu chấm hết cho thời kỳ này.

1. Đại chiến Xích Bích – Liên minh Tôn Lưu đại phá quân Tào

Trận Xích Bích là một trận đánh cực lớn cuối thời Đông Hán, có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời Tam Quốc. Trận đánh diễn ra vào mùa Đông năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) giữa liên quân Tôn Quyền – Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình nhà Hán của Tào Tháo.

v
Tào Tháo nam hạ Trung Nguyên quyết diệt Tôn – Lưu ôm mộng bá chủ!

Với lực lượng khổng lồ – 83 vạn quân (gần tương đương 1 triệu quân), Tào Tháo khí thế vang trời kéo xuống phía Nam với mục đích bình định thiên hạ. Gia Cát Lượng đã thuyết phục thành công quân Ngô liên minh chống Tào sau khi khuất phục đám quần Nho chủ hàng, khích tướng kế Đại đô đốc Chu Du đánh Tào bằng 2 câu thơ về nàng Kiều, thuyền cỏ mượn 10 vạn mũi tên…

Về mặt Đông Ngô, Chu Du được sự trợ giúp của Phượng Sồ tiên sinh (Bàng Thống) sang lừa Tào Tháo buộc các chiến thuyền lại với nhau cho dễ sử dụng như trên bộ, thuận lợi cho quân phương Bắc vốn ưa đồng bằng, nhưng thực tế là với mục đích khác. Sau đó, Chu Du và tướng Hoàng Cái dựng nên vở kịch trá hàng, diễn trước mặt 2 tên phản gián mà Tào Tháo cài cắm ở Đông Ngô, cuối cùng lừa được Tào Tháo vào tròng, tin rằng Hoàng Cái sắp đầu hàng Nguỵ.

Sau tất cả các kế sách vẽ ra đều rất chu toàn, kỹ lưỡng, lúc này Chu Du muốn đánh hỏa công nhưng mùa đông chỉ có gió Tây Bắc thổi ngược về phía quân Ngô mà không có gió Đông Nam thổi về phía quân Tào nên lo lắng thành bệnh. Khổng Minh và Lỗ Túc đến thăm, nói bệnh của Chu Du là tâm bệnh, lại viết phương thuốc cho Du là một bài thơ:

“Muốn phá Tào công
Phải dùng hỏa công,
Muôn việc đủ cả,
Chỉ thiếu gió Đông”. 

Chu Du xem xong phục Khổng Minh lắm, mới hỏi rằng thế nào mới có gió đông. Khổng Minh xin đi cầu gió Đông, và bảo Chu Du hãy truyền xây ngay một đài thất tinh ở chân núi Nam Bình, ông sẽ cầu gió luôn ba ngày ba đêm.

Lập tức Chu Du sai cất đài như lời Khổng Minh dặn. Khổng Minh lên đàn thắp nhang, làm phép cầu ba lần, vẫn chưa có gió. Đến canh hai, gió Đông Nam thổi tới rất mạnh, quân Hoàng Cái đúng thời điểm đó tới trá hàng quân Tào, khi áp sát liên hoàn chiến thuyền của Tào Tháo thì bất ngờ châm lửa phóng hỏa đốt với sự yểm trợ của quân trên bờ, đốt sạch quân Tào với hơn 8000 chiến thuyền chỉ trong một đêm, máu nhuộm Trường Giang…

v
Trận thuỷ chiến vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Hoa, thể hiện tài năng quân sự bậc thầy của rất nhiều anh hùng 2 nhà Tôn – Lưu.

Nhờ “gió Đông nam của Khổng Minh” mà quân Ngô đại thắng quân Ngụy, Chu Du không bị nỗi nhục mất nước, mất vợ. Quân Tào thua to bỏ chạy thục mạng. Tào Tháo may mắn thoát chết trong lúc bỏ chạy thì liên tục gặp các danh tướng như Triệu Tử Long, Trương Phi, Quan Vân Trường. May nhờ nghĩa xưa mà Vân Trường tha Tào Tháo, nếu không Tháo đã phải bỏ mạng dưới lưỡi Thanh Long Đao của ông rồi. Tình cảnh quân Tào thê thảm không sao kể xiết.

Thế chân vạc thời Tam Quốc bắt đầu hình thành từ đây, sau trận chiến nổi tiếng này.

2. Trận Di Lăng – Lưu Bị khởi đại binh trả thù cho 2 nghĩa đệ

Trong Tam Quốc Chí, trận Di Lăng có thể nói là một bước ngoặt lịch sử quan trọng dẫn đến sự thất bại của liên minh Ngô-Thục, đồng thời cũng là tiền đề để nhà Ngụy có thể thống nhất Trung Nguyên sau này.

Lưu Bị – vua Thục Hán, cả giận trước việc người em kết nghĩa của ông là Quan Vũ bị Lã Mông sát hại. Trương Phi thì bị 2 hạ tướng cắt đầu rồi hàng Đông Ngô. Lưu Bị liền tiến quân đánh đến Di Lăng báo thù. Lưu Bị cầm hơn 70 vạn quân tấn công Đông Ngô mà không nghe theo lời khuyên của thừa tướng Gia Cát Lượng.

v
Lưu Bị thân chính dẫn quân đi rửa hận cho 2 nghĩa đệ của mình.

Tất cả tướng lĩnh và binh lính của Thục được động viên cho trận chiến báo thù này, ngoại trừ Gia Cát Lượng, và Triệu Vân, những người phản đối và bị Lưu Bị ra lệnh ở lại phía sau. Có thể nói, ngay từ khi bắt đầu, đây đã là một quyết định sai lầm của Lưu Bị, bởi lẽ nó đi ngược lại hoàn toàn với kế sách của binh pháp Tôn Tử, và của Khổng Minh là Tôn-Ngô liên minh phạt Ngụy. Tuy nhiên, vì muốn trả thù cho em, Lưu Bị đã bỏ ngoài tai những lời can gián của thuộc hạ, tự mình dẫn quân đánh Tôn Quyền.

Ban đầu, Lưu Bị chiến thắng liên tiếp, tiến sâu vào lãnh thổ của Ngô. Quân Thục chủ yếu là bộ binh, mạnh khi giao chiến ở vùng núi, còn càng vào sâu lãnh thổ của Ngô, địa hình càng trở nên bằng phẳng, thuận lợi cho quân Ngô chủ yếu là kị binh và thủy quân.

v
Gia Cát Cẩn (anh trai của Gia Cát Lượng) tới làm thuyết khách xin hoà với Lưu Bị nhưng Bị đã từ chối thằng thừng.

Tôn Quyền thấy Lưu Bị tiến vào Kinh châu, vội sai Thái thú Nam quận là Gia Cát Cẩn (anh trai Gia Cát Lượng) đi giảng hòa nhưng thất bại, vì vậy chiến tranh giữa hai bên chính thức nổ ra.

Lo sợ nguy cơ từ phía Tào Ngụy ở phía bắc sẽ đến khi giao tranh nổ ra với Lưu Bị, sau khi biết tin Gia Cát Cẩn giảng hòa thất bại, tháng 8 năm 221, Tôn Quyền vội vã sai sứ tới Lạc Dương gặp Tào Phi dâng biểu xưng thần. Vì vậy Tôn Quyền tạm thời yên tâm mặt bắc để đối phó với Lưu Bị.

Trong trận Di Lăng, Lục Tốn, một tướng trẻ Đông Ngô được lệnh chỉ huy quân đội. Theo chiến thuật của ông, quân Ngô không giao chiến ở vùng núi, lui quân về củng cố lực lượng. Khi quân Thục tiến vào cũng là lúc sang hè. Quân Lưu Bị đóng trại cạnh một cánh rừng, dụ quân của Lục Tốn ra, nhưng Tốn đóng cổng thành cố thủ. Trời nắng nóng khiến quân Thục mệt mỏi. Không có Gia Cát Lượng, Lưu Bị không hiểu binh pháp ra lệnh chuyển trại vào rừng, dù tướng Mã Lương can ngăn.

Lưu Bị hạ lệnh cho quân thủy lên bộ hạ trại. Giữa Tỉ Quy và Hào Đình cách nhau 700 dặm, Lưu Bị lập ra liên tiếp mấy chục doanh trại bằng gỗ cây rừng. Lập liên trại với khoảng cách xa như vậy là sai lầm của Lưu Bị, tối kỵ đối với nhà binh. Tào Phi ở Lạc Dương nghe tin này cũng đoán Lưu Bị sẽ thất bại.

v
Lục Tốn tử thủ không ra, còn Lưu Bị thì đang rất nóng lòng muốn báo thù.

Tháng 6 nhuận năm 222, vùng Hoa Trung có gió đông nam thổi mạnh, Lục Tốn hạ lệnh cho Chu Nhiên theo đường thủy ngược dòng đánh lên vào đại bản doanh của Lưu Bị ở Khiếu Đình, trên thuyền dùng nhiều cỏ khô và củi lửa để đốt; Hàn Đương và Phan Chương đi đường vòng bên phải đến Trác Hương để chặn đường rút của đội tiên phong Thục Hán; Từ Thịnh và Tống Khiêm đi giải vây cho Di Đạo, sau đó sẽ cùng tiến vào đại trại quân Thục.

Lưu Bị có 40 trại từ Khiếu Đình đến Tỉ Quy trải dài 700 dặm. Nhằm tiết kiệm nhân lực, Lục Tốn chủ trương chỉ tấn công vào 20 trại cách nhau và gây ra hỗn loạn cho quân Thục.

v
Lưu Bị đại bại!

Nửa đêm, quân Ngô áp sát trại Thục và nổi lửa tấn công. Mùa hè nóng nực, trại quân Thục nằm trong rừng nhiều cây nên lửa rất dễ bén. Các doanh trại quân Thục nhanh chóng bốc lửa và quân Thục trở nên hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau, bị thương vong khá nhiều. Lưu Bị thua to, tìm đường chạy thoát, bị quân Lục Tốn truy kích rất sát phía sau.

May nhờ thần cơ diệu toán của Gia Cát Lượng, ông đã sớm biết cái kết của Lưu Bị trong trận này nên đã bố trí thạch trận để cắt đuổi quân Ngô, và để dạy cho viên đại tướng trẻ tuổi Lục Tốn một bài học, từ đó bảo toàn tính mạng của Lưu Bị.

Lưu Bị rút về thành Bạch Đế, còn lại chỉ 100 quân nhưng may vẫn giữ được tính mạng nhờ tài tiên liệu như thần của Gia Cát Lượng.

Lời bàn:

Có hợp rồi sẽ có tan, đó cũng là quy luật thường hằng của tự nhiên. Lịch sử như một vở diễn mà các triều đại, các thời kỳ đã lưu lại cho con người những bài học về sự thành bại, được mất, về quy luật có sinh thì sẽ có tử…. không gì là mãi mãi!

Trong trận Xích Bích cho thấy, chỉ có liên minh với nhau, đồng cam cộng khổ, cùng chung một chí hướng thì mới tạo ra kỳ tích, chiến thắng kẻ thù dẫu hùng mạnh đến đâu.

Còn trong trận Di Lăng, chỉ vì một phút nóng giận, mà cái thế “liên minh” ấy lại bị phá tan, tạo điều kiện thuận lợi để kẻ địch “ngư ông đắc lợi”. Qua đây lịch sử cũng muốn nhắn gửi cho chúng ta bài học về chữ “nghĩa” mà 3 anh em Lưu – Quan – Trương đã diễn rất thành công, nhưng cần phải nhớ, tức giận sẽ hỏng việc, nếu như Lưu Bị không quá vội vàng, thì có lẽ, kẻ bị tiêu diệt chính là nhà Tào Nguỵ chứ không phải ông!

Chân Phong

Xem thêm: