Thành ngữ cổ “ông già dưới trăng” (nguyệt hạ lão nhân -月下老人), “hữu duyên ngàn dặm dây cột lại” (thiên lý nhân duyên nhất tuyến khiên -千里姻缘一线牵), là có ý muốn nhắc nhở chuyện hôn nhân đại sự là do ông trời đã sớm định từ trước.

Xem thêm: Quan niệm về hôn nhân của người xưa (Phần 1: Tín)

Thời nhà Đường có người tên là Vi Cố (韦固) cha mẹ sớm qua đời từ khi còn nhỏ, muốn lập gia thất sớm nhưng không thể làm được như ý muốn. Trinh Quán [*] năm thứ hai, anh ta đến Thanh Hà dạo chơi, giữa đường trú lại một lữ quán ở mặt nam Tống Thành. Thế rồi bỗng có người mai mối, nói đó là con gái của quan Tư mã họ Phan ở Thanh Hà, yêu cầu sáng sớm ngày mai mời Vi Cố đến trước cổng miếu Long Hưng gặp mặt người nhà họ Phan.

001oh3T9zy6KVz4dbDJ83&690

Vi Cố suốt đêm vui mừng phấn chấn, hôm sau tờ mờ sáng đã vội đến trước cổng miếu, lúc đó ánh trăng lung linh vẫn còn treo lơ lửng trên nền trời! Bỗng anh ta thấy một ông lão ngồi tọa trên bậc thềm, bên cạnh để một cái túi vải, đang đọc sách dưới ánh trăng. Vi Cố tiến lên trước xem thử nhưng không hiểu những chữ trong sách, bèn hỏi ông lão: “Lão tiên sinh xem sách gì thế? Cháu khổ học từ nhỏ, tại sao chưa từng thấy những chữ trong sách này?” Ông lão mỉm cười hiền từ, đáp: “Đây không phải sách của thế gian, sao cậu có thể thấy qua được”.

Vi Cố lại hỏi: “Thưa ông, vậy sách này có từ đâu?” Ông lão đáp: “Sách của âm phủ”. Vi Cố ngạc nhiên: “Sao người dưới âm phủ lại đến đây được?” Ông lão trả lời: “Là do cậu đến quá sớm chứ không phải đây là nơi ta không thể đến. Phàm là quan viên cõi âm không chỉ cai quản việc dưới cõi âm mà còn coi sóc việc nhân gian, vậy sao không thể hành tẩu ở nhân gian?”

Vi Cố lại hỏi: “Vậy cụ cai quản việc gì?” Ông lão đáp: “Chuyện hôn nhân đại sự của mọi người”. Vi Cố phấn chấn hỏi: “Từ nhỏ cháu đã không còn cha mẹ nên muốn lập gia thất sớm một chút để sinh con cái, nhưng mười mấy năm qua cháu đã cầu thân nhiều nơi đều không thành. Hôm nay có người mai mối cho con gái của quan Tư mã họ Phan, nhờ cụ xem giúp liệu chuyện hôn sự lần này có thành công được không?”

Ông lão trả lời: “Không thành, nàng dâu của cậu mới vừa 3 tuổi, phải chờ đến năm 17 tuổi mới vào nhà cậu ở được”. Vi Cố lại hỏi: “Trong cái túi của cụ mang gì thế?”

Ông lão đáp: “Dây tơ hồng! Dùng để cột vào chân của hai người. Chờ khi họ an định, ta sẽ lặng lẽ cột vào chân của họ. Bất kể hai nhà họ là thù địch hay giàu nghèo cách biệt, hoặc cách xa muôn sông ngàn núi, chỉ cần buộc dây tơ hồng vào rồi thì không thể nào thoát khỏi nhau được. Chân của cậu với cô gái kia cũng được buộc rồi, cậu tìm người khác có ích gì?”

Vi Cố hỏi tiếp: “Vậy nàng dâu của con là ai? Nhà ở đâu?” Ông lão trả lời: “Con gái nhà bán rau ở mặt bắc lữ quán”. Vi Cố hỏi: “Con muốn đi xem thử được không?” Ông lão đáp: “Bà cụ luôn bế cô bé theo khi đi bán rau, lát nữa cậu đi theo ta sẽ chỉ cho”.

Đến khi trời sáng, Vi Cố không thấy có ai đến như lời hẹn.

Ông lão cuốn sách lại rồi đeo cái túi vào và lên đường, Vi Cố theo ông lão đến chợ, thấy có bà lão bị mù một mắt đang ẵm một bé gái 3 tuổi, trông vô cùng bẩn thỉu khó coi. Ông lão chỉ vào bé gái và nói với Vi Cố: “Đó là vợ của cậu”.

Vi Cố hỏi giọng bực tức: “Cháu giết chết bé gái này được không?” Ông lão nói: “Số mạng bé gái này được ấn định đại phú quý, sẽ cùng cậu chung hưởng hạnh phúc, sao có thể giết được?” Dứt lời ông lão biến mất.

Vi Cố trở về nhà mài sẵn một con dao rồi đưa cho người nô bộc, nói: “Nếu ngươi giúp ta giết chết đứa bé đó, ta sẽ cho ngươi một vạn đồng tiền”. Người nô bộc kia nhận lời, giấu con dao trong tay áo rồi đi ra chợ, nhân lúc mọi người chen chúc lộn xộn liền thọc bé gái kia một dao rồi tháo chạy.

Khi trở về, Vi Cố hỏi nô bộc: “Đâm có trúng không?” Nô bộc đáp: “Tôi muốn đâm vào tim nhưng không trúng, trúng ngay giữa hai chân mày”.

Thế rồi sau đó Vi Cố trải qua nhiều lần cầu hôn đều không thành công.

Thấm thoắt 14 năm trôi qua, Vi Cố tòng quân trở thành thuộc hạ của quan Thích sử Vương Thái. Thấy Vi Cố có tài, Vương Thái liền gả con gái cho anh ta. Nàng dâu mới của Vi Cố vừa khoảng mười sáu, mười bẩy tuổi, dung nhan mỹ miều, Vi Cố tâm như ý nguyện, nhưng lại thấy giữa hai chân mày vợ mình luôn đính một bông hoa giấy nhỏ, cả khi tắm gội cũng không lấy ra.

6597266579239707075

Sau này khi Vi Cố hỏi, người vợ nước mắt ròng ròng nói: “Thiếp là cháu của quan Quận thủ đại nhân, không phải con đẻ của ông. Cha thiếp trước đây là quan Huyện lệnh của Tống Thành, chết lúc đương chức. Lúc đó thiếp còn đang quấn tã lót, thân mẫu và anh trai cũng lần lượt qua đời. Nhà chỉ còn lại cái chái ở mặt nam Tống Thành, thiếp sống ở đó với người nhũ mẫu Trần Thị, hàng ngày dựa vào nghề bán rau sống qua ngày”.

“Vú nuôi Trần Thị thương thiếp còn quá nhỏ nên lúc nào cũng bồng thiếp đi theo. Năm 3 tuổi, trong một lần ẵm thiếp ra chợ bán rau thì bị một tên côn đồ đâm trúng một dao vào giữa hai chân mày, để lại vết sẹo, vì thế thiếp phải dùng bông hoa giấy nhỏ đính vào để che đi. Thúc thúc đến nhận chức ở huyện Lư Long đã bảy, tám năm nay, thiếp may mắn được theo thúc thúc, nay lấy danh nghĩa là con gái của ông mà gả cho chàng”.

Vi Cố nói: “Người đâm nàng là do ta phái đi, đây quả là chuyện kỳ lạ!” Thế rồi Vi Cố đem toàn bộ câu chuyện kể lại cho vợ nghe. Từ đó hai vợ chồng ngày càng tương kính như tân, sau này sinh hạ một bé trai đặt tên là Vi Côn (韦鲲), lớn lên làm quan Thái thú tại Nhan Môn. Thân mẫu được phong Thái Nguyên quận Thái phu nhân.

Kể từ đó, người ta gọi người làm mai mối se duyên nam nữ là “ông lão dưới trăng”, cũng gọi là “bà nguyệt”. Cách nói “hữu duyên ngàn dặm dây cột lại” (thiên lý nhân duyên nhất tuyến khiên -千里姻缘一线牵) cũng xuất phát từ đây.

Như vậy, chuyện duyên phận do trời định là thế, có ý nói sức người khó lòng thay đổi được. Quan điểm này cũng phổ biến trong văn hóa phương Tây, gọi là “duyên phận do trời định” (nhân duyên thiên chú định -姻缘天注定).

100415032009100445--ss1

Nếu nói duyên phận do trời định, vậy chẳng lẽ cách thức mà người ta đưa hai người đến với nhau là không có chủ định? Vì dù là “trời” định, cũng cần qua cách thức nào đó để đến với nhau. Ví như ngày xưa thường là do ý nguyện của cha mẹ, hoặc nhờ người mai mối, có phải cũng là một thứ hình thức do “trời” thông qua một người nào đó thực hiện?

Đã là do số mệnh thì có cần gặp nhau trước khi kết hôn? Có cần tìm hiểu đối phương? Cũng không cần phải băn khoăn việc người đó mình có thích hay không, vì dù sao kết quả cũng không thể nào thay đổi được.

Do người xưa tin vào mệnh trời nên vui vẻ chấp nhận sự an bài của ông trời, nói theo kiểu thời nay đó là “thản nhiên đối diện với thực tế”, quan trọng là sau này hai người lấy lễ nghĩa đối đãi với nhau, mỗi người giữ bổn phận của mình, sống chân thành bao dung, vì không đơn giản tờ giấy kết hôn có thể ràng buộc được, mà tự nhiên phải làm như thế.

Vì thế, chuyện hôn nhân của người xưa đa số bền chặt, cam tâm tình nguyện với nhân duyên vợ chồng mà ông trời đã định, nếu tốt thì được hưởng mà không tốt cũng đành chịu, vì nghĩ đó là số mệnh của mình, không đòi hỏi gì nhiều, thuận theo tự nhiên, gặp ai thì yên phận với người đó.

Người hiện đại không tin vào thần thánh, số mệnh, họ tin vận mệnh nằm trong tay mình, hạnh phúc của mình do mình nắm bắt. Họ đi tìm trong biển người mênh mông mù mịt, điều kiện thường đều là đáp ứng yêu cầu cái tôi cá nhân của mình. Nhưng kết quả thường nhiều đổ vỡ, mất mát, thân tâm mệt mỏi, đến cuối cùng người họ tìm được e rằng cũng vẫn là người đã bị Nguyệt lão kết dây tơ hồng, vậy thì quá trình tìm kiếm gian khổ ấy cũng chỉ là một hình thức mà “ông trời” an bài cho người hiện đại.

Nếu phải so sánh, vậy cách chọn bạn đời kiểu nào hay hơn?

Đương nhiên, người hiện đại vì lo lắng vận mệnh của mình bị sắp đặt không tốt nên muốn mình được làm chủ, thế nhưng “ông trời” đã căn cứ vào đâu để sắp xếp duyên phận mỗi người? Có phải vào lẽ công bằng hợp lý không?

Xin thảo luận tiếp trong bài sau: “Ngọn nguồn duyên phận phu thê”

—-

[*] Niên hiệu vua Đường Thái Tông, Lý Thế Dân (627 – 649)

Xem thêm: